TRẢ LẠI CÔNG BẰNG CHO CẦN SA Y TẾ
Chúng tôi là một nhóm thanh niên trẻ gồm 30 thành viên, trong nhóm có một số bạn trẻ đã tốt nghiệp nghành Y Dược tại Châu Âu và Úc đang hoạt động phi lợi nhuận trên chủ đề Cần Sa Y Tế, có địa chỉ website là www.cannabisvietnam.org. Mỗi ngày, chúng tôi nhận được trung bình trên 20 câu hỏi của bệnh nhân đang phải sống trong đau đớn từ các chứng bệnh hiểm nghèo khác nhau như: ung thư, đau mãn tính, vảy nến, cấy ghép nội tạng, động kinh co giật, và nhiều chứng bệnh khác nữa mà cần sa y tế có thể giúp đỡ họ xoa dịu những đau đớn về mặt thể xác cũng như về mặt tinh thần.
Cần Sa Y Tế gần đây đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân Việt Nam, đặc biệt là bệnh nhân ung thư. “Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 110.000 trường hợp bị chẩn đoán ung thư mới và hơn 73 phần trăm trong số này tử vong – là một trong những nước có tỷ lệ tử vong do ung thư cao nhất trên thế giới.” – Đây là báo cáo của Bệnh viện Bạch Mai năm 2014. Cần sa y tế mặc dù đã được hợp pháp hóa ở nhiều tiểu bang của Mỹ (24 tiểu bang) và nhiều nước trên thế giới: Argentina, Bỉ, Cannada, Tiệp Khắc, Israel, Ý, Iran, Bắc Triều Tiên, Mexico, Hà Lan, Peru, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ba Nha, Croatia… nhưng vẫn còn bị phần lớn người dân Việt Nam coi là chất ma túy độc hại. Việt Nam là một nước nghèo, lạc hậu so với thế giới, hệ thống y tế của chúng tôi rất tồi tệ và đáng lên án vì những hành vi hối lộ công khai đã phát triển như một thứ “văn hóa bệnh viện” kinh tởm. Và chúng tôi đang cố gắng làm hết sức mình để có thể cập nhật cho những bệnh nhân tại Việt Nam về tác dụng của cần sa y tế thông qua những nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng từ các nước phát triển đã hợp pháp hóa cần sa y tế. Lẽ dĩ nhiên, chúng tôi rất tự hào về công việc đang làm.
Mới đây, VTV1 – Kênh truyền hình lớn nhất nước Việt Nam đã nói trên bản tin trưa và bản tin tối ngày 07/12/2015, xin được giữ nguyên văn bản tin này:
[“Cần sa có thể gây nên tình trạng hưng phấn, bù đắp được những đau khổ mất mát trong thời gian ngắn, nhưng nếu sử dụng lâu dài thì hậu quả của nó là biến chứng bất thường về hoạt động tâm thần, cảm xúc, não bộ”, bác sĩ Phạm Văn Trụ, Nguyên Phó Giám đốc Chuyên môn Bệnh viện Tâm thần TP. HCM cho biết.
Theo đại diện Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, hiện Việt Nam chưa có khái niệm như thế nào là cần sa y tế. Hiện chỉ có morphine, là chất chiết xuất từ cây cần sa được sử dụng trong điều trị bệnh theo chỉ định của bác sĩ tại bệnh viện.]
Phát ngôn của bác sĩ Phạm Văn Trụ – Nguyên Phó Giám Đốc Chuyên Môn Bệnh Viện Tâm Thần TP.HCM rằng “nếu sử dụng lâu dài thì hậu quả của nó là biến chứng bất thường về hoạt động tâm thần, cảm xúc, não bộ” là hoàn toàn đi ngược lại với các nghiên cứu khoa học trong những năm gần đây.
Phát ngôn của đại diện Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, Việt Nam rằng “Hiện chỉ có morphine, là chất chiết xuất từ cây cần sa được sử dụng trong điều trị bệnh theo chỉ định của bác sĩ tại bệnh viện.” là một sai lầm cơ bản không thể tha thứ đối với một người đại diện Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, hiện Việt Nam.
Chúng tôi nhận thấy trách nhiệm phải lên tiếng vì tất cả những lý do nêu trên. Lên tiếng cho lẽ phải, lên tiếng cho sự thật, lên tiếng vì tất cả những bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân quá nghèo không đủ tiền chữa bệnh mà phải về nhà chờ chết – chuyện này thực sự không phải là chuyện hiếm gặp tại nước Việt Nam. Những bệnh nhân này có thể được cứu sống nhờ vào cây cần sa. Hoặc, ít nhất là cần sa y tế cũng có thể giúp họ ra đi thanh thản (đối với những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối phải trải qua những đau đớn cùng cực). Chúng tôi nhận thấy trách nhiệm cần phải lên tiếng vì những phát ngôn sai lệch từ phía Nguyên Phó Giám Đốc Chuyên Môn Bệnh Viện Tâm Thần TP.HCM và đại diện Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, hiện Việt Nam.
Chúng tôi yêu cầu đại diện Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, Việt Nam công khai sửa đổi khái niệm sai lầm đã phát ngôn trên VTV.
Grower Việt
Đơn Vị Tài Trợ: