Nghiên cứu phát hiện: CBD chấm dứt những cơn co giật ở trẻ em mắc chứng động kinh hiếm gặp

Theo nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y học New England, hoạt chất Cannabidiol (CBD) được tìm thấy trong cây cần sa đã giảm được số lượng cơn động kinh co giật ở những trẻ em mắc phải một dạng rối loạn động kinh nghiêm trọng và thường gây tử vong. Trong số trẻ em dùng cannabidiol, tần suất diễn ra những cơn co giật – có liên quan đến mất ý thức, cứng cơ và các cử động giật không kiểm soát – đã giảm được hơn 23% so với những bệnh nhi khác được cho dùng giả dược.

Nghiên cứu này là một thử nghiệm lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên, mù kép (cả người phát thuôc lẫn người nhận thuốc đều không biết nghiên cứu đang thực hiện), giả dược kiểm soát – được coi là tiêu chuẩn vàng cho bất kỳ loại thuốc mới.

Cannabidiol còn được gọi là CBD, là một trong số hơn 80 hoạt chất cannabinoid trong cây cần sa, được phân loại như một trong những chất bị kiểm soát theo Danh mục I. Không giống như tetrahydrocannabinol (THC), CBD không gây hiệu ứng high.

GW Pharmaceuticals, một công ty đang phát triển các loại thuốc cannabidiol, đã trợ giúp nghiên cứu này.

Tiến sĩ Orrin Devinsky, tác giả chính của nghiên cứu và là giám đốc Trung tâm Động kinh Toàn diện Langone thuộc Đại học New York, cho biết: “Sau 3800 năm cần sa được sử dụng để điều trị động kinh … chúng tôi cuối cùng đã có bằng chứng vững chắc.” Nghiên cứu trước đây  của ông cho thấy rằng cần sa đã được sử dụng vào đầu năm 1800 TCN tại Sumeria để điều trị chứng động kinh; các nhà thần kinh học thời Victoria đã sử dụng cây gai dầu Ấn Độ giàu cannabidiol cho cùng một mục đích.

Mặc dù các kết quả tích cực nói chung, hầu hết những người tham gia nghiên cứu đều báo cáo những phản ứng phụ bao gồm nôn mửa, mệt mỏi, tiêu chảy và một số vấn đề về gan.

Devinsky cho biết, “CBD là một loại thuốc có hiệu quả để điều trị dạng động kinh hiếm gặp này, nhưng nó không phải là thuốc chữa bách bệnh đối với những đứa trẻ này.”

Hội chứng Dravet và CBD có mối quan hệ thế nào?

Tổng cộng 120 bệnh nhân mắc hội chứng Dravet trong độ tuổi từ gần 2 đến 18 được phân nhóm ngẫu nhiên để được nhận một loại dung dịch uống là CBD hoặc giả dược trong thời gian 14 tuần lễ.

Brandy Fureman, phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu và các liệu pháp mới của Quỹ động kinh, cho biết: “Hội chứng Dravet là một chứng bệnh động kinh nghiêm trọng gây ra nhiều dạng co giật, chậm phát triển, các vấn đề về ngôn ngữ và phát âm, các vấn đề hành vi, các vấn đề di chuyển và cân bằng.” Fureman không tham gia vào nghiên cứu mới này.

Động kinh là một rối loạn thần kinh phá vỡ sự truyền tín hiệu điện giữa các nơ-ron trong não. Được coi là rối loạn phổ, các triệu chứng động kinh khác nhau được xác định thông qua các nhóm triệu chứng hoặc các đặc điểm và được áp dụng những cách điều trị riêng cho từng dạng bệnh cụ thể.

Các loại thuốc động kinh hiện nay thường không có tác dụng đối với các bệnh nhân hội chứng Dravet, vì vậy “có tới 20% ​​trẻ em chết vì những cơn co giật trước tuổi 20,” Devinsky giải thích.

Trong nghiên cứu này, những người tham gia trong thử nghiệm trải qua từ trung bình 4 cơn động kinh/tháng cho tới 1.717 cơn/tháng.

Trong thời gian 14 tuần của nghiên cứu, tần suất co giật giảm từ trung bình 12,4 cơn xuống 5,9 cơn/tháng ở nhóm sử dụng CBD, so với lượng giảm từ 14,9 xuống 14,1 cơn ở nhóm dùng giả dược. Tính trung bình, sự thay đổi tần suất co giật đã giảm 39% đối với nhóm bệnh nhân sử dụng CBD, so với mức giảm 13% trong nhóm giả dược.

5% trong số trẻ em đã hoàn toàn hết co giật trong 14 tuần nghiên cứu. Nhìn chung, các bậc cha mẹ trong nhóm sử dụng CBD cảm thấy rằng họ chứng kiến ​​những thay đổi tích cực của con cái họ “đã diễn ra nhiều hơn đáng kể” so với các bậc cha mẹ trong nhóm sử dụng giả dược.

Tuy nhiên, cũng có một hạn chế. Hầu hết (93%) bệnh nhân dùng cannabidiol báo cáo những tác dụng phụ, mặc dù ¾ trong số bệnh nhân dùng giả dược cũng báo cáo như vậy. 9 trong số 61 bệnh nhân nhóm cannabidiol đã bỏ cuộc giữa chừng, trong đó có 8 người gặp các phản ứng phụ, so với chỉ có 3 trong số 59 bệnh nhân dùng giả dược.

Devinsky giải thích: “Mệt mỏi (buồn ngủ hoặc uể oải) là phổ biến nhất, những tác dụng phụ khác là giảm sự thèm ăn, tiêu chảy và nôn mửa.”

Dựa trên kết quả tổng thể, Devinsky tin rằng CBD cần được đánh giá để đưa vào các loại bệnh động kinh khác nữa chứ không chỉ riêng với hội chứng Dravet – vốn có nguyên nhân từ một đột biến di truyền và có tỷ lệ ảnh hưởng là khoảng 1 trong số 20.000 đến 40.000 trẻ em ở Hoa Kỳ.

Wayne Hall, giáo sư và giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Lạm dụng Chất gây nghiện ở Thanh thiếu niên tại Đại học Queensland, Úc, cũng tin rằng những phát hiện này đạt mức “đủ khích lệ” để đảm bảo sẽ có thêm nghiên cứu về CBD, tập trung vào “các dạng động kinh liên quan”.

CBD khá quan trọng đối với cộng đồng động kinh

“Chỉ riêng một nghiên cứu thì chưa đủ để quyết định một vấn đề, quy mô thử nghiệm vẫn còn tương đối nhỏ (bởi vì đây là một hội chứng hiếm gặp và rất khó nghiên cứu nhiều ca bệnh) và thời gian thử nghiệm điều trị cho đến nay vẫn còn tương đối ngắn”, Hall, người không tham gia vào nghiên cứu, đã viết trong một email.

Tuy nhiên, Hall cho biết nghiên cứu này đã tính toán cẩn trọng mức độ an toàn và hiệu quả từ một số lượng lớn trẻ em đáng kể, cho thấy “bằng chứng rõ ràng về lợi ích trong việc giảm tần suất cơn co giật và mức độ nghiêm trọng của bệnh trong suốt thời gian thử nghiệm.”

Tiến sĩ Brenda Porter, phó giáo sư về thần kinh học tại Trường Y khoa Stanford, cho biết bà “vui mừng khi thấy” dữ liệu xuất hiện. Porter không phải là một trong những nhà nghiên cứu đằng sau nghiên cứu này, mặc dù bản thân bà cũng đã công bố những tài liệu về việc sử dụng CBD như một cách điều trị bệnh động kinh.

“Thật thú vị, có vẻ có những tương đồng với các loại thuốc điều trị co giật khác của chúng tôi, xét về hiệu quả và mức dung nạp thuốc”, Porter nói. “Vậy, đáng buồn khi đây không phải là một thành công mỹ mãn đối với hầu hết các bệnh nhân, nhưng nó vẫn một công cụ khác trong chế độ điều trị của chúng tôi.”

Cây cần sa bị xếp vào một trong những chất kiểm soát theo Danh mục I. Các nhà nghiên cứu CBD phải đáp ứng các yêu cầu về an ninh và tuân thủ các thông lệ của liên bang. Một số nhà khoa học cho biết những yêu cầu liên bang này đã làm chậm lại tiến độ nghiên cứu hỗ trợ các lợi ích dược phẩm của loài cây này.

Porter tin rằng nghiên cứu này có thể mở ra cánh cửa dẫn đến “những thảo luận chứa đựng nhiều tâm sức hơn với các bệnh nhân về hiệu quả và các tác dụng phụ” của CBD. “Hy vọng rằng, FDA sẽ coi đây là một dấu hiệu cho thấy CBD nên được đưa ra khỏi Danh mục I. Nếu CBD vẫn ở Danh mục I, chúng tôi sẽ gặp khó khăn trong việc đưa nó đến với các bệnh nhân.”

Đạo luật về các chất cần kiểm soát năm 1970 đã xếp loại cần sa là một chất thuộc Danh mục I, có nghĩa là “hiện không có công dụng y tế nào được thừa nhận và có tiềm năng gây lạm dụng cao.”

Việc thay đổi danh mục xếp loại một loại thuốc là quyền hạn của DEA hoặc Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh. Một bên liên quan, chẳng hạn như một công ty dược phẩm, cũng có thể kiến nghị để khởi động tiến trình này. FDA và Viện Nghiên cứu Lạm dụng Ma túy Quốc gia Hoa Kỳ có vai trò chỉ đạo cho DEA khi đánh giá các bằng chứng khoa học mà họ dựa vào đó để thay đổi cách xếp loại.

Tiến sĩ David Gloss, giám đốc khoa học thần kinh lâm sàng tại Hệ thống Y tế CAMC ở Charleston, West Virginia, tin rằng nghiên cứu mới này là “rất quan trọng” bởi vì “có rất nhiều người sử dụng CBD vì rất nhiều ứng dụng của nó”. Gloss là đồng tác giả của một nghiên cứu về các cannabinoid cho Thư viện Cochrane, nơi công bố các nghiên cứu y học có hệ thống. Ông không tham gia nghiên cứu mới này.

Gloss lưu ý rằng tạo ra được thêm những bằng chứng về việc sử dụng hiệu quả là “một điều tốt.” Ông hy vọng khi có đủ bằng chứng, việc xếp loại CBD trong Danh mục I có thể được xem xét lại và thay đổi.

Giáo sư Wayne Hall của Đại học Queensland tin rằng không nên có một sự nhập nhèm giữa sử dụng cannabinoid vì mục đích y tế và sử dụng cần sa vì mục đích giải trí. “Nếu những thử nghiệm lâm sàng trong tương lai xác nhận những kết quả đầy hứa hẹn này, thì theo các quy định thích hợp, CBD sẽ được xếp loại như một chất an toàn để sử dụng cho mục đích y tế”, ông nói.

Tiến sĩ Fureman của Tổ chức Bệnh động kinh nói, “trước khi thử nghiệm này được công bố, phần nhiều trong những bằng chứng lâm sàng về tác động của CBD đối với những cơn co giật không kiểm soát được và mang tính chất giai thoại”. Bà nói thêm rằng nghiên cứu mới này “rất quan trọng“ đối với cộng đồng động kinh – những người tin rằng một dược phẩm nguồn gốc CBD sẽ trở thành một lựa chọn điều trị tiên tiến nhất.

Tất cả các chuyên gia này đều nhất trí về nhu cầu có thêm nhiều nghiên cứu khoa học hơn nữa.

Như Devinsky đã nói, “các chất tự nhiên không định là an toàn và hiệu quả. Chúng cần phải được đánh giá một cách nghiêm ngặt.”

Nguồn: cnn

Dịch giả: Lucifer Sam

Xem thêm: Câu chuyện cần sa y tế điều trị bệnh ung thư

Xem thêm: Góc nhìn mới về cannabis tại Việt Nam – HempToday Podcast

    ĐĂNG KÝ NHẬN TIN TỨC



    *Tôi đồng ý nhận cập nhật tin tức mới nhất trong tương lai.

    Bài viết được xem nhiều nhất

    Bài viết liên quan

    Top 5 san pham CBD ma ban can biet
    # Cannabidiol CBD

    Top 5 sản phẩm CBD mà bạn cần biết

    CBD (Cannabidiol) đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây. Dưới đây là một số sản phẩm CBD mà bạn cần biết.

    Đọc thêm
    AdobeStock 217932642
    # Cannabidiol CBD

    Thông tin về CBD dành cho bệnh nhân

    Cannabidiol (CBD) là một trong hơn 100 loại cannabinoid tự nhiên được tìm thấy trong cây cần sa và cây gai dầu. Cannabis là tên gọi chung cho cả cần sa và gai dầu. Trên thế giới, có hàng nghìn giống cây cannabis, được phân biệt với cái tên “cây gai dầu” (Hemp) cho các giống có hàm lượng THC nhỏ hơn 0.3%, và “cần sa” (Marijuana) cho các giống có hàm lượng THC lớn hơn 0.3%.

    Đọc thêm
    CBD và máu
    # Cannabidiol CBD

    CBD và máu

    Các nghiên cứu này cùng nhau cho thấy rằng CBD ảnh hưởng đến cả sự sống sót và cái chết của các tế bào bạch cầu, sự di chuyển của bạch cầu và sự kết tập tiểu cầu, có thể là cơ sở cho khả năng của CBD trong việc trì hoãn hoặc ngăn ngừa sự phát triển của các rối loạn tim mạch.

    Đọc thêm
    Chat Messenger