Tác giả: Bonni Goldstein
Vấn đề sử dụng cần sa để điều trị ung thư đã và đang nhận được sự quan tâm to lớn. Trong 2 thập kỷ vừa qua, hàng trăm nghiên cứu đã tìm hiểu về những đặc tính chống khối u của các hợp chất cannabinoid, và đạt được những kết quả rất lạc quan. Nhưng không may, chúng ta còn đang thiếu những nghiên cứu trên cơ thể người mang tính chất quyết định để trả lời được những câu hỏi như những loại ung thư cụ thể nào có phản hồi tích cực khi được điều trị với cần sa, các loại cannabinoid nào có thể sử dụng, liều lượng sử dụng ra sao, và thời gian điều trị cần kéo dài trong bao lâu để cứu sống người bệnh.
Là một bác sĩ khoa nhi, đồng thời có chuyên môn trong điều trị bệnh bằng cần sa y tế, tôi thường được yêu cầu thăm khám những bệnh nhi đang mắc các loại ung thư giai đoạn cao. Các bậc cha mẹ tìm đến cần sa y tế với mục đích giảm bớt các tác dụng phụ của các liệu pháp hóa trị và xạ trị. Trong một số trường hợp, khi nhận được thông báo rằng các liệu pháp điều trị truyền thống đang áp dụng không đem lại hiệu quả, các bậc phụ huynh đã nỗ lực tìm lấy một phương pháp điều trị khác để vớt vát hi vọng cứu chữa cho con cái họ. Với nhận thức rằng họ cần có được những dữ kiện để đưa ra được những quyết định xác đáng, tôi luôn truyền đạt cho các bậc phụ huynh về những gì chúng ta biết và những gì chúng ta không biết về việc sử dụng cần sa cho các bệnh nhân nói chung và các bệnh nhi nói riêng.
Một vài nghiên cứu về động vật cho thấy các hợp chất cannabinoid có khả năng ức chế sự phát triển của khối u, khiến các tế bào ung thư tự tiêu diệt, ức chế di căn và ức chế sự hình thành các mạch máu mới. Chỉ có một nghiên cứu trên cơ thể người được thực hiện, trong đó hợp chất THC được sử dụng cho 9 bệnh nhân – họ là những bệnh nhân u nguyên bào thần kinh đệm đa hình (glioblastoma multiforme) đã không có phản hồi tích cực với các liệu pháp khác. Các thí nghiệm sử dụng cần sa trên cơ thể người bị cấm tại Mỹ, vì lý do loài thực vật này nằm trong Danh mục 1 theo quy định về các chất ma túy của đất nước này.
Thực tế đã có rất nhiều nghiên cứu trên động vật cho chúng ta thấy rằng các hợp chất cannabinoid có những hiệu ứng chống tăng sinh đối với nhiều dòng tế bào ung bướu, trong đó bao gồm các khối u vú, tuyến tiền liệt, da, hệ thần kinh, xương và tuyến giáp. Trong môi trường phòng thí nghiệm, các tế bào ung thư hạch bạch huyết và bệnh bạch cầu cũng đã cho thấy những hồi đáp tích cực khi được điều trị với các cannabinoid. Ngoài ra, các cannabinoid cũng đã cho thấy tác dụng tăng cường hiệu quả của các tác nhân hóa trị. Các kết quả thí nghiệm này đã khơi mào cho việc sử dụng cần sa để điều trị ung thư tại các tiểu bang đã hợp pháp hóa cần sa y tế.
Mặc dù hầu hết các báo cáo về cách khả năng chữa lành ung thư của cần sa chỉ được xem như những lời đồn đại, nhưng một trường hợp về cô bé 14 tuổi đến từ Canada mắc bệnh bạch cầu thể tiến triển nghiêm trọng đã có được dẫn chứng bằng tư liệu về liều lượng dầu cần sa đem lại hồi đáp tích cực trong quá trình điều trị. Khi đó các phương pháp bao gồm hóa trị, xạ trị và ghép tủy đã không mang lại được thành công cho bệnh nhi này, thậm chí các bác sĩ cũng không còn liệu pháp nào khả quan khác nữa. Cha mẹ bệnh nhân này đã tiến hành điều trị cho con gái mình bằng một loại dầu cần sa cô đặc chưa qua thử nghiệm. Khi bắt đầu điều trị, số lượng phôi bào ung thư là 194.000. Sau 5 ngày điều trị với dầu cần sa, tế bào ung thư vẫn phát triển mạnh, số lượng lên tới 374.000. Tuy nhiên, khi tiếp tục điều trị với dầu cần sa, đến ngày thứ 15 thì số lượng phôi bào đã giảm mạnh xuống còn 61.000. Ngoài ra, bệnh nhân ít cần đến thuốc giảm đau hơn, và mức độ hoạt bát của cô bé cũng được nâng cao hơn. Số lượng phôi bào giảm xuống thấp nhất là 300 vào ngày thứ 39. Thật không may, cô bé đã qua đời do ruột bị thủng – một hệ quả đáng tiếc do cơ thể bị suy nhược trầm trọng sau hơn 34 tháng trải qua hóa và xạ trị. Quá trình điều trị bằng dầu cần sa đã cho thấy, số lượng tế bào ung thư tăng lên nếu dầu cần sa không được đưa vào cơ thể 3 lần 1 ngày, hoặc nếu bắt đầu một mẻ dầu mới – từ đó suy ra rằng nếu thời gian ngắt quãng sử dụng càng kéo dài và dược lực của dầu cần sa càng thấp thì hiệu quả điều trị càng giảm. Trong quá trình trị liệu bằng cần sa, bệnh nhân hoàn toàn không sử dụng phương pháp trị liệu nào khá và số lượng phôi bào đã có những hồi đáp tùy theo những điều chỉnh về tần suất sử dụng và dược lực của dầu cần sa.
Hiện tại, tôi đang chăm sóc một thiếu niên bị u xương ác tính đã di căn vào phổi, chẩn đoán này có từ cách đây 2 năm. Cậu bé đã phải trải qua hóa trị với tần suất dày đặc và nhiều cuộc phẫu thuật. Khi gia đình cậu bé tìm đến tôi, cậu bé đã bị sụt cân rất nhiều, phải chịu những cơn đau khủng khiếp và đang được áp dụng hóa trị xoa dịu bằng thuốc gemcitabine. Bác sĩ ung thư của cậu bé thông báo với tôi rằng không còn cách điều trị khả dĩ nào khác. Tôi bắt đầu cho cậu bé điều trị bằng dầu cần sa, cụ thể là ngậm THC và CBD liều cao dưới lưỡi. Liều sử dụng được tăng dần tới 1000mg cannabinoid/ngày, chia làm 3 lần với tỉ lệ 1 CBD: 1THC (bệnh nhân được hướng dẫn tiếp tục hóa trị). Bệnh nhân đã ngay lập tức tăng cân và ngừng sử dụng thuốc giảm đau nguồn gốc thuốc phiện. Sau 3 tháng điều trị, các kết quả chụp xương và chụp cắt lớp phát xạ (PET scan) cho thấy không còn dấu hiệu của căn bệnh. Bệnh nhân vẫn tiếp tục điều trị bằng cần sa, nhưng xuất hiện hiên tượng lo âu tăng lên, tỉ lệ CBD:THC được điều chỉnh thành 3:1. Sau một thời gian 3 tháng sử dụng dầu cần sa nữa, các kết quả hình ảnh qua chiếu xạ tiếp tục cho thấy không còn dấu hiệu của ung thư xương. Tính đến nay là đã được 18 tháng kể từ khi bắt đầu trị liệu bằng cần sa, và một năm kể từ khi ngừng hóa trị. Bất chấp tính chất di căn dữ dội của căn bệnh ung thư này, nó đã không tái phát. Bệnh nhân trẻ hiện tại đã trở lại cuộc sống bình thường và vẫn tiếp tục sử dụng cần sa. Điều đáng lưu ý ở ca trị liệu này là nghiên cứu trên chuột thí nghiệm bị cấy tế bào ung thư tuyến tụy đã chỉ ra rằng khả năng tiêu diệt tế bào ung thư của thuốc gemcitabine được tăng cường nhờ sự bổ sung các cannabinoid. Tôi tin rằng hiệu ứng đồng vận giữa hóa trị và cannabinoid là lý do cho việc khỏi bệnh của bệnh nhân này, và việc duy trì sử dụng cần sa đã ngăn cản bệnh ung thư xương tái phát
Một trường hợp khác, một bệnh nhi 3 tuổi mắc bệnh bạch cầu được gia đình đưa đến với tôi trong tình trạng suy kiệt với gần như đầy đủ mọi tác dụng phụ của liệu pháp hóa trị. Cháu bé sụt cân rất nhanh và không thể ăn vì viêm niêm mạc miêng, một tác dụng phụ từ việc hóa trị. Cháu rất cáu kỉnh, thậm chí không muốn chơi hay ngủ được. Tôi quyết định cho cháu dùng vài giọt dầu với hàm lượng CBD và THC thấp. Sau vài lần sử dụng, cháu đã bắt đầu ăn và ngủ được, muốn chơi và tăng cân trở lại. Theo lời mẹ cháu bé, “Chúng tôi thấy hóa trị không sử dụng cần sa và hóa trị có sử dụng cần sa khác nhau như đêm với ngày. Thằng bé đã có được khoảng thời gian dễ chịu hơn nhiều sau khi liệu pháp hóa trị được bổ sung với dầu cần sa.”
Cần sa y tế để điều trị ung thư cho các bệnh nhi vẫn còn là vấn đề tranh cãi, tuy nhiên trong những ca bệnh ung thư kháng điều trị hoặc có những tác dụng phụ nghiêm trọng của các cách điều trị truyền thống, cần sa nhất định phải là một lựa chọn sẵn có, vì một trong lý do quan trọng là loại thảo dược này ít độc tính đáng kể so với hầu hết các cách điều trị ung thư. Ngoài các tác dụng chống lại tế bào ung thư, cần sa còn làm tăng tác dụng của các hợp chất trong hóa trị, giúp các tác dụng phụ tiêu cực của hóa trị trở nên dễ chịu hơn. Từ kinh nghiệm điều trị với cần sa của mình, tôi thấy cơ hội sống sót của các bệnh nhân ung thư được tăng lên rõ rệt. Chúng ta cần thận trọng với những khẳng định “chữa khỏi ung thư”, nhưng nếu cần sa được chuyển từ Danh mục 1 xuống Danh mục 2,các nhà khoa học có thể tìm ra những lời giải đáp đang được vô cùng mong mỏi, và sẽ cứu giúp được cuộc sống của rất nhiều người.
Nguồn: marijuana.com
Dịch giả: Marley
Xem thêm: Câu chuyện cần sa y tế điều trị bệnh ung thư
Xem thêm: Góc nhìn mới về cannabis tại Việt Nam – HempToday Podcast
Đơn Vị Tài Trợ: