Một dược sĩ bán cồn thuốc cần sa.
Dưới tầng hầm của trung tâm Bahnhof Apotheke ở Langnau, thuộc thành phố Emmental Bernois của Thụy Sĩ, Manfred Fankhauser đang lấy những ống nghiệm thủy tinh từ trong két sắt ra. «Đây là dronabinol, một dạng THC thuần khiết. Chúng tôi đang điều chế dầu», người đàn ông mặc áo blouse trắng giải thích. Một gam chất này có giá 1700 francs (tương đương với khoảng 40 triệu VND). Manfred Fankhauser bảo vệ thứ vàng màu xanh của ông ấy đằng sau những cánh cửa bọc sắt có cài mã số và chuông báo động. «Hệt như trong ngân hàng», vị dược sĩ với thái độ cẩn thận, đeo mắt kính vuông và mái tóc vàng để lệch qua một bên cho biết.
Tiệm thuốc của ông là một ngoại lệ ở Thụy Sĩ. Nơi đây bán thuốc tự điều chế từ cây cần sa, dưới dạng dầu và cồn thuốc. Việc điều chế theo đơn đặt hàng này không cần sự phê chuẩn của Swissmedic. Tuy nhiên, từ cây thuốc cho đến bệnh nhân, mỗi quá trình đều yêu cầu phải được sự chấp thuận của Văn Phòng Liên Bang Y Tế Cộng Đồng (OFSP).
Manfred Fankhauser đang hợp tác với một nhà hóa học, Markus Lüdi, người có nhiệm vụ chế biến cồn thuốc từ cần sa. Dưới sự kiểm soát của OFSP, họ đã trồng được 300 cây cần sa tại một địa điểm được giữ bí mật ở miền Tây của Thụy Sĩ, ẩn trong một cánh đồng trồng ngô.
«Không phải một phương thuốc nhiệm màu»
Trong căn phòng nhỏ được bảo mật của tiệm thuốc, một trợ lý đang sắp xếp lại hồ sơ của bệnh nhân, phân cho từng người một chai nhỏ chứa 10ml chế phẩm từ cần sa, tương đương với 350 giọt. Dược sĩ viên sẽ gắn nhãn ngẫu nhiên: A., 50 tuổi, phải dùng 8 giọt 3 lần mỗi ngày để điều trị chứng đau mãn tính. Mỗi liều này chứa 2,5 mg THC, so với 20 mg khi hút 1 điếu cần sa thì liều lượng này không hề gây hiệu ứng high.
Kể từ năm 2007, Bahnhof Apotheke đã phân phát 1500 đơn thuốc sử dụng chế phẩm cần sa. Hiện tại trung tâm đang có 500 bệnh nhân, nhưng nhu cầu về thuốc luôn tăng theo cấp số nhân. Việc điều chế THC chiếm khoảng 20% doanh thu của Manfred Fankauser. « Những người này không đến với chúng tôi cho những chuyện tầm phào», ông cho biết. Bệnh nhân nhỏ nhất chỉ 1 tuổi và phải chịu chứng co thắt cơ nghiêm trọng. Người già nhất, 100 tuổi, phải điều trị chứng trầm cảm kinh niên.
Cồn thuốc cần sa của tiến sĩ Fankhauser được dùng như một liệu pháp điều trị thay thế, thường là phương án cuối cùng để thay thế cho những liệu pháp y tế không hiệu quả hoặc thay thế cho những loại thuốc gây tác dụng phụ quá lớn. Danh sách những chứng bệnh có thể được điều trị rất dài: sự co thắt ở bệnh đa xơ cứng, những cơn đau do căn bệnh ung thư, bệnh thần kinh, đau do làm phẩu thuật đoạn chi, mất cảm giác ngon miệng do hóa trị, bệnh Parkinson, động kinh…
Việc chữa trị tốn khoảng 200 đến 500 francs mỗi tháng, tùy theo liều lượng quy định. Chi phí này không hề rẻ «nhưng chi phí điều trị cho các bệnh lí nặng thường vượt qua con số này». Trong mắt của dược sĩ, lợi thế lớn của cây cần sa chính là rủi ro thấp của nó: «Những tác dụng phụ hầu như không đáng kể và nó không tồn tại liều lượng gây chết người. Nhưng đây cũng không phải là một phép màu y tế (kết quả điều trị có thể thay đổi từ người này qua người kia)»
Nguồn: letemps.ch
Dịch giả: Nguyễn An
Xem thêm: Câu chuyện cần sa y tế điều trị bệnh ung thư
Xem thêm: Góc nhìn mới về cannabis tại Việt Nam – HempToday Podcast
Đơn Vị Tài Trợ: