Cho dù bạn là một người sử dụng lâu năm hay mới sử dụng loại thảo mộc này, bạn có thể đã nghe nói về hiệu ứng cộng hưởng trong cần sa. Hiện tượng này nói về sức mạnh tổng hợp diễn ra khi sử dụng kết hợp THC, CBD, cannabinoid thứ yếu, và tecpen để mang lại lợi ích cho sức khỏe.
Hiện tượng cộng hưởng trong cần sa này thường được gắn liền với “thuốc từ cây tự nhiên” hoặc “sức mạnh tổng hợp của toàn bộ thành phần trong cây”, và nó dựa trên cơ sở rằng các sản phẩm cần sa với nhiều hợp chất đa dạng có thể mang lại những lợi ích sức khỏe mà các hợp chất và cannabinoid cô lập không thể làm được.
Giáo sư Raphael Mechoulam và giáo sư Shimon Ben-Shabat lần đầu tiên nghiên cứu về sức mạnh cộng hưởng của toàn bộ các thành phần trong cây vào năm 1998. Nghiên cứu của họ lập luận rằng hệ thống endocannabinoid của cơ thể phản ứng tốt hơn với chiết xuất từ cần sa tự nhiên bằng cách tăng hoạt động của hai thụ thể endocannabinoid cơ bản. Sức mạnh cộng hưởng tiềm năng này là gợi ý cho câu hỏi tại sao các loại thuốc tự nhiên thường hiệu quả hơn các loại thuốc chỉ chứa một thành phần hoạt chất được phân lập từ cây đó.
Một loạt các nghiên cứu khoa học được tiến hành trong vòng vài năm trở lại đây đã và đang tiếp tục tìm hiểu và khám phá sâu hơn về chủ để này. Các nhà khoa học đang điều tra, khảo sát những hợp chất điển hình được cho là thúc đẩy hiệu ứng cộng hưởng và thậm chí một nghiên cứu đã đưa ra nghi vấn rằng liệu hiệu ứng cộng hưởng có bị thổi phồng quá mức hay không.
Theo một số kết quả nghiên cứu, các cơ chế thúc đẩy hiệu ứng cộng hưởng này không hề đơn giản như những gì mà giới marketing cần sa vẫn thường nói với chúng ta.
Vậy chúng ta thực sự biết gì về hiệu ứng cộng hưởng?
Đầu tiên, có bằng chứng cho thấy một số cannabinoid làm tăng tác dụng của các cannabinoid khác. Ví dụ: THC có thể nâng cao hiệu quả điều trị của phương pháp trị liệu sử dụng CBD; và các cannabinoid thứ yếu cũng có thể đóng góp lợi ích nhất định.
Trong một nghiên cứu tiến hành trên tế bào ung thư vú được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm và động vật thí nghiệm, các nhà khoa học phát hiện ra sự có mặt của các cannabinoid phụ trong cần sa giúp cải thiện kết quả thí nghiệm.
Tiến sĩ, bác sĩ Ethan Russo – một nhà khoa học tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu về tác dụng – hiệu ứng cộng hưởng trong cần sa và cũng là giám đốc điều hành của tổ chức khoa học CReDO đã đưa ra kết luận rằng: “Chiết xuất toàn phần từ cây cần sa có hiệu quả hơn là THC phân lập tinh khiết trong việc tiêu diệt khối u và hạn chế sự phát triển của chúng.” Tác dụng cộng hưởng trong chiết xuất cần sa có thể được giải thích bởi sự xuất hiện với hàm lượng đáng kể của cannabigerol (CBG) và tetrahydrocannabinolic (THCA) trong chiết xuất, bên cạnh THC.
Hơn nữa, nghiên cứu này còn so sánh hiệu quả điều trị bệnh động kinh tình trạng nặng khi sử dụng CBD phân lập so với chiết xuất từ cây cần sa, kết quả thu được là chiết xuất từ cây cần sa cho tác dụng tương đương và với liều lượng ít hơn 20%, tiến sĩ Russo cho hay.
Nhưng đối với tiến sĩ – bác sĩ Jordan Tishler, một chuyên gia trị liệu sử dụng cần sa và là cố vấn cho trường đại học Y Havard, một số yếu tố liên quan đến tác dụng cộng hưởng đã được làm sáng tỏ nhưng vẫn còn quá chung chung. Ví dụ, có những bằng chứng hiển nhiên là CBD ảnh hưởng đến khả năng liên kết của THC tại thụ thể của nó, từ đó làm ảnh hướng đến tác dụng của THC.
Ông nói: “Hiệu ứng cộng hưởng trong cần sa cũng giải thích tại sao THC tinh khiết không đặc biệt hiệu quả, và cần sa tự nhiên vẫn tốt hơn.” Tuy nhiên, ông cũng lập luận rằng các tác động của hiệu ứng cộng hưởng đã được ngoại suy quá mức khỏi các bằng chứng khoa học hiện tại. “Quan điểm rằng các hợp chất hóa học khác là quan trọng để CBD có hiệu quả hiện vẫn chưa được ủng hộ.”
Tishler cũng nói rõ rằng vai trò của các cannabinoid thứ yếu như CBG hoặc CBN vẫn chưa được hiểu đầy đủ trong mối tương quan với THC hoặc các cannabinoid khác. “Nói cách khác, nhiều phân tử có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động của THC, nhưng điều này không có nghĩa là chúng có vai trò hỗ trợ các cannabinoid khác,” ông nói.
Trong khi các nhà khoa học đang xem xét những điều này, thì một cách hiểu mới cho hiệu ứng cộng hưởng trong cần sa đã được đề xuất. Hiệu ứng này có thể được sử dụng để hiểu để giải thích hai hiện tượng riêng biệt:
– Tác dụng cộng hưởng nội phân tử, đề cập đến tương tác giữa các cannabinoid và các tecpen.Tác dụng cộng hưởng liên phân tử, biểu thị tương tác giữa cannabinoid với cannabinoid hoặc giữa các tecpen với nhau.
Trong khi đã có những bằng chứng khẳng định về tác dụng liên phân tử thì vẫn có rất ít nghiên cứu về các tương tác nội phân tử.
Tecpen là gì?
Sự đóng góp chung là tecpen là một nhân tố quan trọng trong hiệu ứng cộng hưởng. Tuy nhiên, nghiên cứu về sức mạnh tổng hợp cannabinoid-terpene vẫn còn tương đối ít ỏi cho đến gần đây. Một nhóm các phát hiện được công bố trong năm qua cho thấy rằng tecpen có thể không góp phần vào hiệu ứng cộng hưởng theo cách mà chúng ta đã tin tưởng.
Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 3 năm 2020, tecpen có trong cần sa có thể không tạo hiệu ứng cộng hưởng chút nào. Các nhà nghiên cứu không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy năm trong số các tecpen phổ biến nhất – myrcene, α- và β-pinen, β-caryophyllene, và limonene – tham gia tạo hiệu ứng cộng hưởng bằng cách liên kết với các thụ thể cannabinoid của cơ thể.
Theo nghiên cứu khác được công bố trong năm nay, cũng không có bằng chứng nào cho thấy tecpen tạo điều kiện cho hiệu ứng cộng hưởng liên phân tử- khi cannabinoid và tecpen hoạt động cùng nhau – bằng cách tương tác với các con đường tác động của cannabinoid khác nhau trong cơ thể.
Tuy nhiên, nghiên cứu khác lại cho thấy, những kết quả này là chưa thuyết phục. Trong một nghiên cứu vào tháng 4 năm 2020 trên chuột, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng ba loại tecpen cần sa phổ biến — humulene, pinene và geraniol — đã kích hoạt thụ thể CB1. Thụ thể CB1 chịu trách nhiệm tạo ra các phản ứng sinh lý, chẳng hạn như giảm nhận thức về cơn đau. Các tecpen này đã khởi động các phản ứng sinh lý đặc hiệu với CB1 ở chuột, cho thấy tecpen có thể mang lại lợi ích điều trị.
Theo Tishler, không có đủ bằng chứng cho thấy tecpen góp phần tạo nên sức mạnh cộng hưởng trong cần sa toàn phần. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các hợp chất thơm này không hiệu quả. Tishler nói: “Có hai ngoại lệ. “Myrcene, gây buồn ngủ nhưng một cách độc lập, chứ không phải là khi một phần của hiệu ứng cộng hưởng; và β-caryophyllene có thể quan trọng trong việc kiểm soát cơn đau”.
Vậy hiệu ứng cộng hưởng trong cần sa có thực sự tồn tại?
Tishler nói rằng hiệu ứng cộng hưởng trong cần sa là một hiện tượng thực tế bị hiểu nhầm. Ông nói: “Hiện tại, hiểu biết của chúng tôi về các tương tác của hiệu ứng cộng hưởng là khá hạn chế. Không có đủ dữ liệu để cho ra mắt các sản phẩm hoặc đề xuất cụ thể dựa trên các cannabinoid hoặc tecpen khác. Điều đó không có nghĩa là hiệu ứng cộng hưởng trong cần sa không có thật, nhưng chúng tôi chưa thực sự chắc chắn về các cơ chế hoạt động của nó.”
Đọc thêm các bài viết về cần sa y tế
“Ở khía cạnh lâm sàng, các sản phẩm THC và CBD nguyên chất có vẻ kém hiệu quả hơn so với cần sa tự nhiên, điều đó cho thấy thực sự có các chất hoạt chất khác có tác dụng trong đó – chỉ là vẫn chưa rõ chúng là loại nào và cách hoạt động ra sao.” Tishler nói.
Bất chấp những phát hiện mâu thuẫn xuất hiện trong một số tài liệu, Ethan Russo vẫn là người ủng hộ nhiệt tình cho hiệu ứng cộng hưởng trong cần sa. Ông khẳng định: “Mặc dù vẫn có một số những thất bại trong việc chứng minh lợi ích của các chất cộng hưởng, có thể là do các chế phẩm không được tối ưu hóa về mặt điều trị, khái niệm về hiệu ứng cộng hưởng đang dần được khai thác đúng hướng.”
Russo chỉ ra các tiêu chuẩn không nhất quán về chất lượng cần sa là nguyên nhân dẫn đến những kết quả trái ngược.
Russo giải thích: “Việc tiếp cận các loại thuốc làm từ cần sa chất lượng cao và hiệu quả nhất vẫn là một thách thức to lớn đối với người tiêu dùng hoặc người chăm sóc của họ. Điều này chỉ có thể đạt được bằng cách yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin phân tích và an toàn, bao gồm hồ sơ cannabinoid và terpenoid hoàn chỉnh thông qua các kết quả xét nghiệm của các lô hàng có sẵn tại điểm bán. Điều này cũng cần phải đi kèm với việc giáo dục tốt hơn về những tác dụng dược lý của các thành phần cannabinoid và terpenoid khác nhau”.
Dịch giả: Lê Quỳnh Anh
Nguồn: Leafy | Is the cannabis entourage effect real?
Đơn Vị Tài Trợ: