Công ty khởi nghiệp có tên CanBreed của Israel cho biết họ đã sử dụng công nghệ chỉnh sửa gen để thay đổi một gen trong cây cần sa để làm tăng khả năng chống lại bệnh sương mai (phấn trắng) – một loại nấm có thể gây chết cho cây.
Theo thông tin từ CanBreed, đây là lần đầu tiên mà một công ty thương mại đã ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gen trên cây cần sa. Việc chỉnh sửa này được thực hiện bằng công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR-Cas9.
Thông qua cuộc phỏng vấn qua điện thoại, Ido Margalit – CEO của CanBreed cho biết: “Rất khó để sử dụng công nghệ CRISPR trên cây cần sa”. Ông nói rằng, thông qua việc sử dụng công nghệ chỉnh sửa gen này, nhóm nghiên cứu và phát triển của công ty, bao gồm các nhà di truyền học, sinh học phân tử và nông học, đã chỉnh sửa một gen quy định protein chịu trách nhiệm tạo ra độ nhạy với bệnh phấn trắng.
Ông giải thích, bằng cách chỉnh sửa gen này, protein này không được biểu hiện, dẫn đến khả năng kháng bệnh phấn trắng. Hiện tại, công ty phải chứng minh được rằng những cây đã được chỉnh sửa gen này thực sự có khả năng chống lại loài nấm này, và sẽ cùng hợp tác thực hiện cùng với các nhà khoa học tại Đại học Hebrew của Jerusalem, ông cho biết thêm.
Công ty hướng tới mục tiêu tạo ra và sau đó bán các hạt giống cần sa có đặc tính kháng bệnh phấn trắng và hy vọng sử dụng công nghệ này để chỉnh sửa các gen khác nhằm gia tăng các đặc tính khác của cây.
Margalit nói rằng: “Vào cuối năm 2021, chúng tôi hy vọng sẽ có được những hạt giống cần sa kháng bệnh phấn trắng đầu tiên được thương mại hóa” và nói thêm rằng “những thành tựu phi thường” của công ty có thể “thay đổi bộ mặt của việc canh tác cần sa tại Israel và trên toàn thế giới” bằng cách giúp những người canh tác tạo ra những cây cần sa đồng đều và có khả năng kháng bệnh cao hơn, mở đường cho việc “tiêu chuẩn hóa ngành công nghiệp này”.
Ông còn cho biết “Công ty đã được cấp bằng sáng chế cho gen tạo ra khả năng chống lại bệnh phấn trắng và nộp đơn đăng ký cho nhiều bằng sáng chế khác trên các gen quy định những đặc điểm nông học quan trọng trên cây cần sa”.
CanBreed hy vọng rằng những hạt giống cần sa của họ sẽ cho phép người trồng tạo ra được các cây cần sa đồng nhất một cách hiệu quả và có độ lặp lại cao. Vì cần sa là một loài thực vật có chứa đặc tính y học, nên cần phải có sự chuẩn hóa và tính đồng nhất, và điều đó có thể đạt được bằng cách trồng cần sa từ những hạt giống ổn định.
Margalit giải thích rằng bệnh phấn trắng là tình trạng một loại nấm tấn công đến nhiều loại thực vật khác nhau, và nếu không được chữa một cách kịp thời, nó có thể gây chết cây trồng, từ đó làm giảm năng suất. Cây bị nhiễm bệnh sẽ xuất hiện những đốm trắng trên thân và lá. Vì cần sa được sử dụng cho mục đích y tế, nên người canh tác không được phép sử dụng thuốc diệt nấm.
Đọc thêm các bài viết về cây gai dầu
Vào tháng 8, công ty cho biết họ đã đạt được thỏa thuận cấp phép sử dụng công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR-Cas9 từ Corteva Agriscience và Viên nghiên cứu MIT và Harvard – chính là những đơn vị nắm giữ bản quyền của công nghệ này.
CanBreed có trụ sở tại Givat Chen, Israel – được thành lập vào năm 2017 bởi Margalit và Tal Sherman.
Margalit là một nhà nông học có bằng Thạc sĩ Công nghệ Quản lý tại trường Đại học New York. Ông đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành khoa học đời sống tại Israel và là cựu giám đốc phát triển kinh doanh của Syngenta Seeds.
Người đồng sáng lập của ông là Sherman, một nhà thực vật học có bằng Tiến sĩ về Khoa học Thực vật tại Đại học Tel Aviv ở Israel. Sherman là một chuyên gia trong lĩnh vực sinh học phân tử và sinh lý thực vật, đồng thời có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu, phát triển và quản lý giống cây trồng với tư cách là Giám đốc dự án tại Syngenta Seeds.
Dịch giả: Thiên Minh
Nguồn: The times of Israel – Israeli startup says it has edited cannabis plant gene to resist fungus
Đơn Vị Tài Trợ: