Cụ bà Ruth Brunn cuối cùng đã nói “Có” với cần sa. Năm nay cụ đã 98 tuổi.
Cụ bỏ một viên thuốc nhộng màu xanh chứa dầu cần sa vào miệng rồi uống kèm một ngụm nước vitamin. Kế đó cụ Brunn, người mắc một căn bệnh về thần kinh, ngồi trở lại trên chiếc xe lăn và chờ cho cơn đau nhói ở vai, cánh tay và bàn tay của mình dần lắng xuống.
“Tôi không có cảm giác ‘phê’ hay say thuốc”, cụ nói. “Tôi chỉ biết là mình cảm thấy khỏe hơn khi sử dụng loại thuốc này.”
Cụ Brunn sẽ sớm có người bầu bạn. Viện dưỡng lão Hebrew tại Riverdale, New York đang có một tiến hành một biện pháp không theo thông lệ, đó là giúp những người cao tuổi sinh sống trong viện (trong đó có cụ Brunn) sử dụng cần sa y tế theo một chương trình mới nhằm điều trị các bệnh khác nhau thay vì dùng các loại thuốc kê đơn. Các nhân viên sẽ không trữ sẵn hoặc quản lý phân phối cần sa, các cụ cao tuổi được phép mua cần sa từ một trạm phân phối, cất trong tủ khóa tại phòng riêng và tự sử dụng.
Từ các cộng đồng hưu trí đến viện dưỡng lão, ngày càng có nhiều người cao tuổi tại Mỹ chuyển sang dùng cần sa để giảm bớt các chứng đau nhức. Nhiều người đã trân trọng cần sa như một liệu pháp thay thế các loại thuốc quá mạnh như morphine, và cho biết cần sa ít gây nghiện lại ít tác dụng phụ hơn.
Đối với một số người, thì đây là phương sách cuối cùng khi không còn cách trợ giúp hữu ích nào khác.
Cần sa bị cấm theo luật liên bang, nhưng đã được phê duyệt để sử dụng cho mục đích y tế tại 29 tiểu bang, bao gồm cả New York và Đặc khu Columbia. Ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy hiệu quả của cần sa trong điều trị một số bệnh nhất định. Trong đó có: đau thần kinh, co thắt cơ nặng liên quan đến đa xơ cứng, giảm cân không chủ ý, nôn mửa và buồn nôn do hóa trị. Cũng có nhiều báo cáo cho thấy cần sa đã giúp ích cho những người mắc bệnh Alzheimer và các chứng mất trí khác, và cả bệnh Parkinson.
Trên toàn nước Mỹ, số người sử dụng cần sa trong những năm cuối đời vẫn còn khá hạn chế; nhưng cũng đã và đang diễn ra một sự gia tăng đáng kể, đặc biệt là những người từ 65 tuổi trở lên, theo các nghiên cứu gần đây.
Brian Kaskie là giáo sư về chính sách y tế của Đại học Iowa, đồng tác giả của nghiên cứu “Gia tăng sử dụng cần sa ở người cao tuổi: Khủng Hoảng Y Tế Công Cộng hay Thay Đổi Chính Sách Khả Thi?” đã công bố vào tháng 1. Ông cho hay, “Đó là một vấn đề to lớn hơn chúng ta tưởng. Một lĩnh vực rộng lớn và mới mẻ mà chúng ta chỉ mới bắt đầu tiếp cận.”
Một câu lạc bộ giáo dục và hỗ trợ cần sa y tế đã được khởi động bởi cộng đồng những người hưu trí Rossmoor Walnut Creek, phía đông San Francisco. Số lượng thành viên đã lên đến 530 người – nhiều đến nổi họ đã phải thay đổi phòng họp tới 3 lần.
Bà Anita Mataraso, 72 tuổi, là giám đốc chương trình, bà sử dụng cần sa hàng ngày để điều trị viêm khớp và đau thần kinh nặng, cùng nhiều chứng tật khác. Bà chia sẻ, “Nếu không nhờ sử dụng cần sa, chắc hẳn tình trạng của tôi sẽ tồi tệ hơn nhiều, cả về thể chất lẫn tinh thần.”
Robin Dale, giám đốc điều hành của Hiệp hội Chăm sóc Sức khoẻ Tiểu bang Washington. Ông cho biết rằng tại tiểu bang Washington, ít nhất cũng có hàng chục cơ sở sinh hoạt thuộc diện được hỗ trợ đã đặt ra các chính sách chính thức về cần sa y tế nhằm đáp ứng nhu cầu của cư dân. Hiệp hội đã công bố một dự thảo chính sách về cần sa về y tế trên trang web của mình.
Trong tháng 3, một nhóm các nhà cung cấp dịch vụ y tế có uy tín, AMDA – Hiệp hội Y học Chăm sóc Hậu Cấp tính và Dài hạn, sẽ giải quyết vấn đề tại hội nghị thường niên của họ. Bà Cari Levy, phó chủ tịch hiệp hội, sẽ trình bày những kiến thức đại cương về cần sa, về những lợi ích, rủi ro và nguy cơ tiềm ẩn đối với các nhà cung cấp.
“Mọi người đang sử dụng nó, và chúng ta cần phải biết cách đáp ứng như thế nào,” bà cho hay.
Nhưng khi người cao tuổi đang dần hình thành một nhóm xã hội mới trong việc sử dụng cần sa vì các mục đích y tế , nhiều câu hỏi đang được đặt ra liên quan đến tính an toàn và khả năng tiếp cận. Ngay cả ở những tiểu bang đã hợp pháp hóa cần sa thì những người cao tuổi thuộc diện ưu đãi lại thường không thể có được loại thảo dược này. Hầu hết các viện dưỡng lão không công khai chấp nhận việc sử dụng cần sa, và nhiều bác sĩ còn ngần ngại tán thành việc sử dụng cần sa, nói rằng không biết rõ về những rủi ro ở các nhóm tuổi già nhất.
Ông Paul Armentano, Phó giám đốc NORML – một nhóm chủ trương hợp pháp hoá cần sa, cho biết: “Đây là một nhóm nhân khẩu học mục tiêu mà việc tiếp cận cần sa của họ có thể bị hạn chế, nếu không muốn nói là bị cắt đứt hoàn toàn, chỉ đơn giản bởi vì họ sống trong các cơ sở điều dưỡng. Vấn đề này có thể gây phương hại đến chất lượng cuộc sống của họ.”
Mặc dù không thiếu những nghiên cứu về cần sa, nhưng tương đối ít trong số đó tập trung một cách rõ ràng vào người dùng cao tuổi, mặc dù số người dùng này đang tăng lên – và đây là vấn đề không chỉ tại riêng nước Mỹ. Chẳng hạn như ở Israel, người già đã được điều trị bằng cần sa y tế trong nhiều năm qua. Và nhóm vận động Americans for Safe Access đã mở một trung tâm nghiên cứu tại Cộng hòa Séc, đánh giá những tác động của cần sa đối với người già.
Theo Tiến sĩ Igor Grant, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Cần sa Y tế tại Đại học California, San Diego, “đó là một lĩnh vực rất quan trọng cần xem xét.” Ông cũng nói thêm rằng người cao tuổi là một trong những đối tượng nghiên cứu được ưu tiên của trung tâm.
“Những người cao tuổi có thể mẫn cảm hơn với thuốc”, ông nói. “Có thể một liều dùng an toàn cho một người 40 tuổi lại không phù hợp cho một người ở tuổi 80”.
Tiến sĩ Thomas Strouse, bác sỹ tâm thần học và bác sĩ chăm sóc giảm nhẹ tại Đại học California, Los Angeles, nói rằng cũng giống như thuốc ngủ và thuốc giảm đau có thể gây hại cho người lớn tuổi, cần sa có thể khiến họ bị lẫn trí, chóng mặt hoặc dễ bị ngã hơn.
Ông nói: “Không có bằng chứng cho thấy rằng cần sa đặc biệt hữu ích cho người cao tuổi, và có một số lý do để nhận định nó có thể có hại.”
Hầu hết các viện dưỡng lão cũng giữ thái độ thận trọng, thường vận dụng đến cách tiếp cận “không hỏi, không nói”.
Tiến sĩ Cheryl Phillips, Phó chủ tịch cấp cao về chính sách công và dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho LeadingAge – một nhóm ngành đại diện cho hơn 2000 viện dưỡng lão, cho biết: “Nếu người cao tuổi trong viện sử dụng cần sa, có nghĩa là họ đang sử dụng lén lút mà nhân viên không biết – vì vậy, việc đó không nằm trong kế hoạch chăm sóc của họ. Tôi cho rằng điều đó sẽ gây ra một vấn đề về tính an toàn.”
Fred Miles, một luật sư Colorado, đại diện cho các nhà điều hành viện dưỡng lão, nói rằng không giống như các cơ sở sinh hoạt thuộc diện được hỗ trợ, các viện dưỡng lão do chính phủ liên bang kiểm soát, và lo sợ gây nguy hiểm cho ngân quỹ Medicare và Medicaid của họ. Về lý thuyết, những nhân viên quản lý phân phối cần sa cũng có thể bị truy tố hình sự theo luật pháp liên bang, mặc dù vị luật sư chưa bao giờ nghe thấy điều đó xảy ra.
Các Trung tâm về dịch vụ Medicare và Medicaid liên bang cho biết rằng không có viện dưỡng lão nào đã bị mất tài trợ hoặc bị phạt vì cho phép sử dụng cần sa. Tại tiểu bang New York, nơi bắt đầu một chương trình cần sa y tế vào năm 2016, việc sử dụng được giới hạn trong số những người mắc các bệnh lý được chỉ định điều trị với cần sa, bao gồm các bệnh thần kinh, động kinh, đa xơ cứng, Parkinson, HIV, AIDS và ung thư.
Tại viện dưỡng lão Hebrew ở Bronx, chương trình cần sa y tế đã trải qua nhiều năm kiến tạo. Ông Daniel Reingold, chủ tịch và giám đốc điều hành của RiverSpring Health – tổ chức chủ quản của viện dưỡng lão, cho biết ông đã nhìn thấy sức mạnh của cần sa y tế ngay khi cha ông, Jacob, đang sắp chết vì ung thư vào năm 1999. Để xoa dịu cơn đau của ông cụ, Reingold đã đun sôi cần sa thành một dạng trà màu nâu. Ông cụ rất thích nó, cụ đã cười và ăn trở lại.
Reingold nói: “Cách giảm đau hiệu quả duy nhất cho cha tôi trong hai tuần cuối chính là loại trà cần sa ấy.”
Reingold chia sẻ, khi ông thỉnh cầu sự chấp thuận từ ban quản trị viện dưỡng lão, đã hoàn toàn không có sự phản đối hay lo ngại nào. Thay vào đó, mọi người nói đùa rằng họ sẽ phải tăng ngân sách thực phẩm.
Tiếp đến, Tiến sĩ Zachary Palace, giám đốc y tế, đã phát triển một chương trình tìm kiếm để cung cấp cần sa như một lựa chọn điều trị, nhưng cũng phải tuân thủ các quy định của liên bang: Mặc dù viện an dưỡng khuyến cáo và giám sát việc sử dụng cần sa nhưng người cao tuổi trong viện có trách tự nhiệm mua, cất giữ và quản lý nó.
Mùa thu năm ngoái, có 3 người cao tuổi đầu tiên bắt đầu uống thuốc nhộng chứa cần sa. Gia đình họ có được thuốc tại một trạm phân phối cần sa ở Yonkers – là cơ sở được điều hành bởi Etain, một công ty được tiểu bang cấp phép bán cần sa y tế cho những bệnh nhân đủ điều kiện hoặc những người chăm sóc được chỉ định của họ – là những người sinh sống tại New York. Palace cho biết, khi chương trình được mở rộng trong tháng này, sẽ có tới 50 cư dân có thể được sử dụng cần sa.
Cụ Marcia Dunetz, 80 tuổi, một giáo viên nghệ thuật về hưu mắc bệnh Parkinson, cho biết rằng bản thân mình lúc đầu đã lo lắng về những gì mọi người sẽ nghĩ. “Cần sa bị mang tiếng xấu sẵn,” cụ nói. “Mọi người sẽ không tin rằng sử dụng cần sa mà ta không ‘phê’ đâu.”
Nhưng dù sao đi nữa thì cụ cũng đã quyết định dùng thử. Giờ đây, cụ không còn giật mình tỉnh giấc vì nhức đầu và cảm thấy ít chóng mặt và buồn nôn hơn. Đôi chân của cụ cũng không còn tê cứng như trước nữa.
Đối với cụ Brunn, những viên nhộng cần sa đã có hiệu quả tốt đến nổi cụ đã giảm hẳn sử dụng loại thuốc giảm đau, trước kia: morphine.
Con gái của cụ, bà Faith Holman, 61 tuổi, cho biết chi phí cho thuốc cần sa là 240 usd một tháng, và không được bảo hiểm y tế thanh toán. Bà Holman, người sống ở New Jersey, cũng đã khuyên một quen của gia đình tìm đến trạm phân phối cần sa Yonkers.
“Những trở ngại rồi chúng ta sẽ vượt qua hết,” bà Holman nói. “Nhưng tôi nghĩ số phận đã an bài để mẹ tôi được sử dụng cần sa, bởi vì mọi sự đều đã trở nên tốt đẹp.”
Nguồn: kentucky
Dịch giả: Tiềm Long
Xem thêm: Câu chuyện cần sa y tế điều trị bệnh ung thư
Xem thêm: Góc nhìn mới về cannabis tại Việt Nam – HempToday Podcast
Đơn Vị Tài Trợ: