(Phần 1)
Cần sa trong vai trò thuốc trị bệnh
Trong khi Tổng thống Rodrigo Duterte duy trì một cách tiếp cận đầy bạo lực và kiên quyết nhằm giúp Philippin thoát khỏi các loại ma túy, người ta cũng nói đến một dự luật mang tính đột phá đang nhận được ủng hộ tại Hạ viện với mục đích hợp pháp hóa cần sa y tế tại đất nước này.
Sự tương phản rất rõ rệt nên khó có thể bị bỏ qua được: Trong khi cuộc chiến chống ma túy đã dẫn tới cái chết của hàng nghìn người, Dự luật Hạ viện số 180, hay là Đạo luật Cần sa Y tế Nhân ái Philippin đang được đề xuất, có thể sẽ kéo dài và cải thiện cuộc sống của những người sử dụng cần sa làm thuốc trị bệnh.
Isabela Rep. Rodito T. Albano III, tác giả chính của dự luật cho biết dự luật này đang được một nhóm cộng tác kỹ thuật xem xét.
Albano đang thúc đẩy để dự luật được phê chuẩn, bất chấp sự phản đối từ phía những người mà ông gọi là “những thành phần thiếu hiểu biết.”
Tại Philippin, cần sa đứng đầu trong danh sách những chất nguy hiểm theo Đạo luật Cộng hòa số 9165, hay Đạo luật những chất nguy hiểm toàn diện năm 2002.
Nhu cầu y tế
Nhưng cũng chính trong đạo luật ấy có một điều khoản tại câu thứ 2 của Đoạn 2, Mục 2, theo đó không cấm một cách hoàn toàn việc sử dụng các chất nguy hiểm:
“Tuy nhiên, chính phủ sẽ nhắm tới việc đạt được một sự cân bằng trong chương trình kiểm soát ma túy quốc gia để những người có nhu cầu y tế hợp lệ không bị ngăn cản trong việc được nhận điều trị với số lượng đầy đủ các dược phẩm phù hợp, trong đó bao gồm việc sử dụng các chất nguy hiểm.”
Khi Nhật báo Inquirer hỏi Albano liệu ông đã đặt ra một khung thời gian để dự luật được thông qua hay chưa, Albano cho biết: “Điều đó tôi sẽ trao đổi với Chủ tịch Hạ viện (Đại biểu Pantaleon Alvarez của tỉnh Davao del Norte).”
Albano cho biết ông đã đệ trình dự luật vào năm 2014 “để giúp các bệnh nhân tiếp cận được với cần sa y tế.”
Các loại bệnh được đề cập gồm có từ tự kỷ cho đến động kinh và ung thư.
Không có những thống kê chính thức, nhưng các nhóm tư nhân ước tính có hơn 1 triệu bệnh nhân tự kỷ và hơn 500.000 bệnh nhân động kinh.
Theo một nghiên cứu thực hiện bởi Viện nghiên cứu về di truyền con người của Đại học Philippin, Viện Y tế Quốc gia; trung bình có 189 trong số 100.000 người Philippin mắc bệnh ung thư, và mỗi giờ có 4 người Philippin chết vì ung thư.
Tính hiệu quả của cần sa trong vai trò thuốc trị bệnh
Mặc dù các bác sĩ Philippin đã bị chia rẽ trong vấn đề hợp pháp hóa cần sa y tế, song ngày càng có thêm những người trong số họ tin tưởng vào hiệu quả của cần sa, chẳng hạn như trong việc kiểm soát chứng đau.
“Đã có những bằng chứng khoa học có tính thuyết phục về công dụng của cần sa y tế,” trưởng phòng đề nghị giấu tên của một bệnh viện hàng đầu tại Vùng đô thị Manila trả lời Inquirer.
Ông cho biết cần sa đã chứng tỏ tác dụng ngăn cản sự buồn nôn, giảm đau, kích thích cảm giác ngon miệng, nhất là đối với những bệnh nhân trải qua hóa trị.
“Con trai tôi bị chậm phát triển trí tuệ và có những biểu hiện của chứng tự kỷ,” vị bác sĩ này cho biết. “Thằng bé không nói được, nhưng hiểu được hầu hết những gì mọi người trong gia đình nói với cháu. Cháu cũng bị những cơn co giật. Cần sa y tế giúp cho cháu trấn tĩnh lại.”
Bác sĩ cho biết ông đã sẵn sàng để từng bước có những hoạt động ủng hộ công cuộc hợp pháp hóa cần sa.
“Chúng ta có thể bắt đầu với hoạt động nghiên cứu, theo đó các bệnh nhân có thể tiếp cận cần sa. Có những bệnh nhân đang cần đến loại thuốc này. Chúng ta không thể ngoảnh mặt làm ngơ. Nhu cầu về cần sa là một thực tế,” ông nói.
Ông nói thêm: “Những công dụng của cần sa trong các bệnh tật khác còn chưa được xác định rõ ràng. Đó là điều mà ngành y tế cần tiếp tục nghiên cứu, để tìm thêm những bằng chứng và chỉ ra những lợi ích của nó.”
Bằng chứng
Bằng chứng chủ yếu nằm trong những tài liệu được soạn thảo bởi Tiến sĩ Raphael Mechoulam – một nhà hóa học người Israel đã có được khám phá trong nghiên cứu về cần sa vào năm 1964 rằng: Trong số rất nhiều hợp chất hóa học của cần sa, chỉ có một chất có hiệu lực – đó là chất delta 9-tetrahydrocannabinol (THC), chịu trách nhiệm về những hiệu ứng tác động thần kinh của cần sa (cảm giác “high” khi hút cần sa).
Một hợp chất khác là cannabidiol (CBD) cũng có tác động lên nhiều thụ thể giống như THC, nhưng không gây ra các hiệu ứng thàn kinh.
CBD là thành phần chính trong dầu cần sa.
Trong tài liệu này, Mechoulam nói rằng THC có thể được sử dụng như “một loại thuốc chống buồn nôn và ói mửa khi áp dụng hóa trị để điều trị ung thư, và như một tác nhân tăng cường cảm giác ngon miệng.”
Ông cho biết THC đang được thử nghiệm để trợ giúp các bệnh nhân đa xơ cứng, và “hoạt động nghiên cứu gần đây với cannabidiol trên các mô hình động vật có thể dẫn đến những điều tra lâm sàng. Một chất cannabinoid tổng hợp, HU-211 (Dexanabinol), đang trải qua những giai đoạn chuyên sâu của điều tra lâm sàng trong vai trò một chất bảo vệ thần kinh trong điều trị chấn thương đầu.”
Vào năm 1988, các nhà khoa học Allyn Howlett và William Devane của Đại học Y khoa St. Louis tiểu bang Missouri đã đạt được điều mà Mechoulam gọi là “một phát hiện quan trọng về cần sa”: não người có chứa một thụ thể đối với THC, được họ đặt tên là CB1 (thụ thể cannabinoid số 1)
CB1 đã được xác định về tính tương thích, hay khả năng của nó trong việc tương tác với những vùng nhất định trong não người, được gọi là hệ thống endocannabinoid.
Hệ thống endocannabinoid giúp điều chỉnh giấc ngủ, cảm giác ngon miệng, cơn đói, tâm trạng, kiểm soát vận động, chức năng miễn dịch, sinh sản, cảm giác hài lòng và tưởng thưởng, cơn đau, hoạt động điều chỉnh nhiệt độ và trí nhớ.
Khám phá này đã khẳng định điều mà những người sử dụng cần sa giải trí tin tưởng dựa trên trải nghiệm sử dụng của họ, rằng cần sa dẫn đến một tương tác an toàn và tự nhiên với cơ thể người – thứ vốn cũng mang những thành tố của cần sa.
Dầu cần sa
Cần sa y tế có nhiều hình thức đa dạng, bao gồm dạng hơi, viên nhộng, viên ngậm, miếng dán ngoài da và dầu.
Tại Philippin, dầu cần sa được chế tạo từ các nguồn tư nhân để giúp đỡ các bệnh nhân ung thư.
Ít năm trước, một người Mỹ sống tại Philippin được chẩn đoán có một khối u não “cấp độ cao AA.”
Năm 2013, ông đã trải qua một phẫu thuật mở não, tiếp đó là 42 ngày xạ trị, sau cùng là hóa trị trong 6 tháng vào năm 2014.
Sau một giai đoạn thuyên giảm ngắn ngủi, bệnh nhân mang quốc tịch Mỹ (giấu tên) ấy cho biết khối u đã trở lại từ giữa năm 2015, đòi hỏi phải được điều trị bằng một lượt hóa và xạ trị nữa.
Cuối năm 2016, khối u đã quay trở lại lần thứ ba. Đó là lúc ông quyết định swex thử dầu cần sa và áp dụng chế độ ăn kiêng.
“Tôi ăn dầu cần sa 3 lần mỗi ngày, với những liều lượng rất nhỏ,” ông nói. “Tôi vẫn đang chống chọi lại bệnh ung thư, nhưng tôi cảm thấy rất khỏe khoắn và tôi có thể sống một cuộc sống bình thường và đi làm mỗi ngày.”
Ông cho biết thêm: “Tôi trông đợi đến ngày cần sa sẽ nhận được sự ghi nhận tương xứng và sẽ luôn sẵn có để phục vụ tất cả những ai đang khổ sở vì ung thư.”
‘Khỏi hẳn ung thư’
Một nữ bác sĩ yêu cầu ẩn danh đã quyết định sử dụng dầu cần sa để điều trị cho người em rể của cô bị mắc bệnh ung thư miệng.
Một bác sĩ khác (đã tạo thuận lợi để nữ bác sĩ ấy có được nguồn dầu cần sa cho em rể của cô) chia sẻ với Inquirer rằng bệnh nhân ấy đã được tuyên bố “khỏi hẳn ung thư sau 2 tuần lễ mà không cần tới hóa trị.”
Nhưng trường hợp đáng kinh ngạc nhất Inquirer được biết là một cậu bé 8 tuổi, năm ngoái đã mắc bệnh ung thư não giai đoạn 4. Cha của cậu bé (cũng yêu cầu ẩn danh) kể lại hành trình điều trị đầy kịch tính của con trai mình.
Khi các thử nghiệm đã khẳng định cậu bé mắc nhiều khối u trong não, các bác sĩ đã đề xuất 5 ngày xạ trị trong 6 tuần, và hóa trị mỗi tuần một lần trong 10 tháng.
Người cha cho biết 3 tuần xạ trị đã khiến con trai anh “uể oải, yếu ớt, ủ rũ, khó ngủ, mất cảm giác thèm ăn và khả năng tập trung.”
Khi được bạn bè cho biết về dầu cần sa, anh đã tìm hiểu về chủ đề này và sẵn lòng thử nghiệm. Một bác sĩ đã giúp anh kiếm được dầu và tư vấn về cách sử dụng cho con trai anh.
Tuy nhiên, anh đã không cho các bác sĩ đang điều trị cho con trai anh biết về việc sẽ thử nghiệm dầu cần sa để trị bệnh cho cậu bé.
Bắt đầu với liều lượng một giọt dầu, sử dụng 3 lần một ngày, tương đương 1 ml dầu cần sa ở dạng thuốc đặt hậu môn, cậu bé đã “có giấc ngủ ngon, đủ sức và hứng thú chơi đùa, và giảm bớt những cơn hưng-trầm cảm.”
Từ khi nhận được tư vấn từ nguồn cung cấp dầu cần sa, người cha đã tăng dần liều lượng cho con trai mình trong lúc tiếp tục xạ trị.
2 tháng sau, cậu bé được cho ngừng xạ trị, nhưng tiếp tục sử dụng dầu cho đến khi đạt liều lượng 5 giọt, chia làm 3 lần mỗi ngày.
Bác sĩ thần kinh chịu trách nhiệm điều trị đã yêu cầu chụp MRI (cộng hưởng từ) trước khi cậu bé bắt đầu trải qua hóa trị. Các kết quả chụp MRI đã cho thấy “cả 4 khối u trong não đã thu nhỏ kích thước đáng kể, tới mức một khối u trong số đó đã biến mất hoàn toàn.”
Khi cậu bé bắt đầu trải qua hóa trị, người cha tiếp tục cho cậu sử dụng dầu cần sa trong 5 tháng.
Phim chụp MRI lần thứ 2 đã cho những kết quả mà theo miêu tả của người cha là “quá choáng ngợp, tới mục không tin nổi: Tất cả các khối u giờ đây đã biến mất, ngoại trừ một chỗ được nghi ngờ là một ‘mô sẹo’ và chưa xác định được rõ cho đến lần chụp MRI tiếp theo. Tôi đã hỏi bác sĩ liệu chúng tôi có đang đi trên đúng đường trong việc điều trị bệnh cho con trai tôi hay không, và câu trả lời của bác sĩ là: ‘Không, chúng ta còn đã vượt rất xa rồi. Tôi chưa bao giờ chứng kiến một ca bệnh nào hồi đáp nhanh như vậy với phác đồ y tế này. Chúng ta đã cầu nguyện để có được một phép màu. Tôi tin rằng đây chính là một phép màu.”
Vào ngày 12 tháng 6, các bác sĩ điều trị đã tuyên bố cậu bé “đang trong trạng thái thuyên giảm, không cần đến các dược chất duy trì. Bệnh nhân đang trong tình trạng rất tốt, tăng cân ổn định và sự hoạt bát đang trở lại với cậu. Bệnh nhân vẫn đang sử dụng dầu cần sa, liều lượng 5 giọt chia làm 3 lẫn mỗi ngày, chỉ còn sử dụng qua đường miệng và ngưng dùng ở dạng thuốc đạn.”
Những người hoài nghi có thể coi những chứng thực này như những bằng chứng mang tính giai thoại. Tuy nhiên, cần sa – nguyên liệu gốc để tạo ra dầu cần sa – đã được nhìn nhận là thuốc trị bệnh trong hàng nghìn năm qua, cho đến khi chính phủ Hoa Kỳ đặt hoạt động sử dụng và canh tác cần sa ngoài vòng pháp luật, và đất nước Philippin cũng đã áp dụng theo điều luật ấy.
>>>>> Đọc thêm các bài viết về cần sa y tế
Nguồn: inquirer
Đơn Vị Tài Trợ: