THC LÀ GÌ?

(Ghi chú: bài này sử dụng từ “thức thần” để miêu tả hiệu ứng high THC)

Khi nhà hoá học Rafael Mechoulam tiến hành nghiên cứu về cần sa lần đầu tiên vào những năm đầu 60s, ông ta phải đối mặt với 1 vấn đề lớn: Phải tìm cần sa hợp pháp ở đâu để phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học?

Mặc dù hầu như không một nhà cung cấp nào thích hợp trong “khí hậu” pháp lý và chính trị hiện nay, 5 kg hashish Mechoulam có được từ cảnh sát Israel đã giúp mở đường cho một số trong những phát hiện mang tính đột phá nhất trong cần sa và nghiên cứu sinh hóa cho đến nay.

(Lúc mới bắt đầu nghiên cứu cần sa, Mechoulam mua cần sa từ cảnh sát Israel. Sau đó, ông đã tiến hành đúng theo quy cách và yêu cầu được sử dụng cần sa hợp pháp dưới sự quản lí nghiêm ngặt của chính phủ Israel).

Mechoulam là người đầu tiên cô lập được delta9-tetrahydrocannabinol (THC), tinh dầu chính yếu gây ra hiệu ứng high trong cây cần sa.

Delta9-Tetrahydrocannabinol là gì?

THC là 1 trong những hợp chất hoá học được gọi là phyto-cannabinoids được tìm thấy bên trong các tuyến nhựa chủ yếu trong nụ hoặc hoa của cây cần sa giống cái.

Trong hóa học hữu cơ, phyto-cannabinoids hoạt động như các chất chuyển hóa thứ cấp hoặc các chất bổ sung, được cây cần sa sản xuất và không chịu một tác động trực tiếp nào đến sự phát triển của cây hoặc sinh sản.

Cây cần sa sản xuất ra các chất chuyển hóa thứ cấp ở hệ thống miễn dịch nội bộ, chống đỡ được ký sinh trùng, vi rút, vi khuẩn và động vật ăn thịt tự nhiên khác. Trong khi THC tự nó không có đặc tính chống vi khuẩn ở người, thì những hợp chất phyto-cannabinoids khác như cannabigerol (CBG) được biết là có thể giết hoặc làm chậm sự tăng trưởng của vi khuẩn trong người và các loại thực vật tương tự.

Cái nhìn khoa học về THC.

Cấu trúc phân tử THC. Nguồn: “Tetrahydrocannabinol” by Yikrazuul

Cấu trúc phân tử THC

Trong hơn 85 cannabinoid riêng biệt được tìm thấy ở cần sa, chỉ có duy nhất một chất cho ra hiệu ứng high: THC (cụ thể là hình dạng hoá học của nó).

THC tình cờ có được cấu trúc phân tử chuẩn phù hợp với các mối liên kết đặc biệt trong các tế bào được gọi là chất dẫn truyền thần kinh trong những phần riêng biệt của não bộ. Những vùng cụ thể này là bộ phận của một hệ thống lớn hơn – Hệ thống endocannabinoid.

 

Hệ thống endocannabinoid: THC và bộ não

Mặc dù THC được cô lập vào năm 1964, nhưng chỉ đến năm 1988, Dr. Allyn Howlett của Đại học Wake Forest mới phát hiện ra mối liên kết giữa THC và bộ não con người.

Những phát hiện của Howlett chỉ là 1 bước tiến nhỏ của cuộc cách mạng: THC tự kết dính nó với các liên kết tế bào đặc biệt ở hippocampus (nằm trong thuỳ trung gian của não, chịu trách nhiệm cho trí nhớ của chúng ta), vỏ não vùng trán (nơi chúng ta suy nghĩ), và tiểu não (điều khiển hành động).

Những liên kết tế bào này được gọi là “thụ thể cannabinoid”, và mỗi một thụ thể này là phần của hệ thống lớn hơn có tên là endocannabinoid.

Như âm và dương, sự liên kết giữa THC và 1 thụ thể cannabinoid thúc đẩy một phản ứng hoá học gây ra những thay đổi trong não bộ, tác động trực tiếp lên hành động và khả năng nhận thức của một người.

 

Anandamide: THC trong cơ thể con người?

 

Nếu một số trong các bạn thắc mắc: THC cho thấy nó rất “hợp cạ” với những thụ thể được đề cập ở trên, chẳng lẽ con người sinh ra là để tiêu thụ cần sa?

Tất nhiên là không phải như vậy.

Khi những nhà khoa học phát hiện ra phương thức THC được sử dụng bởi cơ thể người qua hệ thống endocannabinoid, họ đã phải mất thêm 5 năm nữa để cô lập được hợp chất tương tự THC, được tạo ra một cách tự nhiên từ chính cơ thể con người. Hợp chất đó có thể miêu tả như là THC phiên bản ở người thay vì ở cây cần sa, nó có tên là anandamide.

Những nhà khoa học ngày nay vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm ra chính xác vai trò phức tạp đối với cơ thể con người của anandamide là gì, nhưng họ tìm ra chức năng quan trọng khiến cho hợp chất này tách biệt hơn hẳn.

Thiên nhiên có những ngày trắng xoá của riêng nó, để thay vào sau đó là những màu sắc mới. Chúng ta cũng có những phút giây như vậy, Anandamide chính là hợp chất giúp chúng ta quên. Trong một phim tài liệu của PBS (The Public Broadcasting Service là mạng lưới phát sóng truyền hình của Mỹ) dựa trên cuốn sách The Botany of Desire (Góc nhìn thực vật), tác giả Michael Pollan giải thích:

“Với tôi nó không có vẻ gì là thích nghi khi tồn tại một loại thuốc cho sự lãng quên. Kí ức như chúng ta biết, có một vai trò rất quan trọng cho sự sống còn.”

Vậy thì tại sao sự lãng quên lại được cho là mang tính thích nghi?

“Nào, trả lời tôi, bạn có thật sự muốn ghi nhớ tất cả những khuôn mặt mà bản thân đã thấy trên tàu điện ngầm mỗi buổi sáng?” 

Anandamide giúp loại bỏ mọi trở ngại, cho phép con người ghi nhớ chỉ những điều quan trọng. Am hiểu về một vài chức năng chủ yếu của anandamide thật sự có ích đối với việc tìm ra cái cách THC tác động lên cơ thể con người, và đem lại một vài hy vọng đới với việc dùng THC trong điều trị một số bệnh rối loạn tâm thần như PTSD (Post-Traumatic Stress Disorder) – rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lí – căn bệnh này khiến bệnh nhân phải vật vã để vượt qua những kí ức tiêu cực xung quanh sự kiện gây ra chấn thương.

 

Decarboxylation: Đốt lên!

Chúng ta đã biết THC là hợp chất thức thần duy nhất ở cần sa, và chúng ta cũng biết là nó thay thế anandamide qua việc kết nối những thụ thể tế bào trong bộ não.

Nhưng bạn không thể ăn sống cần sa và mong chờ mình sẽ được trải nghiệm trạng thái high. Khi ở trạng thái nguyên thủy dưới dạng thực vật, THC không thật sự tồn tại ở hình dạng sẽ kích hoạt được hiệu ứng thức thần ở con người.

Bên trong tuyến nhựa cần sa, hoặc những sợi lông (hạt nhựa hay còn gọi là trichome), THC được tìm thấy dưới dạng axit tetrahydrocannabinolic (THCa). Ở dạng axit của nó, THCa không thể liên kết với các thụ thể tế bào trong cơ thể của chúng ta chỉ đơn giản là vì nó đang ở trong hình dạng không đúng. THCa có một nguyên tử carbon phụ đính kèm, và để thật phù hợp với những thụ thể tế bào trong bộ não, nó cần được loại bỏ nhóm axit.

Nghe có vẻ phức tạp, nhưng thực sự tất cả những gì chúng ta cần là một chút nhiệt. Khi con người ta hút điếu, dùng tẩu, nấu cần sa trên bếp, hoặc sử dụng một cái gì đó giống như chiếc máy làm bơ kì diệu… họ đang đóng vai một nhà hoá học nghiệp dư đang chuyển hoá THCa (dạng thô) sang THC (thức thần, gây cảm giác high).

 

Những hiệu ứng ngắn hạn từ THC

Khi hút cần sa, chúng ta có thể trải qua những tác dụng phụ như sau cho đến tận 3 tiếng sau khi hít vào:

  • Buồn ngủ
  • Chóng mặt
  • Đỏ mắt
  • Khô miệng
  • Cảm thấy khoan khoái
  • Gây buồn cười
  • Kích thích khẩu vị
  • Tim đập nhanh
  • Quên khái niệm thời gian – nói rõ hơn là cảm thấy thời gian trôi chậm

Nếu tiêu thụ cần sa qua thức ăn, thời gian để có thể hoàn toàn cảm nhận được những hiệu ứng của THC là từ khoảng 30 phút cho đến 2 tiếng. Khi hiệu ứng thức thần bắt đầu tác dụng, nó sẽ mạnh mẽ hơn rất nhiều so với tiêu thụ cần sa dưới một hình thức khác.

Những hiệu ứng tức thời từ THC sẽ thay đổi tuỳ theo từng giống cần sa, dựa trên những yếu tố như số phần trăm THC, và số phần trăm của cannabinoids khác trội hơn hiện diện ở một số giống riêng biệt.

Cơ địa của mỗi người (khả năng sản xuất và xử lý anandamide) cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cái cách xử lý và trải nghiệm THC. Đối với nhiều người, THC sẽ giúp giảm lo âu và tạo ra cảm giác an tâm tinh thần. Đối với nhiều người khác, THC có thể gây ra hiệu ứng trái ngược.

 

Ảnh hưởng của THC về lâu dài

Các nhà khoa học vẫn đang tranh cãi về những hiệu ứng lâu dài của THC, và cho đến nay, rất hiếm nghiên cứu có thể thật sự đưa ra kết luận. Hiện tại, những nhà nghiên cứu có thể khẳng định rằng mất trí nhớ ngắn hạn chỉ là tác dụng phụ từ mức độ tiêu thụ THC thường ngày. Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu để xác định chính xác lượng THC sẽ ảnh hưởng đến trí nhớ và ảnh hưởng như thế nào?

Một vài nghiên cứu cho thấy sự tiêu thụ THC có liên quan đến việc gia tăng các cơn loạn tâm thần ở bệnh nhân bị bệnh tâm thần phân liệt, kết quả này gây ra rất nhiều tranh cãi khi các nghiên cứu đa dạng hơn vẫn đang được tiếp tục công bố.

 

Làm thế nào để loại THC ra khỏi cơ thể

Thông thường, xét nghiệm THC phổ biến là xét nghiệm nước tiểu, loại này dựa trên việc tìm kiếm chất chuyển hoá THC (THC metabolite/THC-COOH) trong cơ thể. Thời gian chất này lưu lại trong cơ thể hoàn toàn phụ thuộc vào cường độ tiêu thụ THC và cơ địa của mỗi người; tiêu thụ THC càng nhiều thì càng mất nhiều thời gian hơn để bài tiết.

Tham khảo bảng thời gian bên dưới (chỉ mang tính chất tương đối):

Thời gian phát hiện THC (dựa trên mức độ sử dụng cần sa)
Lần đầu sử dụng 5-8 ngày
2-4 lần/tuần 11-18 ngày
2-4 lần/tháng 23-35 ngày
5-6 lần/tuần 33-48 ngày
Sử dụng mỗi ngày 49-63 ngày (hoặc hơn)

Cách tốt nhất để giúp đào thải THC-COOH ra khỏi cơ thể trước khi làm xét nghiệm nước tiểu chỉ đơn giản là uống nước. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ giúp làm loãng nước tiểu, khiến cho tổng lượng THC-COOH giảm đi (ng/ml), uống quá nhiều nước có thể làm hỏng mẫu nước tiểu.

Đối với những người sử dụng cần sa thường xuyên thì gần như là không thể để hoàn toàn loại bỏ THC ra khỏi cơ thể chỉ trong chớp mắt do lượng THC dư thừa luôn được lưu trữ ở những tế bào mỡ trong cơ thể.

 

THC vs. CBD

CBD Molecule. Photo credit: “Cannabidiol” by Harbin – Own work. Licensed under Public Domain via Wikimedia Commons:

Cannabidiol

Như đã nói, THC là hợp chất thức thần duy nhất ở cây cần sa. Thế thì những sự chú ý hướng về cannabidiol (CBD) là vì sao?

CBD là cannabinoid phổ biến thứ 2 ở cần sa, nhưng không giống THC, nó không liên kết với thụ thể cannabinoid nào cụ thể trong cơ thể và không mang tính chất thức thần.

CBD hoạt động bằng cách kìm hãm enzyme xúc tác phản ứng thuỷ phân axit amin béo (Fatty Acid Amide Hydrolase/FAAH) – enzyme này phá hủy anandamide trong cơ thể. Điều này làm tăng lượng anandamide hiện diện trong cơ thể vì enzyme FAAH không còn khả năng tàn phá anandamide.

CBD được các nhà sinh hoá học hay gọi là tác nhân đối nghịch với THC. Đơn giản mà nói, CBD làm một số hiệu ứng của THC không xảy ra.

CBD có thể có một lực kết nối rất thấp với thụ thể CB1 tại thần kinh trung ương, nhưng hợp chất này vẫn có thể tác động lên các thụ thể. Và như thế, CBD chi phối và chặn các kết nối khác đến thụ thể CB1 của bộ não khiến cho THC không thể tác động được.

  • Trong khi THC kích thích sự thèm ăn, CBD lại có tác dụng trái ngược làm cho nó khá giống với loại thuốc giảm cân đầy tranh cãi Rimonabant.

  • Do CBD không phải là thành phần mang tính chất thức thần nên không thể cho cảm giác phê như THC được. Nghiên cứu cho thấy CBD có tác dụng giảm đau, chống viêm và chống lo âu .

  • CBD mang thuộc tính chống rối loạn tâm thần. Nó có thể bảo vệ người sử dụng khỏi việc trở nên quá phê bằng cách giảm các hiệu ứng thức thần của THC. CBD cũng đang được thử nghiệm trong việc điều trị bệnh tâm thần phân liệt.

  • THC có thể gây ra sự bồn chồn lo lắng và hoang tưởng. Ngược lại, CBD hoạt động chống lại những hiệu ứng gây ra bởi THC, đồng thời phát huy tác dụng của bản thân nó làm giảm bớt sự lo âu.

  • THC chịu trách nhiệm cho việc đa số cần sa đều có hiệu ứng gây buồn ngủ. CBD lại không, nó giúp tăng sự tỉnh táo hơn. Hiệu ứng ngược này có thể giải thích việc vì sao một số giống cần sa gây ra sự uể oải trong khi một số khác lại làm tăng sinh lực.

 

Giá trị y học của THC.
Trong khi cần sa tiếp tục được chấp nhận ở nhiều nền văn hoá chính thống thì càng ngày càng có nhiều nghiên cứu được tiến hành và đưa giá trị y học của THC ra ánh sáng. Đáng chú ý nhất chính là phát hiện ra tiềm năng của THC trong điều trị ung thư. Những nhà nghiên cứu từ đại học Compultense ở Madrid đã khám phá được THC thật sự có thể khiến cho các tế bào khối u tự tiêu biến ở mô hình động vật, nghĩa là THC đóng một vai trò then chốt trong việc tác động mạnh mẽ làm giảm kích cỡ khối u và di căn. THC cũng được các công ty dược sử dụng để sản xuất thuốc chẳng hạn như Marinol, là một loại thuốc được kê đơn để kích thích sự thèm ăn và giảm buồn nôn ở những bệnh nhân mắc ung thư. Mỗi năm, luôn có thêm những nghiên cứu chỉ ra tính hiệu quả của THC trong y học. Đến thời điểm này, THC được xem như là một cánh tay trợ giúp đắc lực trong điều trị những căn bệnh sau:

  • Alzheimer (một chứng mất trí nhớ thường gặp ở những người lớn tuổi)
  • Xơ vữa động mạch (Atherosclerosis)
  • Tai biến mạch máu não hay đột quỵ (Stroke)
  • Cườm nước (gây tổn hại đến thần kinh thị giác – Glaucoma) – Bệnh Glôcôm
  • Đau thần kinh (Neuropathic pain)
  • Đa xơ cứng (một chứng rối loạn não bộ và tủy sống) – Multiple sclerosis
  • Parkinson (thoái hoá hệ thần kinh trung ương) – Parkinson’s Disease
  • Rối loạn hô hấp khi ngủ (ngưng thở) – Sleep apnea
  • Hội chứng tăng động giảm chú ý/ADHD (rối loạn chức năng hoạt động – hiếu động thái quá và giảm khả năng tập trung chú ý)
  • Hội chứng Tourette (rối loạn thuộc hệ thần kinh trung ương, thường bắt đầu vào khoảng 2 đến 21 tuổi và kéo dài suốt đời)
  • Rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lí/PTSD
  • Ung thư (dưới các dạng khác nhau)

Những công thức sử dụng THC

Bấy nhiêu đây thông tin về THC chắc hẳn đã đem lại cho bạn một cái nhìn lành mạnh hơn về cần sa rồi nhỉ. Dưới đây là một số công thức bao gồm chiết xuất THC mà bạn có thể tham khảo:

  • Dầu cần sa
  • THC dưới dạng thuốc nén
  • Dầu (dừa) cần sa
  • Cồn thuốc mật ong cần sa

Khi nói đến THC, nghiên cứu được tóm tắt ở bài viết này chỉ là phần nhỏ trên đỉnh một tảng băng trôi. Qua những nghiên cứu THC đến nay cho thấy, các nhà khoa học như Rafael Mechoulam và Allyn Howlett là người đã mở mang tầm mắt của chúng ta về một hệ thống sinh hoá phức tạp mà con người chỉ mới bắt đầu hiểu ra. Dù cho THC thể hiện được tiềm năng to lớn như một loại thuốc và là công cụ giúp con người hiểu được các cách thức phức tạp của những chất bên trong cơ thể ảnh hưởng đến tâm lý, việc hợp pháp hoá và những rào cản chính trị vẫn đang ngăn cản chúng ta lao vào nghiên cứu hoàn toàn những gì cây cần sa có thể dạy cho chúng ta về chính bản thân. Hãy giúp chúng tôi nâng cao giá trị những cuộc hội thoại xung quanh cây cần sa và THC bằng cách chia sẻ bài viết này và truyền tải những bước tiến nghiên cứu cần sa đến những người khác. Chúng tôi khuyến khích bạn tham gia thảo luận, chia sẻ những suy nghĩ và ý tưởng của chính bạn – Chúng tôi rất sẵn lòng được nghe ý kiến từ các bạn.

 

Nguồn: The Stoner’s Cookbook

Dịch giả: Phương Châu

    ĐĂNG KÝ NHẬN TIN TỨC



    *Tôi đồng ý nhận cập nhật tin tức mới nhất trong tương lai.

    Bài viết được xem nhiều nhất

    Bài viết liên quan

    10 dieu du khach can biet ve can sa o Thai Lan
    # Cần Sa Y Tế

    10 điều du khách cần biết về cần sa ở Thái Lan

    10 điều du khách cần biết về cần sa ở Thái Lan. Việc trồng cần sa là hợp pháp nhưng phải đăng ký vào ứng dụng “PLOOK GANJA” của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm hoặc thông qua trang web của chính phủ.

    Đọc thêm
    Luat ve luu tru cung cap san xuat va mua ban gai dau va Can sa voi muc dich y te va giai tri theo tung tieu bang o Uc
    # Bài dịch

    Luật về lưu trữ, cung cấp, sản xuất và mua bán gai dầu và cần sa với mục đích y tế và giải trí theo từng tiểu bang ở Úc (cập nhật năm 2023)

    Luật về trồng trọt và sử dụng gai dầu, cần sa trong y tế và giải trí được quy định khác nhau tuỳ khu vực tiểu bang của nước Úc. Sau đây là những thông tin chi tiết về luật đối với cần sa và gai dầu dùng trong y tế và giải trí ở […]

    Đọc thêm
    Phong van bac si Ondrej Slama chuyen khoa ung buou va cham soc giam nhe ve tiem nang su dung can sa y te trong dieu tri ung thu
    # Bài dịch

    Phỏng vấn bác sĩ Ondřej Sláma chuyên khoa ung bướu và chăm sóc giảm nhẹ về tiềm năng sử dụng cần sa y tế trong điều trị ung thư

    Bác sĩ Ondřej Sláma là trưởng khoa cấp cứu chăm sóc giảm nhẹ tại viện ung bướu Masarykov – cơ sở lớn nhất điều trị ung thư tại Cộng hòa Séc. Ông thường sử dụng cần sa trị liệu trong quá trình chăm sóc những bệnh nhân mắc bệnh nan y. Ông là một trong những người tiên phong việc ứng dụng cần sa trong điều trị giảm đau và điều trị ung thư tại Cộng hoà Séc.

    Đọc thêm
    Chat Messenger