Dữ kiện về cần sa

Trồng lậu cây cần sa hay trồng cỏ, nếu gọi theo tiếng lóng, ngày nay đã trở thành một hình thái sinh hoạt gây chú ý tại các cộng đồng người Việt tại hải ngoại và cả trong lãnh thổ Việt Nam. Ngày nay, mỗi khi nghe đến hai tiếng trồng cỏ, chúng ta tự nhiên bắt nghĩ đến việc trồng cần sa phi pháp hơn là việc trồng cỏ thiệt theo danh chánh ngôn thuận. Phần lớn chúng ta chưa hề thấy cây cần sa ra làm sao, thuốc cần sa đã chế biến để hút trông nó như thế nào. Đôi khi chúng ta đi ngoài phố bắt gặp một mùi khói khác lạ với khói thuốc lá thông thường. Chúng ta tự hỏi hay đây là mùi khói thuốc cần sa. Đoán mò vậy thôi chứ không chắc.

Cần sa do từ tên khoa học Cannabis Sativa tức cây gai dầu của ta, có khi còn được biết qua tên Hán Việt là Bồ Đà. Tên Anh ngữ là hemp, marijuana, cannabis, hashish; tiếng lóng thì nhiều lắm, nào là herb, grass, pot, weed, v.v. Ðại Ma 大麻 là tên gọi cây cần sa bằng Hoa ngữ. Vì nhầm lẫn, mới nghe qua cứ ngỡ là Bồ Đề Đạt Ma đại sư, một vị tổ Thiền Tông Trung Hoa của Thiếu Lâm Tự. Tên đẹp đẽ như thế chứ không nôm na như thuốc lá, thảo nào cần sa được dân hút và dân trồng buôn lậu trân quí lắm. Dân hút cũng khá nhiều đấy, vì theo thống kê, suýt soát phân nửa (44%) dân số Canada đã từng hút thử qua cần sa. Dân trồng chắc cũng nhiều, nếu không nhiều sao đủ thuốc mà cung cấp cho dân hút bản xứ (khoảng 15%) và xuất cảng qua Mỹ khoảng 85% nữa vì dân hút Mỹ rất khoái cỏ Canada, nhất là “B.C. Bud”. Dân hút bên bờ Nam biên giới Cà-Hoa (Cà-na-điên và Hoa-kỳ) rất khoái loại cần sa trồng ở tỉnh bang British Columbia, Gia Nã Ðại. Họ gọi cần sa B.C. là “gourmet pot” là loại cần sa ngon của dân sành ăn chơi, và họ gọi nó bằng tên tiếng lóng là “B.C. Bud”.

 

Dữ kiện về cần sa

Sau đây là một số dữ kiện về cần sa thu thập được từ trang web Cannabis News:

1. Cần sa sử dụng để hút được lấy từ búp cần sa đã sấy khô.
2. Tại Hoa Kỳ, cần sa là dược chất cấm được dùng nhiều nhất.
3. Hơn 100 triệu người Mỹ dùng qua cần sa ít nhất là một lần trong đời; 25 triệu người Mỹ hút trong năm ngoái.
4. Mỗi ngày có khoảng 6,000 người Mỹ hút thử cần sa lần đầu.
5. Trên toàn cầu, khoảng 162 triệu người trưởng thành hút cần sa ít nhất mỗi năm một lần; 22.5 triệu người hút thường xuyên mỗi ngày.
6. Hút cần sa là một phần nghi thức của nhiều truyền thống tôn giáo. Trong các quốc gia theo Hồi giáo, việc hút cần sa được chấp nhận bên cạnh cà phê và thuốc lá, nhưng rượu thì tuyệt đối không.
7. Sau rượu, cần sa là dược chất giải khuây gây thay đổi cảm xúc phổ biến nhất trên thế giới.
8. Gần 40% học sinh trung học ở Mỹ thử qua cần sa ít nhất một lần; 20% dùng thường xuyên.
9. Theo nghiên cứu, một người trung bình phải hút liên tiếp một lần 800 điếu cần sa mới chết, nhưng nguyên nhân cái chết là do nhiễm hơi độc thán khí carbon monoxide.
10. Có hơn 200 tiếng lóng để gọi cần sa trong Anh ngữ. Những tên lóng thường nghe nhất là pot, grass, weed, hash, và ganja.
11. Tên khoa học quốc tế của cần sa là cannabis sativa nhưng ở Mỹ quen dùng từ ngữ marijuana. Các cách đánh vần khác của chữ nầy là marahuana và marihuana.

12. Chữ marijuana xuất xứ từ tiếng lóng của Mễ để gọi cần sa, có lẽ do từ âm Tây Ban Nha của hai tên Mary và Jane. Hai tên này là tiếng lóng thường dùng trong quân ngũ Mễ Tây Cơ để chỉ gái điếm hoặc nhà chứa. Tên gọi marijuana trở nên phổ thông ở Hoa Kỳ vào cuối thế kỷ thứ 19.
13. Cây cần sa có thể mọc hầu như ở bất cứ môi trường nào, trung bình mọc dài ra từ một tới hai phân Anh mỗi ngày và có thể đạt tới chiều cao 18 feet (cao gần bằng 5 thước rưỡi) trong điều kiện lý tưởng.
14. Hoạt chất chính trong cần sa là chất THC. Hóa chất này tạo ra hiệu ứng thay đổi tính khí cho người hút.
15. Ảnh hưởng nhẹ sau khi hút là cảm giác lâng lâng ngây ngất mơ ảo, mất ý niệm về thời gian, nhạy thị giác và hoang tưởng.
16. Tùy điều kiện vun trồng và giống canh tác, chất THC trong cây cần sa có thể thay đổi từ 3 đến 25%.
17. Hạt cây cần sa được dùng làm nguồn thực phẩm ở Trung Hoa 6,000 năm trước Kỷ Nguyên Cơ Đốc.
18. Việc dùng cần sa cho mục đích y học xảy ra lần đầu tiên năm 2737 trước Kỷ Nguyên Cơ Đốc bởi hoàng đế Thần Nông (Shen Nung) của Trung Hoa. Nhà vua ghi chú lại tính công hiệu của cần sa đối với chứng phong thấp và sưng khớp.
19. Đạo luật đầu tiên trên thuộc địa châu Mỹ vào năm 1619 đòi hỏi nông gia trồng cây gai dầu (cây cần sa) để lấy chất liệu dệt vải bố, làm buồm và bện giây thừng.
20. Trong thời kỳ phong trào cải cách xã hội trong thập niên 1890 ở Hoa Kỳ, cần sa từng được khuyến cáo dùng thay thế cho rượu với lý do uống rượu quá độ có thể đưa đến bạo động gia đình trong khi hút cần sa thì không.
21. Cần sa lần đầu tiên bị cấm sử dụng ở Mỹ bởi đạo luật Thuế Cần Sa năm 1937. Luật này không cấm dùng nhưng áp đặt mức thuế cao không tưởng khiến cho việc mua bán và sử dụng cần sa xem như không thể thực hiện được.

22. Tháng Mười năm 1937, Samuel Caldwell trở thành công dân Mỹ đầu tiên bị bắt về tội bán cần sa trốn thuế theo luật mới vừa ban hành. Ông này bị phạt 1,000 Mỹ kim và bốn năm lao động khổ sai tại trại tù khét tiếng Leavenworth ở Kansas.
23. Trước khi bị cấm, việc trồng cây cần sa mang lại nguồn lợi hoa mầu chính cho nông dân Mỹ thời kỳ tiền phong. Hai bản nháp đầu tiên của Bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ là giấy làm bằng từ cây cần sa.
24. Đạo luật về Các Dược Chất Cần Kiểm Soát (Controlled Substances Act) ban hành năm 1970 đã bất hợp pháp hóa việc sở hữu, dùng, mua, bán, trồng cần sa ở Hoa Kỳ. Luật này xếp cần sa vào danh sách Một, có nghĩa là thuộc loại nguy hiểm nên cấm triệt để.
25. Sản xuất và vận chuyển lậu cần sa là dịch vụ lớn nhất trên thị trường dược chất gây nghiện độc hại của thế giới. Cần sa lại có thể trồng hầu như ở bất cứ đâu. Dữ kiện của Sở Dược Chất và Tội Ác của Liên Hiệp Quốc UNODC (The United Nations Office on Drug and Crimes) cho thấy có 172 quốc gia và vùng lãnh thổ được biết có trồng cần sa.
26. Paraguay được tin là quốc gia sản xuất cần sa đứng đầu trên thế giới.
27. Cũng theo cơ quan UNODC, những nước đứng đầu có số dân hút cần sa nhiều nhất là Hoa Kỳ, Canada, Anh quốc, Tây Ban Nha, Pháp quốc, Nam Phi, và Tân Tây Lan.
28. Trong năm 2007, riêng tại Hoa Kỳ, gần 900,000 vụ bắt giữ vì vi phạm cần sa. Khoảng 90% những người này bị bắt giữ chỉ vì tội sở hữu cần sa.
29. Từ năm 1850 đến năm 1942, cần sa được liệt kê trong Bách Khoa Tự Điển Dược Phẩm Hoa Kỳ là loại thuốc hữu ích cho các chứng nôn mửa, phong thấp, đau bụng lâm bồn; và nó có thể mua dễ dàng ở các cửa hiệu bách hóa hoặc nhà thuốc tây.

30. Những người ủng hộ việc dùng cần sa để chữa bệnh tin rằng cần sa có giá trị y dược quan trọng và hữu ích cho các bệnh nhân mắc các chứng bệnh như AIDS, mắt cườm, ung thư, teo cơ, phong hủi, và đau nhức kinh niên. Nhiều kết quả khảo cứu đã được xuất bản hỗ trợ cho niềm tin trên.
31. Năm 2003, Canada trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cung cấp cần sa để chữa trị các bệnh nhân bị cơn đau đớn hành hạ.
32. Năm 1996, California trở thành tiểu bang đầu tiên của Hoa Kỳ cho phép bệnh nhân dùng cần sa chữa trị hợp luật nếu có sự ưng thuận của y sĩ.
33. Mặc dù cần sa vẫn còn là duợc chất cần kiểm soát theo luật liên bang, đã có 23 tiểu bang Hoa Kỳ cho phép dùng cần sa trong mục đích y học. Ngoài ra còn có 17 tiểu bang khác cùng với Quận hạt Columbia nhìn nhận giá trị y học của cần sa nhưng không bảo vệ người dùng khỏi sự kết tội của liên bang.

 

Các vị tổng thống Mỹ nghĩ gì về cần sa?

Đọc qua các dữ kiện trên, chúng ta được biết trước khi bị cấm, việc trồng cây cần sa mang lại nguồn lợi hoa mầu chính cho nông dân Mỹ thời kỳ tiền phong và hai bản nháp đầu tiên của Bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ là giấy làm bằng từ cây cần sa tức cây gai dầu. George Washington, vị tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ cũng từng là một nông gia trồng cây gai dầu. Nhưng điều ông có hút cần sa hay không mãi mãi vẫn còn là một nghi vấn. Có điều Washington cũng như hai vị tổng thống gốc nông dân kế vị ông là John Adams và Thomas Jefferson, nếu còn sống, sẽ không khỏi kinh ngạc khi thấy việc trồng cây gai dầu giờ đây bị cấm.

Để thấy được tính cách vừa dễ trồng vừa có nhiều công dụng và mang lại nguồn lợi lớn của cây gai dầu, ta hãy nghe các vị tổng thống đầu tiên đó nhận xét như sau.

George Washington nói: “Make the most you can of the Indian Hemp seed and sow it everywhere.” (Đồng bào hãy tận dụng tối đa hột giống cây gai dầu và gieo trồng nó khắp mọi nơi.)

John Adams nói: “We shall, by and by, want a world of hemp more for our own consumption.” (Chúng ta muốn trong tương lai một thế giới có nhiều cây gai dầu hơn cho chúng ta tiêu thụ.)

Thomas Jefferson nói: “Hemp is of first necessity to the wealth and protection of the country.” (Cây gai dầu là điều thiết yếu nhất cho sự thịnh vượng và bảo toàn của xứ sở.)

Còn ông Abraham Lincoln, đang trong thời gian ra tranh cử chức vụ tổng thống, ông viết một bức thư cho giám đốc công ty chế tạo kèn harmonica hiệu danh tiếng Hohner của Đức quốc, nói: “Two of my favorite things are sitting on my front porch smoking a pipe of sweet hemp, and playing my Hohner harmonica.” (Hai điều tôi thích nhất là ngồi trước thềm nhà làm một điếu cần sa và chơi kèn harmonica hiệu Hohner.)

Tổng thồng Jimmy Carter nói: “I support legislation amending Federal law to eliminate all Federal criminal penalties for the possession of up to one ounce of marijuana.” (Tôi ủng hộ đề án tu chính luật liên bang nhằm hủy bỏ mọi trừng phạt hình sự liên bang đối với việc sở hữu một ounce 28.349 gram cần sa trở xuống.) Một ounce bằng 28.349 gram, tương đương 20 điếu cần sa.

Còn tổng thống đương nhiệm Barack Obama nói thật và nói thẳng nhìn nhận chuyện của mình làm: “I inhaled frequently. That was the point.” (Tôi có hít đều đều. Điểm chính nó là như thế.) Ông dùng động từ “inhaled” thì quá khứ, chuyện hút hít là xưa kìa, là thời ông còn là sinh viên kìa; còn bây giờ thì không.

Chứ không phải như cựu tổng thống Bill Clinton khi bị báo chí chất vấn đã chối khéo “I tried marijuana once. I did not inhale.” (Tôi có thử một lần. Tôi không có hít vào.)

Các ngài thủ tướng Canada của ta thì sao? Họ nghĩ gì về cần sa? Trước khi trao ghế thủ tướng lại cho Paul Martin, Jean Chretien, một người ủng hộ hôn nhân đồng tính và hợp thức hóa việc dùng cần sa ở số lượng ít, cho biết rằng ông chưa từng hút thử cần sa nhưng có thể ông sẽ thử sau khi về hưu.

Thủ tướng Pierre Elliot Trudeau có tiếng là một tay chơi hào hoa phong nhã, đâu dễ gì bỏ qua món này. Lúc trẻ ông từng hút điếu cày, là “bong”, là “hooka pipe” trong Anh ngữ. Margaret Trudeau, người vợ trẻ của ông trước khi lấy ông, cũng từng cặp bồ với một tay hippie và có hút cần sa.

 

Một số nhân vật nổi tiếng khác từng hút cần sa

Chúng tôi xin ghi lại chỉ một số thôi (theo CannabisFacts.ca)

Hoạ sĩ Pablo Picasso
Tổng Thống John F. Kennedy
Tổng thống George W. Bush
Phó tổng thống Al Gore
Chủ tịch Quốc Hội Newt Gingrich
Thị Trưởng thành phố New York Michael Bloomberg
Các nhạc sĩ Louis Amstrong, John Lennon, Sir Mick Jagger, Art Garfunkel
Các ca sĩ Johnny Cash, Willie Nelson, Bob Dylan, John Denver, Whitney Houston, Dionne Warwick, Neil Young
Xướng ngôn viên đài truyền hình Tom Brokaw, Conan O’Brian
Khoa học gia vật lý giải Nobel Richard Feymann
Tay đua xe hơi Ross Rebagliati
Tiểu thuyết gia Stephen King
Cặp vợ chồng ca nhạc sĩ Sir Paul McCartney và Linda McCartney
Cặp vợ chồng Ted Turner (chủ đài CNN) và Jane Fonda (nữ tài tử điện ảnh)
Các tài tử điện ảnh Robert Mitchum, Peter Fonda, Jack Nicholson, Bill Murray, Prad Pitt, Keanu Reeves, Harrison Ford, Woody Harrelson, Jennifer Aniston
Các đạo diễn điện ảnh Francis Ford Coppola, Oliver Stone

 

Tính cách luật pháp của cần sa ở Canada

Tính cách luật pháp của cần sa ở Canada còn đang trong vòng tranh cãi. Tòa án Ontario (khá cởi mở so với các tỉnh bang khác) nhiều lần lập lại tuyên bố rằng luật pháp về cần sa của Liên Bang Canada vô hiệu lực. Tuy nhiên thách đố với luật liên bang không có nghĩa là bôi bỏ các điều khoản thích đáng của bộ luật hình sự và Đạo Luật về Dược Phẩm Bị Kiểm Soát và Các Chất Độc Hại (Controlled Drugs and Substances Act). Dịch vụ cảnh sát và công tố tại các địa khu pháp trị khác của Canada vẫn truy áp tội tàng trữ cần sa.

Trồng cây cần sa ở Canada hiện vẫn còn coi là bất hợp pháp với trường hợp ngoại lệ dùng cho mục đích y học. Còn đối với đại đa số quần chúng Canada, hút cần sa là chuyện nhỏ được chấp nhận rộng rãi. Có hội các bà mẹ chống uống rượu lái xe, nhưng chẳng thấy có hội tư nhân nào chống cần sa hoặc xuống đường biểu tình chống nó.

Kể từ năm 2003, nhiều cuộc thăm dò dân ý cho thấy phần lớn đồng ý việc dùng cần sa nên được hợp thức hóa, gần đây nhất là cuộc thăm dò của cơ quan Angus Reid xảy ra trong năm nay. Thế nhưng sau khi tái đắc cử, tháng Hai 2009, chính phủ đương quyền của thủ tướng Stephen Harper đã đưa ra dự luật cứng rắn và nghiêm khắc hơn; hình phạt và bản án tối thiểu dành cho các tội ác liên quan đến thuốc độc hại cũng cao hơn: Một năm tù cho kẻ buôn bán thuốc có liên can với tổ chức tội ác hoặc có liên can tới vũ lực; hai năm tù nếu buôn bán thuốc cho trẻ vị thành niên hoặc gần trường học. Thường dân không có chân trong tổ chức tội ác nếu trồng hơn năm trăm cây cần sa cũng sẽ tù hai năm. Án tối đa cho người sản xuất cần sa từ bảy tăng lên thành 14 năm tù.

 

Canada cấm đoán cần sa từ khi nào?

Cần sa được thêm vào danh sách các chất thuốc độc hại kể từ năm 1923. Điều đó có nghĩa là trước thới kỳ đó ai muốn hút cần sa cứ hút thoải mái. Quyết định cấm cần sa của Canada là do sự tham gia tích cực của Canada trong các cuộc hội nghị quốc tế thuộc Hội Quốc Liên (tiền thân của Liên Hiệp Quốc) về vấn đề này. Luật là vậy nhưng trong vòng gần hai mươi năm đầu tiên cũng chẳng có mấy ai để ý đến các vụ vi phạm. Trong lịch sử Canada, vụ cảnh sát ra tay bắt giữ và tịch thu cần sa đầu tiên xảy ra vào năm 1937. Từ năm 1946 cho đến năm 1961, trong số thuốc có chất gây nghiện bị tịch thu, chỉ có hai phần trăm là cần sa.

Có nhiều sử gia đổ thừa việc chính phủ Canada nổi hứng cấm cần sa là do ảnh hưởng tác động mạnh mẽ của một quyển sách có tựa đề là “The Black Candle” (Đèn Cầy Đen) của tác giả Emily Murphy xuất bản năm trước đó (1922) gây ra. Trong quyển sách nầy có một chương mang tiểu tựa “Marahuana: A New Menace” (Cần Sa: Một Mối Đe Dọa Mới.) (Marahuana hay marihuana là hai cách đánh vần khác của marijuana); trong đó nữ tác giả Emily Murphy nêu lên những sự tác hại gần như quá đáng của cần sa Mễ Tây Cơ du nhập vào Bắc Mỹ. Tác giả nói chữ “assassin” (sát thủ) của Anh ngữ là do từ chữ “hashish” (cỏ thuốc khô) của Ả Rập ngữ. Bà trích dẫn lời tuyên bố của Cảnh Sát Trưởng Charles A. Jones của thành phố Los Angeles rằng “hút cần sa sẽ đưa đến điên loạn mất trí và chết”. Bà còn đưa ra các dẫn chứng hùng hồn cho thấy có sự liên hệ giữa cần sa và chủng tộc, và mối đe dọa của nó đối với phụ nữ da trắng. Quyển sách gây chấn động khiến cho đọc giả và công chúng sợ hãi; một năm sau ngày sách xuất bản, chính quyền loại cần sa ra ngoài vòng pháp luật cũng phải.

 

Đảng chính trị cần sa

Chúng ta biết Canada là nước tự do. Thế là có Đảng Cần Sa Canada ra đời năm 2000 với huy hiệu chính thức là lá cây cần sa bảy cánh trong vòng tròn có dấu “chọn” (check mark) phía trên. Đây là một chính đảng cấp liên bang hẳn hoi với tôn chỉ chấm dứt sự cấm đoán cần sa; tức là giải phóng nó, trả tự do cho nó, hợp luật hóa nó. Ngoài chủ trương chung và chính này ra, các ứng cử viên của đảng cần sa có toàn quyền tự do bênh vực bất cứ đề tài chính trị nào khác dù có trái ngược với đảng trưởng đương nhiệm là Blair T. Longley.

Trong cuộc bầu cử liên bang tháng Mười Một năm 2000, Đảng Cần Sa đưa ra ứng cử viên trong 73 đơn vị bầu cử thuộc bảy tỉnh bang và thu nhận được tổng cộng 66,419 phiếu ủng hộ, bằng 0.52% tổng số phiếu toàn quốc. Con số phiếu ủng hộ teo tóp dần. Trong kỳ bầu cử tháng Sáu năm 2004, Đảng Cần Sa với 71 ứng cử viên nhận được 33,590 phiếu. Trong lần bầu cử tháng Giêng 2006, Đảng đưa ra 23 ứng cử viên và nhận được 9,275 phiếu. Trong vùng lãnh thổ Nunavut, Đảng nhận được tỉ số phiếu ủng hộ cao nhất là 7,88%, về hạng tư, còn trên cả ứng cử viên của Đảng Xanh (Green Party). Một trong những nguyên nhân khiến Đảng Cần Sa mất phiếu là vì hầu hết các đảng chính trị lớn khác (ngoại trừ Đảng Bảo Thủ đang cầm quyền) đều ít nhiều có chủ trương tương tự đòi hợp thức hóa cần sa, nhứt là Đảng Xanh (Green Party). Gần 90% đảng viên cũ của Đảng Cần Sa đã nhảy qua các đảng lớn đó trong hai cuộc bầu cử các năm 2004 và 2006. Tại một số tỉnh bang như B.C., Quebec, Nova Scotia và Saskatchewan cũng có Đảng Cần Sa riêng.

Chính sách về cần sa hiện nay

Cơ Quan Y Tế Canada cho phép bệnh nhân nào, nếu có sự chứng nhận của bác sĩ, sẽ được quyền dùng cần sa. Có những bệnh nhân dùng cần sa ở Hoa Kỳ bị truy tố đã chạy sang Canada xin tị nạn…cần sa theo qui chế tị nạn của Liên Hiệp Quốc. Biến cố này xảy ra vào những năm đầu của thập niên 2000 khi Tổng Trưởng Tư Pháp Hoa Kỳ là John Ashcroft ra lệnh cấm ngặt việc dùng cần sa trị bệnh.

Ngày 27 tháng Năm, 2003, Đảng Tự Do Canada giới thiệu một đạo luật hợp pháp hóa đối với số lượng nhỏ cần sa. Sở hữu từ 15 gram (khoảng mười điếu) trở xuống chỉ bị phạt; từ 15 đến 30 gram thì có thể bị biên phạt hay bị bắt tùy ý cảnh sát. Cá nhân nào trồng ba cây trở xuống sẽ được coi là phạm tội vặt; trồng nhiều cây hơn tội sẽ nặng hơn. Dự luật tưởng đâu được thông qua nhưng đã bị bỏ dở vì gián đoạn ở quốc hội do bầu cử bất ngờ. Tháng 11 năm 2004, một dự luật tương tợ được giới thiệu lại và cũng bị khai tử khi cuộc bầu cử 2006 xảy ra. Sau khi Đảng Bảo Thủ lên cầm quyền, dự luật đó bị dẹp bỏ luôn.

 

Trồng cần sa trong nhà: một nghề nguy hiểm

Theo một bài báo của ký giả Matthew Little trên báo mạng Epoch Times ngày 8 tháng 12, 2008 từ Toronto, trồng cần sa là một hình thức kinh doanh sinh lợi dồi dào mà vì án phạt nhẹ nên nhiều người vẫn tiếp tục theo đuổi ở Canada. Theo ký giả này, tiền phạt chỉ có hai ngàn đồng và không bị án tù. Do đó, nhiều người tỏ ra không ngại thử thời vận làm giàu trồng cần sa trong nhà bằng cách dùng đèn tỏa sáng cực mạnh. Đây là một việc làm mạo hiểm có thể gây nguy hại lớn lao cho sức khỏe và tính mạng của những người can dự và công chúng.

Cảnh sát cộng tác và phối hợp với các cơ quan công quyền khác đang nổ lực làm nản lòng những kẻ gian mạo hiểm làm giàu này bằng những món tiền phạt lớn lao hơn trước đây.

Trên toàn cõi Canada, thành phố Vancouver nổi tiếng nhất về tệ nạn trồng lậu cần sa trong nhà vì phong thổ thích hợp nơi đây sản xuất ra loại sản phẩm cần sa hảo hạng được dân tiêu thụ ưa chuộng và bán ra với giá cao, nhất là ở bên kia biên giới về phía Nam. Nguồn lợi béo bở này từ lâu nằm trong tay của các tổ chức tội ác và băng đảng. Tuy nhiên cũng có tư nhân muốn làm giàu tắt nhảy ra làm ăn trong phạm vi nhỏ và đơn lẻ ngay tại trong nhà. Và cảnh sát phải kêu gọi giúp một tay từ các thanh tra nhà ốc thành phố và thanh tra sở cứu hỏa.

Một căn nhà được dùng trồng cần sa sau khi đã bị bể ổ sẽ trở nên một mối hiểm họa cho những người cư ngụ đến sau. Hơi độc, mốc ẩm, vi khuẩn độc hại trong vách tường, dưới nền nhà sẽ là một hiểm họa cho sức khỏe. Phí tổn sửa chữa căn nhà lại cho an toàn để có thể ở được có thể lên đến hàng nhiều chục ngàn đồng. Thanh tra nhà ốc của thành phố có thể cáo buộc vi phạm điều lệ bắt hệ thống giây điện và hộp báo động khói; tiền phạt cũng có thể cao tương tự.

Chủ nhà được khuyến cáo phải thường xuyên đi thanh tra ngôi nhà họ cho mướn ít nhất cũng phải ba tháng một lần để tránh tình trạng người thuê nhà trồng cỏ mà không hay biết.

Mối nguy hiểm khác lớn hơn đối với các cá nhân trồng cỏ về tính mạng đến từ các băng đảng hoặc tổ chức tội ác. Chúng sẽ không từ nan dùng các biện pháp vũ lực và bạo động để trấn lột cướp đoạt và có thể dẫn đến án mạng. Trong thời gian mấy năm qua đã có nhiều vụ thanh toán giết người liên quan đến trồng cỏ. Khi gần đến mùa thu hoạch, người trồng cỏ cò con bị băng đảng xâm nhập tấn công cướp hoa màu. Chúng thường có mang theo vũ khí và không ngần ngại giết người để phi tang.

Cảnh sát cho biết có trường hợp băng đảng trở mặt sát hại ngay cả những người trước đó đã đồng ý bán buôn với chúng. Cho dù không bị băng đảng làm hại, các người trồng cỏ ngày nay không dễ gì qua mặt được các kỹ thuật dò tìm ngày càng tân kỳ hơn của nhà chức trách và sự tinh mắt của công chúng.

 

Mạnh tay bài trừ cũng không được

Theo Học Viện Fraser, tổng trị giá cần sa tỉnh bang sản xuất ra hàng năm lên đến con số chóng mặt là hơn bảy tỉ Gia kim mỗi năm, đứng hạng ba trong các loại sản phẩm nông nghiệp.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng biện pháp kiểm soát khắc khe hơn và chặc chẽ hơn việc trồng và tiêu thụ cần sa sẽ không mang lại hiệu quả tốt đẹp hơn. Bằng chứng ở Mỹ trong hơn ba mươi năm qua cho thấy họ đã thất bại nặng. Sự cấm đoán triệt để rõ ràng không thành công cũng giống như Hoa Kỳ đã thử cấm đoán triệt để rượu trong thập niên 1920. Họ không rút ra được bài học quí giá đó và họ đã thất bại. Cũng giống như cuộc chiến ở A Phú Hãn, cuộc chiến bài trừ cần sa không thể thắng bằng những biện pháp hiện tại đang áp dụng. Ngày nay tại các nhà tù Mỹ có hơn 2,2 triệu can phạm về những tội có liên quan đến cần sa ma túy. Dân số Mỹ chỉ bằng 5% dân số thế giới nhưng lại có 25% tổng số 9 triệu tù nhân trên toàn thế giới. Tỉ số can án tăng gấp năm lần kể từ khi Mỹ tuyên chiến với thuốc gây nghiện độc hại vào năm 1971.

Tuy số can phạm tội liên quan tới cần sa ma túy bị bắt ngồi tù gia tăng nhưng lượng thuốc cũng như phẩm chất thuốc lưu hành trong khắp nẻo dân gian cũng ngày càng nhiều thêm. Năm 2001, trị giá thuốc lưu hành lậu trên thị trường không môn bài, không tên ngoài đường phố lên đến sáu chục tỉ đô la, theo như báo Economist. Điều này cho thấy bắt dân buôn bán và xử dụng cần sa ma túy nhốt vào tù không thể giải quyết vấn đề.

Thử so sánh giữa Mỹ và Canada về mặt bắt giam tội phạm, chúng ta sẽ thấy có sự kác biệt lớn lao. Trong năm 1999, tỉ số can phạm ở Mỹ là 715 người trên 100,000; ở Canada là 116 người trên 100,000; tỉ số ở Mỹ cao hơn gấp sáu lần ở Canada. Ai hưởng lợi nhiều nhất? Không ai khác hơn là doanh nghiệp nhà tù, vốn là những nhà thầu tư nhân có thế lực.

Thế là chúng ta có thể hiểu vì sao quan tòa Canada tỏ ra nương tay nhẹ án với ba cái vụ trồng hút cần sa lẻ tẻ. Phí tổn nuôi một người tù ở Canada là 50,000 Gia kim mỗi năm, thôi thà thả sớm để tiết kiệm công quỹ. Hệ thống tòa án và nhà tù của Canada cũng đã quá tải, bắt thêm thì giờ đâu mà xử, chỗ đâu mà nhốt. Chỉ có cảnh sát và các nhân viên công lực liên hệ khá bực bội vì họ bỏ công hành quân bố ráp đi hốt để rồi bọn tội phạm được thả ra và…đi trồng cỏ tiếp, thật đúng là bắt cóc bỏ dĩa.

 

Vậy thì hợp thức hóa nó chăng?

Vì lý do đó mà dư luận đòi hợp thức hóa cần sa ở Canada ngày càng mạnh mẽ. Mỗi năm có 30,000 người dân Canada bị kết tội tàng trữ cần sa. Hiện có hơn một triệu rưởi công dân Canada có tiền án về tội tàng trử cần sa trong hồ sơ lý lịch của họ. Đôi khi vì tì vết hồ sơ này mà lớp trẻ trở nên khó tìm việc.

Pierre Berton là một nhà văn lão thành tên tuổi của Canada. Ông nhìn nhận có hút cần sa trong nhiều năm. Trong quyển sách “The National Dream” xuất bản gần đây nhất của ông, ông thành thật ngợi ca quê hương là nơi dễ dàng bỏ qua cho những con dân vấn thuốc “liều cả đám” (làm cả điếu).

Cũng có người đề nghị tại sao chúng ta không làm như Hòa Lan, cho phép dân chúng ai muốn hút thì cứ tự trồng đủ mà hút, miễn là không mua đi bán lại thì thôi. Chừng đó giá cả ngoài thị trường lậu sẽ giảm nhiều, bọn con buôn sẽ không trồng lậu nhiều nữa.

Stephen Easton, giáo sư kinh tế của Học Viện Fraser nhận định rằng hút cần sa nhiều là có hại nhưng cấm đoán hẳn lại càng hại hơn cho xã hội. Ông đưa ra một lời khuyên với chính quyền rằng nên hợp thức hóa việc trồng và hút cần sa và đưa nó vào vòng kiểm soát và đánh thuế giống như rượu, cờ bạc và thuốc lá vậy. Thay vì hao tốn hàng nửa tỉ đô la cho việc bắt bớ thì cho phép và thâu thuế mang lợi tức về cho công quỹ. Kết quả các cuộc trưng cầu dân ý gần đây cho thấy 51% dân chúng Canada đồng ý việc hợp thức hóa cần sa.

Luật sư Eugene Oscapella, một sáng lập viên của Hội Sáng Lập Chính Sách Dược Chất Canada (Canadian Foundation for Drug Policy) dùng lời lẽ mạnh bạo hơn, cho rằng chủ trương của chính phủ đương thời là “đạo đức giả và hèn nhát”, một cáo buộc mà tổng trưởng tư pháp không bình luận được gì. Oscapella cho rằng chính phủ Canada muốn xuôi theo với chính sách của Mỹ để tránh gây thiệt hại cho hiệp ước mậu dịch song phương trị giá hàng tỉ Mỹ kim mỗi ngày.

Ông Oscapella còn vạch trần một chi tiết gây cấn hơn. Ông nói việc cấm đoán đó như là một kỹ nghệ: kỹ nghệ kiểm soát tội phạm có giăng mắc ăn chịu với nhau. Người ta muốn duy trì nó để chia lợi và đẻ việc cho các cơ quan công quyền, cảnh sát, hệ thống nhà tù do tư nhân thầu ở Mỹ, công ty dược phẩm và thử nghiệm thuốc, v.v.

Kỹ nghệ trồng cỏ ở Canada có dính líu tới cuộc chiến Việt Nam

Theo phóng viên Becky Branford của đài BBC qua bài Vấn Nạn Trồng Cần Sa ở Canada, kỹ nghệ trồng cây cần sa ở Canada nói chung và ở tỉnh bang B.C. nói riêng bắt nguồn từ cuộc chiến Việt Nam. Thuở ấy có vào khoảng 50,000 thanh niên Hoa Kỳ trốn qua Canada để tránh bị gọi quân dịch phục vụ chiến trường Việt Nam. Một số trong những di dân trẻ này trồng cần sa hút cho đỡ buồn, thấy có lời nhiều, quay ra trồng để bán, và cứ thế, kỹ nghệ trồng cần sa ở B.C. cứ phát triển dần và lớn mạnh. Nhưng qua hơn ba mươi năm, dịch vụ trồng cần sa biến đổi, từ vườn rộng lớn ngoài trời chuyển sang trồng trong nhà, dễ kiểm soát hơn và thu hoạch tốt hơn.

Ngày nay, kỹ nghệ trồng lậu cây cần sa lan tràn khắp Canada, nhất là tại ba tỉnh bang lớn là B.C., Ontario và Quebec. Thanh tra Cảnh Sát Hoàng Gia RCMP Paul Nadeau nhìn nhận rằng cần sa là vấn đề lớn nhất đối với cơ quan công quyền hiện nay. Ông nói sự vận chuyển cần sa lậu qua biên giới trở nên hiện đại tân kỳ hơn bằng đủ mọi phương tiện gồm cả phi cơ và trực thăng. Ông nói chỉ có 10% số dân trồng cần sa bị bắt ở B.C. là phải ngồi tù bóc lịch; phần còn lại chỉ đóng phạt hoặc án treo. Ông cũng nói rằng số lượng các vụ xử liên quan đến việc trồng cần sa quá nhiều và tồn đọng ở các tòa án.

Ngược dòng thời gian

Vào dịp lễ Giáng Sinh năm 1970, theo như thông lệ hàng năm, danh hài Mỹ Bob Hope dẫn theo một đoàn tùy tùng đông đảo gồm cả các cô vũ viên tóc vàng chân dài sang Việt Nam để giúp vui và ủy lạo chiến binh Mỹ. Tại các căn cứ Long Bình và Lai Khê khổng lồ của quân đội Mỹ, ông đã khéo léo dùng đề tài nóng bỏng lúc bấy giờ là tình trạng nhiều lính Mỹ chiến đấu ở Việt Nam hút cần sa để tạo ra những tràng cười thích thú cho đám khán giả mà đa số là các chiến binh trẻ của quân đội Hoa Kỳ.
Bob Hope giễu:

“Khi từ sau hậu trường bước ra đây, tôi có đi ngang qua và thấy một Trung sĩ đang đứng trong một góc với một cái chụp đèn trên đầu. Tôi hỏi anh ta đang làm gì vậy thì anh ta bảo anh ta là một cây đèn đang chờ để được bật lên.”

Ðám khán giả quân nhân cười chưa dứt; Bob Hope lại giễu tiếp:

“Trong một lều trại, tôi thấy cả một tiểu đội đang xem phim High Noon mà trước mặt lại không có màn ảnh TV.” Ông ta chơi chữ trong trường hợp này vì high noon có nghĩa một giữa trưa đúng ngọ với tình trạng căng thẳng cao độ như trong phim cũng có nghĩa là giữa trưa ngất ngư say thuốc (cần sa).

Và ông buông một câu giễu khác:

“Nghe nói các bạn rất ưa thích công việc làm vườn. Một vị tướng chỉ huy của các bạn bảo với tôi rằng lính của ông ta tự trồng cỏ lấy. Nhưng thay vì tịch thu cỏ của lính để vứt đi, vị sĩ quan đó nói họ phải gởi nó tới cho các thành viên trong hội nghị Ba lê.”

Nói tóm lại là các câu chuyện khôi hài mà Bob Hope kể một là để chế giễu tình trạng lính Mỹ ở Việt Nam hút cần sa khá phổ biến và hai là để chế giễu các phe trong bàn hội nghị Paris cứ mãi cù cưa lù mù bàn cãi như người say thuốc mà chưa đi đến một giải pháp cụ thể nào để chấm dứt chiến tranh.

 

Cần sa và binh sĩ Mỹ ở Việt Nam

Có nhiều nguyên nhân đưa đến việc binh sĩ Mỹ tham chiến ở Việt Nam hút cần sa. Cần sa rất dễ mua ở Việt Nam, phẩm chất tốt hơn trong khi giá lại quá rẻ hơn so với ở Mỹ. Ðứng trước tình trạng khổ ải về vật chất lẫn sự căng thẳng lo sợ về tinh thần, họ dùng cần sa để quên đi nỗi kinh hoàng của chiến tranh, hay như là một thái độ phản kháng đối với thượng cấp. Giữa thập niên 1960, khi người Mỹ bắt đầu đưa quân chiến đấu qua Việt Nam, một gói thuốc 20 điếu cần sa, thường được đựng trong bao thuốc lá hiệu Camel, Parker Lane và Kent, bán trên đường phố Saigon với giá chỉ có 400 đồng VN, tương đương với 1.5 đô Mỹ. Lính Mỹ đặt cho cần sa Việt Nam các tên lóng như “Pleiku Pink,” “Bleu de Hue,” và “Cambodian Red” tùy theo nơi trồng. Thường thường họ hút chung nhóm thay vì hút riêng rẻ.

Năm 1967, do sự loan tin làm rùm beng trên báo chí về tệ trạng nầy, Bộ Quốc Phòng Mỹ thành lập một toán đặc nhiệm để điều tra và nghiên cứu; toán đặc nhiệm nầy do bác sĩ tâm lý Roger A. Roffman cầm đầu. Ông này đến nhà giam trong Căn Cứ Long Bình, nơi được biết có nhiều tù nhân hút cần sa bất chấp sự canh gác an ninh nghiêm nhặt. Roffman tìm thấy tỉ lệ số tù quân phạm hút cần sa ở đây là 63 phần trăm. Qua một cuộc thăm dò tiếp sau đó, ông đưa ra kết quả có 28.9% binh sĩ Mỹ hút cần sa ở Việt Nam, một tỉ lệ tương đương với tỉ số ở Mỹ trong lứa tuổi từ 18 tới 21.

Tháng Mười Một năm 1970, sau vụ Lon Nol đảo chánh bên Căm Bốt, các con đường vận chuyển từ Tam Giác Vàng khai thông, bạch phiến loại mạnh được đưa vào Việt Nam. Nhiều cuộc khảo sát sau đó cho thấy từ năm đến ba mươi lăm phần trăm binh sĩ Mỹ cấp thấp, đa số là thành phần bị động viên, đã dùng bạch phiến mạnh nầy.

Theo kết quả nghiên cứu của nhà xã hội học John Helmer, 43% binh sĩ Mỹ nói họ hút cần sa là để tìm một sự giải thoát; và 37% nói để tìm quên sự giết chóc rùng rợn nơi chiến trường và để giải tỏa áp lực tinh thần.

Cần sa làm một điếu nào
Tạm quên những lúc gian lao ưu phiền
Xa trần gần với cõi tiên
Thử coi sẽ thấy đảo điên đất trời.

Trong một tự truyện có tựa đề “Cuộc Chiến Mờ Trong Khói Thuốc Ở ÐNÁ” (The Drug-Hazed War in Southeast Asia), trung sĩ Jay Dee Ruybal nói rằng cần sa ma túy là thuốc an thần tự biên toa. Bill Karabaic, một tham vấn viên về nghiện thuốc của Sư Ðoàn 101 Không Vận cho rằng binh sĩ dùng thuốc để cho qua nhiệm kỳ phục vụ càng nhanh càng tốt và càng ít chịu đựng đau khổ càng tốt.

John Steinbeck IV (1946-1991), con trai thứ của văn hào John Steinbeck, đệ tử của ông Ðạo Dừa Nguyễn Thành Nam, từng viết một bài mang tựa đề là “Sự Quan Trọng Của Phê Thuốc Ở Việt Nam” (The Importance of Being Stoned in Vietnam), nói rằng việc hút cần sa giúp ông ta nhìn chiến tranh bằng nhãn quan tươi đẹp và lạc quan hơn. Ông là một “hippie” theo như số đông thanh niên Mỹ trong thập niên 1960, chủ trương “make love than war” (làm tình hơn là làm chiến tranh). Ông bị động viên theo lệnh gọi nhập ngũ, miễn cưỡng đi phục vụ ở Việt Nam với tư cách là một phóng viên săn tin cho Bộ Quốc Phòng.

Ở thời điểm bấy giờ, người ta quan niệm “hippie” không phải là một cách sống mà là một hình thái của tâm thức. Nó đến từ khả năng nhìn ra 95% mặt tốt của mọi điều; nó không phải thuần là việc hút cần sa hoặc nghe nhạc ca ngợi sự làm tình. Nó còn là sống tự do mà không bị ràng buộc bởi bất cứ nghi thức nào mà xã hội người đời muốn phải như thế. Nó là sự vươn lên trên những qui luật vô lối mà nhà nước bắt dân phải chấp nhận. Nó là sự mạnh dạn dấn bước theo tiếng trống nhạc, điệu múa quay cuồng của chính mình sáng chế ra. Nó cho phép mình thả lỏng thần trí để suy tưởng ở một mức độ cao hơn để chấp nhận tha nhân dù họ có là thế nào, để sẵn sàng chia sớt những gì ta có dù là ít ỏi khi tha nhân cần đến ta. Ôm lấy hoa cỏ, không hại muông thú, phản đối chiến tranh, ngợi ca lẽ phải và cổ võ tự do…Nó là sự dám tranh đấu và đòi lại những gì ta có quyền thụ đắc và thuộc về ta, những thứ mà ông cha ta phải phấn đấu mới có được, và sự nhận thức rằng một tiếng nói cá nhân đơn lẻ thì yếu ớt nhưng nếu cùng chung sức kết đoàn, âm giọng chúng ta sẽ vang rền và sẽ được lắng nghe.

Một tay híp-py đi đường đụng phải một tiên ông. Tiên ông nói:

“Hôm nay là ngày hên của ngươi mới đụng ta. Vậy ta cho ngươi hai điều ước. Ðiều thứ nhất ngươi ước là gì nói đi!”

“Tôi muốn được một điếu cần sa hút hoài không bao giờ tàn.”

“Ðây! Có ngay!”

Tay híp-py cầm điếu thuốc hít liền năm hơi đầy; điếu thuốc vẫn dài như cũ chứ không ngắn hơn. Hắn ta cảm thấy đã quá. Thần hỏi:

“Còn điều ước thứ hai?”

“Dạ, xin thần cho thêm điếu nữa.”

 

Hút cần sa thường xuyên có hại cho sức khỏe không?

Cần sa là chất thuộc Bảng Một của Ðạo Luật về Các Chất Cần Được Quản Lý (CSA – the Controlled Substance Act). Các chất thuộc danh sách của Bảng Một được xếp loại có khả năng lạm dụng cao, hiện không được dùng làm thuốc chữa bệnh ở Hoa Kỳ và không bảo đảm mức độ an toàn khi dùng làm thuốc hay dược chất dưới sự kiểm soát của các y bác sĩ. Cần sa là một chất kích thích nhẹ bị xếp vào nhóm ma túy hiện được sử dụng nhiều nhất tại Hoa Kỳ.

Cần sa có chứa hoạt chất tetra-hydro-cannabinol (THC) giống như thuốc lá có chất nicotine; cả hai mang lại khoái cảm cho người dùng. Người ta hút một điếu thuốc lá, chỉ cần bảy giây đồng hồ là chất nicotine thấm tới các mạch thần kinh óc, còn nhanh hơn là tiêm chích thẳng vô mạch máu. Các nghiên cứu khoa học ngày càng chỉ ra rằng hút cần sa gây nguy hại ít hơn nhiều lần thuốc lá. Cần sa có khả năng trị liệu/ giúp đỡ hầu hết các chứng bệnh ở người như ung thư, co giật bắp thịt, parkinson, động kinh, đau nhức… còn thuốc lá thì không. Nhưng nếu dùng cần sa kèm với thuốc lá và hút bằng cách đốt thì về lâu dài cũng có thể gây các chứng nguy hại đường hô hấp như ung thư phổi, suyễn, sưng cuống phổi, nhiễm trùng xoang mũi, rát cổ họng như thuốc lá. Ngoài ra ảnh hưởng của nó có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch, giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung và khả năng suy luận. Với người hút phái nữ, cần sa có thể làm xáo trộn chu kỳ kinh nguyệt trong khi nó có thể làm giảm số lượng cũng như phẩm chất tinh trùng nơi phái nam. Hiện tại, những người yêu cần sa đã biết tới rất nhiều cách dùng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và giảm thiểu đựợc các tác hại đi kèm với cách dùng truyền thống, như ăn dầu cần sa, ăn thực phẩm từ cần sa…

Tuy vậy, cần sa đã từng được dùng trong y học cho mục tiêu chữa trị bệnh tật từ gần 5,000 năm nay như các chứng đau đường tiêu hóa, mất ngủ, nhức đầu và chống đau. Mãi cho đến năm 1853, Charles Gerhardt, một nhà hóa học người Pháp tìm ra được công thức chế thuốc chống đau nhức. Năm 1894, một nhà hóa học khác, người Ðức, tên Felix Hoffman mô phỏng theo công thức trên và chế tạo ra hợp chất acetylsalicylic acid; và viện bào chế Bayer đặt cho nó thương hiệu aspirin. Aspirin đi vào đời sống từng mỗi con người chúng ta từ đó và cũng là sự khởi đầu cho một nền kỹ nghệ chế tạo dược phẩm nhân tạo bằng những chất hóa học tiến triễn nhanh chóng không ngừng nghỉ. Tuy nhiên, cần sa và dược tính của nó vẫn được nhìn nhận, và tác giả cuộc thí nghiệm là tiến sĩ Anju Preet thuộc trường đại học Harvard ở Boston nói rằng cần phải có thêm các cuộc nghiên cứu nữa.

Theo bài viết “Vài Hiểu Biết Căn Bản Về Cần Sa”, bác sĩ Nguyễn Ý Đức cho biết, “Việc dùng cần sa với mục đích y học hiện đang là đề tài thảo luận, bàn cãi của nhiều giới chức trong cũng như ngoài ngành y khoa với nhiều ý kiến chống và thuận, chưa ngã ngũ. Thực ra, cần sa đã được dùng để chữa bệnh từ thuở xa xưa. Theo y học Trung Hoa, vua Thần Nông gọi cần sa là “Thượng Thảo” vì công dụng chữa được nhiều bệnh. Dân Hy Lạp dùng cần sa để trị bệnh đau tai, phù thủng; Ai Cập để chữa đau mắt. Hoa Đà cho người bệnh sắp giải phẫu dùng cần sa để bớt cảm giác đau. Ấn Độ xưa chế thuốc viên gồm cần sa với đường để người uống cho vui đời hơn. Tại nhiều quốc gia, cần sa đã và vẫn được dân gian dùng để chữa các bệnh như nhiễm trùng tiểu tiện, đau ngực, mất ngủ, phong thấp khớp, tiêu chảy, ho suyễn, nhức đầu, lở bao tử, ung bướu.”

 

Lợi bất cập hại

Từ một loài cây mọc hoang, cây cần sa đã đi vào đời sống con người một cách thân thiết. Với những đặc tính tự nhiên của nó, cây cần sa vừa có lợi nhưng cũng vừa có hại; tất cả sự lợi hay hại nầy cũng đều do con người dùng nó mà ra.

Chất THC trong cần sa có tác dụng hạ huyết áp, an thần nhưng đặc biệt là kích thích và gây nghiện nhẹ, tạo cảm giác thư giãn, sảng khoái, phấn chấn với những ảo giác đẹp, huyền ảo. Tinh dầu cần sa có màu hơi tối và hiện nay phần lớn các quốc gia trên thế giới đều coi việc trồng, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ cần sa là bất hợp pháp.

Một số nước, trong đó có nước Mỹ đang báo động về sự lan tràn của cần sa trong giới trẻ. Từ năm 1995 đến năm 2001, số lượng người gặp biến chứng nặng do dùng cần sa phải điều trị lâu dài trong các cơ sở y tế của toàn nước Mỹ đã tăng từ 15,706 lên 87,180 người, hai phần ba số người nghiện nầy dưới hai mươi tuổi. Nhiều thanh niên cho là cần sa tuy “phê” nhưng thuộc loại ma túy dạng nhẹ, muốn bỏ lúc nào cũng được. Nghiện cần sa đúng là không gây vật vã như heroin, khi thiếu thuốc nhưng cũng tạo cảm giác nhạt miệng, ngứa ngáy, nóng nảy…, lâu ngày thành quen khó bỏ, chưa kể nhiều người dần dần thấy cần sa quá nhẹ, không đủ lượng kích thích thần kinh nên phải tìm đến các loại ma túy khác mạnh hơn mới cảm thấy thỏa mãn. Như trên đã nêu, nguy hại của cần sa là do THC. Hàm lượng THC của cần sa mỗi nơi trên thế giới mỗi khác và ngày càng tăng lên do kỹ thuật trồng trọt và lai tạo giống ngày càng được cải thiện.

Trong một bài viết mục Sức Khỏe Đời Sống của Phạm Kiện trên trang nhàvndoc.com, hai cuộc nghiên cứu rộng lớn vừa mới được tiến hành ở Tân Tây Lan và Thụy Điển về ảnh hưởng của việc hút cần sa đến sức khỏe tâm thần. Cuộc khảo sát ở Tân Tây Lan được thực hiện trên một ngàn người, tuổi từ 11 đến 26; còn ở Thụy Điển trên 50,000 người sử dụng cần sa, đã đưa ra khuyến cáo: thói quen hút cần sa làm gia tăng các triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt, chưa kể cần sa gây cho người hút trạng thái ngất ngây, dễ bị kích động nên nhiều trường hợp gặp nạn bị thương, người nghiện vẫn mơ màng không ý thức thực tại và không cảm thấy đau đớn.

Theo một tài liệu ở Mỹ, 16% vụ tai nạn giao thông đường bộ nghiêm trọng đều có nguyên nhân do tài xế sử dụng cần sa khi điều khiển phương tiện chuyên chở, nếu kết hợp uống rượu thì sẽ tăng gấp nhiều lần gây ra tai nạn.

Về các lợi ích của cần sa, một số công trình nghiên cứu đã chứng minh được tác dụng của cần sa như giảm đau, ngăn nôn mửa, kích thích đói, làm giãn phế quản cho người bị bệnh suyễn, chống co thắt trong bệnh Parkinson và xơ mảng, giãn mạch trong bệnh tăng nhãn áp. Chất THC có trong cần sa được chế thành thuốc dronabinol qua các tên deltanyne, marinol, v.v. Tạp chí Nature Medicine (3/2000) đã đăng công trình nghiên cứu của Tây Ban Nha cho thấy, chất THC có làm giảm khối u não trên chuột thử nghiệm (đạt hiệu quả trên 1/3), mở đường cho khả năng chữa trị bệnh u thần kinh đệm ở người (dạng u não phổ biến nhất). Dược chất này còn giúp kiểm soát chứng co thắt và chứng xung ở chuột thí nghiệm bị xơ mảng.

Các nhà nghiên cứu thuộc Viện đại học Harvard đã phát hiện chất THC ở cần sa, không những có khả năng ức chế sự phát triển của khối u mà còn ngăn chặn sự lan rộng. Qua thử nghiệm, các nhà khoa học nhận thấy khi tiêm một liều chuẩn THC vào chuột được cấy tế bào ung thư phổi, sau 3 tuần điều trị, khối u đã giảm đi một nửa so với nhóm đối chứng. Ở Tây Ban Nha, tháng 11/1999, Chính phủ đã quyết định cho phép nghiên cứu tác dụng trị bệnh của cần sa. Ở Mỹ, Chính phủ liên bang đã cấp tổng cộng 8 giấy phép đặc biệt cho phép 8 bệnh nhân dùng cần sa để chữa bệnh. Hiện nay đã có 35 bang thông qua đạo luật ủng hộ việc sử dụng cây cần sa vào mục đích y học.

Nói tóm lại, cần sa cũng như nhiều dược chất khác, có lợi mà cũng có hại, tùy trường hợp người dùng nó đúng vào mục đích chữa bệnh hay không và có lạm dụng quá mức hay không.

Hút cần sa có trở nên khờ khạo không?

Tại một tiệm bán đồ điện tử, một người nghiện cần sa bước vào hỏi:
– Cái Tivi để cạnh cửa sổ kia bán bao nhiêu?
– Cái nào?
– Cái để sát bên cửa sổ đó!
– Tôi không bán hàng cho người nghiện!
– Ðược rồi. Tôi sẽ cai thuốc và tuần sau trở lại.
Một tuần sau…
– Tôi bỏ thuốc rồi. Bây giờ ông bán cho tôi cái Tivi đó bao nhiêu?
– Cái nào?
– Thì cái Tivi đó đó!
– Tôi không bán đồ cho người nghiện, anh nghe rõ chưa?
– Ðược rồi. Tôi sẽ bỏ hút và tuần sau trở lại.
Một tuần sau nữa…
– Tôi bỏ hẳn thuốc rồi. Ông bán cái Tivi đó bao nhiêu?
– Ðây là lần chót tôi nói là tôi không bán hàng cho người nghiện hút cần sa, anh nghe chưa?
– Nhưng làm sao ông biết là tôi còn nghiện hút cần sa?
– Vì cái món anh chỉ đó là cái lò vi ba chứ không phải cái Tivi!

Dĩ nhiên đó chỉ là một câu chuyện vui cười chứ tôi không nghĩ là những người hút cần sa khờ đến như vậy.

Nếu khờ thì đã không có người làm đến chức tổng thống và bà vợ suýt nữa làm tổng thống. Câu nói để đời của chàng là, “I tried marijuana once, but I did not inhale.” Chàng bập bập mấy cái rồi chàng nhả khói ra. Chàng không có hít khói vào phổi. Chỉ có trời biết. Dieu seul le sait. Only heaven knows.

Còn điều này nữa: không biết có phải vì khờ mới hút hay vì hút mà khờ. Phân vân và thắc mắc này dùng cho trường hợp của Al Gore III, cậu con trai yêu quí 24 tuổi của cựu phó tổng thống Al Gore. (Dường như bên Âu Mỹ bị vấn nạn thiếu chữ để đặt tên thì phải). Hai năm trước cậu Gore con bị cảnh sát chận vì lái xe quá tốc độ nửa khuya về sáng trên xa lộ ngoại vi L.A. Ông bố cổ vũ cho Trái Ðất Xanh, cho môi trường sạch; cậu con đành phải bấm bụng ấm ức lái một chiếc Toyota Prius là loại xe “lai giống” chạy bằng vừa xăng vừa điện. Mũi cảnh sát thính quá trời, biết ngay cậu Gore Ðệ Tam có mùi cần sa. Cha hút thì con cũng muốn hút thử cho biết. Xét xe, cảnh sát bắt gặp không những cần sa không thôi mà còn một lô các loại thuốc kích thích thần kinh khác gồm có Xanax, Valium, Vicodin, và Adderall, tất cả đều không có toa của bác sĩ nên hốt cậu về ngủ bót tới chiều ngày hôm sau mới được thả ra sau khi người nhà, chắc là ông Gore bố, đóng 20,000 đô xanh tiền thế chân. Cậu được đưa vô Trung Tâm Cai Nghiện để chữa trị ngay để làm gương tốt cho phó thường dân.

Trước đó vài năm cũng đã từng xảy ra một trường hợp tương tự. Ðó là cậu tài tử Maccaulay Culkin, lúc đó cũng vừa tròn 24 cái xuân xanh, vốn từng nổi tiếng từ 9 tuổi qua phim Ở Nhà Một Mình (Home Alone), cũng bị chận bắt trên xa lộ xuyên bang 44 cũng vì tội tàng trữ 17.3 gr.cần sa, 8 viên Xanax và 16 viên clonazepam, một loại thuốc an thần. May mà cậu có tài xế riêng; tội chạy quá tốc độ tài xế lãnh. Không có ai như cậu tài tử nhi đồng này. Sau 5 năm đóng 19 phim, hốt một đống bạc, cậu tuyên bố giải nghệ năm 14 tuổi để ngồi mát ăn bát vàng khiến cho ông bố tức lộn ruột, bảo “Đóng phim kiếm tiền triệu dễ như mầy vậy thì tại sao mày không chịu tiếp tục kiếm tiền thêm cho tao xài?”; hai cha con trở thành giận nhau, không thèm nhìn mặt nhau nữa. Về vụ hít mùi cỏ, trả lời cuộc phỏng vấn của Larry King, cậu tài tử tỉnh queo nói rằng cậu uống rượu và chơi cần sa từ mấy năm nay rồi mà có “vấn đề” gì đâu. Cậu phán, “Big deal!” như kiểu “Ðã chết thằng Tây nào!”

Và gần đây hơn là cậu Michael Phelps, 23 tuổi, vô địch Thế Vận Bắc Kinh môn bơi với 8 huy chương vàng, hồi đầu năm cũng bị chụp hình đang phì phèo cần sa, phải công khai xin lỗi giới mộ điệu và công chúng. Trong bản tuyên bố gửi cho hãng thông tấn The Associated Press, Phepls cho biết: “Tôi đã mắc vào một sai lầm khủng khiếp và thật đang tiếc trong cuộc đời mình. Tôi thực sự ân hận vì điều đó. Năm nay tôi mới 23 tổi, mặc dù đã có chút thành công nho nhỏ trên đường đua xanh nhưng tôi đã hành động thiếu suy nghĩ và không được như những gì mọi người yêu mến tôi mong đợi. Nhân đây tôi cũng gửi lời xin lỗi tới toàn thể những người hâm mộ và những người đã ủng hộ tôi và tôi xin hứa điều này sẽ không bao giờ xảy ra nữa”.

Ồ nhưng mà không, bức hình cho thấy chàng chơi điếu cầy, bắn ba dô ka như dân hút thuốc lào. Làm thần tượng có nhiều “fan” quá cũng khổ, cứ bị giới truyền thông và dân hâm mộ dòm ngó từng li từng tí. Thì chàng cũng là con người bình thường như chúng ta thôi, có cơ hội thì cũng nên hưởng một tí cho vui đời, đòi hỏi ở họ một chuẩn mực đạo đức cao hơn chúng ta thì cũng tội cho họ phải sống tự kỷ khắc khổ. Hơn nữa, thần tượng trong giới thể thao và nghệ sĩ khi giàu, họ dễ có khuynh hướng sống và hưởng thụ cho bõ những ngày cơ cực. Ben Johnson (lực sĩ chạy nước rút) và Roger Clemens (tay ném dã cầu) thì lén xài steroids; Michael Jordan (bóng rỗ) cờ bạc; Michael Vick (banh bầu dục) thì hành hạ chó; Bobby Knight (nhà dìu dắt bóng rỗ) mang tội bóp cổ con nít; Michael Jackson bị đồn là sách nhiễu tình dục trẻ em và dùng thuốc quá liều.

 

Hút cần sa có thể bị ung thư dịch hoàn

Phần lớn giới hút cần sa, đi mây về gió đều thuộc phái nam. Các ông dám làm và dám liều. Liều là vì ngoài các nguy hại thông thường chung cho cả hai phái tính, nghe nói hút cần sa còn gây nguy hại đến bộ phận chiến lược của nam nhi nữa.

Tôi thầm nghĩ và thắc mắc việc hút cần sa thì có mắc mớ gì đến hai hòn bi của phái nam, nhưng theo kết quả của một cuộc khảo cứu mới đây cho thấy mức độ ung thư dịch hoàn gia tăng gấp đôi ở những người thường hút cần sa. Cuộc khảo cứu so sánh 369 bệnh nhân ung thư dịch hoàn với 979 người không bị. Các nhà y học tin rằng bệnh này bắt đầu rất sớm, từ khi còn là phôi thai lận. Tuy nhiên, họ thận trọng xem khám phá này là một tiền đề giả định còn cần được nghiên cứu và trắc nghiệm thêm, thay vì là một định lý.

Ung thư dịch hoàn tương đối hiếm với tỉ lệ mắc bệnh là 1/300, và tỉ lệ tử vong là 1/5000, và tỉ lệ rủi ro giữa người không hút và người hút là 1/2, theo như một bản tường trình trên tạp chí Ung Thư Hoa Kỳ ngày 9 tháng Hai, 2009. Trong cuộc khảo cứu này, một toán các nhà y học dưới sự hướng dẫn của tiến sĩ Janet R. Daling của Trung Tâm Khảo Cứu Ung Thư Fred Hutchinson ở Seattle, bang Washington đã phỏng vấn 369 người phái nam tuổi từ 18 đến 44 cư ngụ trong vùng Seattle-Puget Sound đã được khám nghiệm bị bệnh này. Nhóm khảo cứu so sánh 369 người này với 979 cư dân phái nam khác trong cùng vùng cư ngụ và không mắc bệnh.

Tổng kết cho thấy 26% người mắc bệnh có hút cần sa; trong số này có 15% hút thường xuyên mỗi ngày hay mỗi tuần trong suốt thời gian trắc nghiệm. Tỉ lệ trong số những người hút mà không bị bệnh là 20%; trong số này có 10% hút mỗi ngày hay mỗi tuần. Người hút cần sa có nguy cơ mắc bệnh ung thư dịch hoàn gấp 2.3 lần người không hút. Có hai loại ung thư dịch hoàn là ung thư tuyến tạo tinh trùng (60%) và ung thư tế bào mầm (40%). Có một điều cần lưu ý là người bệnh thường thành thật nhớ lại sự dùng thuốc trong quá khứ của họ. Và đây cũng chỉ là một cuộc khảo sát sơ khởi còn cần được kiểm chứng và xác định lại. Khảo sát bệnh ung thư dịch hoàn thì đã có nhiều nhưng truy tìm sự liên hệ giữa bệnh này với sự dùng cần sa thì mới lần đầu.

Khoa học tin rằng bệnh phát triển rất sớm, từ lúc còn là phôi thai. Dịch hoàn không thòng xuống được, thường là do tật bẫm sinh, dễ bị ung thư hơn. Bệnh ung thư dịch hoàn gia tăng trong cuối bán thế kỷ 20, cũng là thời gian người hút cần sa nhiều hơn. Sự hình thành cũng như số lượng tinh trùng của người nghiện hút cần sa kém hơn người không nghiện. Tuy nhiên, ảnh hưởng của cần sa đối với bệnh ung thư dịch hoàn và sự liên hệ với nhau xem ra còn nhẹ, chẳng qua vấn đề hút cần sa là một vấn đề nhạy cảm đương thời mà thôi. Không thể nói một cách vội vã rằng ở Hòa Lan có nhiều người bị ung thư dịch hoàn vì nhiều dân Hòa Lan hút cần sa. Khi nào chưa có bằng chứng xác đáng thì khi đó còn phải dè dặt nghiên cứu thêm. Dẫu có thế nào đi chăng nữa thì những lợi ích y học của cần sa đối với bệnh nhân ung thư các loại nói chung vẫn nhiều hơn là lo ngại cho hai cái hòn. Không có bác sĩ nào dám bảo bệnh nhân của họ rằng, “Ðừng hút cần sa! Ung thư ngọc hành đấy!”

Câu chuyện vui cười thứ hai sau đây chứng tỏ người hút cần sa không khờ.

Một tay nghiện cần sa ghé vào trạm xăng hỏi người bán hàng:
– Ở đây có bán cần sa không?
– Không.
Ngày hôm sau tay nghiện lại vào hỏi nữa. Người bán hàng lại đáp là không. Ngày hôm sau hắn ta lại hỏi. Người bán hàng bực mình đáp:
Anh mà hỏi lôi thôi lần nữa là tôi sẽ lấy đinh đóng chặt chân anh lên sàn nhà rồi đi gọi cảnh sát đấy!
Tay nghiện sợ bỏ đi. Mấy hôm sau anh ta lại mò đến vui vẻ hỏi:
– Ở đây có bán đinh không?
– Không.
– Vậy có bán cần sa không?

Câu chuyện giễu vừa kể trên dựa trên thực trạng xã hội. Chủ nhân nhiều tiệm buôn lẻ hoặc cơ sở kinh doanh nhỏ có khi lén lút bán cần sa cho khách quen mặt để kiếm lời, vì con buôn cần sa lúc nào cũng tìm cách gạ gẫm tìm thêm khách hàng tiêu thụ.

Chuyện người ta muốn làm giàu tắt bằng nghề đi giao thuốc hay trồng cỏ ngày nay ai ai cũng biết. Chuyện đó xảy ra đều khắp đâu đâu cũng có, từ Canada qua Mỹ rồi sang Anh, lan tỏa khắp nơi trên thế giới. Cảnh sát có sức thì cứ bắt, dân trồng thì cứ trồng. Nghe đâu dân ta còn dám giỡn mặt tử thần trồng cỏ ngay tại thủ đô Hà Nội, coi công an và án tử hình chẳng có kí lô…cần sa nào. Và mới đây, người ta còn biết ngay cả chính phủ Mỹ cũng trồng cỏ nữa. Nhưng đừng bảo, “Nhà nước trồng được, tôi cũng trồng được!” vì sự khác biệt là nhà nước trồng có giấy phép, dĩ nhiên do nhà nước cấp, còn dân thì trồng chui.

 

Vườn trồng cần sa của chính phủ Mỹ

Ðể nghiên cứu và sản xuất dược tính của cây cần sa nhằm phục vụ mục đích y học, tại Trường Ðại Học Mississippi ở thành phố Oxford, chính phủ Mỹ thiết lập một vườn trong nhà trồng cần sa rộng lớn được đặt dưới sự chỉ huy của tiến sĩ Mahmoud ElSohly, một chuyên gia uy tín nhất trong lãnh vực này, không biết chúng ta có nên gọi ông ấy là vua trồng cỏ chăng. Khu vườn bí mật này được báo chí dí dỏm gọi là Fort Knox Cần Sa để ngầm so sánh nó với kho dự trữ vàng ròng lớn và nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ.

Thiết tưởng chúng ta nên biết sơ về con người có thẩm quyền nhất trong lãnh vực cần sa. Ông ta gốc người Ai Cập, lấy bằng tiến sĩ dược học ở trường đại học Pittsburgh, giáo sư Viện Khảo Cứu Khoa Dược Học, giáo sư dược trường đại học Mississippi. Ông ta có một lô bằng phát minh về các cách thức chế xuất, thử nghiệm và phát hiện dấu hiệu của cần sa cùng với một số bằng phát minh khác về cách dùng dược chất thiên nhiên chữa bệnh ung thư. Ông là tác giả của 230 bài viết sư phạm và hơn 200 buổi thuyết trình chuyên môn khoa học về chuyên đề cần sa và là thành viên của nhiều hiệp hội khoa học.

Ngày Thứ Hai 18 tháng Năm, 2009, ông chủ vườn trồng cỏ Mahmoud ElSohly kiên nhẫn đứng chờ một phụ tá mở cánh cửa thép để lần đầu tiên đón tiếp phái đoàn báo chí vào viếng thăm nhà trồng hiện đại có kiểm soát nhiệt độ.

Bên trong khu vườn, dưới tầm quan sát của hệ thống máy thu hình và máy dò sự chuyển động, một khoa học gia khác mở nắp và thọc tay vào một cái vại chứa bốc lên và đưa cho xem một nắm cần sa đã được chế biến tỉ mỉ. Vườn trồng có tên chính thức là Hợp Khu Thí Nghiệm Coy W. Waller trong khuôn viên trường đại học Mississippi. Và đây là kho tàng cất giấu cần sao duy nhất của chính phủ.

Kể từ năm 1968, Học Viện Quốc Gia về Lạm Dụng Thuốc Nghiện thỏa thuận khế ước với trường đại học để trồng, gặt và chế biến cần sa, chuyển gửi đi để cung cấp cho những cơ sở y khoa có giấy phép trên toàn quốc nhằm mục đích nghiên cứu. Phòng thí nghiệm cũng thu thập mẫu cần sa do cảnh sát tịch thu được để giám định cường lực và ghi tài liệu theo dõi khuynh hướng dùng thuốc trong nước.

Cũng giống như cách thức của một hầm chứa rượu, những vại cần sa được đánh dấu năm thu hoạch và chế biến. Mỗi vại đựng khoảng từ mười đến mười lăm kí lô sản phẩm ròng thượng hạng. Khi có ký giả hỏi trị giá mỗi kí lô cần sa này ngoài thị trường, tiến sĩ Mahmoud ElSohly chỉ đáp là “đắt lắm”. Không phải ông ta muốn tránh né trả lời mà là vì cần sa cũng như vàng ở Fort Knox, giá trị của nó luôn thay đổi nhiều lắm. Và cũng giống như vàng trữ kim của chính phủ, cần sa trồng ở đây không phải để bán. Vì thế, giá trị của nó không thành vấn đề. Vấn đề lớn chính là an ninh.

Nhiều hệ thống báo động khác nhau được gắn khắp nơi: máy thu hình, máy dò các chuyển động, v.v. do Cơ Quan D.E.A. ở ngoại ô thủ đô Hoa Thịnh Ðốn kiểm soát.

Cây cần sa trưởng thành được trồng ngoài những cánh đồng có hai lớp rào và có tháp canh với nhân viên an ninh có võ trang canh gác suốt ngày đêm. Mọi cửa ra vào đều có khóa vừa mở bằng chìa vừa bằng bấm số.

Các phóng viên đã từng tháp tùng theo chân nhân viên công lực sở Di Trú và Quan Thuế trong các cuộc hành quân chận bắt bọn vận chuyển lậu cần sa qua biên giới phía Bắc qua Canada hay phía Nam qua Mể Tây Cơ, đã chứng kiến hàng tấn cần sa bị tịch thu; cho nên việc nhìn thấy cần sa dù thuộc loại thượng hạng từ cơ sở của chính phủ này cũng không đủ gây kinh ngạc. Ðiều kinh ngạc là đây chính là lần đầu tiên giới thông tin báo chí chứng kiến vườn cần sa do chính phủ trồng, do chính tiền đóng thuế của dân tài trợ. Và nhất là sự bảo vệ vô cùng cẩn mật dành cho một vườn cần sa 500 cây chẳng thấm vào đâu so với những cánh đồng cần sa ngút ngàn ở bên ngoài, chẳng hạn như số lượng 6,000 cây do mười nhà dân trồng mà cảnh sát khám phá ở quận hạt Napa, bang California năm 2007.

Bên trong vòng rào của vườn, nhà nước xứ Cờ Hoa chỉ chế biến được 400 kí lô cần sa trong vụ mùa cuối của năm 2007; trong khi bên ngoài vòng rào, năm ngoái chỉ riêng bang California, cảnh sát thiêu hủy hơn 5.2 triệu cây cần sa trồng lậu trên đất công cũng như tư. Dĩ nhiên cần sa do chính phủ trồng và chế xuất thì được coi như là một công cụ khoa học giúp nghiên cứu sự trị liệu và tác hại lậm thuốc như thế nào cho 14,8 triệu người dùng cái thứ thuốc vẫn còn bị đặt ngoài vòng pháp luật này. Và đây là lần đầu tiên vườn cần sa nhà nước mở cửa cho giới truyền thông dòm ngó.

Theo sự công bố của chính phủ, độ mạnh của cần sa lưu hành lậu trên thị trường chìm bên ngoài gia tăng đáng kể tới mức kỷ lục. Trong thập niên 1980, độ mạnh của nó là bốn phần trăm chất THC, viết tắt của chữ tetrahydrocannabinol, là thành phần hoạt tâm chính tác động đến tâm thần của người sử dụng. Ðến năm 2008, nồng độ tetra-hydro-cannabinol đã lên đến 10.1%.

Chín mươi phần trăm số lượng cần sa tiêu thụ ở Mỹ là do các tổ chức ông trùm Mễ chuyển lậu sang. Phẩm chất của nó kém hơn loại của tiến sĩ Mahmoud ElSohly trồng, theo như chính phủ cho biết. Tuy vậy, độ mạnh của nó cũng đã tăng từ 4.8% năm 2003 đến 7.3% năm 2007. Hậu quả là những người trẻ thiếu kinh nghiệm dùng cần sa mong tìm trạng thái hoan lạc sẽ dễ bị lậm thuốc quá độ dẫn đến các phản ứng nguy hại trầm trọng như hoảng loạn, mê hoang, lạc thần và trầm cảm.

Các nhà vận động đòi hợp thức hóa cần sa biện luận rằng chính phủ có thể cho ghi lượng THC lên nhãn hiệu cần sa cũng giống như độ cồn trong các loại bia rượu; nhờ đó mà người hút cần sa có thể cảnh giác chỉ dùng vừa liều lượng đề tránh nguy hại. Chính phủ thừa biết độ THC trong mỗi loại cần sa qua phòng thí nghiệm của tiến sĩ Mahmoud ElSohly trong trường đại học Mississippi. Việc này là trách nhiệm chuyên môn một nhân viên tên Susan Foster. Cứ mỗi khi cảnh sát tịch thu được cần sa ở bất cứ đâu cũng đều gửi mẫu về phòng lab này cho Susan Foster thử nghiệm. Nữ nhân viên này sẽ đựng mỗi túi cần sa mẫu 25 gram cần sa, đặt cho nó một số hiệu có lưu trữ trong máy điện toán.

Vào mùa Xuân, lượng công việc gia tăng khiến cho Susan Foster rất bận rộn. Trong tháng Tư, phòng lab nhận được từ 300 đến 400 mẫu. Bà cho biết vào những tháng hè, con số này có thể lên đến 500 là thường. Các nhân viên khác trong phòng lab lo các việc lặt vặt như phân lựa bỏ ra hạt, cọng và đựng phần tinh lọc trong các ống nghiệm bằng thủy tinh. Một hợp chất lõng được trộn vào, xong sẽ được bốc hơi hóa để phân giải bằng bốn máy đo. Cuối cùng, kết quả hiện lên trên màn hình một máy điện toán cho thấy dữ kiện chi tiết các thành phần hóa học của mẫu cần sa đó.

Tiến sĩ Mahmoud ElSohly cho biết nồng độ THC cao nhất mà ông từng thấy là hơn 30%, nhưng điều này rất hiếm. Tuy nhiên ông cũng cho biết loại cần sa mạnh càng ngày càng dễ kiếm. Ông tiên đoán rằng độ mạnh của cần sa sẽ tiếp tục gia tăng vì rất nhiều mẫu gởi về phòng lab còn ở mức 3, 4 hoặc 5%. Trong tương lai, loại cần sa mạnh 9, 10% sẽ trở nên phổ biến trên thị trường. Ông cũng giải thích cho biết dĩ nhiên độ THC mà cây cần sa tiết ra cũng có giới hạn và sẽ dừng lại ở mức 15, 16% trong vòng mười năm tới. Theo ý kiến cá nhân, ông không nghĩ rằng việc hợp luật hóa cần sa cho mục đích thư giãn thần kinh là một điều nên làm vì nó sẽ dẫn đến sự lạm dụng không kiểm soát được. Ông không chối cãi những ích lợi y học của cần sa đối với bệnh nhân ung thư nhưng sự hút cần sa vẫn là phương cách không tốt cho việc chữa trị.

Phương cách dùng thuốc THC mà ông nghĩ ra đầu tiên là dạng thức thỏi nhét vào hậu môn cho nó thấm tan vào cơ thể bằng thân nhiệt của bệnh nhân dùng nó. Nhưng phương cách này không thành công vì không ai thích bị nhét thuốc vào hậu môn; và thế là nó không được tung ra thị trường tiêu thụ. Hiện ông đang chế tạo thuốc dưới dạng thức một miếng keo dán lên da trong miệng.

Tháng Giêng 2009 vừa qua cơ quan D.E.A. đã bác đơn của giáo sư Lyle Craker ở Massachusetts xin lập vườn trồng cần sa cho mục đích nghiên cứu tương tự. Trong đơn xin, ông giáo sư này cho rằng cơ sở hiện tại của chính phủ chưa đầy đủ. Một lý do khác nữa để cơ quan D.E.A. bác đơn là những nhà tài trợ của giáo sư Lyle Craker có quá khứ dùng cần sa không thuần vì mục đích chữa trị y học. Ông giáo sư Craker chưa chịu thua, còn đang kháng cáo. Thế là trại trồng cỏ trong trường đại học Mississippi của tiến sĩ Mahmoud ElSohly vẫn là trại trồng hợp pháp duy nhất trên toàn nước Mỹ, không kể hàng ngàn ngàn dân trồng lén, một là thoát và trở nên giàu có, hai là không thoát mất cả chì lẫn chài ngồi tù bóc lịch.

 

Trường Ðại Học Cần Sa

Từ trước đến giờ, dân trồng cần sa lén lút học cách canh tác qua người quen hay cùng lắm là qua liên mạng chứ chưa nghe ai nói học từ trường lớp chính qui nào cả. Ấy vậy mà bây giờ đã có một trường dạy trồng cần sa đường đường chính chính ở Oakland, California. Ngôi trường hợp pháp và công khai nầy mang tên Oaksterdam University, địa chỉ trang nhàhttp://www.oaksterdamuniversity.com/ có dạy một khóa học về nghề trồng cần sa mà dân ta hay gọi lóng là trồng cỏ.

Kết hợp từ hai chữ Oak của Oakland và Sterdam của Amsterdam, danh xưng của đại học Oaksterdam bao hàm hai ý: Oakland, nơi xuất hiện đầu tiên các trạm y tế chuyên chữa trị bằng cần sa, và Amsterdam, thủ đô của Hòa Lan, nơi cần sa được bán và hít tự do. Theo lời tự quảng cáo, trường giới thiệu có một ban giảng huấn gồm bác sĩ, luật sư, giáo sư, chuyên gia làm vườn và cả một nhà chế biến với tổng cộng hơn 100 năm kinh nghiệm về cây cần sa, sẽ giúp học viên hiểu biết tường tận và nắm vững mọi khía cạnh từ luật pháp đến y học về loại cây gây nghiện này.

Học viên được dự các buổi thuyết trình của chuyên gia ngành cần sa, được đi thực tập, thực hành trồng, bón, tưới, nuôi dưỡng, cắt tỉa, diệt trừ sâu bọ, điều hợp ánh sáng, khí trời và gặt hái trong phòng lab kể cả phương pháp thủy canh trồng không cần đất (hydroponic). Ngoài lớp học, học viên phải làm bài tập ở nhà và cuối khóa có thi mãn khóa. Trang web không nói chứng chỉ tốt nghiệp tương đương cấp bằng nào so với đại học dân sự thông thường và có phải thi lấy bằng hành nghề “trồng cỏ” của tiểu bang hay không, nhưng khóa học bao gồm các tín chỉ về vấn đề chính trị, luật pháp, sản xuất, đóng gói, phân phối, gây giống, biến chế, bán lẻ và phương thức quản trị một doanh nghiệp tư nhân.

Điều kiện để trở thành học viên: 1) đủ 18 tuổi, 2) đồng ý việc chấm dứt luật cấm sử dụng cần sa, và 3) có tiền mặt đóng học phí US$250 cho một tuần hoặc US$400 nguyên mùa, không kể $75 tiền chi phí mua tài liệu sách vở. Đặc biệt để giúp học viên vùng Nam Cali khỏi xa nhà, nhà trường cho mở thêm campus Los Angeles với cả hai trình độ sơ cấp và trung cấp và dự định mở rộng lớp học ở số 1776 đường Broadway tại Oakland. Theo lời nhà trường quảng cáo, học viên chỉ cần số vốn nhỏ bảy trăm đô là có thể khởi nghiệp “trồng cỏ” và có một cuộc sống tương đối ổn định giữa lúc tình trạng kinh tế khó khăn. Theo hiệu trưởng Lee, học viên mới tốt nghiệp ra trường, tay mơ mới vào nghề trồng cỏ có thể kiếm khoảng 50 ngàn đô một năm; nhưng sau đó có thể kiếm một trăn ngàn mỗi năm như chơi khi đã có kinh nghiệm nghề nghiệp. Trả lời phỏng vấn của báo chí, ông ta nói rằng nhà trường có mục tiêu đào tạo chuyên viên lành nghề cho công nghiệp trồng cần sa cho mục đích chữa bệnh hiện đang phát triển mạnh ở California. Ông nói: “Cũng giống y như các nhà sản xuất bia rượu, tôi muốn chuyên nghiệp hóa ngành trồng cần sa.”

Hỗ trợ cho trường Oaksterdam U là một loạt 15 câu lạc bộ và quán cà phê được phép bán cần sa nằm ngay chung quanh khu vực của trường. Thành phố Oakland cho phép kinh doanh cần sa chữa bệnh và thâu thuế từ nhiều năm nay kể từ khi cử tri California biểu quyết thông qua Dự Luật Số 215 từ 12 năm trước đây. Toàn California có khoảng năm trăm cửa tiệm tương tự mang lại cho sở thuế hàng năm đến 2 tỉ đô la. California cũng là bang đầu tiên và được hơn chục bang khác noi theo về việc hợp thức hóa cây cần sa chữa bệnh dành cho bệnh nhân được bác sĩ xác nhận. Tuy vậy, nhân viên công lực liên bang cũng thường xuyên mở các cuộc bố ráp tấn công vào các địa điểm phân phối cần sa vốn vẫn bị xem là bất hợp pháp theo luật của chính quyền trung ương.

Mặc dầu nghề trồng cỏ mang lại lợi tức đáng kể, Lee không quên lưu ý về các rắc rối liên quan đến pháp luật. Nếu trồng hơn một trăm cây và bị bắt, nghi can có thể lãnh án tù tối thiểu 5 năm. Trồng càng nhiều cây án càng nặng, số năm nằm ấp bóc lịch càng tăng. Ðối với bệnh nhân đã được bác sĩ chứng nhận phải chữa trị bằng cần sa, luật pháp cho phép trồng 12 cây non và 6 cây sắp tới mùa gặt. Luật của Oakland tương đối nới rộng hơn, cho phép mỗi người bệnh được phép trồng 26 cây.

 

Có nên hợp thức hóa cần sa?

Phe trả lời “Có” gồm cả các cựu tổng thống ở Châu Mỹ La Tinh, không hiểu tại sao các ông hết làm tổng thống rồi mới kêu gọi hợp pháp hóa cần sa.

Trong một cuộc hội nghị tại thủ đô Rio De Janeiro, các cựu tổng thống Ernesto Zedillo của Mexico, Fernando Henrique Cardoso của Brazil và Cesar Gaviria của Colombia đồng thanh kêu gọi các chính quyền đương nhiệm nên hợp pháp hóa việc dùng cần sa trong dân chúng và thay đổi chiến thuật đối phó với các băng đảng sản xuất và buôn lậu thuốc. Họ nói chính sách hiện nay dựa trên thành kiến và sợ hãi hơn là hiệu quả. Tại nhiều tiểu bang ở Hoa Kỳ như California chẳng hạn, chính sách của chính phủ liên bang đã có những sửa đổi để thừa nhận việc dùng thuốc cho mục đích chữa trị.

Có người lý luận nếu chính phủ không tìm cách giúp đỡ những người bị lệ thuộc vào thuốc thì những người này dễ lâm vào con đường phạm pháp để xoay tiền mua thuốc. Thay mặt cho nhóm ông Gaviria nói chỉ nên hợp pháp hóa cần sa thôi chứ không phải tất cả các thứ thuốc gây nghiện nguy hại khác. Cần sa cho thấy ít gây nguy hại nhất và lại được trồng khắp các quốc gia châu Mỹ. Quyết định cấm cần sa trong nhiều thập niên qua đã chứng tỏ cho thấy việc trồng trọt và sản xuất “cỏ” này không hề suy giảm. Do đó, theo ông Gaviria, các quốc gia nên dồn nỗ lực vào việc loại trừ băng đảng và tổ chức tội ác buôn thuốc hơn là người dùng cần sa.

Ngoài ra, Gusto Sierra là thị trưởng quận hạt Surquillo của thủ phủ Lima xứ Peru cho rằng thật vô lý khi luật lệ cho phép người dân sử dụng một số lượng thuốc tối đa nhưng không cho biết là phải mua ở đâu. Hai mươi mốt tờ báo Peru cũng kêu gọi chính phủ nên qui luật hóa cần sa và giao cho Bộ Y Tế quản trị.

 

Nhưng liệu việc qui luật hóa cần sa sẽ làm giảm bớt tội ác hay không?

Nhiều người thắc mắc tại sao cần sa vẫn chưa được qui luật hóa như thuốc lá cho bớt tội ác. Chúng ta nghe và đọc tin tức hàng ngày đều biết rằng bên Mễ Tây Cơ, chuyện nhân viên công lực và bọn buôn thuốc độc hại đụng độ và thanh toán nhau xảy ra như cơm bữa gây bao chết chóc. Có người đổ lỗi cho chính sách Hoa Kỳ chưa chịu qui luật hóa cần sa vì Hoa Kỳ vẫn là thị trường tiêu thụ chính. Những người đó bảo cách tốt nhứt để chấm dứt tình trạng nầy không gì khác hơn là hợp thức hóa việc sản xuất và buôn bán cần sa, đánh thuế rõ ràng và đặt nó dưới sự kiểm soát theo qui luật của nhà chức trách. Biện pháp đó sẽ giúp ngăn chận được nạn tham nhũng chính trị và chấm dứt chiến tranh; con số thiệt hại nhân mạng trong hai năm qua lên đến hàng ngàn, còn hơn là chiến tranh Iraq.

Tuy nhiên, hai chính phủ Hoa Kỳ và Mễ Tây Cơ vẫn giữ vững lập trường đặt cần sa bạch phiến ngoài vòng pháp luật và quyết tâm triệt hạ nạn buôn lậu bằng võ lực: tăng cường quân đội, cảnh sát, tuần phòng biên giới. Phe con buôn cũng không chịu thua kém, cũng hành động bằng bạo lực ngày càng liều lĩnh hơn với trang bị tối tân hơn. Hậu quả đưa đến chết chóc nhiều hơn. Bài học lịch sử nhắc lại cho thấy sự triệt để cấm đoán rượu ở Hoa Kỳ từ năm 1920 đến năm 1933 chỉ làm cho tội ác bùng phát và chứng tỏ sự thất bại, cũng giống như đã xảy ra ở các quốc gia Bắc Âu trước đó trong những năm đầu thế kỷ. Các hình thức cờ bạc cũng thế, chính phủ đã công khai hóa, đưa chúng vào khuôn khổ kiểm soát chặt chẽ, mang lại lợi nhuận thuế má dồi dào cho công quỹ vừa ngăn chận được nhiều tội ác liên hệ.

Tội ác gây ra từ cần sa bạch phiến mãnh liệt và hơn nhiều so với rượu và cờ bạc. Nguồn lợi thu được từ buôn lậu chợ đen cần sa bạch phiến quá hấp dẫn, những tay trùm không từ nan bất cứ phương cách nào, từ nhẹ là mua chuộc, hối lộ đến nặng là hăm dọa, bắt cóc, ám sát, trừng phạt dã man và quyết tâm bảo vệ nguồn lợi của chúng. Cấm đoán bằng biện pháp triệt hạ những cánh đồng trồng á phiện ở A Phú Hãn, những cánh rừng trồng cây coca ở Colombia và những trang trại trồng lén cần sa ở khắp nơi trên thế giới cho thấy đó là một cuộc chiến dai dẳng trường kỳ bất phân thắng bại. Khi vỏ quít dày hơn thì móng tay cũng sẽ nhọn hơn.

Theo ước tính, chính phủ Mỹ mỗi năm tốn 44 tỉ Mỹ kim cho việc ngăn chận và bài trừ thuốc lậu. Ngược lại, nếu hợp thức hóa việc buôn trồng thuốc, chính phủ sẽ thu được một khoản thuế cỡ 33 tỉ Mỹ kim mỗi năm tính theo mức thuế đánh trên rượu và thuốc lá. Do sự cấm đoán, số tiền khổng lồ đó lọt vào tay bọn buôn lậu.

Bọn buôn lậu cần sa bạch phiến ở Mễ Tây Cơ có một lực lượng thật hùng hậu đủ sức chơi tay đôi với quân đội và cảnh sát của nhà nước.

 

Hòa Lan đóng cửa tiệm cà phê cần sa

Thành phố Amsterdam ra lệnh cho gần một phần năm số tiệm cà phê có bán cần sa phải đóng cửa năm 2011 để tuân thủ theo luật mới của quốc gia nhằm bảo vệ học sinh trẻ em. Những trường nầy bị hỏi thăm sức khỏe là vì cách trường học trong vòng 250 thước. Mặc dù món tiền phạt nặng đã được áp dụng cho tiệm cà phê nào bị bắt quả tang bán cần sa cho thiếu niên dưới 18 tuổi, chính quyền thành phố vẫn đóng cửa những tiệm gần trường nầy cho chắc ăn. Cẩn tắc vô ưu mà lị.

Nằm trong danh sách phải đóng cửa là tiệm cà phê Bulldog ở Leidseplein, một tụ điểm được du khách ưa thích lui tới. Tiệm nầy mở cửa Ngày Cá Tháng Tư (April’s Fool) năm 1985. Học sinh của một trường học gần đó cho biết không chỉ riêng tiệm cà phê Bulldog, các em dễ dàng mua cần sa ở tất cả 228 tiệm cà phê trong thành phố.

Chính phủ Hòa Lan làm lơ việc dùng cần sa vào năm 1976. Sau hơn ba thập niên biến đất nước thành thiên đàng của người hút cần sa, ngày nay chính phủ đã nghĩ lại. Trong một cuộc họp quan trọng mới đây, nhiều thụ trưởng thành phố đồng thanh yêu cầu chính phủ trung ương phải có một hệ thống cung cấp cần sa theo qui luật chặt chẽ ngõ hầu chấm dứt tình trạng phạm pháp gia tăng do các tay đầu nậu gây ra. Thành phố Eindhoven xin được thử một dự án lập nhà vườn trồng cần sa để cung cấp cho những tiệm cà phê trong thành phố của họ. Có hai thị xã gần biên giới với Bỉ hăm sẽ đóng cửa hết các tiệm cà phê vì họ đã chán ngán với nạn du khách phê thuốc và những vụ rắc rối liên hệ. Cũng có địa phương đang tính giới hạn số lượng cần sa bán ra cho dân chúng.

Việc đóng cửa 35 trong số 75 tiệm cà phê trong khu De Wallen (The Walls) khiến cho xóm đèn đỏ của chị em ta trong thủ đô cũng chịu ảnh hưởng lây. Số kiều nữ hành nghề bị giảm xuống từ 482 còn 243. Các dịch vụ ăn theo liên quan đến thú vui nhục dục khác như rạp chiếu phim dâm, vũ sexy, tiệm đấm bóp cũng sẽ không yên.

Theo kết quả của một cuộc thăm dò, 80% dân chúng Hòa Lan chống lại quyết định đóng cửa các tiệm cà phê. Do đó, việc cấm hẳn cần sa khó có thể xảy ra.

 

Hút cần sa ở Mỹ: trò tiêu khiển nhàn rỗi

Theo thống kê ở Mỹ, mỗi năm có gần cả triệu vụ phạm pháp và bắt giữ liên quan tới cần sa; nó đã trở thành chuyện hằng ngày của huyện, hết 90% những vụ nầy là tàng trữ/sở hữu/có thuốc trong xe/ trong xách tay/trong túi quần túi áo. Mặc dù cần sa bị loại ra khỏi ngoài vòng pháp luật kể từ năm 1937, nó vẫn được dân Mỹ xài lậu/lén ngày một nhiều. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy tới 42% dân chúng Mỹ khai là mình có dùng thuốc. Hàng trăm triệu người dùng, một con số khách hàng khổng lồ, trách sao các con buôn và các nhà trồng cỏ không ham. Ða số nói là lúc còn trẻ muốn hút chơi cho biết với bạn bè cùng trường, nếu không chúng bảo cù lần.

Tuy Hòa Lan làm lơ cho dân chúng hút cần sa, nhưng số người hút không nhiều. Trái lại với ở Mỹ, tuy cần sa bị đặt ngoài vòng pháp luật nhưng số người hút lén còn nhiều hơn các nước khác như Pháp, Tây Ban Nha, Mể Tây Cơ và Colombia hay A Phú Hãn. Các cuộc khảo sát cho thấy 42% dân chúng Mỹ từng thử cần sa ít nhất là một lần (so với tỷ lệ ở Hòa Lan là 20%); và 16% đã thử bạch phiến. Ở Trung Hoa và Nhật Bản, số người thử cần sa rất ít và hầu như không có. Các nước có nhiều người hút cần sa khá nhiều sau Mỹ là Canada, Anh quốc và Tân Tây Lan. Còn bạch phiến thì hầu như chỉ có Mỹ độc quyền xài, bỏ xa tất cả các nơi khác.

Lý do, theo như Jim Anthony thuộc khoa dịch bệnh học, Trường Ðại Học Bang Michigan, là vì người Mỹ giàu sinh tật, và người Mỹ tin rằng hút cần sa ít nguy hại hơn hút thuốc lá và uống rượu; dĩ nhiên, điều nầy cho thấy họ đã từng mê hút thuốc lá và uống rượu, nay thử thứ khác thích hơn. Còn về bạch phiến, ông nầy nói bởi vì Mỹ ở gần với các nước láng giềng sản xuất cây coca ở phía Nam. Một lý do nữa ông Jim Anthony giải thích là tại vì văn hóa Mỹ nó là như thế, giới trẻ coi chuyện dùng thử thuốc độc hại như một mốt thời trang, một nét đặc thù kết tạo nên xã hội Mỹ.

Cuộc khảo sát cho thấy 20% thiếu niên thử cần sa năm 15 tuổi. Tỉ lệ nầy tăng lên thành 54% ở tuổi 21. Bác sĩ Richard Schottenfeld, giáo sư tâm lý Trường Y của Ðại Học Yale, cho đó là do ảnh hưởng của bạn bè. Nhưng cuộc khảo sát chưa hẳn phản ảnh sự thật vì nó chỉ cho biết số người từng dùng thử cần sa mà không nói rõ là họ có hút thành thói quen và trở thành nghiện ngập hay không. Một chàng “hippie” hít vài điếu cần sa thời kỳ Phản Chiến năm 1968 rồi kể từ sau đó quên nó đi thì cũng chẳng gây nguy hại gì cho lắm. Ðó là sự nhận định của Tom Riley, phát ngôn nhân của Văn Phòng Chính Sách Quốc Gia Kiểm Soát Thuốc Ðộc Hại Hoa Kỳ (U.S. Office of National Drug Control Policy).

 

Liên Bang cấm hút, Tiểu Bang cho hút

Hiện nay có 13 tiểu bang Hoa Kỳ cho phép sử dụng cần sa có giới hạn với mục đích chữa bệnh, trong khi Liên Bang vẫn coi cần sa là bất hợp lệ. Tình trạng mâu thuẫn nầy khiến cho những nhà phân phối cần sa ở California, một trong 13 tiểu bang cho phép dùng cần sa chữa bệnh, trở nên lúng túng, vừa bán vừa run, vì nhân viên Cơ Quan DEA của chính phủ liên bang có thể bố ráp họ bất cứ lúc nào.

Một người hút cần sa mà để bị bắt, tội trạng bị ghi vào hồ sơ hình sự nằm ì đó suốt đời, sau này có đi xin việc gì trong chính phủ hoặc ra tranh một chức vụ dân cử đâm kẹt, thể nào cũng bị đối thủ moi móc phanh phui bêu xấu. Luật của nhiều tiểu bang chỉ cho phép chủ tra xét hồ sơ lý lịch của người xin việc trong 7 tới 10 năm sau cùng gần nhất. Riêng bang California, tội hút cần sa sau hai năm là được xóa. Có những tiểu bang khác thì sẽ xóa hồ sơ phạm tội của bạn nếu bạn đã chừa, không tái phạm, và có làm đơn xin. Còn nếu như bạn đã đi làm rồi, dù tư nhân hay chính phủ, mà còn hút ba cái thứ bị cấm tiệt này và bị bắt tại trận thì coi như bạn bị đuổi việc là cái chắc, trừ trường hợp bạn chính là ông chủ của công ty hay là bạn chơi cần sa của xếp bạn. Mới đây, Tòa Tối Cao Liên Bang ra qui định nói rằng các công ty có thể sa thải những nhân viên sử dụng cần sa vì lý do sức khỏe mặc dù luật California không cấm, bởi vì luật liên bang lại cấm ngặt. Chánh Án Kathryn Werdegar cho biết, theo luật California, giới chủ có thể bắt buộc nhân viên thử ma túy nữa.

Tháng Ba năm ngoái, tòa liên bang tại San Francisco đã tuyên một phụ nữ California bị bướu não không được phép sử dụng cần sa để chữa bệnh. Những qui định như thế cho thấy rõ ràng là luật liên bang trái ngược với luật tiểu bang. Cử tri California ủng hộ luật ban hành năm 1996 cho phép người dân hút cần sa để trị bệnh.

Mới đây, Gary Ross nói ông bắt đầu sử dụng cần sa từ năm 1999 theo đề nghị của bác sĩ để chữa chứng đau lưng. Ross nói ông đi xin việc làm ở một công ty vào năm 2001, thử máu phát hiện có cần sa nên cuối cùng thì bị đuổi việc. Ông kiện công ty này, nhưng đã thất bại. Tổ chức Pháp Chế Pacific Legal Foundation, ủng hộ chủ nhân công ty này, nói rằng qui định như thế là cần thiết vì nhân viên xài cần sa sẽ không đủ khả năng làm việc.

Một tay nghiện say thuốc vừa tham dự tiệc vui ra về, trên đường đi gặp phải một người bê bết máu van nài:
– Anh làm ơn gọi giùm xe cứu thương.
Tay nghiện nhìn người bị thương một chập rồi đáp:
– Chính anh là xe cứu thương rồi!

 

Loại cây cần Sa mới ở Nga không có chất THC “gây nghiện”

Chúng ta đã nghe nói đến đường hóa học không có chất ngọt glucose để cho người mắc bệnh tiểu đường dùng mà khỏi sợ nguy hại; fat-free yogourt, sữa chua đã khử chất béo, thuốc điếu có đầu lọc để khử bớt chất nicotine, bây giờ tới lượt cần sa không có chất kích thích THC.

Tại Nga Sô, giáo sư Gennadi Stepanov, làm việc tại Học Viện Nông Nghiệp vùng Chivasi, sau hơn mười năm nghiên cứu đã lai tạo được giống cây cần sa không có chất gây nghiện, đặt tên là Diana, tên vợ ông. Cây cần sa là loại cây có giá trị về mặt kinh tế bởi nó thuộc giống cây cho sợi, thường dùng để chế tạo giây thừng phục vụ ngành hàng hải, làm lõi dây cáp ngành dầu mỏ, làm giấy siêu bền. Độ dài của sợi lấy từ cây cần sa giống mới đạt tới 15m, gần gấp đôi giống cây cũ, hy vọng làm sợi dệt loại vải tốt. Ông còn hy vọng sử dụng hạt cây này để thải loại chất phóng xạ, dùng chữa một số bệnh trong y học.

Vì cây cần sa giống mới không có chất gây nghiện nên kể từ năm 1999 đến nay, nông dân Nga được phép và được khuyến khích trồng thoải mái để phục vụ ngành công nghiệp dệt. Nông gia nào trồng giỏi có khi còn nhận được sự ban thưởng của chính quyền nữa. Trong danh thiếp hay trong bản tiểu sử, những nông gia này cũng có thể tự hào ghi nghề nghiệp dưới cái tên mình là chuyên viên trồng cần sa hay trồng cỏ mà không sợ bị cảnh sát hỏi thăm sức khỏe.

 

Người Việt trồng cần sa ở Canada và…khắp nơi

Có một phóng viên người Canada quê quán ở Ottaw, sống và làm việc ở Hà Nội và Saigon trong nhiều năm (từ năm 1995 cho đến hiện tại) đã thực hiện một cuộc điều tra khá tỉ mỉ về thực trạng người Việt trồng cần sa. (Nguồn: trang web http://www.michaelgray.ca/writing/dope/dope.html).

Michael Gray cho biết có sự liên hệ giữa băng nhóm người Việt trồng cần sa lậu ở Anh quốc với sự nở rộ trồng cần sa ở Việt Nam. Trên lãnh thổ vương quốc Anh, vài năm gần đây cảnh sát đã ập vào bắt giữ một ổ trồng cây cần sa với số lượng kỷ lục. Ở London, có khoảng 1,500 vụ hoạt động trồng cây cần sa bị phát giác trong thời gian từ 2005 đến 2007. Có khoảng 75 phần trăm những người có hoạt động trồng này là người Việt Nam, và hầu hết họ là những người dân mới nhập cư gần đây. Tình huống này đã xấu đến mức giờ đây các cuộc hành quân bố ráp dân Việt trồng cỏ của cảnh sát Anh phải có sự tháp tùng phối hợp với nhân viên sở di trú.

Băng nhóm người Việt buôn trồng lậu cần sa ở Anh quốc thuê mướn và dùng cả trẻ em trong công tác chăm sóc vườn cần sa. Những đứa trẻ nầy được mang qua từ Việt Nam và được trả công với giá rẻ mạt. Bọn buôn lậu lợi dụng khe hở của luật pháp Anh không thể xét xử trẻ em này với các tội danh hình sự; và sau khi việc trồng cần sa này bị đổ bể, những đứa trẻ có thể được tha tội và lại tiếp tục trông coi các ngôi nhà trồng cần sa. Nếu chúng bị ép buộc phải trở về Việt Nam, không gì có thể ngăn cản chúng khỏi được đưa trở lại Anh quốc để bị lợi dụng tiếp.

Lợi nhuận thu được từ hoạt động trồng lậu cần sa vô cùng to lớn. Một ngôi nhà trồng cần sa có thể kiếm được nửa triệu đô Mỹ một năm. Mười năm trước, tỉ lệ cần sa trồng trong nước Anh chỉ có 11 phần trăm. Tỉ lệ này hiện nay đã lên đến 60 phần trăm. Cần sa có nồng độ THC cao gấp đôi loại thường được đặt cho tên lóng là chồn hôi (skunk). Ngày nay việc trồng cần sa trong nhà ở Anh quốc cũng trở nên tinh vi lắm, sử dụng những trang bị tối tân có trị giá lên tới 100,000 đô để gia tăng sản lượng, che đậy kín đáo để tránh khỏi sự phát hiện của người ngoài.

Lý do trực tiếp cho việc trồng cỏ gia tăng ở Anh quốc là vì một đạo luật thay đổi năm 2004 giảm mức án tội trồng cần sa. Điều này có nghĩa rằng họ sẽ không bị buộc tội hình sự nếu như họ chỉ làm với số lượng nhỏ. Họ hiểu rằng đây là một cơ hội tốt và do đó sự sản xuất gia tăng nhảy vọt. Michael Gray nêu vấn đề là tại sao những băng nhóm người Việt Nam lại đứng đằng sau việc trồng cần sa này? Tại sao không phải là những nhóm tội phạm khác?

Theo Gray, vào giữa những năm 1990, người Việt Nam hầu như chiếm lĩnh toàn bộ công nghiệp trồng cần sa ở Vancouver và các vùng lân cận ở tỉnh bang British Columbia. Đây không phải là một chiến công nhỏ, bởi vì hoạt động sản xuất cần sa quy mô lớn trước đó được cai quản bởi “Hell Angels”, một băng đảng mô tô khét tiếng với việc không từ nan sử dụng bạo lực để trấn áp triệt hạ địch thủ.

Miền Tây Canada đã là một ổ cung cấp cần sa trong nhiều năm. Từ những năm 1960, những thanh niên Mỹ trốn quân dịch đã đến vùng núi của tỉnh bang Bristish Columbia và trồng cây cần sa như là một nguồn kế sinh nhai. Người Canada có thái độ thản nhiên với chất kích thích nhẹ, và nhiều người sống ở bờ Tây đã trồng trên phần vườn của họ. Nhưng có những người “thích” trồng để sử dụng hoặc để bán lại cho bạn bè. Nhóm Thiên Thần Địa Ngục bắt đầu sản xuất ở mức độ lớn và công nghiệp hóa để cung ứng cho thị trường lớn ở Mỹ.

Và trong những năm 1990, các băng nhóm Việt Nam bắt đầu chiếm lĩnh thị trường. Nhóm Thiên Thần Địa Ngục có những vườn ươm lớn ở trong các ngôi nhà thô sơ ở vùng nông thôn. Khi một khu bị phát hiện, nhóm đó sẽ bị mất và sẽ rất khó để bắt đầu lại. Những nhóm người Việt lại chú trọng biến những căn chung cư và nhà nhỏ ở khu vực đô thị thành những nơi trồng trọt. Nếu bị phát hiện, những nơi đó sẽ dễ dàng thiết lập lại ở những nơi khác. Một điều quan trọng là, cảnh sát có một thái độ mềm mỏng đối với tội phạm, ít nhất là lúc bắt đầu, và người nào bị bắt với việc trồng cây cần sa sẽ bị phạt tiền, án treo hoặc cùng lắm là bị trục xuất chứ không ngồi tù.

Theo Michael Gray, lý do người Việt ở Canada đua nhau trồng cỏ vì thu nhập quá cao: mỗi mét vuông trồng được bốn cây, sau bảy tuần, mỗi cây bán 1,000 USD. Chỉ trồng mấy chục mét là hốt bạc nên người ta sẵn sàng đầu tư cả trăm ngàn đô la bởi chỉ thyoát một vụ là đã lấy lại được vốn. Có những người nay đã giàu lớn, đứng ra chỉ huy điều động người làm thuê mang từ Việt Nam sang. Tuy biết là làm việc phạm pháp và có hại cho sức khỏe nhưng họ chấp nhận bởi đồng lương cao ngất mà việc lại nhàn: mỗi ngày hai lần tưới, cuối vụ hưởng từ 15 đến 30 ngàn Mỹ kim tùy diện tích trồng. Nếu người vun trồng bị bắt, các đại gia bỏ tiền ra nộp phạt.

Đến mùa gặt, hoa và lá cần sa được hái và sấy khô, xong phần lớn được chuyển lậu đưa sang Mỹ. Từ đây đẻ thêm nghề lái thuê. Không cần biết trong xe có gì, người được thuê lái chỉ việc lái đi giao hàng rồi lái về. Tám tiếng đồng hồ lái xe đi về qua biên giới có thể được trả cho 15 ngàn Mỹ kim. Cũng giống như người tưới mướn, người lái thuê nếu bị bắt sẽ được chủ đứng ra đóng phạt bảo lãnh ra. Dễ ăn thế nên giới trẻ cứ lao vào dịch vụ trồng cỏ; hậu quả là chính phủ Canada bắt đầu hạn chế việc nhập cảnh thanh niên châu Á, kể cả sinh viên.

Lợi dụng luật pháp lỏng lẻo ở Canada, số người ham làm giàu đi trồng cỏ càng nhiều, cảnh sát bắt không xuể. Dân trồng cỏ thuê hoặc mua nhà, làm ăn vài vụ mùa xong lại dọn đi nơi khác để tránh bị bể.

Một báo cáo của cơ quan chống ma túy của Mỹ năm 2000 cho biết rằng năm 1998, có 2,351 trường hợp trồng bị phát hiện ở tỉnh bang Bristish Columbia. Một năm sau, những trường hợp này lên tới 30 phần trăm, tức là 3,279 trường hợp. Năm 1994, khoảng 325 cân cần sa bị tóm được khi đang vận chuyển qua biên giới British Columbia với Hoa Kỳ. Và vào năm 1998 có 2,600 cân bị tịch thu.

Cần sa loại có phẩm chất thượng hạng thường xuất phát và được hoàn chế ở tỉnh bang British Columbia, nơi có nhiều cửa hàng bán hạt giống, cung cấp dụng cụ trồng, đồ trang bị và phân đất. Kể từ thập niên 1990, BC Bud, tên gọi của cần sa sản xuất ở British Columbia, là loại cần sa hảo hạng nhất mà người Mỹ rất ưa chuộng. Giá một cân Anh (pound) BC Bud từ US$1,500 – 2,000 ở Vancouver trở thành US$ 3,000 ở California và cao hơn nhiều ở Nưỡu Ước theo tài liệu của cơ quan D.E.A. Những đánh giá gần đây cho biết rằng giá trị thương mại khoảng 6,5 tỉ Mỹ kim một năm của tỉnh bang British Columbia, đứng thứ hai sau dầu mỏ và khí đốt.

Theo sự điều tra nghiên cứu của phóng viên Michael Gray, trong những năm sau 1975, Canada cũng như nhiều quốc gia phương Tây khác tiếp nhận hàng chục ngàn người tị nạn Việt Nam. Những người này đến từ miền Nam, phần lớn đã được đào tạo nghề nghiệp tốt. Họ cư trú ở những trung tâm đô thị lớn ở Montreal, Ottawa và Toronto, và đến những khu vực khác như Edmonton và Vancouver. Gray ca ngợi sự hội nhập nhanh chóng và thành công nghề nghiệp của đợt thuyền nhân đầu tiên này ở Ottawa, thành phố quê nhà của anh ta.

Tình thế đã đổi khác đối với những đợt người đến sau giữa thập niên 1980 từ các trại tị nạn Hồng Kông. Phần lớn họ là người quê quán Hải Phòng thuộc miền Bắc và có khuynh hướng chọn Vancouver làm nơi cư trú mới. Gray nói, “Thiếu hụt về giáo dục và cơ hội, những người nhập cư mới này buộc phải khổ sở làm việc cho các băng nhóm để có những công việc không cần kinh nghiệm.”

Yếu tố lợi nhuận to lớn khiến cho những người di dân này chấp nhận rủi ro và trở nên liều lĩnh hơn. Thái độ dễ dãi chấp nhận của xã hội đối với những người di dân mới và luật lệ tương đối nới lỏng của Canada đối với tội phạm cần sa càng khiến cho họ dấn thân vào nghề trồng cần sa mạnh mẽ hơn. Khi việc trồng cần sa ở đô thị bị bại lộ, người bị bắt chỉ bị phạt chứ không bị tù. Đó là môt sự khác biệt lớn giữa Canada và Hoa Kỳ, và đây là lý do Vancouver và miền Tây Canada trở thành vùng đất hứa cho dân trồng cỏ.

Trong khi các băng đảng và tổ chức tội ác làm ăn lớn dễ bị cảnh sát ưu tiên theo dõi truy quét, dân trồng cỏ cò con dễ thoát vì thật ra cảnh sát không có đủ nhân lực. Thế là chỉ sau một thời gian, những băng nhóm Việt Nam có vẻ như thắng thế trong khi hoạt động của nhóm Thiên Thần Địa Ngục từ từ thu nhỏ lại trong vùng đại phủ thủ Vancouver. Sự gan lì của nhóm di dân da vàng làm cho giới cảnh sát cũng phải ngạc nhiên.

Thành đạt trong nghề trồng cỏ ở Vancouver quá hấp dẫn. Tiếng lành đồn xa, những người di dân ở các địa phương khác cũng làm gan nhào ra làm ăn thử, một phần thua mười phần thắng. Chẳng bao lâu, làn sóng trồng cỏ lan tràn khắp mọi nơi nào có người Việt sinh sống, từ Canada sang Mỹ, từ Anh sang Đức, các nước Đông Âu như Ba Lan, Hung, Tiệp, Na Uy và Thụy Điển ở Bắc Âu, Brisbane, Queensland, Úc Đại Lợi, và về cả nơi xuất xứ người tị nạn là Việt Nam, hoàn tất một chu kỳ trọn vẹn. Nội trong năm nay, rất nhiều vụ người Việt trồng cỏ trên thế giới bị phá vỡ, các cư dân bất hợp pháp bị trục xuất về nước.

 

Kết luận

Cũng giống như thuốc lá, rượu có chất cồn; nếu dùng cần sa bừa bãi lâu dài sẽ gây nghiện tâm lý (10% số người sử dụng cần sa bị nghiện tâm lý) và nguy hại cho sức khỏe (bệnh lười chẳng hạn). Thuốc lá gây ung thư phổi, rượu gây ung thư gan cho người dùng, nếu say rượu lái xe dễ gây tai nạn và gây thương vong cho bản thân và người khác. Rượu cũng thường đưa đến sự bạo hành trong gia đình. Hoàn toàn hợp lý khi nói rằng Cần Sa là chất kích thích an toàn nhất, sử dụng cần sa văn minh hơn sử dụng thuốc lá và bia rượu.

Xếp cần sa vào các loại dược chất gây nghiện độc hại cần phải kiểm soát là một điều vô lý bởi vì thực tế là cần sa chưa hề giết chết bất kỳ một người nào vì quá liều, cần sa có mức độ gây nghiện rất nhẹ, cần sa có thể trị ung thư, HIV/AIDS, PTSD, động kinh, tiểu đường, xơ cứng mảng, đau mãn tính, cũng như hàng trăm căn bệnh nan y khác. Sự cấm đoán triệt để trong quá khứ đã chứng minh không mang lại hiệu quả, nếu Chính Phủ chưa thể hợp pháp hóa toàn diện cây cần sa thì cũng nên xem xét khía cạnh hợp pháp hóa Cần Sa Y Tế, trước tiên là cho những bệnh nhân ung thư. Chính quyền cũng cần phải đẩy mạnh sự giáo dục thông tin chính xác về cần sa với học sinh ở nhà trường và dân chúng.

Trong khi luật cấm vẫn còn hiệu lục, số người mạo hiểm trồng lậu để làm giàu vẫn tiếp tục gia tăng vì sự đánh đổi không quá đắt. Điều đó đã khiến cho một số người kém ý thức dễ bị lôi cuốn vào con đường phạm pháp, nhất là tầng lớp di dân chưa hoàn toàn ổn định đời sống thịnh vượng và chưa gội bỏ được những thói quen xấu cũ do trong quá khứ họ đã phải luôn vật lộn đương đầu với nghịch cảnh để sinh tồn.

Hợp pháp hóa toàn diện cây cần sa là giải pháp tốt nhất cho nhiều vấn nạn xã hội (nghiện nghập, băng đảng), là giải pháp để cân bằng môi trường sinh thái (năng lượng sạch, plastic tự phân hủy, lượng gỗ dồi dào…). Tiền thuế thu được từ nghành công nghiệp cần sa là những con số mơ ước của mọi chính phủ.

 

Dựa theo: Phan Hạnh

Nguồn: phanhanh.wordpress.com

Xem thêm 50 lợi ích bất ngờ từ cần sa có thể bạn chưa biết

 

    ĐĂNG KÝ NHẬN TIN TỨC


    *Tôi đồng ý nhận cập nhật tin tức mới nhất trong tương lai.

    Bài viết được xem nhiều nhất

    Bài viết liên quan

    Hon mot phan ba chu vat nuoi o Dan Mach cho cho cua ho dung CBD
    # News / Tin tức

    Hơn 1/3 chủ vật nuôi ở Đan Mạch cho chó của họ dùng CBD

    Trong một nghiên cứu mới, 38% người nuôi chó được khảo sát ở Đan Mạch cho biết đã cho chó con uống cannabinoids, với 77% cho biết ít nhất có một số ‘tác dụng tích cực’.

    Đọc thêm
    Can sa y te la phuong phap dieu tri thay doi cuoc song cho nhung nguoi mac hoi chung Tourette
    # News / Tin tức

    Cần sa y tế là “phương pháp điều trị thay đổi cuộc sống” cho những người mắc hội chứng Tourette

    Nghiên cứu xác nhận rằng sự kết hợp giữa THC và CBD giúp giảm tới 50% chứng giật cơ. Những phát hiện này – cho thấy sự giảm đáng kể về mặt lâm sàng – được công bố trên tạp chí Tạp chí Y học New England: Bằng chứng.

    Đọc thêm
    NASDA da tai khang dinh su ung ho cua ho de nang gioi han THC doi voi cay gai dau len 10
    # News / Tin tức

    NASDA tiếp tục hỗ trợ tăng giới hạn THC 1,0% cho cây gai dầu

    NASDA đã tái khẳng định sự ủng hộ của họ để nâng giới hạn THC đối với cây gai dầu lên 1,0%. Ngành công nghiệp cần sa của Hoa Kỳ (US) đã phải đối mặt với những thách thức liên quan đến giới hạn tetrahydrocannabinol (THC) được đặt ra từ Dự luật Nông trại năm 2014 và sau đó vẫn được duy trì trong Dự luật Nông trại năm 2018 [1].

    Đọc thêm
    Chat Messenger