Sử dụng cần sa và các tác động về y tế

Cần sa có gây nghiện không?

Theo báo cáo Cần sa và Y học: Đánh giá Cơ sở Khoa học năm 1999 của Viện Hàn lâm Y học Quốc gia Hoa Kì:

“So với hầu hết các loại ma túy khác … sự lệ thuộc ở người sử dụng cần sa là tương đối hiếm … Mặc dù ít, nhưng vẫn có người sử dụng cần sa sau đó bị lệ thuộc. Tuy nhiên, dường như họ ít khả năng bị lệ thuộc vào cần sa hơn so với những người dùng các loại ma túy khác (bao gồm cả rượu và nicotin), và sự lệ thuộc cần sa dường như ít nghiêm trọng hơn so với sự lệ thuộc vào các loại ma túy khác. ”

Sử dụng cần sa có dẫn đến sử dụng các loại ma túy nặng hơn?

Theo báo cáo Cần sa và Y học: Đánh giá Cơ sở Khoa học năm 1999 của Viện Hàn lâm Y học Quốc gia Hoa Kì:

“Không có bằng chứng kết luận rằng những hiệu ứng thuốc của cần sa là nguyên nhân dẫn đến hệ quả lạm dụng của các loại ma túy bất hợp pháp khác… Không có bằng chứng cho thấy cần sa đóng vai trò như một bước đệm, căn cứ trên hiệu ứng sinh lý đặc thù của nó… Thay vào đó, chính tình trạng pháp lý hiện tại của cần sa khiến nó trở thành 1 loại ma túy trung gian”.

Tổ chức Y tế Thế giới đã ghi nhận rằng bất kỳ hiệu ứng trung gian có liên quan đến việc sử dụng cần sa thật ra có thể là do việc cấm cần sa, bởi vì “việc dễ tiếp xúc với các loại ma túy khác khi mua cần sa trên chợ đen làm tăng cơ hội sử dụng các loại ma túy bất hợp pháp khác.”

Cần sa nguy hiểm hơn thuốc lá?

Chỉ một từ: Không, không nguy hiểm hơn thuốc lá. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng cần gây hại ít hơn nhiều so với thuốc lá.

Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ, thuốc lá gây tử vong cho 435.000 trường hợp trong năm 2000, tương đương gần 1.200 người chết mỗi ngày. Trong khi đó, cần sa chưa bao giờ gây ra một ca tử vong do dùng quá liều nào trong hơn 5000 năm ghi nhận sử dụng

Một điều quan trọng là cần lưu ý rằng hút khói bất cứ thứ gì cũng đều có hại cho phổi, và trong vấn đề này, cần sa không hoàn toàn lành tính. Theo cuốn sách Hiểu biết về cần sa (2002) của Mitch Earleywine, người hút cần sa đôi khi biểu hiện các triệu chứng tương tự với người hút thuốc lá như ho, thở khò khè, viêm phế quản.

Tuy nhiên, những tác hại có thể được giảm thiểu bằng cách ăn cần sa, dùng máy hóa hơi, hoặc dùng cần sa dược lực cao hơn, như vậy sẽ làm giảm tác hại liên quan đến việc hút (khói) trong khi vẫn cung cấp những lợi ích y tế của cần sa.

Một số nghiên cứu khác cho thấy việc sử dụng cần sa hàng ngày không làm tăng tỷ lệ mắc bệnh hô hấp, và rằng hút cả thuốc lá và cần sa có hại hơn hơn so với chỉ hút một loại.

Không giống như thuốc lá, nghiên cứu chưa khi nào chỉ ra rằng cần sa làm tăng tỷ lệ ung thư phổi hoặc các loại ung thư thường liên quan đến hút thuốc lá khác. Theo một nghiên cứu kéo dài 10 năm với 65.000 bệnh nhân được thực hiện tại Kaiser Permanente-HMO và công bố vào năm 1997, tỷ lệ người hút thuốc lá mắc ung thư phổi, miệng và cổ họng cao hơn nhiều người không hút thuốc, nhưng tỷ lệ người hút cần sa mà không hút thuốc lá lại không cao như thế. Và tháng 5 năm 2006, Tiến sĩ Donald Tashkin của Đại học California, LA, đã trình bày những kết quả của một nghiên cứu mới, cho thấy thậm chí người hút cần sa kinh niên không hề tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi.

su-dung-can-sa-va-cac-tac-dong-ve-y-te
10 nghiên cứu trong năm 2016 – Minh họa về các giá trị y tế của cần sa

Đã có ai chết vì cần sa?

Trong tất cả các tài liệu y khoa, không từng có ai chết vì quá liều cần sa.

Năm 2001, một cuộc kiểm tra chi tiết về những ảnh hưởng đối với sức khỏe và tâm lý của việc sử dụng cần từ Trung tâm Ma túy và Rượu Quốc gia tại Đại học New South Wales Australia lưu ý rằng “theo ghi nhận, nó không góp phần dẫn đến tử vong, và chỉ là một nguyên nhân thứ yếu dẫn đến bệnh tật.”

Trong một bài xã luận năm 1998, tạp chí The Lancet, một tạp chí y khoa khả kính của Anh, đã viết: “Dựa trên những bằng chứng y tế hiện có, khoái cảm ở mức trung tính từ cần sa hầu như không có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.”

Sử dụng cần sa có thể gây ung thư?

Hút cần sa không làm tăng nguy cơ tử vong sớm hoặc ung thư. Theo báo cáo Cần sa và Y học: Đánh giá Cơ sở Khoa học năm 1999 của Viện Hàn lâm Y học Quốc gia Hoa Kì:

“Không có bằng chứng kết luận rằng cần sa gây ung thư ở người, bao gồm các loại ung thư thường liên quan đến sử dụng thuốc lá. … Để kết luận thói quen hút cần sa liệu có dẫn đến ung thư đường hô hấp hay không, chúng ta cần có thêm những bằng chứng rõ ràng hơn từ những kết quả của các nghiên cứu đối chứng dịch tễ học chuyên sâu trong tương lai.”

Cần sa có thể gây ra các vấn đề y tế nguy hiểm đến tính mạng khác?

Theo báo cáo Cần sa và Y học: Đánh giá Cơ sở Khoa học năm 1999 của Viện Hàn lâm Y học Quốc gia Hoa Kì: “Các dữ liệu dịch tễ học từ mọi thành phần dân cư cho thấy việc sử dụng cần sa không liên quan tới tỷ lệ tử vong gia tăng.”

Cần sa có gây ra Hội chứng mất động lực (Amotivational Syndrome)?

Theo báo cáo Cần sa và Y học: Đánh giá Cơ sở Khoa học năm 1999 của Viện Hàn lâm Y học Quốc gia Hoa Kì: Khi việc sử dụng cần sa ở liều cao và kéo dài đi kèm với các dấu hiệu của hội chứng, cần sa thường bị quy kết là nguyên nhân, nhưng không có dữ liệu thuyết phục nào thể hiện mối quan hệ nhân quả giữa hút cần sa và những đặc điểm hành vi ấy.”

Tôi nghe nói rằng cần sa hiện nay mạnh hơn và nguy hiểm hơn. Đây có phải là sự thật?

Những lời quả quyết về việc cần sa hiện nay đã gia tăng đáng kể về độ mạnh thường được dựa trên quan niệm rằng các loại cần sa được sử dụng trong những năm 1960 và 1970 chỉ chứa 1% THC (chất tác động đến tâm trí trong cần sa). Tuy nhiên, như Mitch Earleywine, giáo sư tâm lý học và nhà nghiên cứu Đại học Nam California nhận xét trong cuốn sách Hiểu về Cần sa của ông, những tuyên bố này được dựa trên số lượng rất nhỏ các mẫu cần sa mà có thể đã được lưu trữ không đúng cách. Hơn nữa, cần sa chỉ với hàm lượng 1% THC không gây tác động đến tâm trí – có nghĩa không tạo cảm giác “phê”. Vì vậy, nếu con số 1% là đúng, tức là sự gia tăng nhanh chóng số lượng người ưa chuộng cần sa lại dựa trên một việc cần sa quá yếu, không đủ khả năng đem lại hiệu ứng được trông đợi (?!).

Earleywine giải thích thêm rằng sự gia tăng vừa phải về độ mạnh của cần sa trong thời gian qua “không phải là một điều gì đáng báo động. THC không gây độc ở liều cao như rượu, nicotin, và nhiều loại ma túy thường gặp khác. Cần sa có độ mạnh cao thực ra lại có thể giảm thiểu rủi ro trong các vấn đề về phổi bởi vì sẽ chỉ cần một lượng khói hút vào ít hơn để đạt được cảm giác mong muốn.” Như vậy, thậm chí nếu cần sa ngày nay mạnh hơn, nó cũng sẽ không nguy hiểm hơn chút nào.

Những ảnh hưởng của lệnh cấm cần sa

Người ta có thật sự bị bắt vì cần sa không?

Có. Ước tính trong năm 2014 đã có khoảng 700.993 vụ bắt giữ trên toàn nước Mỹ vì những vi phạm liên quan đến cần sa – so với 693.058 vụ trong năm 2013. 88,42% số vụ bắt giữ với tội danh tàng trữ cần sa. Tính trung bình, cứ khoảng 45 giây lại có một người bị bắt tại Mỹ vì các vi phạm liên quan cần sa (cứ 51 giây cho tội sở hữu cần sa).

Chi phí cho hoạt động cấm cần sa tốn bao nhiêu tiền?

Do tạo ra các khoản chi từ việc thi hành luật và lấy đi các khoản thu mà lẽ ra chính phủ có thể áp lên hoạt động kinh doanh cần sa, sự cấm đoán này  mỗi năm tiêu tốn 41,8 tỷ USD từ người nộp thuế Hoa Kỳ, theo một ước tính của Tiến sĩ Jon B. Gettman, nhà nghiên cứu chính sách công vào năm 2007 trong báo cáo Tổn thất về thuế và các phí tổn khác từ các điều luật về cần sa. Bản báo cáo này được thực hiện chủ yếu dựa trên những ước tính của chính phủ Hoa Kỳ về nguồn cung, giá cả, và các vụ bắt giữ cần sa.

Trong một bản báo cáo mang tính chất dè chừng hơn được Tiến sĩ kinh tế Đại học Harvard, Jeffrey Miron  đưa ra năm 2005,  con số vẫn rất choáng ngợp: khoảng 10-14 tỷ USD mỗi năm.

Xem http://www.prohibitioncosts.org để biết thêm thông tin.

Không phải lệnh cấm cần sa nếu được bãi bỏ sẽ khiến thanh thiếu niên dễ dàng mua cần sa hay sao?

Hoạt động cấm cần sa đã không ngăn được sự gia tăng mạnh mẽ về lượng tiêu thụ cần sa trong thanh thiếu niên. Trên thực tế, kể từ lần đầu tiên cần sa bị đưa ra ngoài vòng pháp luật vào năm 1937, tổng lượng tiêu thụ cần sa tại Mỹ đã tăng khoảng 4.000%. Các nghiên cứu độc lập của Viện RAND Europe và Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Mỹ đã báo cáo rằng lệnh cấm dường như có rất ít hoặc thậm chí không hề có tác động nào đối với lượng tiêu thụ cần sa.

Lệnh cấm cần sa có khi còn làm gia tăng hoạt động tiếp cận cần sa của thanh thiếu niên. Người bán các sản phẩm chịu điều chỉnh của pháp luật như thuốc lá và rượu có thể bị phạt tiền hoặc tước giấy phép nếu họ bán cho trẻ vị thành niên. Như thế, lệnh cấm cần sa thành ra lại như một đảm bảo cho người buôn bán cần sa không phải tuân theo các quy định đó. Dân buôn bán ma túy đâu cần hỏi căn cước của người mua.

Tại những đất nước đã cải cách luật về cần sa không xảy ra sự gia tăng sử dụng cần sa ở thanh thiếu niên. Kể từ khi nước Anh chấm dứt hầu hết các vụ bắt giữ vì tội tàng trữ cần sa vào năm 2004, tỷ lệ sử dụng cần sa của độ tuổi từ 16 đến-19 tuổi (nhóm tuổi trẻ nhất trong các khảo sát về hoạt động sử dụng ma túy do chính phủ thực hiện) đã giảm mạnh. Tại Hà Lan, nơi người trưởng thành vốn đã được quyền sở hữu và mua một lượng nhỏ cần sa từ các doanh nghiệp được cấp phép từ năm 1976, tỷ lệ sử dụng cần sa ở người trưởng thành và người vị thành niên đều thấp hơn so với Mỹ.

Để biết thêm thông tin, vui lòng xem:

Những lập luận mạnh mẽ ủng hộ điều chỉnh và đánh thuế cần sa

Cần sa Y tế

Cần sa có thể chữa trị những bệnh gì?

Những bệnh nhân ung thư, tăng nhãn áp, AIDS hay HIV, bệnh Crohn, viêm gan C và bệnh đa xơ cứng đã được giảm nhẹ gánh lo nhờ sử dụng cần sa. Cần sa còn được sử dụng để điều trị suy nhược, chán ăn, và hội chứng gầy mòn; đau dữ dội hoặc mãn tính; buồn nôn; rối loạn co giật (như động kinh); viêm khớp; đau nửa đầu; và sự kích động của bệnh Alzheimer.

Sao không chờ đợi thêm các nghiên cứu khác trước khi xếp cần sa vào loại thuốc điều trị hợp pháp?

Có một số lý do:

1. Chính phủ liên bang đang ngăn chặn mạnh mẽ các nghiên cứu về sử dụng cần sa như một loại thuốc điều trị. Trên thực tế, một số nhà nghiên cứu đã đệ đơn kiện chính phủ liên bang, buộc tội chính phủ liên bang không xét duyệt đơn xin trồng cần sa dược lực cao, đạt chuẩn nghiên cứu tại một trường đại học thuộc bang Massachusetts. Các nhà nghiên cứu này đang bị ngăn cấm thu thập cần sa đạt chuẩn nghiên cứu từ các nước khác. Trong khi đó, cần sa chất lượng kém của chính phủ liên bang lại không sử dụng được trong nghiên cứu. Do vậy, khi không có khả năng tự trồng cần sa đạt chuẩn, họ không thể tiến hành nghiên cứu sử dụng cần sa cho mục đích y tế.

2. Đã có quá đủ bằng chứng rằng cần sa có tác dụng trong y tế.

3. Thậm chí nếu nghiên cứu thêm là cần thiết, bệnh nhân sử dụng cần sa không đáng bị bắt giữ và cầm tù trong khi chờ đợi những kết quả từ nghiên cứu mà thật ra họ đã biết cả rồi: cần sa có tác dụng chống buồn nôn, chống co thắt, và các tác dụng kích thích ngon miệng, v.v. – là những tác dụng đem lại  một đời sống có chất lượng cao hơn cho những người mắc bệnh nặng hoặc kinh niên.

4. Trong lịch sử sử dụng được ghi lại từ hàng ngàn năm, cần sa chưa bao giờ gây tử vong do dùng quá liều. Trên thực tế, về mặt thể chất, người ta không thể chết vì dùng cần sa quá liều. Trong khi đó, Viện nghiên cứu Lạm dụng rượu và Nghiện rượu  Quốc gia đã báo cáo hơn 300 ca tử vong mỗi năm do ngộ độc rượu.

5. Tương tự như vậy, việc sử dụng cần sa lâu dài chưa bao giờ được chứng minh là làm tăng nguy cơ tử vong hay rút ngắn tuổi thọ, trong khi Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ cho biết trong năm 2004, sử dụng rượu quá mức là nguyên nhân đứng thứ ba gây tử vong ở Mỹ, gây ra khoảng 76.000 trường hợp tử vong do tổn thương gan, ung thư, bạo lực và các nguyên nhân khác.

Sao chúng ta không chờ đợi các loại thuốc mới được sản xuất từ các thành phần của cần sa, thay vì cho phép bệnh nhân uống hoặc hút cần sa tự nhiên ngay bây giờ?

Cần sa ở trạng thái tự nhiên cung cấp liệu pháp chữa trị hiệu quả cho những người có nhiều vấn đề sức khỏe. Sản xuất dược phẩm dựa trên tính chất dược liệu cần sa là một mục tiêu mà MPP (Marijuana Policy Project – Dự án Chính sách Cần sa) hỗ trợ, nhưng không nên loại trừ việc cho phép mọi người sử dụng cần sa ở dạng tự nhiên. Có một số lý do tại sao không nên bắt buộc bệnh nhân chờ đợi các dược phẩm nguồn gốc cần sa được đưa ra thị trường:

1. Phải mất nhiều năm để phê chuẩn các loại thuốc bán theo đơn tại Hoa Kỳ. Bệnh nhân có đáng phải chịu tình cảnh không có thuốc trong khi phải chờ đợi cho các loại thuốc khác được chấp nhận hay không – khi mà cần sa ở dạng cây trồng tự nhiên luôn sẵn có?

2. Thuốc kê theo đơn rất đắt. Do các yêu cầu kiểm tra nghiêm ngặt để đưa một loại thuốc ra thị trường và đạt được các kiểm duyệt về pháp lý, các sản phẩm hoàn thiện thường là khá đắt đỏ. Và mặc dù cần sa tự nhiên có thể đắt đỏ do bị pháp luật cấm, nhưng chắc chắn là cần sa không đắt bằng các dược phẩm nguồn gốc cần sa hiện chưa được phát triển.

3. Cần sa có hàng trăm nếu không muốn nói là hàng ngàn các hợp chất hóa học (cũng như hầu hết các cây thuốc khác). Tetrahydrocannabinol (THC) được xem là hoạt chất chính của cần sa, và là nguồn gốc của Marinol, loại thuốc có nguồn gốc cần sa duy nhất đang tồn tại ở Mỹ. Tuy nhiên, khoa học chỉ mới bắt đầu hiểu được cách thức hoạt động của cần sa tự nhiên. Một số hợp chất khác trong cần sa tự nhiên đang được xem xét tác dụng trên cơ thể người, và người ta tin rằng cần sa ở dạng tự nhiên tạo sự kết hợp của các hợp chất mạnh hơn là tổng hợp các chất riêng rẽ. Nói cách khác, nhiều chất trong cần sa được cho là kết hợp cùng nhau để tạo ra kết quả tối ưu, với mức độ tối thiểu các ảnh hưởng tiêu cực. Vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu, nhưng việc chỉ chiết xuất riêng một trong những chất từ cần sa tự nhiên sẽ không đem lại được hết những lợi ích của toàn bộ cây cần sa.

Không phải cần sa quá nguy hiểm để được sử dụng như một loại thuốc hay sao?

Theo báo cáo Cần sa và Y học: Đánh giá Cơ sở Khoa học năm 1999 của Viện Hàn lâm Y học Quốc gia Hoa Kì: Trừ các tác hại liên quan đến hút, tác dụng phụ của cần sa nằm trong giới hạn dung nạp thuốc như đối với các loại thuốc khác. ”

Nếu bệnh nhân được phép sử dụng cần sa y tế,  không phải hoạt động sử dụng cần sa ngoài y tế cũng tăng theo hay sao?  

Theo báo cáo Cần sa và Y học: Đánh giá Cơ sở Khoa học năm 1999 của Viện Hàn lâm Y học Quốc gia Hoa Kì :

“Có một quan ngại lớn trong xã hội là phê chuẩn cần sa y tế có làm tăng việc sử dụng cần sa trong cộng đồng. Tại thời điểm này, chưa có dữ liệu đủ tính thuyết phục để chứng minh sự quan ngại này. Các dữ liệu hiện có đều dẫn đến nhận định rằng sẽ không có vấn đề gì nếu việc sử dụng cần sa y tế được quy định chặt chẽ như các thuốc có tiềm năng dễ bị lạm dụng khác… Quan ngại này vượt quá các khía cạnh đơn thuần về việc sử dụng cần sa y tế và không đáng là yếu tố đánh giá tiềm năng chữa bệnh của cần sa hay các cannabinoid.

“Không có bằng chứng cho thấy rằng việc sử dụng thuốc phiện hoặc cocaine cho các mục đích y tế thì cũng làm cho việc sử dụng chúng vào các mục đích khác trở nên an toàn hoặc được chấp nhận.

“Luật cần sa y tế được thông qua có làm tăng việc sử dụng cần sa trong giới trẻ?

Không. Kể từ khi luật cần sa y tế của California (Dự luật 215) được thông qua vào năm 1996, sử dụng cần sa trong giới trẻ đã giảm đáng kể. Xem Báo cáo tình trạng sử dụng cần sa của trẻ vị thành niên của MPP để biết thêm thông tin.

Thật sự có người bị bắt vì dùng cần sa y tế hay không?

Trong năm 2012, khoảng 750.000 người đã bị bắt vì tàng trữ cần sa. Chính phủ không lưu trữ về số lượng người đã sử dụng cần sa cho mục đích y tế, nhưng ngay cả nếu sử dụng cần sa vì mục đich y tế chỉ là 1%, thì khoảng 7.500 bệnh nhân đã bị bắt giữ.

Tại sao cần sa y tế vẫn cần thiết nếu nó đã sẵn có ở dạng thuốc viên (Marinol)?

Khi mọi người bị nôn do hóa trị liệu ung thư hoặc hội chứng suy mòn do AIDS, việc uống thuốc viên sẽ rất khó khăn. Sau khi uống Marinol, bệnh nhân tiếp tục chịu đựng những khổ sở trong một nửa giờ hoặc hơn để thuốc có tác dụng; hút cần sa có thể giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu gần như tức thì. Ngoài ra, Marinol chỉ chứa một trong nhiều loại cannabinoid có tác dụng trị liệu có trong toàn bộ cây cần sa.

Có bao nhiêu bang cho phép cần sa y tế?

24 bang – Alaska, Arizona, California, Colorado, Connecticut, Delaware, Hawaii, Illinois, Maine, Maryland, Massachusetts, Michigan, Minnesota, Montana, Nevada, New Hampshire, New Jersey, New Mexico, New York, Oregon, Pennsylvania , Rhode Island, Vermont và Washington D.C – đã có luật bảo vệ bệnh nhân đã được xét duyệt khỏi bị bắt giữ và bỏ tù vì sử dụng cần sa dưới sự tư vấn của bác sĩ.

Một số bang khác đã thông qua luật mang tính tượng trưng và không ràng buộc liên quan đến cần sa y tế. Để biết thêm thông tin về luật cần sa của từng bang, vui lòng truy cập Pháp Luật Cần Sa Y Tế Của Từng Bang: Làm Thế Nào Để Tránh Bị Bắt.

Luật cần sa y tế cấp bang vận hành như thế nào?

Do 99% các vụ bắt giữ cần sa được thực hiện ở cấp bang, luật cần sa y tế của bang bảo vệ bệnh nhân hiệu quả, bất chấp sự khắt khe của luật liên bang.

Trong các bang mà không có luật cần sa y tế, bệnh nhân đang bị đối xử như tội phạm. Họ có thể phải đối mặt với một nguồn cung cấp không đầy đủ do giá bị lệnh cấm đẩy lên hoặcdo tình trạng khan hiếm; so không tinh khiết, bị nhiễm tạp chất, hoặc cần sa giả/bị pha trộn hóa chất từ thị trường chợ đen; do bị bắt giữ, phạt tiền, án phí, tịch thu tài sản, giam giữ, quản chế, mất viện trợ tài chính cho giáo dục, mất việc làm, và lưu hồ sơ hình sự.

Không phải luật cần sa y tế cấp bang làm cho các bang này bang vi phạm pháp luật liên bang hay sao?

Không có điều nào trong luật liên bang quy định các bang phải thực thi luật liên bang đối với sở hữu hoặc canh tác cần sa. Các bang được tự do quyết định các mức xử phạt hoặc không phạt trong vấn đề xử lý vi phạm luật về ma túy. Chính quyền các bang không thể trực tiếp vi phạm luật liên bang bằng cách cung cấp  cần sa cho bệnh nhân, nhưng các bang có thể từ chối việc bắt giữ những bệnh nhân trồng hoặc dùng cần sa để làm thuốc chữa bệnh.

Hơn nữa, vào ngày 14 Tháng 10 năm 2003, Tòa án tối cao Hoa Kỳ đã từ chối xét xử vụ kiện Conant v. Walters, ủng hộ phán quyết của tòa án phúc thẩm cấm chính phủ liên bang trừng phạt những bác sĩ có khuyến nghị cho bệnh nhân dùng cần sa y tế. Bằng cách từ chối xét xử vụ kiện này, Tòa án tối cao đã xóa tan các nghi ngờ về quyền hạn của các bang trong việc bảo vệ bệnh nhân sử dụng cần sa y tế và bác sĩ của họ theo luật của bang. Một số người nhầm tưởng rằng Phán quyết Gonzales v. Raich của Tòa án tối cao Hoa Kỳ năm 2005 đã bãi bỏ luật cần sa y tế ở các bang, nhưng như vậy không đúng. Quyết định này chỉ đơn giản là duy trì nguyên trạng như đã tồn tại từ khi cử tri California thông qua Dự luật 215 vào năm 1996: Các bang có thể bảo vệ bệnh nhân dùng cần sa y tế khỏi bị bắt giữ theo luật của bang, nhưng không làm cho bệnh nhân miễn truy tố liên bang. Ngay sau khi có Phán quyết Gonzales v. Raich, Tổng Chưởng lý Mike McGrath của bang Montana trả lời báo Helena Independent Record, “Chúng tôi vẫn có luật hiệu lực.” Quan chức từ các bang phê chuẩn cần sa y tế đều đã ra những quyết định tương tự.

Không phải chúng ta nên đi theo tiến trình phê chuẩn của FDA thay vì thông qua các đề xướng và các dự luật về cần sa y tế hay sao?

Trong báo cáo năm 1999 về cần sa y tế, Viện Y học (IOM) nhận xét về sự khó khăn của việc nghiên cứu cần sa: “Một số loại thuốc, chẳng hạn như cần sa, là chất thuộc Danh mục I trong Đạo luật Kiểm soát chất, và điều này làm tăng độ phức tạp và chi phí đáng kể cho đánh giá lâm sàng… Tóm lại, sự phát triển của cây cần sa gặp khó bởi những trở ngại và bất trắc đáng kể về khoa học, luật pháp và thương mại. ”

Như được IOM đề cập, quá trình phê duyệt quan liêu của FDA sẽ mất nhiều năm và tốn hàng triệu – và có thể hàng tỷ đô la. Bởi vì cây cần sa không thể được cấp bằng sáng chế, không có động lực kinh tế nào cho các công ty dược phẩm bỏ tiền túi để nhận được cái gật đầu của FDA trong vấn đề cần sa. Những người bị bệnh hiểm nghèo mà tìm thấy phương cách chữa trị thông qua cần sa (và có bác sĩ chấp thuận sử dụng cần sa) không đáng bị bắt giữ trong khi chờ đợi quá trình này bắt đầu hay được hoàn tất.

Những tổ chức lớn hỗ trợ cần sa y tế?

  • Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ
  • Viện Y Sĩ Nội Khoa Hoa Kỳ
  • Hiệp hội Y tá Hoa Kỳ
  • Hội Y tế công cộng Mỹ
  • Quỹ Bạch cầu Hoa Kỳ
  • Viện Bạch cầu & Bệnh bạch cầu
  • Quỹ nghiên cứu Động kinh
  • Học viện thuốc điều trị HIV Hoa Kỳ
  • Viện Đa xơ cứng Quốc gia
  • Giáo hội Episcopal
  • Giáo hội Presbyterian
  • Tạp chí Consumer Reports
  • Nghiệp đoàn Nhân viên Thành phố, Quận và Tiểu bang Hoa Kỳ

Và còn nhiều, nhiều hơn nữa …

Tất cả tổ chức trên đều đã ủng hộ việc tiếp cận hợp pháp cần sa y tế hoặc đã trực tiếp công nhận cần sa có thể được dùng vì mục đích y tế theo đúng luật pháp. (Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, trước đây vốn phản đối cần sa y tế, đã chính thức chuyển thành trung lập vào năm 1997, Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ xác nhận bác sỹ có quyền thảo luận về điều trị cần sa với bệnh nhân).

Để biết thêm thông tin, vui lòng xem:

Lập luận mạnh mẽ ủng hộ cần sa y tế

Nguồn:  mpp

Dịch giả: Minh Hạnh

Xem thêm: Câu chuyện cần sa y tế điều trị bệnh ung thư

Xem thêm: Góc nhìn mới về cannabis tại Việt Nam – HempToday Podcast

    ĐĂNG KÝ NHẬN TIN TỨC


    *Tôi đồng ý nhận cập nhật tin tức mới nhất trong tương lai.

    Bài viết được xem nhiều nhất

    Bài viết liên quan

    10 dieu du khach can biet ve can sa o Thai Lan
    # Cần Sa Y Tế

    10 điều du khách cần biết về cần sa ở Thái Lan

    10 điều du khách cần biết về cần sa ở Thái Lan. Việc trồng cần sa là hợp pháp nhưng phải đăng ký vào ứng dụng “PLOOK GANJA” của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm hoặc thông qua trang web của chính phủ.

    Đọc thêm
    Luat ve luu tru cung cap san xuat va mua ban gai dau va Can sa voi muc dich y te va giai tri theo tung tieu bang o Uc
    # Bài dịch

    Luật về lưu trữ, cung cấp, sản xuất và mua bán gai dầu và cần sa với mục đích y tế và giải trí theo từng tiểu bang ở Úc (cập nhật năm 2023)

    Luật về trồng trọt và sử dụng gai dầu, cần sa trong y tế và giải trí được quy định khác nhau tuỳ khu vực tiểu bang của nước Úc. Sau đây là những thông tin chi tiết về luật đối với cần sa và gai dầu dùng trong y tế và giải trí ở […]

    Đọc thêm
    Phong van bac si Ondrej Slama chuyen khoa ung buou va cham soc giam nhe ve tiem nang su dung can sa y te trong dieu tri ung thu
    # Bài dịch

    Phỏng vấn bác sĩ Ondřej Sláma chuyên khoa ung bướu và chăm sóc giảm nhẹ về tiềm năng sử dụng cần sa y tế trong điều trị ung thư

    Bác sĩ Ondřej Sláma là trưởng khoa cấp cứu chăm sóc giảm nhẹ tại viện ung bướu Masarykov – cơ sở lớn nhất điều trị ung thư tại Cộng hòa Séc. Ông thường sử dụng cần sa trị liệu trong quá trình chăm sóc những bệnh nhân mắc bệnh nan y. Ông là một trong những người tiên phong việc ứng dụng cần sa trong điều trị giảm đau và điều trị ung thư tại Cộng hoà Séc.

    Đọc thêm
    Chat Messenger