Chương 16 – Bộ quần áo mới của Hoàng đế

Những giải pháp thay thế sự cấm đoán

Tóm lại, chúng ta thấy rằng mọi lập luận chống cần sa của chính quyền đều được thêu dệt từ những lời dối trá trắng trợn. Trong chương này, chúng tôi sẽ đưa ra ánh sáng một số nghiên cứu mà chính quyền không muốn người dân biết tới. Kế đến, chúng tôi sẽ thảo luận một số giải pháp thay thế mang tính thực tiễn. Nhưng trước hết, một mẩu chuyện ngắn phỏng theo truyện cổ tích của Hans Christian Andersen:

Câu chuyện về bộ quần áo mới của Hoàng đế

Ngày xưa, có một vị hoàng đế tồi tệ và hết sức ưa thích sự phù phiếm. Hoàng đế áp những khoản thuế nặng nề lên người dân để chi trả cho những bộ quần áo thượng hảo hạng của ông ta, được may từ các loại vải đắt đỏ nhất.

Một ngày kia, có hai gã bịp bợm xuất hiện, tự xưng là những thợ may rất tài giỏi đến từ một nơi xa xôi. Chúng xin được yết kiến Hoàng đế và rồi nói về một loại vải mới lạ tuyệt vời mà chúng đã phát minh ra. Loại vải đó được dệt từ những sợi bằng vàng rất đắt tiền, mà chỉ có những người khôn ngoan nhất và thuần khiết nhất mới trông thấy được. Hoàng đế cảm thấy rất hứng thú và yêu cầu xem thử mẫu. Hai gã lấy ra một ống sợi trống rỗng và hỏi Hoàng đế: “Chao ôi, đẹp lắm phải không, thưa bệ hạ?”

Hoàng đế đồng ý, vì sợ phải thừa nhận rằng mình chẳng trông thấy gì cả; như thế khác nào thừa nhận mình là một kẻ ngu đần.

Thế rồi, Hoàng đế đã triệu kiến toàn bộ các quan đại thần đến để nghe ý kiến và để sát hạch họ. Khi đã được giải thích về năng lực của loại vải này, các quan đại thần đều đồng ý rằng đó quả thật là loại vải tinh tế và đẹp đẽ nhất trên thế giới.

Hoàng đế hạ lệnh đem phần lớn vàng trong quốc khố cho hai gã thợ may bịp bợm để chúng dệt thành sợi. Chúng bắt đầu công việc ngay lập tức, giả vờ như cắt may từ ngày này qua ngày khác, còn Hoàng đế và các quan đại thần lâu lâu lại tìm đến để ngưỡng mộ tác phẩm của chúng, và cũng để thanh toán những khoản tiền khổng lồ cứ chồng chất lên trong quá trình chúng “làm việc”.

Cuối cùng, ngày trọng đại cũng đến và toàn bộ người dân trên đất nước được lệnh tập hợp lại để xem bộ quần áo mới của Hoàng đế, thứ mà họ đã nghe nhắc đến nhiều và phải trả thật nhiều tiền cho nó.

Khi Hoàng đế trần truồng bước tới, tất cả người dân chỉ biết nhìn với một vẻ không thể tin nổi và không biết nói gì. Thế rồi họ bắt đầu cất lên những lời ca ngợi loại vải mới mẻ kì diệu này.

“Đó là tác phẩm đẹp đẽ nhất tôi từng thấy!”

“Thật tráng lệ!”

“Ước gì tôi cũng có được thứ vải đẹp đến thế!”

Họ đều reo mừng, vì sợ rằng nếu không làm vậy thì họ sẽ bị chỉ trích và gọi là kẻ ngu đần và ô uế.

Còn Hoàng đế kiêu hãnh diễu qua trước mặt thần dân, trong lòng lo sợ sẽ bị tước mất vương miện nếu như họ biết được rằng chính ông ta cũng không trông thấy thứ vải khoác lên thân thể mình.

Khi ông ta rẽ qua đám đông, một cậu bé ngồi trên vai cha chợt hô lên: “Nhưng Hoàng đế có mặc gì đâu!”

Người cha lên tiếng: “Hãy lắng nghe lời nói của trẻ con!”. Rồi từng người từng người thì thầm với nhau điều đứa trẻ vừa nói. Lời nói của cậu bé lan truyền khắp trong những người dân.

Thế rồi, ai nấy đều biết Hoàng đế và các quan đại thần của ông ta đã mắc lừa hai gã bịp bợm. Giờ đây, từ đám lính cận vệ và đại thần cho đến người dân đều nhận ra rằng những kẻ bịp bợm đã không chỉ lừa Hoàng đế, mà ông ta còn đã tiêu phí hết số tiền thuế họ nộp vào trò lố lăng này. Hoàng đế nghe thấy tiếng cười và thì thầm từ những người dân. Ông ta biết rằng họ đúng, nhưng ông ta cũng quá kiêu hãnh để thừa nhận rằng mình đã sai và đã bị biến thành trò hề. Vậy là ông ta ngạo nghễ ưỡn ngực lên và nhìn chằm chằm xuống đám lính cận vệ, cho đến khi một người lính bắt gặp ánh mắt của Hoàng đế.

Nhìn quanh đầy lo lắng khi nhận ra rằng vị Hoàng đế phù phiếm này có thể bỏ tù hay thậm chí chặt đầu mình, người lính cận vệ này cúi mắt nhìn xuống đất. Thế rồi một lính cận vệ khác, khi thấy đồng ngũ của mình không còn cười nữa, cũng hoảng sợ và đưa mắt nhìn xuống đất. Chẳng mấy chốc, toàn bộ lính cận vệ, quan đại thần và cả những đứa trẻ đang giả vờ nâng đuôi áo vô hình cũng đều dán mắt xuống đất.

Thấy các quan và lính vừa rồi còn cười cợt Hoàng đế nhưng giờ đây lại đang run sợ nhìn xuống đất, dân chúng cũng ngừng cười và nhanh chóng cúi gằm mặt xuống.

Thằng bé lúc đầu hô lên rằng Hoàng đế trần truồng, khi thấy mọi người lớn xung quanh và cả cha nó hoàn toàn sợ sệt và cam chịu khuất phục, cũng cúi đầu trong sự sợ hãi!

Thế rồi Hoàng đế một lần nữa ngạo nghễ ưỡn ngực và phán với thần dân, trong lúc ông ta kiêu hãnh diễu khắp đất nước: “Kẻ nào dám cả gan nói rằng đây không phải bộ quần áo đẹp nhất thế gian?”

Bài học rút ra là…

Chúng ta không thể cứ vậy mà hạch tội Hoàng đế (chính phủ Hoa Kỳ) vì những hành động dối lừa và thao túng sự thật của ông ta (họ) được. Đám cận vệ (FBI, CIA, DEA, v.v.) có sức mạnh quá áp đảo. Nỗi sợ bị phơi bày trong sự hổ thẹn quá lớn nên Hoàng đế (chính phủ Hoa Kỳ) không ngừng sử dụng quyền lực của mình (thông qua việc cấp phần lớn kinh phí cho Liên Hợp Quốc và các chiến dịch chống ma túy toàn cầu) để mua chuộc sự trung thành bằng những hối lộ và đe dọa (viện trợ nước ngoài, doanh số vũ khí, v.v.).

Những công dân Hoa Kỳ dám lên tiếng chống lại sự chuyên chế này thường bị quy chụp là “bọn nghiện” hay “bọn ngáo” và có nguy cơ đánh mất công việc, thu nhập, gia đình và tài sản. Để giành được chiến thắng, chúng ta phải đánh trúng tâm điểm những dối trá (của chính phủ Hoa Kỳ/của DEA); phải dùng những thực tế và lập luận vững chắc để giáng cho chúng những đòn không khoan nhượng hết lần này đến lần khác – từ đó đánh bại sự tàn ác của Hoàng đế lòng dạ chai sạn này (những luật lệ bất công về cần sa) và thậm chí bỏ tù những thủ phạm nếu cần thiết, để đem lại tự do cho người dân!

Phép loại suy logic

Chúng tôi tín chắc rằng luật về gai dầu/cần sa của Hoa Kỳ giống như bộ quần áo của Hoàng đế vậy! Giống như những bạo chúa và những kẻ chủ trương cấm đoán trong quá khứ, Hoàng đế này cũng dựa trên vũ lực, sự đe dọa, nỗi sợ hãi và một chế độ tương tự cảnh sát trị để duy trì triều đại độc đoán bạo ngược của ông ta trong khi rút cạn ngân sách liên bang, dỡ bỏ những vết tích của Tuyên ngôn nhân quyền và bỏ tù những người vô tội!

Đất nước vĩ đại này đã được xây dựng trên nguyên tắc rằng mỗi người đều có “những quyền bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc” và mỗi người đều có trách nhiệm bảo toàn những quyền này bằng cách bỏ phiếu của cá nhân mình.

Việc các quan chức hoặc ủy viên hành pháp của chính phủ Hoa Kỳ dùng tiền thuế của dân để chỉ đạo hoặc âm mưu thực hiện một chiến dịch cố ý đưa thông tin sai lệch, bỏ sót dữ liệu và nói dối trắng trợn chính là một hành vi phạm tội.

Trong chủ đề cần sa, Ronald Reagan, George Bush và cả Bill Clinton hiện nay đóng vai Hoàng đế. Cũng nên thêm rằng Nancy Reagan đã đóng vai Hoàng hậu Q Cơ độc ác và tàn nhẫn trong truyện Alice ở xứ thần tiên của Lewis Carroll – nhân vật đã hạ lệnh “Kết án trước, xét xử sau!”

Carlton Turner, William Bennett, Bill Martinez, Lee Brown, Barry McCaffrey và hiện nay là John Walters đóng vai các quan đại thần của Hoàng đế – những kẻ đã đề cao sự ngụy biện về “thứ vải thuần khiết mà chỉ những đôi mắt thuần khiết nhất mới trông thấy” được thêu dệt cho họ bởi Anslinger, DuPont, Hearst và những thuộc cấp hiểm ác của các quan chức này. Giờ đây, sự ngụy biện này đang được các công ty rượu bia, dược phẩm và năng lượng, các chuyên viên cai nghiện, người xét nghiệm ma túy, cảnh sát, quản giáo và cai thầu xây nhà tù cùng nhau duy trì – toàn cả đều bị thúc đẩy bởi những lợi nhuận tài chính khổng lồ và những động cơ của một chế độ cảnh sát trị.

Khi những đại diện của chính phủ Hoa Kỳ chủ tâm mưu tính và hành động như vậy – dù là Tổng thống, Phó Tổng thống, Trùm Dược phẩm, Giám đốc của các cơ quan DEA, FBI hay CIA – bọn họ đều đáng bị bỏ tù. Và trong một xã hội Mỹ chân thật, những người này còn phải chịu trách nhiệm về tổng cộng 16 triệu năm tù họ đã kết án biết bao nhiêu người Mỹ vì các “tội” liên quan đến cần sa.

Chính quyền liên bang quan liêu và Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đang nhanh chóng đục khoét những quyền tự do đã được nêu trong Tuyên ngôn nhân quyền (được viết trên giấy gai dầu) của chúng ta. Gai dầu/cần sa đã trở thành cái cớ hàng đầu họ viện ra để tước đoạt những quyền được đảm bảo theo Hiến pháp của chúng ta – với mức độ khủng khiếp hơn toàn bộ những tội ác, hành động chính trị, nổi loạn, đình công, khởi nghĩa và chiến tranh cộng lại trong 200 năm qua! Và sự mất mát những quyền tự do cơ bản này tại những quốc gia vệ tinh thuộc vùng Nam và Trung Mỹ, nơi các nhà lãnh đạo đều hành động theo mệnh lệnh của Hoa Kỳ, thậm chí còn tồi tệ hơn nữa.

Sự che giấu những sự thật về cần sa/gai dầu của Viện Smithsonian

Một điều đáng lưu ý là mặc dù 50-80% trong tổng số các loại sợi làm giấy và vải được trưng bày của họ trong các triển lãm “Cuộc sống ở Mỹ: Từ những năm 1780 đến những năm 1800” và “Triển lãm Hàng hải châu Mỹ, giai đoạn 1492-1850” có nguồn gốc từ gai dầu, Viện Smithsonian đã loại bỏ mọi lời đề cập đến gai dầu những khi nó được sử dụng để làm giấy, sợi dệt, dây thừng và buồm. Họ chỉ dùng cụm từ “các loại sợi khác” để nhắc đến gai dầu, trong khi các loại sợi bông, len, lanh, sisal, đay, gai dầu Manila, v.v đều được nêu tên cụ thể. Trước năm 1800, sợi bông chiếm dưới 1%, còn sợi gai dầu chiếm khoảng 80% trong tổng số các loại sợi.

[Gai dầu Manila: Được dịch từ “Manila hemp”, là một loài chuối bản địa của Philipines, còn có tên gọi khác là abacá. Ngoại trừ một phần tên gọi trong tiếng Anh giống nhau (hemp), gai dầu và gai dầu Manila/abacá là hai loài cây hoàn toàn khác nhau. – N.D]

Người phụ trách bảo tàng có tên là Arkadero đã trả lời khi bị chất vấn về chủ đề này: “Bọn trẻ giờ đây không còn cần biết đến gai dầu nữa, điều đó chỉ gây lẫn lộn cho chúng”. Còn Giám đốc Viện Smithsonian thì nói rằng mặc dù gai dầu là loại sợi hàng đầu, nhưng “chúng tôi không phải một viện bảo tàng về các loại sợi”.

Ông ấy đã không nhắc đến chuyện họ đã làm thế nào để xác định được rằng bọn trẻ quả thật cần biết đến các loài cây cho sợi thứ yếu trong lịch sử châu Mỹ/đất nước Hoa Kỳ.

Phải chăng những câu hỏi hồn nhiên của bọn trẻ về gai dầu và cần sa đang khiến các hướng dẫn viên của Viện Smithsonian cảm thấy không thoải mái?

Và trong một bức thư đề ngày 20 tháng 6 năm 1989, Tổng thư ký của Viện là Robert McCormick Adams đã viết: “Chúng tôi không coi một tuyển tập các loại sợi tại Mỹ thời thuộc địa là một phần trong nhiệm vụ của chúng tôi” khi trưng bày những hạng mục triển lãm này.

“Đôi lúc, sự tập trung các hạng mục như vậy có thể khiến người phụ trách nhắc đến các loại vải như vải lanh, vải len và các loại vải khác”.

Ông đã trả lại các ấn bản cuốn sách này và bộ phim Hemp for Victory do chính phủ Hoa Kỳ thực hiện vào năm 1942, có vẻ như đã không hề xem xét bất kỳ một thông tin nào trong đó.

Sự thật – Những hậu quả từ sự cấm đoán

Khi công ty DuPont nói với các bạn rằng họ đem lại “Lối sống tốt hơn nhờ hóa học”, họ không nói với các bạn rằng điều đó chỉ diễn ra trong vòng 100 năm, sau đó toàn bộ hành tinh sẽ chết cho lợi nhuận của họ.

Anh và Hà Lan đã học được cách đối xử với những người nghiện chất như con người đúng nghĩa – cung cấp cho họ đủ lượng thuốc với mức giá phải chăng để họ không gây phiền toái cho hoạt động của người khác. Những chính sách cho phép người nghiện chất có được cuộc sống có ích và bình thường như vậy giờ đây đã được thiết lập vững chắc, hiệu quả và phố biến tại những đất nước này. Vào giữa những năm 1990, Thụy Sĩ đã bắt đầu thử nghiệm của riêng họ về việc thể hiện sự khoan dung dành cho hoạt động sử dụng chất công khai tại một số địa điểm nhất định.

Khi chính phủ Thụy Sĩ tìm cách tái hình sự hóa cần sa vào năm 1997 thông qua một cuộc trưng cầu dân ý, họ đã thất bại với kết quả 79% phiếu chống!

Vậy tại sao những người trồng và sử dụng gai dầu/cần sa ôn hòa lại bị bắt bớ và bị liệt vào hạng tội phạm mãn đời trong khi 35% số vụ cướp và trộm cắp được thực hiện bởi những người nghiện rượu và heroin, 40-55% số vụ giết người, hiếp dâm và tai nạn chết người trên đường cao tốc có liên quan đến rượu*, và heroin còn dễ mua trong tù hơn ngoài đường phố. Ngoài ra, theo thống kê, tỷ lệ phạm tội và bạo lực ở nhóm người sử dụng cần sa là tương đương, thậm chí thấp hơn so với nhóm dân số không sử dụng cần sa nói chung.

*Thống kê của FBI, 2005.

Trên thực tế, không tính đến việc sử dụng cần sa, nếu hoạt động buôn bán heroin và các loại ma túy khác của những băng đảng tội phạm được ngăn chặn, số vụ phạm tội không liên quan đến rượu sẽ giảm tới 80%. Một ví dụ trực tiếp, suốt những năm 1920 khi Hoa Kỳ áp dụng lệnh cấm rượu, số vụ giết người đã không ngừng tăng lên và rồi giảm mạnh trong 10 năm liên tiếp sau khi lệnh cấm rượu được bãi bỏ vào năm 1933*
*Thống kê của FBI.

Đã đến lúc phải tìm ra một cách thức khác để giải quyết vấn đề kiểm soát sử dụng ma túy, nếu không tự do của chúng ta sẽ tiếp tục bị xâm phạm nghiêm trọng, bao gồm những quyền về thể hiện bản thân, tranh luận công khai và một nền báo chí tự do.

Hãy chấp nhận thực tế rằng gần như mọi tội phạm liên quan đến ma túy sẽ chấm dứt nếu chúng ta coi người sử dụng và người nghiện ma túy là những bệnh nhân cần điều trị thay vì gạt bỏ họ khỏi xã hội. Hãy giúp đỡ, giáo dục và khích lệ để họ có được khả năng chủ động về tài chính.

Năm 2006, chính phủ Hoa Kỳ, DEA và phần lớn Đảng Cộng hòa đặt ưu tiên hàng đầu vào việc tìm cách ban hành những luật lệ mà trong đó sẽ nghiễm nhiên tước đoạt mọi quyền của công dân về riêng tư và miễn trừ khám xét vô căn cứ – như thể cuộc chiến chống ma túy là một tình trạng khẩn cấp đang thực sự hiện hữu vậy – nhằm tiến xa hơn nữa trong mưu đồ phát xít, cai trị bằng cảnh sát và nhà tù của bọn họ.

Sự áp chế thời công nghệ cao

Để cần sa hoàn toàn biến mất khỏi Hoa Kỳ, mọi công dân – dù là người sử dụng hay không sử dụng cần sa – sẽ phải từ bỏ Tuyên ngôn Nhân quyền của họ…vĩnh viễn! Các bạn sẽ phải phục tùng hạng người như Lyndon LaRouche, Jerry Falwell, Nancy Reagan, Edwin Meese, William Bennett, Barry McCaffrey, John Walters và những kẻ có bộ óc thích áp chế và lố bịch tương tự. Từng kẻ trong đám ngạo nghễ ngu xuẩn ấy đều góp phần vào việc đầu độc dai dẳng đối với trái đất trong khi bọn họ vận dụng hết khả năng của bản thân để cố gắng hoàn toàn hủy diệt thứ duy nhất có thể cứu được chúng ta: Gai Dầu!

Thật trớ trêu khi mà máy tính vốn là một lợi ích vĩ đại của nhân loại cũng sẽ giúp cho cảnh sát ngày nay hoàn thành được công việc mà Tòa án Dị giáo Roma đã khởi xướng (xem Chương 10) bởi Giáo hội đã không chịu đựng nổi việc bị những thường dân cười nhạo, hay việc chính những thường dân đó biết được nhiều điều bí mật, trong đó có những hiểu biết về vệ sinh, thiên văn và cây gai dầu. Nhờ có máy tính, những cảnh sát chống cần sa có thể nhòm ngó gia cảnh, biên lai bán hàng, thuế thu nhập, v.v. của một cá nhân nào đó. Họ sử dụng những thông tin thu thập được để gạ gẫm bằng cách đe dọa và/hoặc hối lộ các công dân Hoa Kỳ; ngoài ra còn để hủy hoại sự nghiệp của các yếu nhân (bao gồm chính khách, thẩm phán, v.v.) bằng cách tiết lộ những vấn đề riêng tư liên quan đến đời sống tình dục hoặc sử dụng ma túy của họ.

Đơn cử như trường hợp người con trai của cựu Tổng Y sĩ Joycelyn Elders dưới thời Tổng thống Clinton. Kevin (tên người con trai của Elders) đã bị một người bạn đeo bám một cách có hệ thống trong sáu tháng liên tục, với mục đích dẫn dụ Kevin mua một lượng nhỏ cocain về để tự sử dụng. Người bạn này trước đó đã bị DEA bắt giữ và ép buộc làm chỉ điểm, cụ thể là gài bẫy con trai của Tổng Y sĩ Elders. Là một người chưa từng bị ghi nhận có liên quan đến chuyện mua bán ma túy, Kevin ban đầu đã kiên quyết từ chối, nhưng sau cùng vẫn bị thuyết phục bởi sự thúc ép triền miên từ người bạn.

Chính quyền đã không tiết lộ vụ giao dịch này với bất kỳ ai trong sáu tháng tiếp theo, cho đến khi họ có thể dùng đến thông tin này để trực tiếp gây áp lực khiến Tổng Y sĩ Elders từ bỏ lập trường mềm mỏng của bà trong vấn đề cần sa y tế. Thay vì chấp nhận bị bịt miệng, Elders đã từ chức. Bằng những thủ đoạn ám muội trơ tráo như vậy, DEA đang mỗi ngày đưa chúng ta đến gần hơn với cơn ác mộng trong tiểu thuyết 1984 của Orwell.

Lãng phí tiền thuế của dân

Xấp xỉ 50% tổng số tiền dành cho các hoạt động chống ma túy (từ cấp liên bang đến tiểu bang) trong 70 năm qua là nhằm vào cần sa!

Nếu là 60 hay 70 năm về trước, khoảng 70-80% những người hiện nay đang thụ án trong các nhà tù của Hoa Kỳ chắc hẳn sẽ không bị quy kết là tội phạm và bị giam giữ như vậy. Nói cách khác, bằng sự thiếu hiểu biết và định kiến (do ảnh hưởng từ Anslinger và Hearst), chúng ta đã tống khoảng 1,2 triệu trong tổng số 1,8 triệu người vào các nhà tù (thời điểm năm 2005) vì những tội danh vốn chỉ bị xem là những thói xấu vặt vãnh – cho đến khi Đạo luật Harrison năm 1914 được ban hành (theo đó, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ vào năm 1924 lần đầu tiên đã phán quyết rằng người nghiện ma túy không đơn thuần là những người mắc bệnh, mà họ chính là những tội phạm đê hèn).

80% trong số những nạn nhân từ “Cuộc chiến chống ma túy” của chính phủ không phạm tội buôn bán. Họ đã bị bỏ tù chỉ vì hành vi tàng trữ ma túy. Và đó là chưa tính đến một phần tư triệu người khác bị nhốt trong các trại tạm giam cấp hạt.

Hãy nhớ rằng cách đây mới 29 năm, vào năm 1978, trước khi diễn ra “Cuộc chiến chống ma túy”, chỉ có 300.000 người bị giam giữ trong các nhà tù của Hoa Kỳ, bao gồm tất cả các loại tội danh.

Trên sóng phát thanh và truyền hình, một số nhà thuyết giáo đã góp thêm vào tình trạng cuồng loạn này bằng cách rao giảng rằng nhạc rock thuộc về “quỷ dữ và voodoo”, là thứ gắn liền với văn hóa ma túy. Bọn họ muốn cấm nhạc rock, đốt các băng đĩa và sách báo, và tống giam tất cả những ai bất đồng ý kiến. Carlton Turner cũng vậy. Lyndon LaRouche cũng vậy. William Bennett cũng vậy. Barry McCaffrey cũng vậy. John Walters cũng vậy.

Suốt quãng thời gian ba thế hệ trở lại đây, người dân Mỹ đã không ngừng bị nhồi sọ bằng những lời tuyên truyền dối trá của Hearst và Anslinger như thể đó là chân lý không thể chối cãi – dẫn đến những khoản tiền khổng lồ đã bị bòn rút từ thuế của dân để đổ vào việc xây dựng nên cỗ máy chống ma túy cho chính quyền.

Gần như khắp các tiểu bang đều đang diễn ra một sự mở rộng quy mô nhà tù chưa từng thấy trong lịch sử Hoa Kỳ và cả thế giới. Đám kền kền chính trị, không có mối bận tâm nào khác ngoài sự khuếch trương những chuyện làm ăn liên quan đến nhà tù và sự ổn định chức nghiệp của bản thân, ráo riết đòi xây dựng thêm nhà tù và tăng thu thuế trong một sự điên cuồng nhân danh “pháp luật và trật tự” nhằm chống lại những gì trước đó không lâu chỉ là tội ít nghiêm trọng hay thậm chí là thứ tội không hề tồn tại.

Những tiêu chuẩn kép

Vào những năm 1980, khi Chánh án Tòa án Tối cao Hoa Kỳ William Rehnquist “gà gật” trong phòng xử án – và tống những người nghiện khác vào tù vì thói quen của họ – ông cũng phải thỏa mãn thói quen sử dụng thuốc Placidyl của mình, với 8 viên mỗi ngày. Xét về tiền bạc, “độ phê” và ảnh hưởng tâm thần, điều này tương đương với một người nghiện ngoài đường phố sử dụng 70-125 đô la heroin mỗi ngày.

Placidyl, một loại thuốc cùng họ với Quaalude, được ưa chuộng vì mang lại một cảm giác rất êm dịu cho người sử dụng.

Sự lệ thuộc về thể chất và những ảnh hưởng tâm thần do sử dụng các loại thuốc hợp pháp Placidyl, Dilaudid, Quaalude, v.v. gần như giống hệt các loại thuốc barbiturat, thuốc phiện, morphine và heroin bị nguyền rủa. Về bản chất, chúng đều gây xáo trộn cân bằng endorphin (những thụ thể có chức năng ức chế cảm giác đau) trong cơ thể.

Rehnquist, người được cho là đã sử dụng Placidyl vượt xa những giới hạn thông thường, không phải đi cướp những cửa hàng rượu, hành hung người dân, hay thực hiện bất kỳ hành vi phản xã hội nào khác thường được gán cho “bọn xì ke”.

Thói quen của Rehnquist dễ dàng được duy trì bởi vì Placidyl được mua bán hợp pháp và nằm trong mức thu nhập thường xuyên của ông. Placidyl còn được ghi nhãn chi tiết về độ tinh khiết và chế độ liều lượng, trong khi những người nghiện chất cấm phải xoay xở với một “tép heroin 10 đô la” mà không thể biết độ tinh khiết của nó là 5% hay 95%. Hầu hết các trường hợp quá liều chính là do yếu tố này của độ tinh khiết: không nhãn, không kiểm soát và không xác định.

Chính phủ biết rõ có thể tránh được 90% (hoặc nhiều hơn) trường hợp quá liều chất cấm nếu có những nhãn thuốc và cảnh báo sử dụng thỏa đáng.

Những chính sách dựa trên sự thiếu hiểu biết

33 năm qua, trong khi khảo cứu cho cuốn sách này, chúng tôi đã trò chuyện và đặt câu hỏi với các thượng nghị sĩ, nhà lập pháp, thẩm phán, cảnh sát, ủy viên công tố, nhà khoa học, nhà sử học, người đoạt giải Nobel, nha sĩ và bác sĩ. Họ đều biết những mẩu thông tin nhỏ nhặt về lịch sử và công dụng của cần sa, nhưng hầu như không ai có kiến thức chuyên sâu và bao quát về nó, ngoại trừ một số nhà nghiên cứu y học lâu năm như Ungerlieder, Mikuriya, và các tác giả như Ed Rosenthal, Dean Latimer và Tiến sĩ Michael Aldrich.

Ví dụ, 24 năm trước, trong một buổi gây quỹ lớn của NORML tại California vào tháng 2 năm 1983, chúng tôi đã nói chuyện riêng với Phó lãnh tụ đa số lúc bấy giờ là Thượng nghị sĩ Tom Rutherford của New Mexico. Ông là một trong những chính khách ủng hộ cần sa hàng đầu trong hơn một thập kỷ; và có lẽ vào thời điểm đó, ông là đại biểu dân cử am hiểu nhất về chủ đề cần sa tại Hoa Kỳ. Chúng tôi hỏi ông ấy tại sao chính phủ không thẳng thắn hợp pháp hóa cần sa, nhất là với tất cả những gì chúng ta đã biết về nó, từ các góc độ y tế, kinh tế và lịch sử.

Chúng tôi đã sửng sốt khi ông trả lời rằng mình không biết có một lý lẽ nào thỏa đáng để ủng hộ hợp pháp hóa cần sa, ngoại trừ chỉ để chấm dứt tình trạng hình sự hóa điên rồ đối với những điều bất quá chỉ là một vi phạm không đáng kể.

Vậy là chúng tôi đã trình bày một cách nhiệt tình những dữ kiện và toàn bộ lịch sử cần sa/gai dầu, đoán chừng ông hẳn đã biết đôi chút về điều này từ trước. Ông ấy đã ngồi đó, sững sờ trước những gì lần đầu tiên được nghe. Khi chúng tôi ngừng lời, ông đã nói: “Nếu những kiến thức đó được trình bày và có tài liệu chứng minh đúng như các vị vừa kể, sẽ không có chuyện chính phủ, cảnh sát và hệ thống tư pháp rình rập cần sa nữa”.

“Nhưng có thật là như vậy không?” – ông hỏi thêm.

Đó là vào tháng 2 năm 1983 – khi mà những chính khách ủng hộ cần sa hàng đầu của Hoa Kỳ cũng không có đủ hiểu biết về cần sa/gai dầu để ghi kín một trang sách; và một số người đã rời khỏi nhiệm sở trong giai đoạn “Hãy nói không” dưới thời Reagan, trước khi có đủ hiểu biết để công khai ủng hộ cần sa/gai dầu.

Nhưng giờ đây, nhiều người đã biết rõ rằng gai dầu có thể là loại cây trồng hàng đầu của trái đất, rằng những điều luật hiện tại là hoàn toàn vô lý, và rằng quan điểm của chính phủ đối với cần sa là tuyệt đối sai trái và đơn thuần là một sự chối bỏ sự thật.

Luật là gì?

“Mọi điều luật có thể bị vi phạm mà không gây tổn hại đến ai đều đáng bị cười cợt”. (Spinoza, khoảng năm 1660.)

Kiểm soát cần sa chính là từ bỏ các quyền tự do của chúng ta – đối với chính chúng ta, con cái chúng ta, và con cái của chúng – vĩnh viễn.

Và điều đó, thưa các bạn, chính là chủ nghĩa phát xít; và nói một cách giản dị, nếu các điều luật về cần sa không bị đảo ngược, và nếu các hoạt động mang tính hủy diệt trái đất như khai thác dải [một hình thức khai thác mỏ lộ thiên], khoan dầu, khai thác trắng [chặt toàn bộ cây trong một khu vực], xả chất thải công nghiệp gây ô nhiễm nguồn nước, sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ không được chấm dứt, hành tinh của chúng ta chẳng bao lâu sẽ chết dưới tay của những chính khách ngu dốt (thiếu hiểu biết và/hoặc độc ác) – những kẻ nghĩ rằng bọn họ có quyền thông qua những điều luật ngày một hà khắc để tống những công dân lương thiện của đất nước vào các nhà tù ngày một tăng lên cả về diện tích lẫn số lượng. Những chính khách này khắc họa bản thân là những người hành động theo sự thúc giục đơn thuần từ mối quan tâm đến thế hệ trẻ. Trong khi đó, bọn họ cũng đang đẩy mạnh những hoạt động đầu độc môi trường trên diện rộng mà chính thế hệ trẻ đó phải hứng chịu mỗi ngày! Nhưng để thật sự hiểu vì sao hàng chục triệu người Mỹ khiếp sợ cần sa sau 70 năm thông tin sai lệch vẫn đang diễn ra đến ngày nay, hãy xem xét não trạng và tính cách của Daryl Gates – Cảnh sát trưởng Los Angeles trong thời gian 1978-1992 – người thừa nhận đã giúp chỉ đạo một chương trình vùi dập những thông tin chính xác về gai dầu, và đã ra lệnh quấy rối, bắt giữ những nhà hoạt động trong Sáng kiến Cần sa California trong khi họ chỉ thực hiện đúng quyền công dân và Hiến pháp để thu thập chữ ký cho thỉnh nguyện đơn.

Tháng 9 năm 1983, trên truyền hình và thông qua một phát ngôn viên cảnh sát, Gates đã phán rằng những người đề xướng cải cách luật gai dầu “có ý định tốt nhưng hết sức ngờ ngệch và thực sự không có bao nhiêu hiểu biết trong vấn đề cần sa”.

Tháng 1 năm 1984, Gates nhận được câu hỏi từ một phụ huynh tại trường công của San Fernando Valley, California: “Tôi có thể làm gì nếu phát hiện con mình đã sử dụng cần sa?” Ông ta trả lời: “Quá muộn rồi. Khi chúng đã hút dù chỉ một điếu cần sa, chúng ta xem như đã vĩnh viễn đánh mất chúng”.

Những lời này cũng đã được Ủy viên công tố Ira Reiner của hạt Los Angeles sử dụng nguyên văn trong chiến dịch tranh cử chức Tổng chưởng lý tiểu bang California năm 1990. Ông ta đã thất bại.

Một vài tháng sau, Tổng chưởng lý California khi đó là John Van de Kamp đã bưng bít bản báo cáo ngày 17 tháng 8 năm 1990 do chính ban cố vấn của ông ta thực hiện với nội dung kêu gọi tái hợp pháp hóa gai dầu. Gates đã chứng thực trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện Hoa Kỳ vào ngày 5 tháng 9 năm 1990 rằng “những kẻ sử dụng ma túy không thường xuyên cũng đáng bị lôi ra bắn bỏ”. Ông ta giữ quan điểm này gần một tuần lễ, cho đến khi công chúng lên tiếng phản đối kịch liệt và đòi ông ta từ chức, sau đó ông ta buộc phải sửa lời nhận xét của mình thành một lời kêu gọi áp dụng những hình phạt nghiêm khắc hơn. Cựu Trùm Dược phẩm William Bennett đã nói: “Tôi không thấy có vấn đề gì về đạo đức trong việc chăt đầu những kẻ sử dụng cần sa; chỉ có khó khăn về pháp lý”. Một nhà lập pháp Mississippi vào năm 1998 đã nói rằng các hình phạt liên quan đến cần sa nên bao gồm cả việc chặt chân tay kẻ phạm tội. (nghiêm túc chứ?!)

Ngày 3 tháng 3 năm 1991, ai nấy đều bàng hoàng khi biết rằng các sĩ quan cảnh sát của Gates thật sự dám thực hiện những hành vi tàn bạo và ghê tởm như vậy khi một video được công bố, cho thấy các cảnh sát Los Angeles đánh đập dã man Rodney King (bị cáo buộc vượt quá tốc độ và trốn tránh bắt giữ). Một xét nghiệm nước tiểu của King có kết quả dương tính với THC được trưng ra. Gates tiếp tục chống lưng cho hành vi đánh đập của các sĩ quan cảnh sát trong suốt thời gian diễn ra các vụ bạo loạn bùng phát từ sự kiện này.

Tháng 7 năm 1998, trong một sứ mệnh “tìm kiếm sự thật” tới châu Âu, Trùm Dược phẩm Barry McCaffrey – như thể sự ngu dốt của ông ta còn chưa đủ tồi tệ – đã tuyên bố trước khán giả Stockholm: “Tỷ lệ giết người tại Hà Lan (nơi ma túy dạng nhẹ được đối xử như một sản phẩm hợp pháp) cao gấp đôi tại Hoa Kỳ… Ma túy là vậy đó”. Thật ra, tỷ lệ giết người tại Hà Lan là 1,7 (tính trên 100.000 dân), chưa bằng ¼ tỷ lệ giết người tại Hoa Kỳ.

Đây chỉ là một chi tiết gần đây nhất trong chuỗi liên tục những thông tin sai lệch đến lố bịch của McCaffrey. Ví dụ, vào tháng 12 năm 1996, truyền thông đã dẫn lời ông ta: “Không có lấy nổi một mẩu bằng chứng rằng cần sa có giá trị dược liệu…”.

Kết luận

Căn cứ trên những thông tin được đưa ra trong cuốn sách này, chúng tôi đòi hỏi chấm dứt thi hành những điều luật cấm. Mọi điều luật liên quan đến việc trồng cây cần sa phải được loại khỏi các văn kiện, bao gồm cả Công ước thống nhất của LHQ năm 1961 mà trong đó Anslinger đã đại diện cho Hoa Kỳ. Mặc dù ông ta đã bị buộc phải về hưu trong sự tức giận của Tổng thống Kennedy vì nhiều lý do, trong đó có trò hề của ông ta tại Công ước, di sản dối trá và lừa gạt của Anslinger vẫn tiếp tục tồn tại trong năm 2007.

Chính phủ Hoa Kỳ nợ một lời xin lỗi đối với tất cả những người đã phải ra hầu tòa, bị tạm giam hoặc chấp hành án tù vì cần sa (tổng cộng là 16 triệu năm tính nay) – họ đã bị lấy mất cơ hội học hành, công việc và gia đình; đã phải chứng kiến của cải, sức khỏe và cuộc sống của bản thân bị hủy hoại.

Phần mình, chúng tôi cũng nợ một lời xin lỗi đối với những thẩm phán, cảnh sát và giáo viên trung thực nhưng kém hiểu biết bởi chúng tôi đã không đủ can đảm để lên tiếng truyền đạt những thông tin và kiến thức cho họ. Nhưng tuyệt đối không có lời xin lỗi nào cho những lãnh đạo trong chính quyền và các tập đoàn chỉ biết nghĩ đến lợi nhuận – những kẻ đã hành động phi pháp để kiểm duyệt và bài bác sự thật không thể chối cãi về gai dầu.

Những đòi hỏi của công lý

Mọi hình phạt (hình sự và dân sự) và mọi hạn chế đối với việc canh tác và sử dụng loài cây phi thường bậc nhất này của chúng ta phải bị bãi bỏ.

Những tù nhân đang bị giam giữ do đã tàng trữ, mua bán, vận chuyển hoặc canh tác gai dầu/cần sa trong sự ôn hòa, bất bạo động phải được phóng thích ngay lập tức. Tiền bạc và tài sản đã bị tịch thu phải được hoàn trả. Quyết định ân xá phải được công bố, án tích phải được xóa sạch, và phải có những hình thức bồi thường cho thời gian thụ án. Những tù nhân cần sa này là nạn nhân thật sự của tội ác khủng khiếp chống lại loài người được gọi là “Cuộc chiến chống ma túy”.

Sau cùng, những biện pháp nửa vời sẽ không được chấp nhận.

Từ đây cho đến khi những đòi hỏi của công lý được thực thi, chúng ta phải bắt đầu bằng cách đạt được một lệnh hoãn thi hành các điều luật cấm cần sa/gai dầu. Và chúng ta phải hành động nhanh chóng để khôi phục, mở rộng những tài liệu lưu trữ quốc gia và những ghi chép lịch sử về gai dầu cùng với vô vàn công dụng của nó.

Điều các bạn có thể làm

Chúng tôi nghĩ rằng, giờ đây khi các bạn đã có được một cái nhìn kỹ lưỡng từ góc độ của chúng ta và góc độ của chính phủ trong câu chuyện này (cả theo cách chúng ta nhìn nhận lẫn theo cách truyền thông phản ánh), các bạn sẽ muốn tham gia cùng chúng tôi để đưa vấn đề này tới những cuộc bỏ phiếu của tiểu bang và những cơ quan lập pháp của đất nước, nơi mọi người có thể bày tỏ ý kiến của bản thân bằng cách đăng ký và bỏ phiếu theo một cách thức minh bạch được nêu rõ trong các hiến pháp tiểu bang và cũng như Hiến pháp Hoa Kỳ.

Hãy truyền đạt kiến thức về gai dầu với mọi người; hãy nói về nó mọi lúc. Hãy tìm kiếm, yêu cầu và mua các sản phẩm từ gai dầu. Hãy bảo vệ gai dầu. Và hãy sử dụng những thông tin và gợi ý về hoạt động chính trị và kinh doanh liên quan đến gai dầu trong phần Phụ lục ở cuối cuốn sách này.

Mặc dù điều này đã được đề cập trong sách, chúng tôi xin một lần nữa tuyên bố bằng những lời nồng nhiệt nhất, rằng gai dầu/cần sa – cũng chính là loài cây mà chúng ta bôi xấu bằng cách dùng từ lóng “marijuana” để gọi tên – sẽ được những thế hệ tương lai biết đến, như đã được những thế hệ trong quá khứ biết đến qua hàng nghìn năm, là loài cây bậc nhất với khả năng tái tạo hàng năm, hoàn toàn bền vững, không cần đến thuốc trừ sâu, đồng thời là nguồn cung cấp giấy/sợi/thực phẩm/thuốc dồi dào nhất trên trái đất, và tất nhiên có nhiều công dụng tổng thể hơn bất kỳ loài cây nào khác từng được biết đến.

Nói cách khác, gai dầu/cần sa là loài cây vĩ đại nhất trên trái đất!

Hãy viết thư để gửi tới các quan chức do dân bầu của bạn và tới các phương tiện truyền thông tin tức, để góp phần tạo nên một sự lãnh đạo chính trị sáng suốt hơn và một hoạt động đưa tin có thiện chí hơn trong chủ đề cần sa và gai dầu. Hãy tán thưởng những tin tức và biểu quyết đúng đắn; và hãy chê trách những tin tức và biểu quyết sai trái. Hãy đăng ký, tham gia tranh cử, và hãy luôn luôn bỏ phiếu!!

Hãy lên tiếng đòi hỏi sự phóng thích, bồi thường và vinh danh cho những từ nhân lương tâm của chúng ta. Họ xứng đáng được chào đón trở về như những anh hùng và như những tù binh trong “Cuộc chiến chống ma túy” này. Chính họ mới xứng đáng được nhận những quyền và lợi ích của cựu chiến binh, chứ không phải DEA hay cảnh sát.

Hãy nghĩ về điều này…

Giả sử những công dân “ngoài vòng pháp luật” này đã không phản kháng chính quyền và bảo tồn hạt giống gai dầu, có lẽ chính phủ Hoa Kỳ cũng đã xóa sổ xong loài cây này khỏi trái đất của chúng ta.

Vì vậy, những anh hùng trong cuộc chiến này không phải là William Bennett, Nancy Reagan, Bill Clinton, George Bush (Con), lực lượng DEA, hay chương trình D.A.R.E, mà là những người đã chống lại bọn họ. Phải trả lại tài sản và cuộc sống cho những anh hùng này. Với hành động phản kháng của họ trước những điều luật bạo ngược ấy, mỗi người trong chúng ta sẽ phải mãi mãi nhớ đến họ. Bởi vì họ đã cứu được loại hạt giống mà sau này sẽ cứu cả hành tinh!

Gai dầu vì chiến thắng!

Hãy để người dân được tự do. Hãy để người dân được canh tác. Và đừng bao giờ cho phép các chính khách một lần nữa áp đặt những luật cấm điên cuồng như vậy lên bất kỳ một hợp chất tự nhiên nào trong hình thức tự nhiên của nó.

Một nền dân chủ không bao giờ có thể vận hành – trừ phi nó có được sự chân thật.

Và nếu sự áp chế gai dầu chỉ là một trong nhiều điều dối trá mà những cảnh sát/quan chức do bổ nhiệm của Hoa Kỳ đã dùng vào mục đích dọa dẫm và/hoặc mua chuộc những chủ nhân trên lý thuyết của bọn họ – công chúng và những chính khách do bầu cử – vậy thì chúng ta gặp phải một rắc rối lớn!

Chúng tôi đã xem xét “cuộc chiến chống ma túy” nhắm đến gai dầu/cần sa/marijuana một cách thấu đáo nhất có thể; những điều đã phát hiện cũng khiến chúng tôi vô cùng chán ngán. Và với cánh cửa nhận thức đã được dọn sạch, chỉ những ai nắm được kiến thức này về gai dầu mới có thể đá văng những kẻ cặn bã (những tội phạm thực sự) khỏi vị trị quyền lực của chúng và đòi lại quyền tự do của chúng ta, hành tinh của chúng ta.

Vì lẽ đó, chúng tôi đồng tình với cậu bé trong câu chuyện của Hans Christian Andersen, trong lúc ngắm nhìn đoàn diễu hành đi qua, cậu bé đã cất lên tiếng nói hồn nhiên quả cảm:

“HOÀNG ĐẾ KHÔNG MẶC QUẦN ÁO!”

CHÍNH MẮT BẠN ĐÃ THẤY ĐIỀU GÌ?

BẠN SẼ LÀM GÌ VỚI ĐIỀU ĐÃ THẤY ĐƯỢC?!

    ĐĂNG KÝ NHẬN TIN TỨC



    *Tôi đồng ý nhận cập nhật tin tức mới nhất trong tương lai.

    Bài viết được xem nhiều nhất

    Bài viết liên quan

    chuong-13-dinh-kien-can-sa-va-luat-jim-crow
    # Lịch sử gai dầu

    Chương 13: ĐỊNH KIẾN – CẦN SA VÀ LUẬT JIM CROW

    Chương 13: ĐỊNH KIẾN – CẦN SA VÀ LUẬT JIM CROW Kể từ khi chế độ nô lệ bị bãi bỏ, sự phân biệt chủng tộc và cuồng tín tại Hoa Kỳ nhìn chung đã buộc phải bớt phần trắng trợn trong cách thể hiện. Các điều luật cấm cần sa một lần nữa minh […]

    Đọc thêm
    chuong-10-than-thoai-ma-thuat-y-hoc
    # Cây gai dầu

    Chương 10 – THẦN THOẠI, MA THUẬT & Y HỌC

    Cái nhìn về mặt xã hội học của việc sử dụng cần sa trong xuyên suốt lịch sử thế giới Ngược lại với nhận thức chung, “marijuana” không phải là một hiện tượng bắt nguồn từ những năm 1960.  Cây gai dầu là một phần của di sản thế giới và là nền tảng của […]

    Đọc thêm
    Chương 12: Sử dụng dược phẩm cần sa tại Mỹ vào thế kỷ 19
    # Cây gai dầu

    Chương 12: Sử dụng dược phẩm cần sa tại Mỹ vào thế kỷ 19

    Chương 12: Sử dụng dược phẩm cần sa tại Mỹ vào thế kỷ 19 Mặc dù vào năm 1839, các sản phẩm từ cây gai dầu như sợi, giấy, vật dụng hàng hải, dầu thắp sáng, thực phẩm, v.v. được cho là những sản phẩm của ngành nông nghiệp và công nghiệp lớn nhất nước […]

    Đọc thêm
    Chat Messenger