30 tiểu bang Hoa Kỳ đã đưa vào thực thi luật cần sa y tế, và trong đó 29 tiểu bang đã đưa ung thư vào danh sách những bệnh tật được điều trị bằng cần sa. Những điều luật như vậy cho phép bệnh nhân ung thư khắp đất nước được tiếp cận với một chất vẫn còn đang trong tình trạng bất hợp pháp theo luật liên bang.
Các báo cáo phi lâm sàng nhận định cần sa giúp kiểm soát những triệu chứng từ hóa trị, như buồn nôn và đau. Nhưng ít có khả năng các bệnh nhân đang muốn tìm hiểu sẽ nhận được những hướng dẫn rõ ràng từ bác sĩ của họ, chẳng hạn như về chuyện họ có nên thử cần sa hay không, giống cần sa nào có thể hiệu quả nhất, và họ nên sử dụng liều lượng ra sao. Một khảo sát mới với 237 bác sĩ chuyên khoa ung thư khắp Hoa Kỳ cho thấy có khoảng 80% bác sĩ trao đổi với bệnh nhân về cần sa, dưới 30% cảm thấy mình không đủ kiến thức để tư vấn cho bệnh nhân về cách sử dụng cần sa để trị bệnh.
Theo nghiên cứu này, dù kiến thức của họ về thảo dược này không vững chắc, vẫn có gần một nửa tổng số bác sĩ đề xuất cần sa y tế cho bệnh nhân của họ. Nhưng hơn một nửa trong số các bác sĩ đề xuất sử dụng cần sa cũng không tự nhận mình có đủ kiến thức để làm vậy, theo Ts. Ilana Braun, người đứng đầu cuộc nghiên cứu, và là bác sĩ tâm lý ung thư tại Viện nghiên cứu Ung thư Dana-Farber Cancer tại Boston, Massachussettes.
“Thật không may, hiện nay nền tảng bằng chứng ủng hộ hiệu quả của cần sa y tế trong điều trị ung thư chỉ mới bắt đầu”, Braun nói. “Vậy nên các bác sĩ chuyên khoa ung thư thường mượn từ các thử nghiệm lâm sàng về các bệnh tật khác, hoặc ngoại suy từ những bằng chứng từ các cannabinoid đạt tiêu chuẩn dược phẩm”.
Cuộc khảo sát này chỉ hỏi về cần sa y tế (được định nghĩa là những sản phẩm cần sa không phải dược phẩm, và được các nhà cung cấp đề xuất sử dụng trong điều trị). Trong khảo sát không đề cập đến các cannabinoid đạt tiêu chuẩn dược phẩm, chẳng hạn như một chất tổng hợp tương tự của THC, được FDA phê chuẩn để điều trị và ngăn chặn chứng nôn và buồn nôn do hóa trị.
Cuộc khảo sát cho thấy hầu hết những trao đổi về cần sa y tế đều được khởi đầu bởi các bệnh nhân. Điều này không hề gây ngạc nhiên, theo lời Ts. Jerry Mitchell, một bác sĩ chuyên khoa nội ung thư tại Trung tâm Ung thư Zangmeister, Ohio; ông không phải là người trong nhóm tiến hành khảo sát. Ông cho biết rằng mỗi tuần đều có vài lần các bệnh nhân hỏi ông về cần sa y tế.
“Đây là một sản phẩm được nhiều người biết đến”, Mitchell nói. “Một sản phẩm các bệnh nhân ung thư nghĩ sẽ giúp được họ, và họ sẽ hỏi bác sĩ về nó. Và các bệnh nhân làm như vậy là đúng, họ nên trở thành người lên tiếng về chính sức khỏe của bản thân họ”.
Là người trong Ban Cố vấn cần sa y tế của tiểu bang, Mitchell nói rằng ông không thể là người khởi đầu những cuộc trao đổi nói trên, bởi hiện tại vẫn chưa có nơi nào hợp pháp để mua được thảo dược này tại Ohio. Mặc dù năm 2016 tiểu bang Ohio đã thông qua luật để tạo ra một chương trình cần sa y tế, nhưng phải đến tháng Chín năm nay các trạm phát thuốc cần sa mới được mở cửa.
Sự thiếu kiến thức về cần sa y tế của các bác sĩ chuyên khoa ung thư khiến nhiều bệnh nhân ung thư phải tự mình tìm hiểu và quyết định loại sản phẩm cần sa nào và liều lượng như thế nào có thể sẽ hiệu quả nhất để giúp họ kiểm soát các triệu chứng gây suy nhược thường đi kèm theo hóa trị.
Larry Lenkart là một bệnh nhân 60 tuổi sinh sống tại Springfield tiểu bang Illinois, đã nhận chẩn đoán ung thư tuyến tụy giai đoạn IV từ tháng Chín năm trước. Ông gặp phải những cơn đau nghiêm trọng, co thắt dạ dày, và buồn nôn có thể kéo dài tới 10 ngày sau mỗi đợt hóa trị. Tới nay ông đã trải qua 11 đợt.
“Hóa trị giống như một cơn sốt tồi tệ nhất ta gặp phải – nó cứ diễn ra không ngừng”, Lenkart chia sẻ.
Bác sĩ điều trị ung thư của ông sẵn sàng xác nhận rằng ông mắc một loại bệnh đủ điều kiện để được đưa vào chương trình cần sa y tế thí điểm, nhưng lại không có thêm hướng dẫn nào về những gì cần làm sau khi ông đã nhận được thẻ tham gia chương trình.
Vậy là Lenkart đã tìm kiếm thông tin trên mạng và đã nhận được lời khuyên từ bạn bè và những nhân viên tại trạm phát thuốc cần sa. Sau 4 tháng mày mò thử nghiệm, ông cho biết vẫn đang cố gắng tìm ra cách nào hiệu quả nhất: bút vape, dầu, búp hoa hay thực phẩm cần sa.
“Vấn đề liều lượng chính là phần ta thực sự phải mày mò”, Lenkart cho biết.
Cuối cùng, Lenkart nói, cần sa đang giúp ông kiểm soát các triệu chứng như buồn nôn, đau và tâm trí mơ hồ. “Nó khiến cho một tình huống ngoài tầm kiểm soát trở nên có thể chịu đựng được”, ông nói.
Khi thiếu vắng các bằng chứng vững chắc, những lời kể của nhân chứng như vậy có thể đang có ảnh hưởng tới việc thực hành y khoa.
Mitchell nói rằng hiện đang thiếu các bằng chứng có chất lượng để ủng hộ sử dụng cần sa y tế trong điều trị các vấn đề liên quan tới ung thư, và điều này có thể lý giải vì sao các nhà cung cấp cảm thấy họ chỉ được trang bị nghèo nàn để hướng dẫn bệnh nhân về vấn đề này. Những nghiên cứu lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên đơn giản là không tồn tại.
Nhưng Mitchell cho biết ông nghĩ rằng nhiều bác sĩ chuyên khoa ung thư xem xét việc đề xuất sử dụng cần sa y tế sau khi họ cân nhắc giữa những bằng chứng đang có (bao gồm cả những chứng thực của bệnh nhân) và những gì đã biết về các phương pháp trị liệu thay thế khác.
Vì dụ, đối với điều trị chứng đau mãn tính: “Bạn có các thuốc giảm đau nhóm opioid, và rõ ràng là chúng đầy rẫy vấn đề”, Mitchell nói. “Bạn có các thuốc kháng viêm không steroid, chúng có thể có tác dụng nhưng đôi khi chúng không hiệu quả trong điều trị những cơn đau dai dẳng do ung thư. Nhưng những công cụ điều trị của chúng ta chỉ có vậy thôi. Và nếu nhìn nhận thực tế như vậy, bạn cần bước lui lại một chút và nói “Vậy thì tôi thấy các bằng chứng qua lời kể của bệnh nhân cũng ổn rồi”.
Quả thật, Braun và cộng sự đã phát hiện có khoảng 2/3 số bác sĩ chuyên khoa ung thư tin rằng cần sa y tế mang lại lợi ích khi được kết hợp với những phương pháp tiêu chuẩn để điều trị các triệu chứng như đau, chán ăn, và sụt cân ngoài ý muốn.
Họ cũng thấy rằng những bác sĩ chuyên khoa ung thư tại các tiểu bang thi hành luật cần sa y tế nhiều khả năng cảm thấy họ có kiến thức về cần sa y tế hơn, khi so sánh với những đồng nghiệp của họ tại các tiểu bang vẫn đang đặt cần sa ngoài vòng pháp luật. Nhưng trong cả hai trường hợp, không có sự khác biệt nào về khả năng họ sẽ đề xuất cần sa y tế cho bệnh nhân của mình.
Có nhiều khả năng là các nhà cung cấp tại các tiểu bang phía Tây sẵn sàng thảo luận và đề xuất sử dụng cần sa y tế hơn so với các nhà cung cấp ở phía Nam. Làm việc trong môi trường bệnh nhân nội/ngoại trú và có nhiều điều kiện để thực hành cũng là những yếu tố khiến một nhà cung cấp sẵn lòng đề xuất sử dụng cần sa y tế hơn.
Braun cho biết bà không hiểu vì sao lại tồn tại những khác biệt như vậy, nhưng bà có dự định sẽ đào sâu hơn về những câu hỏi đó trong các nghiên cứu tiếp theo đây.
Bà cũng đang có dự định tiến hành những thử nghiệm lâm sàng để nghiên cứu công dụng của cần sa y tế đối với các triệu chứng liên quan đến ung thư.
Để chuẩn bị cho những nghiên cứu ấy, Braun cho biết bà đã phải đương đầu với những thách thức liên quan đến việc nghiên cứu một chất nàm trong Danh mục I – được xem là giống như heroin và LSD, không có tác dụng trị liệu và có tiềm năng gây lệ thuộc cao.
“Tôi đang trong quá trình lắp đặt một chiếc két sắt báo động sau một cánh cửa khóa trái để lưu trữ hợp chất bị kiểm soát này”, bà chia sẻ. “Vấn đề phức tạp lắm”.
Braun nói thêm rằng bà “có niềm tin mạnh mẽ rằng những giới hạn luật từ liên bang sẽ được nới lỏng để tạo thuận lợi cho những đặc tính có lợi tiềm năng từ cần sa y tế, chứ không phải những nguy cơ từ nó”.
Mitchell cũng đồng ý. Ông nói rằng khi không có những thử nghiệm lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên, sẽ rất khó để các bác sĩ chuyên khoa ung thư biết được họ đang đánh đổi những gì khi họ đề xuất sử dụng cần sa y tế thay vì những cách trị liệu được cho là “tiêu chuẩn chăm sóc”.
“Và đó là một vấn đề lớn”, Mitchell nói. “Đó là một khoảng cách lớn về kiến thức”.
>>>>> Đọc thêm các bài viết về cần sa y tế
Nguồn: npr
Đơn Vị Tài Trợ: