Việc ứng dụng CBD vào chu trình chăm sóc da hằng ngày đang dần trở thành một trong những xu hướng nhận được sự quan tâm đáng kể của người dùng và những đơn vị nghiên cứu, phát triển công thức mỹ phẩm. Tuy nhiên, vẫn có vô vàn những sự tranh cãi và thắc mắc về việc sử dụng thành phần này. Trong bài viết này, chúng tôi cung cấp các thông tin đúng đắn và cập nhật về định nghĩa, thành phần cũng như những lợi ích đã được chứng minh của việc ứng dụng CBD trong chăm sóc da.
CBD (cannabidiol) là một trong hơn 100 loại cannabinoid được tìm thấy trong cây gai dầu, lần đầu tiên được phân lập vào năm 1940 và cấu trúc của nó được xác định năm 1963. Tuy nhiên trong lịch sử, loài cây này là một trong những cây thuốc dân gian đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ, tại nhiều nền văn hóa. Tài liệu lịch sử y học cổ đại ghi lại rằng, các chế phẩm từ gai dầu (thân, lá, hóa) đã được sử dụng để làm giảm các triệu chứng ngoài da. Chúng thường được trộn với chất béo để dùng làm thuốc đắp lên da giúp kháng khuẩn và chống viêm. Ngày nay, quy mô thị trường các sản phẩm dưỡng da có thành phần CBD trên toàn cầu đang có những bước tăng trưởng liên tục và được dự đoán sẽ bùng nổ và gây cơn sốt trong những năm tiếp theo.
Các sản phẩm từ CBD ngày càng trở nên phổ biến, được sử dụng dưới dạng uống và bôi ngoài da, đặc biệt với những người gặp vấn đề rối loạn giấc ngủ, lo lắng và đau mãn tính. Ngành mỹ phẩm cũng đã đầu tư nghiên cứu ứng dụng và thử nghiệm các sản phẩm có chứa thành phần CBD, phát triển các sản phẩm có hiệu suất cao để chăm sóc làn da nhạy cảm và dễ bị mụn trứng cá.
- Nguồn gốc dầu CBD
CÂY CANNABIS
Cannabis là một chi thực vật có hoa trong họ Cannabaceae. Tại thời điểm hiện tại, con người phân chia chi này thành 3 loài: Cannabis sativa, Cannabis indica, and Cannabis ruderalis.
Cannabis có nguồn gốc từ Châu Á. Chúng có lịch sử thuần hóa rất lâu đời do những ứng dụng mà chúng mang lại như nguồn cung cấp sợi dệt, các hợp chất thuốc và tác dụng thần kinh.
Cannabis là thuật ngữ dùng chung của cây gai dầu (hemp) và cần sa (marijuana). Đặc điểm duy nhất để phân biệt hai loại cây này là dựa trên hàm lượng THC trong cây. Cây gai dầu (hemp) là các giống Cannabis có chứa hàm lượng THC ít hơn hoặc bằng 0,3% theo trọng lượng khô, trong khi cần sa (marijuana) là các giống cannabis có chứa trên 0,3% THC. Về mặt kỹ thuật, CBD có thể chiết tách từ cả hai nguồn này.
- Phương pháp chiết tách CBD
Hiện nay, ba phương pháp chính được sử dụng để chiết tách CBD gồm chiết xuất carbonic siêu tới hạn (CO2 extraction), chưng cất hơi nước và chiết xuất dung môi. Trong đó phương pháp chiết xuất CO2 là phương pháp mang lại hiệu suất cao, tiêu tốn ít dung môi, chất lượng tinh dầu tốt về thành phần và mùi hương.
Khi tìm hiểu về CBD, bạn có thể sẽ tìm thấy các thuật ngữ CBD chiết xuất toàn phần (CBD full spectrum), CBD phân lập (CBD isolate) và CBD phổ rộng (CBD broad spectrum). Ý nghĩa của chúng là:
- CBD phân lập: Dạng CBD tinh khiết nhất, chủ yếu được chiết xuất từ cây gai dầu, do nồng độ THC thấp. CBD phân lập được sản xuất bằng cách loại bỏ tất cả các hợp chất khác được tìm thấy trong cây bao gồm các cannabinoids.
- CBD toàn phần: Chiết xuất này chứa toàn bộ các hợp chất xuất hiện trong cây gai dầu tự nhiên bao gồm CBD, CBN, CBG, axit béo, vitamin, khoáng chất và các cannabinoid khác. Hàm lượng THC có trong CBD toàn phần ở lượng vết, với nồng độ khoảng 0,3%.
- CBD phổ rộng: Chiết xuất này chứa toàn bộ các hợp chất xuất hiện trong cây gai dầu tự nhiên, giống như CBD toàn phần, tuy nhiên, THC được loại bỏ hoàn toàn khỏi chiết xuất này.
- Nghiên cứu về CBD Cannabinoids và cách thức hoạt động của chúng
Cannabinoids là một nhóm các hợp chất có hoạt tính dược lý. Chúng được chia làm ba loại:
- Cannabinoids nội sinh hay Endocannabinoids: Do cơ thể chúng ta tự sản sinh, có vai trò quan trọng trong điều tiết cơ thể.
- Phytocannabinoids: Chủ yếu được tìm thấy trong các loài cannabis.
- Cannabinoid tổng hợp: Được sản xuất trong phòng thí nghiệm.
CBD (Cannabidiol) là một trong 113 loại cannabinoid được phát hiện trong giống cây Cannabis và có tiềm năng điều trị rất lớn. Đây là một hợp chất có trong tự nhiên mang lại cho người dùng cảm giác thư giãn và bình tĩnh, không gây hiệu ứng tâm lý và có một loạt những tác động tích cực tới cơ thể: giảm đau, chống viêm, chống khối u, bảo vệ thần kinh,…
Một hợp chất quan trọng khác cũng được tìm thấy trong giống cây Cannabis là THC (Delta (9) –tetrahydrocannabino), một hợp chất thần kinh có tác dụng gây ảo giác. THC là một trong những lý do chính đằng sau những điều cấm kỵ liên quan đến việc sản xuất và sử dụng các sản phẩm chứa CBD tại một số quốc gia. Tuy nhiên, việc kết hợp THC với hàm lượng cho phép trong các sản phẩm CBD sẽ mang lại hiệu ứng cộng hưởng, giúp tạo hiệu quả tối ưu.
CBD HOẠT ĐỘNG TRÊN DA NHƯ THẾ NÀO?
Vai trò của hệ thống Endocannabinoid trong điều hòa miễn dịch cơ thể: hỗ trợ các điều trị cục bộ trên da. Hệ thống này tham gia vào các chức năng da bằng cách điều chỉnh sự tăng trưởng, biệt hóa tế bào và các phản ứng miễn dịch, viêm nhiễm. Do đó, rối loạn hệ thống endocannabinoid có thể dẫn đến đến các bệnh ngoài da.
Hệ thống Endocannabinoid trong cơ thể chúng ta được cấu tạo bởi hai loại thụ thể cannabinoid CB1 và CB2. Chúng phân bố trong da thông qua các tế bào sừng, tế bào hắc tố, trong nang lông, tuyến bã nhờn và mồ hôi. Nói một cách dễ hiểu, điều này có nghĩa, khi Cannabidiol được bôi lên da sẽ có khả năng kết nối với các thụ thể và điều chỉnh một số quá trình sinh lý da nhất định. Các tác dụng chính của CBD trong chăm sóc da bao gồm chống oxy hóa và chống viêm.
Các giả thuyết về cơ chế hoạt động giải thích cho tác dụng của CBD khi bôi ngoài da liên quan đến sự tăng sinh tế bào huyết thanh, kiểm soát bã nhờn, hoạt động chống viêm và cơ chế ức chế phát triển tế bào không mong muốn. Các tài liệu y khoa đã chỉ ra một số bằng chứng về vai trò của CBD trong kiểm soát triệu chứng các bệnh về da (vẩy nến, chàm, ngứa, viêm da dị ứng, mụn trứng cá) thông qua cơ chế giảm đau mãn tính, giảm cảm giác ngứa và giảm viêm.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng CBD có thể ức chế sự tăng sinh tế bào sừng biểu bì và kích thích quá trình apoptosis (tế bào chết), làm giảm phản ứng histamine ở da người. Các nghiên cứu cũng ghi nhận việc sử dụng CBD trong điều trị mụn viêm do khả năng làm giảm sự tăng sinh của tế bào huyết thanh ở người.
- CBD trong chăm sóc da
Các tác dụng da liễu của CBD được mô tả ở trên là tiền đề để nhà sản xuất ứng dụng CBD vào công thức mỹ phẩm và tạo ra các sản phẩm chăm sóc da. Tác dụng chống oxy hóa của CBD là trụ cột quan trọng trong việc hình thành và phát triển sản phẩm chống lão hóa cho da, trong khi tác dụng chống viêm được ứng dụng để điều tiết bã nhờn, dành cho da dễ bị mụn trứng cá. Các bệnh nhân gặp vấn đề da liễu như bệnh chàm và viêm da sẽ được hưởng lợi từ việc sử dụng CBD bôi ngoài da giúp giảm đau và điều chỉnh tăng sinh biểu bì.
Những tác dụng tiềm năng của CBD trong chăm sóc da:
- Giữ ẩm
- Cải thiện hàng rào bảo vệ da
- Làm dịu da
- Kiểm soát bã nhờn, chống viêm, thích hợp cho làn da dễ lên mụn và nhạy cảm
- Sản phẩm bổ sung cho làn da gặp các vấn đề da liễu như vẩy nến, viêm da dị ứng.
Hiện tại, những nghiên cứu về Cannabis nói chung và CBD nói riêng, cũng như tác dụng y tế và liệu pháp điều trị của chúng vẫn còn bị hạn chế do những vấn đề về tính pháp lý tại một số quốc qua. Sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý trong việc hợp pháp hóa sử dụng cần sa y tế sẽ hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và ứng dụng CBD một cách rộng rãi hơn. Đặc biệt đối với ngành công nghiệp mỹ phẩm, thị trường các sản phẩm chăm sóc da chứa thành phần CBD được kỳ vọng sẽ tạo được sức hút và tăng trưởng mạnh trong tương lai gần.
Tài liệu tham khảo
Formula Botanica, 2019, The formulator’s guide to CBD skincare
Jhawar et all, 2019. The growing trend of cannabidiol in skincare products
Del Rio et all, 2018. The endocannabinoid system of the skin. A potential approach for the treatment of skin disorders
Biró et. all, 2009. The endocannabinoid system of the skin in health and disease: novel perspectives and therapeutic opportunities
Đơn Vị Tài Trợ: