Thành phố Modi’in, Isreal – Khi Noa Shulman đi học về, mẹ của em đặt em ngồi xuống để chuẩn bị ăn. Kế đó, người mẹ xúc cho em từng thìa khoai lang nghiền trộn với dầu cần sa.
Noa bắt đầu tự cắn vào cánh tay mình. “Không, con yêu,” chị Yael nhẹ nhàng nói với con gái. “Đây này, nhai một miếng này nhé.”
Noa là một cô gái 17 tuổi mắc một chứng tự kỷ thể nặng. Em được tham gia trong cuộc thử nghiệm lâm sàng đầu tiên trên thế giới với mục đích thử nghiệm những lợi ích của cần sa y tế đối với những người trẻ tuổi mắc chứng tự kỷ – một bước đột phá có thể sẽ đem lại sự cứu trợ dành cho hàng triệu trẻ em đang phải chịu đựng khốn khổ vì bệnh tật và những bậc cha mẹ đau khổ của chúng.
Có một số bằng chứng chưa được kiểm nghiệm cho thấy hợp chất không gây tác động tâm lý chính của cần sa – cannabidiol hay còn được gọi là CBD – có khả năng giúp đỡ trẻ em theo những cách thức không giống với loại thuốc nào khác. Bây giờ, nghiên cứu khoa học đầu tiên theo hướng này đang cố gắng để xác định mối liên kết có thực hay không.
Israel là nhà tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu này. Quốc gia này đã cho phép sử dụng cần sa y tế vào năm 1992, và là một trong những nước đầu tiên làm như vậy. Israel cùng với Canada và Hà Lan là ba quốc gia duy nhất có triển khai chương trình cần sa y tế do chính phủ tài trợ.
Tại Israel, việc tiến hành nghiên cứu về cần sa cũng ít tốn kém hơn và dễ dàng hơn theo luật pháp quốc gia, đặc biệt là so với Hoa Kỳ – nơi đặt ra nhiều hạn chế hơn về mặt pháp lý.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật, tự kỷ là một trong những rối loạn phát triển có tốc độ tăng nặng nhanh nhất, và tính trung bình – nó có ảnh hưởng đến 1 trong 68 trẻ em ở Hoa Kỳ. Các triệu chứng gây suy nhược của tự kỷ bao gồm sút kém về khả năng giao tiếp và kỹ năng xã hội, cùng với đó là các hành vi có tính chất cưỡng bách và lặp đi lặp lại. Rối loạn tự kỷ thường xuất hiện từ giai đoạn sơ sinh hoặc bắt đầu thời thơ ấu.
Những người hoạt động đang kêu gọi sự chú ý để chống lại chứng rối loạn này bằng việc đề xướng chọn Tháng tư là Tháng Nhận thức về Tự Kỷ Quốc gia.
Mẹ của Noa phải xúc cho em ăn, tắm và thay tã cho em. Noa không thể nói được và thường hành xử hung hăng. Chị Yael, ở vị trí một mẹ của ba đứa con và có công việc toàn thời gian tại một thành phố nằm giữa Jerusalem và Tel Aviv, đã cố gắng tìm sự giúp đỡ từ những người chăm sóc, tuy nhiên họ đều không tồn tại được lâu.
Chỉ có hai loại thuốc đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ phê duyệt để điều trị các triệu chứng của bệnh tự kỷ. Cả hai đều là thuốc chống loạn thần, không phải lúc nào cũng hiệu quả và chứa đựng những tác dụng phụ nghiêm trọng.
Khi Noa uống các loại thuốc này, “Con bé giống như một zombie vậy,” Chị Yael kể. “Nó vẫn thường ngồi thẫn thờ bất động và miệng thì há rộng.”
Noa được tham gia trong một nghiên cứu bắt đầu từ tháng Giêng tại Trung tâm Y tế Shaare Zedek, thành phố Jerusalem. Nghiên cứu này bao gồm 120 trẻ em và người thành niên còn trẻ, thuộc độ tuổi từ 5 đến 29 – là những người mắc chứng tự kỷ từ nhẹ đến nặng. Chương trình nghiên cứu sẽ kéo dài đến cuối năm 2018.
Nhà thần kinh học nhi Adi Aran là trưởng nhóm nghiên cứu. Ông cho biết gần như tất cả những người tham gia trong nghiên cứu đã dùng thuốc chống loạn thần từ trước và gần một nửa trong số đó có những hồi đáp tiêu cực. Yael trong sự tuyệt vọng đã khẩn khoản xin Aran và các bác sĩ khác kê đơn dầu cần sa sau khi xuất hiện một bản tin về một người mẹ đã kiếm được dầu cần sa một cách bất hợp pháp cho đứa con trai mắc chứng tự kỷ của mình và nói đó là điều duy nhất giúp được cho cậu bé ấy.
“Nhiều phụ huynh đã yêu cầu cần sa để điều trị cho con của họ,” Aran nói. “Ban đầu, tôi đã nói rằng ‘Không được, không có dữ liệu nào ủng hộ sử dụng cần sa để điều trị tự kỷ, vì vậy chúng tôi không thể trao nó cho các vị.'”
Ông cho biết chuyện đó đã thay đổi từ khoảng một năm trước đây sau khi các nghiên cứu tại Israel đã chứng tỏ rằng cần sa đem lại sự trợ giúp cho trẻ em bị động kinh bằng cách giảm hẳn số lượng cơn co giật và cải thiện hành vi ở những trẻ đồng thời mắc chứng tự kỷ. Theo Aran, chứng động kinh xuất hiện ở khoảng 30% số trẻ em tự kỷ.
Việc xem xét các báo cáo chưa kiểm nghiệm về những trẻ em mắc chứng tự kỷ nhận được lợi ích từ cần sa đã khiến Aran quyết định theo đuổi những thử nghiệm mang tính khoa học hơn. Sau khi chứng kiến những kết quả tích cực ở 70 bệnh nhân tự kỷ của mình trong một nghiên cứu quan sát, Aran nói, “OK, chúng ta cần thực hiện một thử nghiệm lâm sàng để thu thập các dữ liệu.”
Những đối tượng tham gia nghiên cứu được cho uống những giọt dầu giống với loại dầu đã được trộn với món khoai lang của Noa. Họ được nhận một trong hai công thức dầu cần sa khác nhau, hoặc một loại giả dược. Loại dầu này không gây hiệu ứng high do có hàm lượng THC thấp –THC là thành phần gây hiệu ứng tác động tâm lý chính của cần sa.
Yael không biết liệu con gái mình đang được nhận dầu cần sa hay giả dược. Chị cho biết kể từ khi bắt đầu thử nghiệm, có một số ngày Noa đã trấn tĩnh hơn, nhưng vào những ngày khác, Noa lại hung dữ và cáu kỉnh.
Mặc dù vậy, việc Noa được tham gia nghiên cứu cũng mang đến hy vọng cho Yael. “Lúc đó tôi đã thực sự chạm đến giới hạn của khả năng chịu đựng, cả về mặt thể chất lẫn xúc cảm,” chị chia sẻ.
Theo Michael Dor, cố vấn y tế cấp cao tại đơn vị cần sa y tế của Bộ Y tế, hơn 110 ca thử nghiệm cần sa lâm sàng đang được triển khai tại Israel – nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Alan Shackelford, một bác sỹ được đào tạo tại Harvard, đã làm dấy lên một làn sóng quan tâm tại Hoa Kỳ đối với việc điều trị bằng cần sa cho trẻ em mắc bệnh động kinh vào năm 2013, khi ông dùng cần sa y tế để điều trị cho một cô gái trẻ ở Colorado và số lượng những cơn co giật của cô gái đã giảm ngoạn mục. Ông nói rằng mình đã cố gắng trong nhiều năm để thực hiện các thử nghiệm lâm sàng tại Hoa Kỳ, nhưng “tôi không gặp được gì ngoài những cánh cửa đóng sập trước cuộc nghiên cứu về một thứ rõ ràng rất có lợi ích như vậy.”
Shackelford cho biết một đồng nghiệp của ông đã dành 7 năm cố gắng có được sự chấp thuận từ chính quyền Hoa Kỳ để nghiên cứu về điều trị PTSD. Ngược lại, Aran nói rằng đã chỉ mất 6 tháng để Bộ Y tế Israel phê duyệt thử nghiệm lâm sàng của ông với trẻ tự kỷ.
“Israel dẫn đầu thế giới trong các lĩnh vực thu thập dữ liệu và nghiên cứu về cần sa trong vai trò một liệu pháp chữa bệnh tiềm năng.” Shackelford cho biết. Gần đây, vì những hạn chế mà ông phải đối mặt ở Hoa Kỳ, Shackelford đã mở một công ty tại Israel để tiến hành nghiên cứu về cần sa y tế ở đây.
Ông nói rằng chính phủ Hoa Kỳ đã tài trợ 1,4 tỉ USD cho nghiên cứu cần sa từ năm 2008, nhưng 1,1 tỷ USD trong đó đã được chi tiêu cho hoạt động nghiên cứu những vấn đề như sự nghiện ngập, hội chứng cai nghiện và sự lạm dụng cần sa.
Aran cảnh báo trước những kết luận thiếu chín chắn về cần sa trong vai trò một phương pháp điều trị chứng tự kỷ, nhưng ông nói nhiều trẻ đã thể hiện những cải thiện đáng kể. Một số đã không còn tự gây tổn thương chính mình hay nổi giận vô cớ. Một số giao tiếp nhiều hơn. Một số khác đã có thể trở lại lớp học sau khi bị đình chỉ vì các vấn đề hành vi.
Tamir Gedo, Giám đốc điều hành của Công ty dược phẩm Breath of Life – nhà cung cấp dầu cần sa cho nghiên cứu, cho biết một người mẹ đã nói, “Con tôi đang nói không ngừng. …Thằng bé trước đó chưa bao giờ nói được, và nó đã 12 tuổi rồi.”
Sarah Spence, đồng giám đốc Trung tâm Spectrum Autism tại Bệnh viện Nhi Boston cho biết mối lo ngại chủ yếu chính là tác động lâu dài của việc kê đơn cần sa cho những bệnh nhân trẻ tuổi. Bà nói: “Chắc chắn có thể có những mặt hại” đối với sự phát triển của não bộ.
Tuy nhiên, các loại thuốc opioid và thuốc chống loạn thần hiện đang được kê đơn cho trẻ em còn có hại nhiều hơn, Gedo nói. “Những gia đình này không có được hy vọng nào khác.”
Nguồn: usatoday
Đơn Vị Tài Trợ: