Như bạn đã biết, cuộc cách mạng công nghiệp của thế kỷ 19 là một bước lùi rất lớn đối với cây gai dầu trong tình hình nền thương mại thế giới, do thiếu đi công nghệ cơ giới trong việc thu hoạch và tách sợi gai dầu cho quá trình sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên thiên nhiên này là quá quý giá, đến nỗi không thể bị quên lãng trong một thời gian dài.
Cho đến năm 1916, USDA Bulletin 404 đã dự đoán rằng một loại máy móc có thể thu hoạch và tách sợi sẽ xuất hiện, và cây gai dầu sẽ trở lại là ngành nông nghiệp lớn nhất Hoa Kỳ. Năm 1938, các tạp chí nổi tiếng như Popular Mechanics và Mechanical Engineering đã giới thiệu một số nhà đầu tư thế hệ mới với hệ thống thiết bị tách sợi gai dầu hoàn toàn; đưa chúng ta sang trang tiếp theo của lịch sử. Chính vì sự xuất hiện của loại thiết bị này, cả hai tạp chí đều tin rằng gai dầu sẽ trở thành loại cây trồng số một của Hoa Kỳ!
Đột phá trong lĩnh vực sản xuất giấy
Nếu quy trình sản xuất giấy từ bột giấy gai dầu năm 1916 có thể áp dụng vào ngày nay, nó có thể thay thế từ 40 đến 70% cho tất cả các loại bột giấy, bao gồm trong việc sản xuất hộp, giấy in vi tính và túi giấy.
Nếu gai dầu được phép canh tác một cách hợp pháp bằng những công nghệ của thế kỷ 21, nó sẽ trở thành loại cây nông nghiệp lớn nhất ở Hoa Kỳ cũng như trên Thế giới ngày nay!
(Tạp chí Popular Mechanics, Tháng 2, 1938; Mechanical Engineering, Tháng 2, 1938 U.S. Department of Agriculture Reports 1903, 1910, 1913.)
Trên thực tế, khi hai bài báo bên trên được viết vào đầu năm 1937, cây gai dầu vẫn được trồng một cách hợp pháp. Người ta dự đoán doanh thu của nền công nghiệp gai dầu có thể lên đến hàng tỷ đô la, mà đó là chưa tính đến doanh thu của lĩnh vực sản xuất thuốc, năng lượng (nhiên liệu) và thực phẩm, hiện sẽ gia tăng thêm hàng nghìn tỷ đô la hàng năm cho nền kinh tế “tự nhiên” sắp tới (so với nền kinh tế tổng hợp đang gặp khó khăn trong khía cạnh môi trường) của chúng ta. Doanh thu đến từ việc hút cần sa để giải trí chỉ là một con số tương đối nhỏ so với con số này.
Lý do quan trọng nhất mà các bài báo trên tạp chí năm 1938 dự đoán doanh thu lên đến hàng tỷ đô la là nằm ở “bột giấy gai dầu” (trái ngược với giấy xơ hoặc giấy vụn). Những lý do khác đến từ nguồn nguyên liệu sợi, hạt và nhiều công dụng khác của bột giấy. Nếu quy trình sản xuất giấy từ bột giấy gai dầu năm 1916 có thể áp dụng vào ngày nay, nó có thể thay thế từ 40 đến 70% cho tất cả các loại bột giấy, bao gồm trong việc sản xuất hộp, giấy in vi tính và túi giấy.
Công nghệ sản xuất bột giấy tiên tiến từ gai dầu này được phát minh vào năm 1916 bởi những nhà khoa học chủ chốt của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, nhà thực vật học Lyster Dewey và nhà hóa học Jason Merrill.
Công nghệ này, cùng với sự đột phá của máy tách sợi G. W. Schlichten, được cấp bằng sáng chế vào năm 1917, đã khiến cho cây gai dầu trở thành nguồn cung cấp giấy khả thi với chi phí thấp hơn một nửa so với nguồn bột giấy từ những loại cây thông thường. Máy thu hoạch mới, cùng với thiết bị từ Schlichten, đã cắt giảm thời gian xử lý gai dầu từ 200-300 giờ công trên một mẫu Anh xuống chỉ còn vài giờ.* Sau hai mươi năm, công nghệ đã trở nên tân tiến hơn và sự xuất hiện của những con đường tiếp cận mới khiến cho gai dầu càng thêm giá trị. Nhưng thật không may, vào lúc đó, các thế lực đối lập đã bắt đầu hành động một cách nhanh chóng để đàn áp việc canh tác gai dầu.
*Xem Phụ lục I.
Kế hoạch giải cứu rừng
Một số giống gai dầu thường đạt đến chiều cao 6 mét trở lên trong giai đoạn sinh trưởng.
Quy trình sản xuất giấy mới đã sử dụng ruột lõi gai dầu (hemp hurd), chiếm 77% trọng lượng của thân gai dầu – một sản phẩm phụ trong quá trình tách sợi.
Năm 1916, Bản tin USDA số 404 đã nói rằng một mẫu đất canh tác gai dầu, luân phiên hàng năm trong khoảng thời gian 20 năm, sẽ sản xuất ra được sản lượng bột giấy tương đương bằng 4,1 mẫu cây bị đốn hạ trong cùng khoảng thời gian 20 năm. Quá trình này sẽ chỉ sử dụng từ 1/7 đến 1/4 lượng axit gốc lưu huỳnh gây ô nhiễm để phá vỡ hợp chất dạng kẹo là lignin, liên kết các sợi trong bột giấy, hoặc thậm chí là không cần thiết nếu ta dùng sodium carbonate. Tất cả lượng lignin phải được phá vỡ để có thể tiến hành sản xuất bột giấy. Bột giấy từ gai dầu chỉ có khoảng 4-10% hợp chất dạng kẹo này, trong khi bột gỗ thông thường có đến 18-30%. Trong quá trình sản xuất giấy gai dầu, chúng ta có thể tránh được các vấn đề ô nhiễm dioxin đối với các dòng sông, mà không cần sử dụng chất tẩy clorine (như trong quy trình sản xuất giấy từ các loại gỗ thông thường), mà thay vào đó là hydrogen peroxide – an toàn hơn trong quá trình tẩy rửa.
Vì thế, gai dầu có thể cung cấp lượng bột giấy nhiều gấp 4 lần với lượng chất gây ô nhiễm ít hơn từ 4-7 lần.
Như chúng ta đã thấy, tiềm năng cho ngành công nghiệp sản xuất giấy từ gai dầu phụ thuộc vào công nghệ tách sợi hiện đại. Sự xuất hiện của công nghệ này cũng giúp làm giảm nhu cầu về lượng gỗ và giảm thiểu chi phí nhà ở, đồng thời cung cấp thêm nguồn oxy cho Trái Đất. (1)
Ví dụ: Nếu quy trình sản xuất bột giấy từ gai dầu (1916) được sử dụng hợp pháp vào ngày nay, nó sẽ sớm thay thế khoảng 70% lượng giấy từ tất cả các nguồn, bao gồm: giấy in vi tính, hộp và túi giấy.
Bột giấy được làm từ 60-100% mảnh vụn gai dầu có độ cứng và linh hoạt hơn so với những loại giấy được làm từ bột gỗ thông thường. Việc sản xuất giấy từ bột gỗ thông thường sẽ gây hại đến môi trường, còn bột giấy từ gai dầu thì không.
(Theo Dewey & Merrill, USDA Bulletin số 404, 1916; New Scientist, 1980; Kimberly Clark production from its giant French hemp-fiber paper subsidiary De Mauduit, 1937 through 1984.)
Bảo tồn & Giảm thiểu nguồn ô nhiễm
Giảm thiểu nguồn gây ô nhiễm, thường là từ quá trình sản xuất với các hợp chất hóa dầu và dẫn xuất của chúng, là một phương pháp cắt giảm chi phí dành cho việc kiểm soát chất thải được kêu gọi bởi các nhà hoạt động môi trường.
Bất kể nguồn gây ô nhiễm là CFCs (chlorofluorocarbons) từ tủ lạnh, bình xịt, máy tính, tritium và plutonium được sản xuất cho mục đích quân sự, hay sulfuric acid được sử dụng trong các xưởng sản xuất giấy, thì mục tiêu chính là làm giảm nguồn gây ô nhiễm.
Trong các siêu thị, khi bạn được hỏi là dùng túi giấy hay túi nhựa, điều này khiến bạn phải đối mặt với một tình huống khó xử có liên quan đến môi trường: giấy từ việc chặt cây, hay túi nhựa từ nhiên liệu hóa thạch và hóa chất. Với sự hiện hữu của lựa chọn thứ 3 – giấy từ gai dầu – bạn có thể chọn một loại giấy có khả năng phân hủy sinh học, bền và là nguồn tài nguyên có thể tái tạo hàng năm – đó chính là cây gai dầu.
Lợi ích môi trường từ việc canh tác gai dầu hàng năm – mà không cần phải chặt cây khác để sản xuất giấy và thay thế nhiên liệu hóa thạch, đã trở nên tối quan trọng trong việc làm giảm thiểu nguồn gây ô nhiễm.
Âm mưu xóa sổ sự cạnh tranh tự nhiên
Vào giữa những năm 1930, khi máy tách sợi gai dầu cơ học thế hệ mới và những thiết bị máy móc giúp bảo toàn hàm lượng xenlulo của cây gai dầu đã đạt đến trình độ cao nhất về mặt công nghệ, khả dụng và có mức giá hợp lý, thì một khoảng đất canh tác vô cùng lớn và các hoạt động kinh doanh từ Bộ phận Sản xuất của Hearst Paper, Kimberly Clark (Hoa Kỳ), St. Regis cùng với hầu hết các công ty sản xuất gỗ, giấy và báo lớn khác, đã thua lỗ hàng tỷ đô la và có nguy cơ bị phá sản.
Thật trùng hợp, vào năm 1937, DuPont cũng vừa được cấp bằng sáng chế về quy trình sản xuất nhựa từ dầu và than đá, cũng như quy trình sản xuất giấy mới từ bột sunfat/sunfit. Theo những báo cáo từ chính doanh nghiệp DuPont và các nhà sử gia, *những quy trình này đã chiếm hơn 80% tổng lượng tải đường tàu hỏa của doanh nghiệp cho 60 năm tới cho đến những năm 1990.
*Dựa trên những nghiên cứu của tác giả và thông tin trao đổi với Dupont, 1985-1996.
Nếu gai dầu không bị coi là bất hợp pháp, thì 80% hoạt động kinh doanh của nhà DuPont sẽ không thể được thực hiện và những con sông ở phía Tây Bắc và Đông Nam của chúng ta sẽ không bị ô nhiễm một cách trầm trọng.
Trong một thị trường mở, cây gai dầu có thể cứu lấy phần lớn các trang trại gia đình quan trọng ở Hoa Kỳ và cũng có thể làm tăng thêm số lượng trang trại này, bất chấp Cuộc Đại khủng hoảng xảy ra vào những năm 1930.
Tuy nhiên, việc cạnh tranh với công nghệ sản xuất giấy và nhựa tự nhiên, thân thiện với môi trường sẽ gây tổn hại tới các hoạch định tài chính sinh lợi nhuận của Hearst, DuPont và nhà cấp vốn cho Dupont, ông Andrew Mellon từ ngân hàng Mellon ở Pittsburgh.
Sợi nhân tạo
Sợi nhân tạo là lựa chọn thay đế độc hại cho các loại sợi tự nhiên.
Vào những năm cuối 1920 đầu 1930, quyền lực liên tục được rơi vào tay của các hãng sản xuất thép, dầu mỏ, hóa chất và đạn dược lớn. Chính phủ liên bang Hoa Kỳ đã trao phần lớn quyền xuất hàng dệt may cho nền kinh tế trong nước vào tay của nhà sản xuất vũ khí chính, DuPont.
Quá trình nitrat hóa cellulose thành thuốc nổ rất giống với quá trình nitrat hóa cellulose thành sợi tổng hợp và chất dẻo. Ryon, loại sợi tổng hợp đầu tiên chỉ đơn giản là bông thuốc nổ được ổn định lại, hay còn gọi là vải được nitrat hóa. Nó là thứ thuốc nổ cơ bản ở thế kỷ 19.
Các loại nhựa tổng hợp đã bắt đầu được cho ứng dụng để chế tạo một loạt các đồ dùng, những thứ mà ngày trước đều có nguồn gốc tự nhiên,” Lammot DuPont cười rạng rỡ (Popular Mechanics, tháng 6 năm 1939).
“Hãy xem xét các nguồn tài nguyên thiên nhiên của chúng ta,” chủ tịch của DuPont tiếp tục nói, “Các nhà hóa học đã hỗ trợ bảo tồn tài nguyên thiên nhiên bằng cách phát triển các sản phẩm tổng hợp để bổ sung hoặc thay thế hoàn toàn các sản phẩm tự nhiên.”
Celluloid, acetate và rayon là những loại nhựa cơ bản thời bấy giờ, và cây gai dầu nổi tiếng trong giới nghiên cứu cellulose với tiềm năng trở thành nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp mới này. Trên toàn thế giới, nguồn nguyên liệu thô để tạo nên nhựa cơ bản, rayon và giấy đều có thể được cung cấp một cách tốt nhất từ lõi cây gai dầu.
Sợi nylon được phát triển vào khoảng năm 1926 đến 1937 bởi nhà hóa học Harvard đáng chú ý, Wallace Carothers, dựa theo bằng sáng chế của Đức. Các polyamide này là các sợi dài được thiết kế dựa theo những gì quan sát được từ sợi thiên nhiên. Carothers, khi được tài trợ một khoản tiền nghiên cứu từ Dupont, đã thực hiện một nghiên cứu về các sợi cellulose tự nhiên. Ông đã thử tổng hợp lại các sợi tự nhiên trong phòng thí nghiệm và kết quả là polyamide – loại sợi dài từ một quy trình phản ứng hóa học nhất định – đã được phát minh ra. (Tò mò thay, Wallace Carothers lại tự sát vào tháng Tư năm 1937, một tuần sau khi Ủy ban Cách thức và Phương tiện của Hạ viện có phiên điều trần về cần sa và tạo ra dự luật cấm cây gai dầu.)
Các nhà khoa học làm việc cho Dupont chính là những người nghiên cứu hàng đầu thế giới về công đoạn nitrat hóa cellulose. Họ đồng thời cũng là những người chế biến cellulose lớn nhất cả nước trong thời gian này.
Tạp chí Popular Mechanics vào tháng Hai năm 1938 đã viết rằng, “Hàng ngàn tấn cây gai dầu được sử dụng mỗi năm bởi một công ty lớn để sản xuất thuốc nổ và TNT.” Lịch sử cho thấy Dupont đã gần như độc chiếm thị trường chất nổ bằng cách mua và phát triển các công ty chất nổ nhỏ hơn vào cuối những năm 1800. Đến năm 1902, nó kiểm soát khoảng hai phần ba sản lượng ngành công nghiệp này.
Họ là công ty sản xuất thuốc nổ lớn nhất, cung cấp 40% bom, đạn cho quân đồng minh trong Thế chiến I. Là những nhà nghiên cứu về cellulose và sợi, các nhà hóa học của DuPont biết rõ giá trị thực của sợi gai dầu hơn bất kỳ ai khác. Giá trị của cây gai dầu vượt xa loại sợi thông thường; mặc dù thường được dùng để làm vải lanh, vải lưới và vải dệt kim, những sợi dài này chỉ tận dụng 20% trọng lượng của thân cây gai dầu. Tám mươi phần trăm cây gai dầu nằm trong phần 77% lõi cellulose của nó, và đây là nguồn nguyên liệu cellulose (sợi) dồi dào nhất, sạch nhất cho giấy, chất dẻo và thậm chí cả rayon.
Bằng chứng thực nghiệm trong cuốn sách này cho thấy chính phủ liên bang – thông qua Đạo luật Thuế Cần sa năm 1937 – đã cho phép nhà sản xuất bom, đạn này cung cấp sợi tổng hợp trong nước mà không chịu sự cạnh tranh nào.
Bằng chứng của một âm mưu thành công mà các lợi ích doanh nghiệp và cơ quan quản lý này chỉ đơn giản là: vào năm 1997 DuPont vẫn là nhà sản xuất sợi nhân tạo lớn nhất, trong khi không có công dân Mỹ nào khai thác hợp pháp một mẫu cây gai dầu loại dệt trong hơn 60 năm (ngoại trừ trong thời gian thời kỳ WW II).
Đáng lẽ vô hạn tấn sợi tự nhiên và cellulose đã có thể có sẵn cho người nông dân Mỹ vào năm 1937, năm Dupont được cấp bằng sáng chế Nylon và quá trình sulfide giấy gỗ gây ô nhiễm. Tất cả giá trị tiềm năng của cây gai dầu đã bị mất.
Nhựa than đá và các hóa chất từ dầu mỏ đã được sử dụng. Các thiết bị, máy kéo sợi và quy trình khác nhau đã được cấp bằng sáng chế. Loại sợi dệt mới này, nylon, được kiểm soát từ khâu nguyên liệu thô, như than đá, cho đến thành phẩm hoàn chỉnh: một sản phẩm hóa học đã được cấp bằng sáng chế. Nhờ vậy, công ty hóa chất có thể tập trung sản xuất và thu lợi nhuận từ loại sợi “thần kỳ” mới. Sự ra đời của nylon, sự phát minh của máy móc khối lượng lớn để tách sợi gai dầu, và cấm cây gai dầu/ cần sa, đều xảy ra đồng thời.
Các loại sợi nhân tạo mới có thể được coi là vật liệu chiến tranh. Quá trình sản xuất sợi giờ đây đã trở thành một quá trình bao gồm các nhà máy lớn, lò khói, chất làm mát và hóa chất nguy hiểm, thay vì sử dụng nguồn sợi khác dồi dào đến từ tự nhiên.
Cây gai dầu, loại sợi tiêu chuẩn của lịch sử thế giới, đồng thời cũng là cây trồng truyền thống của Mỹ, có thể cung cấp hàng dệt và giấy của chúng ta và cũng là nguồn cung cấp cellulose hàng đầu. Các ngành công nghiệp chiến tranh — DuPont, Allied Chemical, Monsanto, v.v., – đã được luật cấm cần sa bảo vệ khỏi sự cạnh tranh. Họ đã gây chiến với các chu trình tự nhiên, và với những người nông dân bình thường.
— Shan Clark
Nguồn: Encyclopedia of Textiles 3rd Edition by the editors of American Fabrics and Fashions Magazine, William C. Legal, Publisher Prentice-Hall, Inc. Englewood Cliffs, N.J. 1980; The Emergence of Industrial America Strategic Factors in American Economic Growth Since 1870, Peter George State University, NY; DuPont {a corporate autobiography published periodically by E.I. DuPont De Nemours and Co., Inc. Wilmington, Del.); The Blasting Handbook, E.I. DuPont De Nemours & Co, Inc., Wilmington, DE; Mechanical Engineering Magazine, Feb. 1938; Popular Mechanics, Feb. 1938; Journal of Applied Polymer Science, Vol. 47, 1984; Polyamides, the Chemistry of Long Molecules (author unknown) U.S. Patent #2,071,250 (Feb. 16, 1937), W.H Carothers., DuPont Dynasties, Jerry Colby; The American Peoples Encyclopedia, the Sponsor Press, Chicago, 1953.
“Tái cấu trúc cơ cấu xã hội”
Hàng loạt cuộc họp bí mật đã được tổ chức.
Năm 1931, Mellon, với vai trò là Bộ trưởng Tài chính dưới trướng Hoover, đã bổ nhiệm cháu rể tương lai của mình, Harry J. Anslinger, làm người đứng đầu Cục Phòng chống Ma túy Liên bang vừa được tái cơ cấu (FBNDD), một vị trí mà anh ta đảm nhiệm trong 31 năm tiếp theo.
Những ông trùm trong ngành công nghiệp cũng như những nhà tài chính này biết rằng thiết bị, máy móc dùng để cắt, đóng kiện và tách sợi (tách sợi khỏi phần lõi gỗ có chứa hàm lượng xenlulo cao), và tiến hành xử lý gai dầu thành giấy hoặc nhựa đã trở nên phổ biến vào giữa những năm 1930. Cây gai dầu sẽ phải bị loại bỏ.
Trong bản báo cáo thường niên năm 1937 của DuPont gửi cho các cổ đông của mình, công ty khuyến khích các cổ đông tiếp tục đầu tư một cách mạnh mẽ vào các sản phẩm hóa dầu tổng hợp mới nhưng vẫn chưa hoàn toàn được chấp nhận của họ. DuPont đã dự đoán “những thay đổi nền tảng” từ “quyền nâng cao doanh thu của chính phủ… được chuyển thành một công cụ để buộc phải chấp nhận những ý tưởng đột xuất mới về sự tái cơ cấu nền công nghiệp và xã hội”. *
*(Báo cáo thường niên của DuPont vào năm 1937)
Trong quyển Marijuana Conviction (Nhà xuất bản Đại học Virginia, 1974), Richard Bonnie và Charles Whitebread II đã trình bày chi tiết quá trình này:
“Vào mùa thu năm 1936, Herman Oliphant (tổng cố vấn của Bộ Tài chính) đã quyết định áp dụng quyền đánh thuế [của chính phủ liên bang], nhưng theo một quy chế được mô phỏng dựa theo Đạo luật Kiểm soát súng đạn Quốc gia và hoàn toàn không liên quan đến Đạo luật Harrison (ma túy) năm 1914. Chính Oliphant là người chịu trách nhiệm trong việc soạn thảo dự luật. Anslinger chỉ đạo quân đội của mình chuyển hướng chiến dịch về phía Washington.”
“Sự khác biệt chính giữa kế hoạch đánh thuế cần sa so với Đạo luật Harrison là khái niệm về thuế mang bản chất cấm. Theo Đạo luật Harrison, một người không có mục đích y tế sẽ không thể mua hay sở hữu hợp pháp chất gây nghiện. Đối với những người bất đồng chính kiến với các quyết định của Tòa án tối cao trong việc ủng hộ đạo luật, điều này cho thấy một cách rõ ràng rằng động cơ của Quốc hội là hành động nghiêm cấm thay vì để gia tăng doanh thu. Vì vậy, trong Đạo luật Kiểm soát súng đạn Quốc gia, được ban hành để nghiêm cấm lưu thông các loại súng máy, Quốc hội “cho phép” ai cũng có thể mua súng máy, nhưng yêu cầu người đó phải trả 200 đô la thuế chuyển nhượng* và thực hiện việc mua bán theo đơn đặt hàng.”
“Đạo luật Kiểm soát Súng đạn, được thông qua vào tháng 6 năm 1934, là hành động đầu tiên để che dấu động cơ của Quốc hội bằng một loại thuế cấm. Tòa án tối cao nhất trí ủng hộ luật chống súng máy vào ngày 29 tháng 3, năm 1937. Oliphant chắc chắn đã đoán trước được phán quyết từ Tòa án, và Bộ Tài chính đã đưa ra dự luật thuế cần sa vào hai tuần sau đó, ngày 14 tháng 4, năm 1937.”
Do đó, quyết định** đầu tư vào công nghệ mới của DuPont dựa trên “việc buộc phải chấp nhận những ý tưởng đột xuất mới về sự tái cơ cấu nền công nghiệp và xã hội” là rất hợp lý.
*Tương đương 5.000 đô la vào năm 1998
**Thật thú vị là vào ngày 29 tháng 4 năm 1937, hai tuần sau khi Đạo luật thuế cần sa được ban hành, nhà khoa học hàng đầu của DuPont, Wallace Hume Carothers – người phát minh ra Nylon cho DuPont – một nhà hóa học hữu cơ số một thế giới, đã tự tử bằng cách uống xyanua. Carothers đã ra đi ở tuổi 41…
Động cơ là gì?
Những kế hoạch của nhà DuPont đã được ám chỉ đến trong các phiên điều trần tại Thượng viện năm 1937 bởi Matt Rens, thuộc công ty Rens Hemp:
Ông Rens nói rằng: Việc đánh thuế như vậy sẽ đẩy tất cả các hộ sản xuất nhỏ ra khỏi thị trường canh tác gai dầu, và số lượng của những hộ sản xuất này là rất đáng kể… Mục đích cuối cùng của dự luật này không phải là để gây quỹ, đúng chứ?
Thượng nghị sĩ Brown: Chúng tôi đang theo sát dự định đó đây.
Ông Rens: Nó sẽ tiêu tốn một triệu đô đó.
Thượng nghị sĩ Brown: Cảm ơn ông. (Nhân chứng đã bác bỏ.)
Hearst – Lời nói dối đầy thù hận và cuồng loạn
Thông qua việc sử dụng phổ biến và lặp đi lặp lại, William Randolph Hearst đã đưa từ “marijuana” vào ngôn ngữ tiếng Anh.
Note của dịch giả: marijuana là cách gọi khác thường được sử dụng cho cần sa, tuy nhiên nguồn gốc của cách gọi này lại đến từ một âm mưu xấu xa.
Mối quan tâm về những hiệu ứng của gai dầu khi hút đã dẫn đến hai nghiên cứu lớn từ chính phủ. Thống đốc người Anh của Ấn Độ đã công bố Báo cáo của Ủy ban Ma túy Gai dầu Ấn độ năm 1893-1894 về những người nghiện thuốc lá dạng nặng ở tiểu lục địa này.
Và vào năm 1930, Chính phủ Hoa Kỳ đã tài trợ cho nghiên cứu của Siler Commission về ảnh hưởng của việc hút cần sa tới những người quân nhân Hoa Kỳ tại Panama. Cả hai báo cáo đều kết luận rằng cần sa không phải là mối bận tâm và khuyến nghị rằng không nên áp dụng hình phạt hình sự cho người sử dụng chúng.
Vào đầu năm 1937, Bác sĩ phụ mỗ Walter Treadway đã nói với Tiểu ban Cố vấn về Cần sa (Cannabis Advisory Subcommittee) của Hội Quốc Liên rằng “Nó có thể được sử dụng trong thời gian dài mà không gây ra sự suy sụp về mặt xã hội hoặc tinh thần. Cần sa có thể thành thói quen thói quen… theo nghĩa giống như… đường hay cà phê”.
Chú thích ảnh: Những bộ phim giật gân kinh phí thấp, như “Marihuana; Loài cỏ dại với rễ từ địa ngục”, tận dụng sự điên cuồng chống cần sa đang được khuấy động hàng ngày trên các tờ báo scandal của Hearst. Các bộ phim khác, như “Reefer Madness”, là sản phẩm của các nhóm được tài trợ một phần bởi các công ty rượu mới được hợp pháp hóa, nhằm loại bỏ sự cạnh tranh có thể xảy ra từ cần sa.
Các lực lượng khác đã bắt đầu hành động. Cơn thịnh nộ dẫn đến cuộc chiến tranh giữa Tây Ban Nha và Mỹ năm 1898 là do William Randolph Hearst châm ngòi thông qua một chuỗi các tuần san trên toàn quốc của ông ấy, và đánh dấu sự khởi đầu của “Báo chí lá cải” * như một thế lực trong chính trị Hoa Kỳ.
*Tự điển của Webster định nghĩa “Báo chí lá cải” là việc sử dụng các phương pháp giật gân rẻ tiền hoặc vô đạo đức trên báo chí và các phương tiện truyền thông khác để thu hút hoặc gây ảnh hưởng đến độc giả.
Vào những năm 1920 đến 1930, các tờ báo của Hearst đã cố tình tạo ra một mối đe dọa mới đối với nước Mỹ và một chiến dịch báo chí lá cải mới để đưa cây gai dầu ra ngoài vòng pháp luật. Ví dụ: những câu chuyện về tai nạn ô tô trong đó “điếu cần sa” được tìm thấy sẽ tràn ngập trên các tiêu đề báo chí trong vài tuần, trong khi tai nạn xe ô tô có liên quan đến rượu bia (nhiều hơn rất nhiều so với các vụ tai nạn có liên quan đến cần sa, với tỷ lệ 10.000 : 1) chỉ xuất hiện ở các trang phía sau.
Chủ đề về cần sa dẫn đến tai nạn xe ô tô đã được khắc sâu vào trong tâm trí của người Mỹ và lặp đi lặp lại cho đến cuối những năm 1930 khi xuất hiện các tiêu đề về tai nạn xe ô tô liên quan đến cần sa trong các bộ phim như “Reefer Madness” và “Marijuana – Sát thủ của tuổi trẻ”.
Sự cố chấp trắng trợn
Bắt đầu từ cuộc chiến tranh Tây Ban Nha và Mỹ năm 1898, tờ báo của Hearst đã kỳ thị hóa người Tây Ban Nha, người Mỹ gốc Mexico và Latinh.
Sau vụ chiếm đoạt 800.000 mẫu đất rừng nguyên sinh ở Mexico thuộc sở hữu của Hearst bởi đội quân “hút cần sa” dưới trướng Pancho Villa, *những lời không hay lại càng gia tăng.
*Bài hát ““La Cucaracha” kể về câu chuyện của một trong những người lính của Villa đang tìm kiếm nơi kín đáo để hút cần sa (marijuana por fumar!)
Không ngừng nghỉ trong ba thập kỷ, Hearst đã vẽ nên bức tranh về người Mexico lười biếng, thích hút thuốc – vẫn còn là một trong những định kiến ngấm ngầm sâu trong mỗi chúng ta. Đồng thời, ông ta cũng đã tiến hành một chiến dịch bôi nhọ tương tự đầy chất phân biệt chủng tộc đối với người Trung Quốc, bằng cách gọi họ là “Hiểm họa da vàng”.
Từ năm 1910 đến 1920, các tờ báo của Hearst đã tuyên bố rằng phần lớn các vụ người da đen cưỡng hiếp phụ nữ da trắng, có thể bắt nguồn trực tiếp từ cocaine. Điều này đã tiếp tục trong 10 năm cho đến khi Hearst quyết định nói rằng “không phải những người da đen cuồng cocaine” mà giờ đây là “những người da đen cuồng cần sa” cưỡng hiếp phụ nữ da trắng.
Các tờ báo của Hearst cũng như các tờ báo lá cải khác chạy các tiêu đề một cách tràn lan miêu tả về “người da đen” và người Mexico như những con thú điên dại, dưới sự ảnh hưởng của cần sa, sẽ chơi một loại nhạc “voodoo-satanic” (jazz) và thể hiện sự sự thiếu tôn trọng và “ác độc” đối với độc giả chủ yếu là người da trắng. Những hành vi phạm tội khác bắt nguồn từ “làn sóng phạm tội” do ma túy gây ra bao gồm: dẫm lên bóng của người da trắng, nhìn thẳng vào mắt của người da trắng lâu hơn ba giây, nhìn vào người phụ nữ da trắng hai lần, cười nhạo người da trắng, v.v. Đối với những “hành vi phạm tội” như vậy, có hơn hàng trăm nghìn người Mexico và người da đen đã phải trải qua hàng triệu năm trong các nhà tù, và luật phân biệt tàn bạo vẫn có hiệu lực trên khắp Hoa Kỳ cho đến những năm 1950 và 1960. Hearst thông qua việc sử dụng phổ biến và lặp đi lặp lại, đã đưa một từ lóng khó hiểu “marijuana” vào tiềm thức của người Mỹ nói tiếng Anh. Trong khi đó, từ “hemp” và “cannabis”, những thuật ngữ khoa học, bị loại bỏ và chôn vùi.
Từ gai dầu thực tế trong tiếng Tây Ban Nha là “cáñamo”. Nhưng sử dụng cách nói thường lệ của người Mexico “Sonoran” là marijuana, sau đó được Mỹ hóa thành “marihuana” – Đảm bảo rằng có rất ít người nhận ra được những thuật ngữ trên là dùng cho một loại dược phẩm tự nhiên thiết yếu, “cannabis,” và nguồn tài nguyên công nghiệp quan trọng nhất, “hemp,” đã bị đẩy ra khỏi hệ thống ngôn ngữ.
Thuế cấm cần sa
Trong các cuộc họp bí mật của Bộ Tài chính được tiến hành từ năm 1935 đến năm 1937, các đạo luật thuế cấm đã được soạn thảo và các chiến lược đã được hoạch định. “Cần sa” không bị cấm một cách hoàn toàn; đạo luật đã kêu gọi “thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các đại lý và thuế chuyển nhượng đối với các giao dịch cần sa”.
Những nhà nhập khẩu, nhà sản xuất, nhà buôn bán và nhà phân phối được yêu cầu phải đăng ký với Bộ Tài chính và nộp thuế nghề nghiệp. Thuế chuyển nhượng ở mức 1 đô la/ounce; 100 đô la/ounce nếu đại lý chưa đăng ký. Mức thuế mới đã làm tăng gấp đôi giá của loại cần sa hợp pháp mà tại thời điểm đó nó được bán với giá 1 đô la/ounce. (2) Vào năm 1937, bang New York có đúng 1 sĩ quan quản lý về ma túy. *
*New York hiện tại có một mạng lưới gồm hàng nghìn sĩ quan, đặc vụ, gián điệp và những người đưa tin – gấp 20 lần năng lực hình sự mà nó có vào năm 1937, mặc dù dân số của bang này chỉ tăng gấp đôi kể từ thời điểm đó.
Sau quyết định của Tòa án tối cao ngày 29 tháng 3 năm 1937, ủng hộ việc cấm súng máy thông qua việc đánh thuế, Herman Oliphant đã thực hiện động thái của mình. Vào ngày 14 tháng 4 năm 1937, ông ta đã trực tiếp giới thiệu dự luật với Ủy ban Tài chính và Thuế vụ thay vì với các ủy ban thích hợp khác như cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm, nông nghiệp, dệt may hay thương mại, v.v.
Lý do của ông ấy có thể là vì “Ủy ban Tài chính và Thuế vụ” là cơ quan duy nhất có thể gửi trực tiếp các dự luật của mình đến Hạ nghị viện mà không gặp phải sự tranh luận của các cơ quan khác. Chủ tịch Robert L. Doughton,* một đồng minh chủ chốt của nhà DuPont, đã nhanh chóng đóng dấu vào dự luật của Bộ Tài chính và gửi qua Quốc hội đến Tổng Thống.
*Colby, Jerry, The DuPont Dynasties, Lyle Stewart, 1984.
“Đã có ai tham khảo với Hiệp Hội Y Khoa Hoa Kỳ (AMA) chưa?
Tuy nhiên, ngay cả trong các phiên điều trần được kiểm soát của Ủy ban, nhiều nhân chứng chuyên gia đã lên tiếng phản đối việc thông qua các đạo luật thuế bất thường này.
Chẳng hạn như Bác sĩ William C. Woodward, người vừa là bác sĩ vừa là luật sư của Hiệp Hội Y Khoa Hoa Kỳ, đã đứng ra làm chứng thay mặt cho AMA.
Ông ấy nói rằng, thực chất, toàn bộ lời khai liên bang đều mang chủ nghĩa giật gân, lá cải! Không có lời khai thật sự nào được nghe cả! Đạo luật này, được thông qua trong sự thiếu hiểu biết, có thể khiến thế giới phủ nhận đi một loại thuốc tiềm năng, đặc biệt là khi hiện nay giới y học chỉ mới bắt đầu tìm ra được những thành phần hoạt tính có trong cần sa.
Woodward nói thêm với ủy ban rằng lý do duy nhất mà AMA đã không chống lại đạo luật thuế cần sa sớm hơn là vì cần sa bị báo chí mô tả trong 20 năm như “loài cỏ dại gây chết người từ Mexico”.
Các bác sĩ tại AMA vừa nhận ra “hai ngày trước” phiên điều trần vào mùa xuân năm 1937 này rằng loài thực vật mà Quốc hội dự định cấm được gọi trong giới y khoa là cần sa, một chất lành tính được sử dụng ở Hoa Kỳ với độ an toàn tuyệt đối trong việc điều trị nhiều loại bệnh trong hơn một trăm năm.
“Chúng tôi vẫn chưa thể hiểu được, thưa ngài chủ tọa”, Woodward đã phản đối, “tại sao dự luật này lại được soạn thảo một cách bí mật trong 2 năm mà không có bất kỳ thông tin nào, ngay cả với giới chuyên môn, rằng nó đã được soạn thảo”. Woodward và AMA* nhanh chóng bị Anslinger và toàn bộ hội đồng Quốc hội bác bỏ, và bào chữa một cách cộc lốc. (3)
* AMA và Chính quyền Roosevelt là những người phản đối mạnh mẽ vào năm 1937.
Khi Dự luật thuế cần sa được đưa ra để thông báo, tranh luận và biểu quyết tại Quốc hội, chỉ có một câu hỏi thích đáng được hỏi từ nghị viện: “Có ai tham khảo ý kiến của AMA và lấy ý kiến từ họ không?” Đại biểu Vinson, trả lời rằng: “Có, chúng tôi có chứ. Bác sĩ Wharton [đọc nhầm tên Woodward] và [AMA] hoàn toàn đồng ý!”.
Bằng lời nói dối đáng nhớ này, dự luật đã được thông qua và trở thành luật hiện hành vào tháng 12 năm 1937. Lực lượng cảnh sát liên bang và tiểu bang được thành lập, đã bắt giam hàng trăm nghìn người Mỹ, khiến cho số năm lãng phí trong ngục tù lên đến 16 triệu năm – thậm chí còn góp phần vào cái chết của họ – tất cả đều vì lợi ích của các ngành công nghiệp độc hại, gây ô nhiễm và để củng cố chính sách thù hằn chủng tộc của một số chính trị gia da trắng.
(Mikuriya, Tod, M.D., Marijuana Medical Papers, 1972; Sloman, Larry, Reefer Madness, Grove Press, 1979; Lindesmith, Alfred, The Addict and the Law, Indiana U. Press; Bonnie & Whitebread; The Marijuana Conviction, U. of VA Press; U.S. Cong. Records; et al.)
Đồng loạt lên tiếng
Viện Nghiên Cứu Dầu Hạt Quốc Gia (National Oil Seed Institute) cũng đã thực hiện vận động hành lang để chống lại Đạo luật Thuế bằng tất cả khả năng của mình, đại diện cho những nhà sản xuất chất bôi trơn chất lượng cao cho thiết bị máy móc cũng như những nhà sản xuất sơn. Phát biểu trước Ủy ban Tài chính và Thuế vụ vào năm 1937, tổng cố vấn Ralph Loziers của họ đã đứng ra làm chứng một cách hùng hồn về loại dầu hạt gai dầu này mà trên thực tế bị xem là bất hợp pháp.
“Những nhà chức trách đáng kính nói với chúng tôi rằng ở Phương Đông, có ít nhất 200 triệu người sử dụng loại ma túy này; nếu chúng ta xem xét trong hàng trăm, chính xác hơn là hàng nghìn năm, trên thực tế, những người này đã và đang sử dụng chúng rồi. Điều đáng nói là ở Châu Á và những nơi khác ở Phương Đông, nơi mà nghèo đói luôn rình rập ở khắp mọi nơi và là nơi mà họ đang khai thác tất cả các nguồn tài nguyên từ thực vật mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất đó, quan trọng là không ai trong số 200 triệu người đó, kể từ buổi đầu của thời đại văn minh, từng sử dụng hạt hay dầu hạt của loài cây nàynhư một loại ma túy.”
“ Bây giờ, nếu có bất kỳ đặc tính hay tính chất gây hại nào được phát hiện trong hạt hay dầu, thì sẽ hợp lý khi cho rằng những người Phương Đông này đã đạt đến đỉnh điểm của sự nghèo đói và sẽ tìm thứ gì đó để có thể thỏa mãn sự thèm ăn trong chính họ.”
“Hội đồng hãy cân nhắc, rằng hạt gai dầu hay hạt của giống cần sa sativa L đã được sử dụng ở tất cả các quốc gia ở Phương Đông và cả một phần của Nga như một loại thực phẩm. Chúng được trồng trên các cánh đồng và được sử dụng như yến mạch. Ở Phương Đông, hàng triệu người đang sử dụng hạt gai dầu làm thực phẩm hàng ngày. Họ đã làm điều này qua nhiều thế hệ, đặc biệt là trong thời kỳ đói nghèo… Điều tôi muốn nói ở đây là dự luật này quá bao hàm. Dự luật này như là một biện pháp để bao vây thế giới. Dự luật này đưa ra các hoạt động chèn ép cũng như đàn áp ngành công nghiệp vĩ đại này dưới sự giám sát của một văn phòng kiểm soát. Năm ngoái, chúng ta đã nhập khẩu 28491,5 tấn hạt gai dầu vào Hoa Kỳ. Năm 1935, đã nhập khẩu đến 52616,7 tấn…”
Sự bảo vệ các lợi ích đặc biệt
Như Dr. Woodward của AMA đã khẳng định, lời khai của Chính phủ trước Quốc hội vào năm 1937, trên thực tế, gần như hoàn toàn là các bài báo của Hearst và những bài báo khác mang tính giật gân và phân biệt chủng tộc được đọc lên bởi Harry J. Anslinger,* người đứng đầu Cục Phòng chống Ma túy Liên bang. (Cơ quan này từ đó đã phát triển thành Cơ quan Phòng chống Ma túy Hoa Kỳ [DEA]).
* Harry J. Anslinger là người đứng đầu Cục Phòng chống Ma túy Liên bang từ khi mới được thành lập vào năm 1931 và trong 31 năm kế tiếp, và bị Tổng thống John F. Kennedy buộc phải về hưu vào năm 1962 sau khi Anslinger cố gắng lược bỏ các ấn phẩm và xuất bản của Giáo sư Alfred Lindesmith (“The Addict and the Law”, Washington Post, năm 1961) và đe dọa và quấy rối người quản lý của ông ấy, tại Đại học Indiana. Anslinger đã bị công kích vì những nhận xét mang tính phân biệt chủng tộc vào đầu năm 1934 bởi thượng nghị sĩ Joseph Guffey từ Pennsylvania vì một số điều như việc đề cập đến “ginger-colored niggers” trong các bức thư được gửi đến các trưởng ban.
Chú thích ảnh: Năm 1937, Anslinger đã làm chứng trước Quốc hội và nói rằng: “Cần sa là loại ma túy gây bạo lực nhất trong lịch sử nhân loại.”
Trước năm 1931, Anslinger là Trợ lý của Ủy viên Ban Cấm vận Hoa Kỳ. Nếu bạn còn nhớ, Anslinger được một tay của người chú bên vợ – Andrew Mellon (Bộ trưởng Bộ Tài chính dưới thời Tổng thống Herbert Hoover) đưa lên làm lãnh đạo Cục Phòng chống Ma túy Liên bang mới. Andrew Mellon cũng chính là chủ sở hữu và cổ đông lớn nhất của ngân hàng lớn thứ 6 ở Hoa Kỳ (năm 1937) – Ngân hàng Mellon ở Pittsburgh, một trong hai chủ ngân hàng duy nhất của DuPont* từ năm 1928 đến nay.
*DuPont chỉ vay tiền từ ngân hàng hai lần duy nhất trong toàn bộ lịch sử 190 năm của mình, một lần là để mua quyền kiểm soát General Motors vào những năm 1920. Nghiệp vụ ngân hàng doanh nghiệp của nó được coi là là “trái mận uy tín” trong giới tài chính.
Vào năm 1937, Anslinger đã đứng ra trước Quốc hội và nói rằng “Cần sa là loại ma túy gây bạo lực nhất trong lịch sử nhận loại”.
Điều này, cùng với niềm tin và lời tuyên bố mang tính phân biệt chủng tộc thái quá của Anslinger, đã được đưa ra trước Hội đồng Quốc hội do miền Nam thống trị và giờ đây bạn sẽ cảm thấy xấu hổ nếu đọc lại toàn bộ những điều này.
Cụ thể, Anslinger đã soạn một “Tài liệu nhuốm máu (Gore Files)”, trong đó được chọn lọc gần như hoàn toàn từ các bài báo của Hearst và một số báo lá cải giật gân khác – chẳng hạn, những câu chuyện về những vụ giết người bằng rìu, trong đó một trong các tội phạm được báo cáo là có hút cần sa 4 ngày trước khi phạm tội.
Anslinger đã thúc đẩy Quốc hội bằng một tuyên bố thực tế rằng khoảng 50% trong tất cả các tội phạm bạo lực ở Hoa Kỳ là do người Tây Ban Nha, người Mỹ gốc Mexico, người Mỹ Latinh, người Philippine, người Mỹ gốc Phi và người Hy Lạp, và những tội này đều bắt nguồn trực tiếp từ cần sa.
(Từ những ghi chép của chính Anslinger cung cấp cho Đại học Pennsylvania, nguồn: Li Cata Murders, v.v.)
Không có một câu chuyện nào trong “Tài liệu nhuốm máu” về cần sa của Anslinger vào những năm 1930 được các học giả tin là thật cả. (4)
Những lời nói dối tự huyễn hoặc
Trên thực tế, theo thống kê của FBI cho thấy ít nhất 65-75% tất cả các vụ giết người ở Hoa Kỳ khi đó đều là liên quan đến rượu bia. Một ví dụ về những tuyên bố mang tính phân biệt chủng tộc của mình, Anslinger đã đọc trước Quốc hội Hoa Kỳ (không có sự bác bỏ) về câu chuyện của “những người da màu” có đôi môi to, thu hút phụ nữ da trắng bằng bản nhạc jazz và cần sa. Ông ấy đã tường thuật về hai sinh viên da đen tại Đại học Minnesota đã thực hiện hành vi đồi bại với một cô gái da trắng và khiến “cô ấy mang thai”. Các nghị sĩ quốc hội vào năm 1937 đã há hốc mồm khiloại ma túy này dường như có thể khiến người phụ nữ da trắng bị mê hoặc và thậm chí là chịu nhìn vào “người da đen”.
Hầu như không ai ở Hoa Kỳ ngoài một số ít những nhà công nghiệp giàu có và những viên cảnh sát được thuê của họ biết rằng đối thủ cạnh tranh tiềm năng của họ – cây gai dầu – đã bị đưa ra ngoài vòng pháp luật với cái tên “marijuana”.
Đúng vậy. Cần sa rất có thể chỉ là một cái cớ để cấm cây gai dầu và đàn áp nền kinh tế.
Nước càng thêm vẩn đục do sự nhầm lẫn giữa cần sa với “loco weed” (Jimson Weed). Sự việc đã không được báo chí làm rõ, và đã tiếp tục in ấn những thông tin sai lệch này vào những năm 1960.
Vào những buổi đầu của những năm 1990, các cuộc công kích vô lý và lố bịch nhất nhắm vào cây gai dầu đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông quốc gia – chẳng hạn như một nghiên cứu được các tạp chí về sức khỏe* đưa tin một cách rộng rãi vào năm 1989 tuyên bố rằng người hút cần sa sẽ tăng khoảng 0.227 kg mỗi ngày. Hiện tại vào năm 2007, họ chỉ muốn tránh né vấn đề này.
*Tạp chí American Health, tháng 7-8, năm 1989.
Trong khi đó, những cuộc thảo luận nghiêm túc về sức khỏe, quyền tự do dân sự và các khía cạnh về kinh tế của cây gai dầu thì thường bị bác bỏ như thể chúng chỉ là “cái cớ để hút cần sa”, – cứ như là mọi người cần một cái cớ để có thể nói lên sự thật về một vấn đề nào đó vậy.
Đọc thêm các bài viết về cần sa y tế
Chúng ta phải thừa nhận rằng, chiến thuật nói dối công chúng về bản chất có lợi của gai dầu và khiến họ nhầm lẫn nó với “marijuana” là quá đỗi thành công.
Chú thích:
- Dewey & Merrill, Bulletin 404, US Department of Agriculture 1916; “Billion-Dollar Crop”, Popular Mechanics, 1938; U.S. Agricultural Indexes, 1916 thru 1982; New Scientist, November 13, 1980.
- Uelmen & Haddox, Drug Abuse and the Law, 1974.
- Bonnie, Richard & Whitebread, Charles, The Marijuana Conviction, Univ. of Virginia Press, 1974; Congressional testimony, 1937 (See full testimony in Appendix); et al.
- Sloman, Larry; Reefer Madness, 1979; Bonnie and Whitebread, The Marijuana Conviction, Univ. of Virginia Press, 1974.
Đơn Vị Tài Trợ: