Nhật Bản vốn tự hào về chính sách ít khoan nhượng đối với súng và ma túy, nhưng lần đầu tiên đã có một đảng phái nhỏ hướng đến việc gỡ bỏ lệnh cấm nghiên cứu sử dụng cần sa y tế như một cương lĩnh bầu cử của mình.
Những người đề xuất cho rằng cần sa y tế có thể làm giảm các cơn đau liên quan đến ung thư, ngăn ngừa bệnh mất trí, và giảm các chi phí y tế đang leo thang. Nhưng chính phủ lại cho rằng hiệu quả của cần sa y tế chưa được chứng minh, và lo ngại về những ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội nếu thả lỏng kiểm soát.
Ngoài lệnh cấm nghiên cứu lâm sàng, Nhật Bản còn cấm sở hữu và trồng cần sa, bất chấp xu hướng sử dụng cần sa trong y tế đang diễn ra tại các nước tiên tiến như Canada và Hoa Kỳ.
“Đứng trước khác biệt rõ rệt giữa Nhật Bản và các nước khác, công chúng hoang mang không biết nên đặt niềm tin vào nơi nào”, bà Saya Takagi thuộc Tân Đảng Cải Cách cho biết. (Đảng này do một cựu thành viên đảng cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe thành lập.)
Ứng viên tranh cử vào Thượng viện này cũng cho biết thêm trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters, “Chúng tôi đang đề xuất dỡ bỏ lệnh cấm nghiên cứu nhằm mục đích tìm đến sự thật. Tôi mong muốn việc nghiên cứu và giới thiệu về cần sa y tế sẽ được khởi động càng sớm càng tốt.”
Quan điểm về hợp pháp hóa cần sa y tế tìm được sự ủng hộ từ lớp người cao tuổi đang tăng dần, với số lượng hơn 1/4 trong dân số 127 triệu người của đất nước Nhật Bản.
“Nếu cần sa được đưa vào sử dụng đúng cách, đó sẽ là một điều tốt lành nhất đối với các bệnh nhân,” ông Kimiko Yajima, một bệnh nhân ung thư 78 tuổi chia sẻ trong khi mua sắm tại trung tâm thành phố Tokyo. “Chỉ cần cơn đau dịu đi, dù một lúc thôi cũng đã tốt lắm rồi.”
Là một người có tiếng luôn phản đối các xu hướng bảo thủ, Phu nhân Akie của Thủ tướng Abe cũng đã lên tiếng ủng hộ.
Tuần báo SPA! trích dẫn lời bà nói vào tháng 12: “Tôi tin rằng cần sa có thể được áp dụng rất tốt cho mục đích y tế.” Tuy nhiên sau đó các trợ lý của bà không bình luận về bài báo này.
Phu nhân Akie cũng cho biết bà đã từng cân nhắc trở thành một nông dân trồng gai dầu. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, phải có giấy phép đặc biệt để thực hiện điều đó, trái ngược với việc gai dầu trong quá khứ đã được sử dụng rộng rãi để lấy sợi và phục vụ trong các nghi lễ hoàng gia.
Chính phủ cho rằng sẽ là một động thái hấp tấp nếu hợp pháp hóa cần sa y tế, do vẫn chưa có đầy đủ bằng chứng khoa học.
“Tổ chức Y tế Thế giới chưa công nhận rằng có những căn cứ khoa học. Xét đến việc cần sa vốn đã bị lạm dụng, chúng ta cần phải thật cẩn trọng.” một quan chức của Bộ Y tế cho hay. Người này từ chối tiết lộ danh tính bởi chủ đề này quá nhạy cảm.
Một số chuyên gia y tế bác lại quan điểm ấy, cho rằng hoàn toàn khả dĩ để thực hiện nghiên cứu cần sa y tế dưới những kiểm soát thỏa đáng.
“Chúng tôi không nói cần sa nên được tháo gỡ mọi biện pháp kiềm tỏa,” Ông Minoru Arakaki, hiệu trưởng một học viện nghiên cứu cần sa y tế mới thành lập cho biết. “Điều chúng tôi muốn nói là: Chúng ta hãy tiến hành nghiên cứu để xem cần sa có thể mang lại tác hại hay lợi ích như thế nào. Và nếu cần sa quả thật có những tác dụng có lợi, chúng ta hãy đưa nó vào sử dụng.”
Nguồn: reuters
Dịch giả: Minh Hạnh
Xem thêm: Câu chuyện cần sa y tế điều trị bệnh ung thư
Xem thêm: Góc nhìn mới về cannabis tại Việt Nam – HempToday Podcast
Đơn Vị Tài Trợ: