Như tin đã đưa, Quốc hội Đức đã thông qua một đạo luật, chính thức hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa y tế. Bác sĩ giờ đây có thể kê đơn các loại thuốc cần sa y tế chất lượng cao cho những bệnh nhân mắc bệnh đa xơ cứng, đau mãn tính, chán ăn và buồn nôn do hóa trị, và nhiều bệnh tật hiểm nghèo khác – với chi phí do bảo hiểm y tế thanh toán theo luật định. Bộ trưởng Bộ Y tế Đức Hermann Gröhe, người đề xuất đạo luật, đã phát biểu trong một tuyên bố:
“Cần thiết đem lại cho những người bệnh nặng cách điều trị tốt nhất có thể, bao gồm việc các quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí thuốc cần sa cho những người mắc bệnh kinh niên mà không thể được điều trị hiệu quả bằng bất kì cách nào khác.”
Đạo luật mới của Đức có hiệu lực từ ngày 17 tháng 3, đem lại cho các bệnh nhân đang lo lắng một biện pháp tìm kiếm cần sa y tế với chi phí thỏa đáng. Cho đến nay, những người mắc bệnh kinh niên chỉ có thể có được cần sa y tế để điều trị thông qua một loại giấy phép đặc biệt do Viện Dược chất và Thiết bị Y tế Liên bang cấp.
Quy trình đó không những dài dòng và phức tạp, mà còn buộc các bệnh nhân phải tự chịu mọi chi phí để mua cần sa y tế. Theo Bộ Y tế, có khoảng 1000 bệnh nhân hiện đang nhận được sự miễn trừ pháp lý như vậy để mua được cần sa (chi phí cho lượng cần sa một tháng có thể lên tới 1800 Euro ).
Tuy nhiên, đạo luật mới cho phép bệnh nhân thuộc “những trường hợp ngoại lệ” được bác sĩ kê đơn thuốc cần sa khi không có một cách điều trị hiệu quả nào khác, cũng như được hãng bảo hiểm y tế hoàn trả chi phí họ đã trả trước để mua cần sa. Các bệnh nhân sẽ không phải chờ đợi mỏi mòn như hiện nay để có được quyền mua thuốc cần sa.
Trong tương lai, chi phí hoa cần sa khô và các loại chiết xuất cần sa sẽ được bảo hiểm y tế thanh toán đối với những bệnh nhân không có một lựa chọn điều trị nào khác. Một tuyên bố được Quốc hội Đức đăng tải trên website chính thức đã giải thích:
“Cần thiết đem lại cho các bệnh nhân khả năng có được hoa cần sa khô và các chiết xuất cần sa đạt chất lượng quản lý theo đơn thuốc của các cơ sở y tế. Ngoài ra, trong trường hợp những bệnh nhân có bảo hiểm, yêu cầu điều trị với các hoạt chất dronabinol hoặc nabilone cũng được thực hiện, ngay cả trong những trường hợp ngoại lệ có số lượng rất giới hạn. Để đảm bảo nguồn cung, việc canh tác cần sa vì mục đích y tế tại Đức đang được triển khai.”
Mặc dù đạo luật mang lại những cơ sở để một cơ quan về cần sa thuộc sở hữu nhà nước điều hành và quản lý việc canh tác và phân phối cần sa y tế, việc tự canh tác cần sa vẫn sẽ bị cấm. Vậy là cho đến khi các đồn điền cần sa do nhà nước giám sát được thiết lập tại Đức, cần sa sẽ được nhập khẩu từ Hà Lan và Canada. Các nhà sản xuất tư nhân cũng có thể nhận được một cơ hội để nộp đơn xin phép trồng cần sa vì mục đích y tế, nhưng quy trình phê duyệt đơn sẽ rất nghiêm ngặt.
Marlene Mortler, Ủy viên Hội đồng Dược chất Liên bang Đức, là người đã vận động cho quyết định cho phép bệnh nhân mua cần sa y tế từ hiệu thuốc địa phương thông qua đơn thuốc do bác sĩ kê. Bà đã gọi đây là “một tin vui rất lớn dành cho những bệnh nhân bấy lâu nay đã phải chờ đợi đạo luật này được thông qua.”
“Đây là một bước tiến xa hơn nữa trên con đường cải thiện lĩnh vực chăm sóc giảm nhẹ. Đối với những người mà cần sa y tế thực sự đem lại hiệu quả, giờ đây họ sẽ có được loại thuốc này với chất lượng đảm bảo và với trách nhiệm thanh toán thuộc về các hãng bảo hiểm y tế.”
Tuy nhiên bà cũng đưa ra quan điểm quan điểm của mình rằng nếu tăng khả năng tiếp cận cần sa y tế bằng cách cho phép sử dụng để giải trí thì lượng tiêu thụ cần sa cũng sẽ tăng theo – đó là điều mà bà không hề mong muốn.
Việc sử dụng cần sa y tế cho các bệnh nhân giai đoạn cuối đã được hợp pháp hóa tại một số nước châu Âu, nhưng vẫn chưa có đủ những nghiên cứu quy mô lớn tại Đức để khẳng định tuyệt đối rằng đó là một loại thuốc hiệu quả và an toàn.
Hiệp Hội Các Chứng Đau của Đức rất hoan nghênh đạo luật, nhưng đồng thời họ cũng kêu gọi hạ thấp hơn nữa ngưỡng cần sa y tế có thể kê đơn và mua bán lúc ban đầu . Giáo sư tiến sĩ Michael Schäfer từ Hiệp hội năm ngoái đã viết trong một báo cáo:
“Các nghiên cứu và báo cáo từ kinh nghiệm hiện tại cho thấy: một mặt, chất cannabinoid (CBD) – trong nhiều trường hợp – chỉ là thuốc giảm đau nhẹ; nhưng mặt khác lại rất hữu ích đối với một số bệnh nhân nhất định. Những bệnh nhân cần có cơ hội để thử liệu pháp này sau khi những liệu pháp đề xuất đều thất bại.”
Do đó, Đức cũng đang lên kế hoạch triển khai nghiên cứu về những tác dụng tích cực trong việc điều trị cho bệnh nhân bằng cần sa , về liều lượng thích hợp và cả những tác dụng phụ của nó. Vì mục đích này, những dữ liệu ẩn danh từ các bệnh nhân dự kiến sẽ được chuyển giao đến Viện Dược chất và Thiết bị Y tế Liên bang.
Mặc dù vậy, Mortler cũng cho những người ủng hộ cần sa y tế thấy rõ rằng không nên trông đợi bất kì một sự thay đổi nào trong lập trường của Đức về sử dụng cần sa giải trí, đó vẫn sẽ là hành động phạm pháp trên toàn quốc:
“Tâm điểm chính sách về dược chất của chính phủ không đặt vào vấn đề tư tưởng thời đại, các định kiến, hay các ý thức hệ. Đối với chúng tôi, đây là vấn đề về con người và sức khỏe của con người. Y tế công cộng là trung tâm của chính sách về cần sa, và chính bởi lí do đó mà tôi nói không với việc sử dụng cần sa để giải trí.”
Sombrio
(dịch và tổng hợp từ thelocal và anonhq.com)
Xem thêm: Câu chuyện cần sa y tế điều trị ung thư
Đơn Vị Tài Trợ: