Trong khi có thêm các tiểu bang hợp pháp hóa cần sa, sự quan tâm đối với một chiết xuất cần sa là cannabidiol (CBD) cũng đang tăng lên.
Trên thị trường, CBD được coi là một hợp chất có thể giúp giải tỏa lo âu — và có lẽ còn giúp điều trị các chứng đau nữa.
Một điểm hấp dẫn, ít nhất là với những ai không muốn ‘phê’, là CBD không có cùng những hiệu ứng gây biến đổi tâm trí như cần sa, bởi vì nó không chứa THC – hợp chất gây hiệu ứng tâm thần trong loài cây này.
Richard Ferry, quản lý bán lẻ của Home Grown Apothecary tại Portland – Oregon, cho biết: “Các khách hàng của tôi mua CBD để giải tỏa căng thẳng.” Tại tiểu bang này, sử dụng cần sa để tiêu khiển là hoạt động hợp pháp, với một số hạn chế nhất định.
“CBD đã thu được nhiều tiếng tốt,” Ferry nói thêm trong lúc cho chúng tôi xem một dãy các sản phẩm CBD, bao gồm các viên nhộng và các lọ dầu CBD được sử dụng bằng cách đặt dưới lưỡi thông qua một ống nhỏ giọt.
Theo một đánh giá, ngành sản xuất kinh doanh CBD đã tăng gấp đôi quy mô trong hai năm qua, và hiện tại có giá trị 200 triệu USD. Nhưng với một mức độ phổ biến nhưng vậy, niềm tin vào công dụng của CBD có thể đã đi trước cả những hiểu biết thực tế.
“Có nhiều hiểu biết không đúng về cách thức hoạt động và những tác dụng của CBD,” Ferry nói.
Các nhà nghiên cứu hiện nay đang cố gắng để khẳng định rõ các tác dụng của CBD.
“Tôi nghĩ rằng có những bằng chứng mạnh mẽ để nhận định CBD có thể là một cách điều trị hiệu quả đối với chứng nghiện chất và giải tỏa lo âu” và các rối loạn khác, theo lời Tiến sĩ Esther Blessing, một nhà nghiên cứu và nhà tâm lý của Đại học New York. “Nhưng chúng ta cần có những thử nghiệm lâm sàng để làm rõ vấn đề.”
Cho đến nay, các bằng chứng về tác dụng giải tỏa lo âu của CBD mới được thu thập từ các nghiên cứu trên động vật, và từ một số nghiên cứu ngắn hạn, quy mô nhỏ trên người, trong đó nhận định CBD thể hiện những đặc tính chống viêm và chống lo âu.
Những phát hiện sơ bộ này đã khơi gợi sự chú ý của Tiến sĩ Blessing. Ví dụ, bà dẫn ra một nghiên cứu năm 2011 được thực hiện trên vài chục người, một số trong đó mắc hộ chứng sợ xã hội, và họ đã được yêu cầu phát biểu trước đông đảo khán giả. Các nhà nghiên cứu đã so sánh các mức độ lo âu ở những người này sau khi họ sử dụng CBD, và so sánh với với những người đã được cho sử dụng giả dược hay hoàn toàn không sử dụng chất nào. (Các đối tượng nghiên cứu không biết mình đã được sử dụng CBD hay giả dược.)
Và các nhà khoa học đã tìm thấy điều gì? “Những người được sử dụng CBD đã cho thấy mức độ lo âu giảm thiểu đáng kể” so với những người được sử dụng giả dược, Ts. Blessing cho biết. “Đó là điều thật sự thú vị.”
Giờ đây, với sự tài trợ từ Viện Y tế Quốc gia (Hoa Kỳ), Ts. Blessing và một nhóm cộng tác viên đang chuẩn bị bắt đầu một thử nghiệm lâm sàng để đánh giá CBD có khả năng hay không trong việc giúp những người mắc rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) đồng thời còn mắc rối loạn sử dụng rượu ở mức độ trung bình đến nghiêm trọng.
Trong cuộc nghiên cứu, 50 người mắc PTSD cùng lúc với rối loạn sử dụng rượu đã được cho sử dụng 400 milligram CBD hoặc giả dược mỗi ngày. Mục tiêu là để xem những người được sử dụng CBD có bớt uống rượu hay không, và liệu điều này có dẫn tới một sự cải thiện trong các triệu chứng PTSD hay không. Những đối tượng nghiên cứu sẽ được cho sử dụng loại CBD tiêu chuẩn dược phẩm đáng tin cậy về hàm lượng và độ tinh khiết hơn các loại thực phẩm chức năng chứa CBD hiện đang được bán rộng rãi trên thị trường.
Một thử nghiệm lâm sàng giai đoạn II khác (để kiểm nghiệm mức hiệu quả và các tác dụng phụ) đang tìm hiểu liệu CBD có thể giúp ngăn chặn sự tái nghiện ở những người lạm dụng opioid bằng cách giảm cảm giác thèm sử dụng chất hay không. Đứng đầu cuộc nghiên cứu này là Yasmin Hurd, một nhà thần kinh học là người quản lý Viện nghiên cứu chứng nghiện chất tại Trường Dược Mount Sinai.
Hurd đã và đang cố gắng tập họp những nhà khoa học hàng đầu để nghiên cứu các tác dụng và các lợi ích tiềm năng của CBD trong điều trị lạm dụng chất.
Dường như là bất hợp lý khi một thành phần của cần sa lại có thể hữu dụng trong điều trị sự nghiện ngập các chất khác. Nhưng Ts. Blessing nói rằng sử dụng CBD là một việc rất khác với sử dụng cần sa. Mặc dù CBD được chiết xuất từ cần sa, nhưng nó không dẫn tới sự thay đổi về nhận thức và tri giác.
“Một số chất có thể mang tính chất không tác động tâm thần, song vẫn có tác động lên não bộ,” Ts. Blessing cho biết. “CBD quả thật có một tác động lên não bộ, nhưng dường như nó tác động lên não theo cách thức giống như các loại thuốc điều trị bệnh.”
Các kết quả từ nghiên cứu của Ts. Blessing phải đợi thêm vài năm nữa. Nhưng trong lúc này, mới tuần trước, một nhóm cố vấn Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã đề nghị phê chuẩn loại CBD tiêu chuẩn dược phẩm đầu tiên, có tên là Epidiolex, để điều trị rối loạn co giật nghiêm trọng ở trẻ em. Điều này có thể mở ra cánh cửa cho nhiều nghiên cứu nữa nhằm phê chuẩn sử dụng CBD điều trị các loại rối loạn khác.
Tiến sĩ Robert Carson là một nhà thần kinh học nhi khoa tại Đại học Vanderbilt, là người đã đánh giá tính hiệu quả của các thực phẩm chức năng chứa CBD cho trẻ em gặp phải những cơn co giật. Ông nói rằng các thực phẩm chức năng này có thể giúp ích cho các bệnh nhi. Tuy nhiên, ông nói, nếu FDA làm theo lời khuyên của nhóm cố vấn và phê chuẩn loại thuốc CBD đạt tiêu chuẩn dược phẩm, điều đó sẽ mở ra một lựa chọn điều trị mới bằng cách cung cấp cho bệnh nhân những liều lượng CBD chất lượng cao và ổn định.
“Có một điều quan trọng tôi báo trước với các bệnh nhân sử dụng thực phẩm chức năng chứa CBD, đó là chúng tôi không thể đảm bảo trong đó chứa những gì,” Carson giải thích. “Chúng tôi không thể đảm bảo tính nhất quán của các sản phẩm ấy.”
Các thực phậm chức năng không chịu những quy định nghiêm ngặt như dược phẩm, và chúng có thể có hàm lượng và độ tinh khiết rất khác nhau giữa từng lọ, từng nhãn hiệu.
Và còn một vấn đề khác mà những người sử dụng trong tương lai phải đối mặt: Mặc dù các thực phẩm chức năng chứa CBD được kinh doanh rộng rãi, nhưng tình cảnh pháp lý xung quanh các chiết xuất cần sa vẫn rất ảm đạm.
Ngay cả nếu bạn sinh sống tại một tiểu bang nơi cần sa được hợp pháp hóa, Lực lượng Chống Ma túy liên bang (DEA) vẫn xếp chiết xuất CBD vào nhóm chất thuộc Danh mục I. Theo cơ quan này, “Những chất thộc Danh mục I được định nghĩa là những chất hiện không có công dụng y tế được công nhận và có tiềm năng gây lạm dụng cao.”
Những người ủng hộ sử dụng CBD trong điều trị các loại bệnh tật hy vọng rằng các phát hiện từ những nghiên cứu hiện đang tiến hành sẽ giúp thay đổi cách nghĩ trong phân loại pháp lý và các lợi ích tiềm năng của CBD.
>> Đọc thêm các bài viết về Cannabidiol CBD
Nguồn: npr
Đơn Vị Tài Trợ: