Cần sa có thể ảnh hưởng đến tần suất những giấc mơ bằng cách sắp xếp lại chu kỳ giấc ngủ
Người hút cần sa (cannabis) trước khi đi ngủ thường rất khó nhớ lại những giấc mơ của họ vào sáng hôm sau. Tuy nhiên, khi ngừng hút, họ có xu hướng trải nghiệm những giấc mơ sống động hơn so với trước.
Cần sa được biết đến với những tác động đến nhiều khía cạnh khác nhau của giấc ngủ, bao gồm cả những hoạt động không liên quan đến mơ. Nhưng có một lý do đơn giản giải thích vì sao khi sử dụng chúng có xu hướng ít mơ hơn.
Hiện tượng này có thể được lý giải thông qua những cách thức cần sa ảnh hưởng đến chu kỳ giấc ngủ, đặc biệt là qua một giai đoạn được gọi là “chuyển động mắt nhanh” (REM).
Cần sa và giấc ngủ REM
Bộ não hoạt động nhiều nhất trong giấc ngủ REM và hầu hết các giấc mơ được cho là xảy ra trong giai đoạn này. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc sử dụng cannabis trước khi đi ngủ làm giảm giấc ngủ REM. Các nhà nghiên cứu tin rằng đây là lý do vì sao người sử dụng cần sa cho biết họ thường mơ ít hơn.
Trong đêm, bộ não trải qua chu kì giấc ngủ gồm 4 giai đoạn khác nhau, phần lớn thời gian cho 2 giai đoạn: giấc ngủ sâu (hay giấc ngủ sóng ngắn) và giấc ngủ REM. Lượng thời gian dành cho 2 giai đoạn này có liên quan chặt chẽ với nhau. Trên thực tế, các nghiên cứu cho thấy cần sa kéo dài thời gian bộ não dành cho giấc ngủ sâu, dẫn đến ít thời gian hơn cho giấc ngủ REM.
Ăn THC hoặc cần sa trước khi đi ngủ cũng có thể làm giảm tần suất của chuyển động mắt nhanh trong giai đoạn giấc ngủ REM. Điều thú vị là việc giảm tần suất chuyển động mắt nhanh có liên hệ với việc ngủ ngon giấc hơn.
Hầu hết các nghiên cứu về cần sa và giấc ngủ REM đều đã xem xét các tác động của THC. Tuy nhiên, các hợp chất khác trong cần sa cũng có thể can thiệp vào hiệu ứng của THC với giấc ngủ. Ví dụ, CBC được cho là sẽ làm tăng khả năng tỉnh táo hơn so với chỉ dùng THC.
Điều gì xảy ra khi ngừng sử dụng cần sa
Người sử dụng cần sa thường xuyên sẽ tăng giấc ngủ REM khi ngưng sử dụng. Điều này được gọi là hiệu ứng “REM trở lại” – sẽ dẫn đến giấc ngủ REM dài hơn và xuất hiện dày đặc hơn. Hiệu ứng REM trở lại giải thích lý do tại sao người sử dụng cần sa thường có những giấc mơ rất sống động khi đang ngừng sử dụng cần sa.
Các rối loạn giấc ngủ xảy ra trong quá trình bỏ cần sa thường bắt đầu 24-72 giờ sau khi ngừng sử dụng và có thể kéo dài đến 6-7 tuần.
Điều thú vị là, hiệu ứng REM trở lại không chỉ xảy ra với những người sử dụng cần sa. Các chất có can thiệp đến giấc ngủ khác, chẳng hạn như rượu và thuốc ngủ, cũng có thể gây ra hiệu ứng REM trở lại. Còn nữa, những người thiếu ngủ cũng thường trải qua hiệu ứng trở lại của giấc ngủ mắt không chuyển động nhanh (non-REM)
Hiệu ứng trở lại này dường như là cách thức để cơ thể đối phó với việc bị mất đi những giai đoạn nhất định của giấc ngủ.
Tầm quan trọng của giấc ngủ REM
Mặc dù những người khỏe mạnh nên tránh dùng các chất làm thay đổi giấc ngủ, vẫn chưa rõ ràng liệu ảnh hưởng của cần sa vào giấc ngủ REM là thực sự có hại hay không. Trên thực tế, các chuyên gia vẫn không chắc chắn lý vì sao chúng ta cần đến giấc ngủ REM.
Mặt khác, giấc ngủ sâu được cho là giai đoạn quan trọng nhất trong giấc ngủ để phục hồi và tái tạo cơ thể. Tương tự như vậy, các nghiên cứu cho thấy rằng khi bị mất ngủ, bộ não sẽ ưu tiên giấc ngủ sâu hơn giấc ngủ REM.
Trong khi cần thiết có thêm những nghiên cứu, khả năng của cần sa trong việc tăng giấc ngủ sâu và giảm giấc ngủ REM có thể lại là một điều có lợi cho chúng ta.
Minh Hạnh
Nguồn: LeafScience
Đơn Vị Tài Trợ: