Khảo sát việc sử dụng cây gai dầu (Cannabis sativa L.) của người H’Mông (Miêu) khu vực biên giới Trung Quốc / Việt Nam

khao-sat-viec-su-dung-cay-gai-dau-cannabis-sativa-l

Tác giả: Robert C. Clarke1 và Wenfeng Gu2

1Hiệp hội Gai dầu Quốc tế, Postbus 75007, 1070 AA Amsterdam, The Netherlands, Tel/Fax: +31 (0)20 618-8758; e-mail: iha@euronet.nl

2Học viện Khoa học Xã hội tỉnh Vân Nam, Viện Dân tộc học, 45 Qi Xiang Road, Kunming 650032, Yunnan, P. R. China, Fax: +86 (0)871 414-1750; e-mail: skm@ns.tenway.com.cn


 

Khảo sát việc sử dụng cây gai dầu (Cannabis sativa L.) của người H’Mông (Miêu) khu vực biên giới Trung Quốc/Việt Nam của, Robert C. Clarke và Wenfeng Gu, xuất bản năm 1998. Ấn bản của Hiệp hội Quốc tế Cây gai dầu Quyển 5 Tập 1: Bài 1, trang 4-9. Việc sử dụng cây gai dầu (Cannabis sativa L.) theo dòng lịch sử để dệt vải của dân tộc H’Mông (Miêu) ở Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Việt Nam được lưu trữ cẩn thận. Bài viết này giới thiệu các kết quả nghiên cứu thực địa gần đây dọc theo biên giới Trung Quốc/Việt Nam ở phía nam tỉnh Vân Nam, Trung Quốc và Lào Cai, Lai Châu và Yên Bái, miền bắc Việt Nam để khám phá truyền thống sử dụng cây gai dầu trong quá khứ và hiện tại.

Sợi libe gai dầu vẫn được người H’Mông sử dụng để dệt vải và làm các sản phẩm gia dụng khác. Sợi, lá và hạt được sử dụng trong y học, hạt được sử dụng làm thực phẩm cho con người và thức ăn gia súc. Gai dầu tiếp tục vẫn đóng một vai trò quan trọng trong các nghi lễ truyền thống.

Việc sử dụng gai dầu trong những năm gần đây không phổ biến và rộng rãi như trước. Người ta còn đang thảo luận về các lý do văn hóa và kinh tế đã khiến cho việc canh tác và sử dụng cây gai dầu giảm dần.


khao-sat-viec-su-dung-cay-gai-dau-cannabis-sativa-l-cua-nguoi-hmong-mieu-khu-vuc-bien-gioi-trung-quocviet-nam
Hình 1. Người H’Mông Xanh (Miêu) dệt vải bằng khung dệt đai lưng gần Cá Cựu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc

 Giới thiệu

Dân tộc Miêu là một trong những dân tộc thiểu số lớn nhất của Trung Quốc. Họ được gọi là người H’Mông ở Thái Lan, Lào và Việt Nam và còn được gọi là người Mèo ở Việt Nam. Trong bài viết này, chúng tôi gọi người H’Mông hay Miêu là H’Mông, tên mà họ đặt cho mình.

Khu vực chúng tôi nghiên cứu trải dài qua phía nam của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc và bao gồm Lào Cai, Lai Châu và Yên Bái ở miền bắc Việt Nam. Nói chung đây là vùng núi hiểm trở, gồm núi Phan Xi Pan giữa ranh giới tỉnh Lào Cai và Lai Châu, miền bắc Việt Nam đạt độ cao 3.143 mét. Mặc dù người H’Mông sống dàn trải một phạm vi rộng hơn, nhưng những làng chúng tôi nghiên cứu thường là đại diện người H’Mông ở các nước láng giềng.

Hơn bảy triệu người H’Mông Trung Quốc được phân bố chủ yếu ở Quý Châu, Hồ Nam, Vân Nam, Tứ Xuyên, Quảng Đông và các tỉnh Hồ Bắc và khu tự trị Choang tỉnh Quảng Tây (Ủy ban Nhà nước về Công tác Dân tộc 1995). Hơn 896.700 người (điều tra dân số năm 1990) sống tại tỉnh Vân Nam và hơn 607.700 người H’Mông tập trung ở Châu tự trị dân tộc Choang, Miêu Văn Sơn và Châu tự trị dân tộc Cáp Nê, Di Hồng Hà dọc theo biên giới Việt Nam. Có khoảng 558.000 người H’Mông ở Việt Nam, đây là dân tộc thiểu số lớn thứ bảy (Đặng và cộng sự, 1993). Người H’Mông được phân bố ở khắp các vùng cao nguyên trên phần lớn nửa phía bắc của Việt Nam. Nơi tập trung người H’Mông nhiều nhất được tìm thấy ở các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái và Lai Châu dọc theo biên giới phía Bắc với Trung Quốc. Đa số người H’Mông ở miền nam tỉnh Vân Nam và miền bắc Việt Nam sống ở khu vực cao nguyên vùng núi lạnh lẽo trên 1.500 mét. Trong suốt chiều dài lịch sử, người H’Mông được mô tả như những người cư ngụ trong những đám mây và sương mù.

Các nhà nghiên cứu từ nhiều ngành hoặc chỉ nghiên cứu một nhóm người H’Mông (Chindarsi 1976, Tapp 1989), hoặc chia người H’Mông theo ngôn ngữ (Grimes, 1996) hoặc theo phong cách trang phục của họ (Zhao và Shizhao, 1985). Chúng tôi chọn chia người H’Mông theo tên nhánh họ đặt cho mình. Trong một số trường hợp, tên các nhánh người H’Mông cũng giống như tên nhà nghiên cứu phương Tây, Trung Quốc, Việt Nam sử dụng. Người H’Mông Trắng và H’Mông Đen được tìm thấy ở cả miền nam tỉnh Vân Nam và miền Bắc Việt Nam. Người H’Mông Xanh được tìm thấy trên khắp miền nam Vân Nam và H’Mông Hoa và H’Mông Đỏ được tìm thấy khắp miền bắc Việt Nam. Người H’Mông Hoa, Đen, Đỏ và Xanh có thể là tất cả các nhánh của người H’Mông được gọi chung là Người H’Mông Xanh ở Thái Lan (Lewis và Lewis, 1984).

Ngôn ngữ H’Mông là một bộ phận của ngữ hệ H’Mông-Dao (còn gọi là Miêu-Dao hay H’Mông-Miền) thuộc ngữ hệ Hán-Tạng. Người Hmông nói một ngôn ngữ phổ biến và gần như tất cả các nhánh H’Mông có thể giao tiếp với nhau ngay cả khi họ đến từ các vùng xa xôi của tộc người H’Mông.

Lịch sử và truyền thống cây gai dầu

Do lịch sử lâu dài ở Trung Quốc, và cuộc di cư cuối cùng của người H’Mông vào khu vực Đông Nam Á và những vùng xa hơn nữa, việc xác định một dân tộc hoặc nhóm người là tổ tiên của người H’Mông vẫn còn chưa chắc chắn (Reilly 1987). Ngay từ năm 3000 trước Công nguyên, tổ tiên của người H’Mông hiện đại có thể đã sống dọc theo hạ lưu của sông Hoàng Hà và trung và hạ lưu sông Dương Tử. Trong thời Tần-Hán (220 TCN đến 220 SCN), tổ tiên của họ sống ở huyện Vô Tích, thuộc phía tây tỉnh Hồ Nam và phía đông tỉnh Quý Châu ngày nay. Đến thời điểm này, người H’Mông đã thành thạo các kỹ thuật dệt sợi và nhuộm màu từ thực vật (Lin và Zhang 1987). Sách Hậu Hán, Tập 86: “Những Huyền thoại Người Mãn phía Nam và Người Di phía Tây Nam“, của Fan Ye, thời nhà Tống (960-1279 SCN), ghi chép rằng tổ tiên của người H’Mông và Dao dệt và xoắn vỏ cây, rồi nhuộm với cỏ và nước ép trái cây để làm cho quần áo có màu sắc. Người H’Mông tiếp tục di cư về phía tây và đến tỉnh Vân Nam trong thế kỷ 17, thời Minh-Thanh (Zhao và Shizhao 1985). Người H’Mông đầu tiên đến miền Bắc Việt Nam vào cuối thế kỉ 18 và đầu thế kỷ 19 và định cư ở thôn nhỏ tại cao nguyên các tỉnh Hà Giang và Lào Cai. Sự di cư liên tiếp của người H’Mông đến Việt Nam liên quan chặt chẽ đến cuộc đấu tranh chống lại chế độ chính trị ở Trung Quốc của họ (Đặng và cộng sự, 1993).

Trong suốt lịch sử lâu dài, người H’Mông đã có truyền thống phong phú về dệt cây gai dầu. Khi một gia đình đến định cư ở một vùng đất mới, người phụ nữ đều sẽ chọn một mảnh đất ẩm ướt và màu mỡ để trồng cây gai dầu trên đó. Họ đốt cây bụi và cỏ, trộn tro vừa đốt với đất làm phân bón cơ bản và sau đó trồng những hạt gai dầu họ mang theo từ đợt di cư trước. Khi cây gai dầu trưởng thành, họ sẽ quay sợi và dệt áo khoác, váy và quần cho cả gia đình. Nếu một người phụ nữ không thể se sợi và dệt, gia đình họ sẽ không có quần áo. Đây là những kỹ năng quý báu và được dạy dỗ kỹ lưỡng của các cô gái trẻ trong làng, và thậm chí sau vài nghìn năm phát triển và thay đổi, phụ nữ H’Mông hiện đại vẫn quay và dệt sợi gai dầu bằng tay.

Chính phủ hai nước Trung Quốc và Việt Nam đều khuyến khích người H’Mông định cư. Việc cắt giảm phương thức canh tác đốt nương làm rẫy – “chặt và đốt”, như người H’Mông vẫn làm, rất quan trọng đối với việc bảo tồn môi trường sống tự nhiên đang dần bị ô nhiễm ở khu vực biên giới Trung Quốc/Việt Nam. Khi vận tải và thương mại trong khu vực phát triển, nguồn cung bông vải tiếp cận khu vực người H’Mông. Các điều kiện vật chất, giáo dục và kinh tế của người H’Mông được cải thiện, song song với tiến bộ xã hội trên toàn đất nước Trung Quốc và Việt Nam. Ngày nay, người H’Mông đang dần từ bỏ những phương pháp trồng cây gai dầu và tự dệt quần áo truyền thống.

Áo khoác và quần cho đàn ông H’Mông, áo và váy tô điểm cho người phụ nữ H’Mông chủ yếu được làm từ sợi bông vải mềm và các loại sợi tổng hợp ngày càng có sẵn trên thị trường, khiến quần áo có giá cả phải chăng, đầy màu sắc và thoải mái. Việc canh tác cây gai dầu và làm ra một chiếc váy mất hai năm hoặc hơn, tùy thuộc vào trang trí phức tạp thế nào. Dọn dẹp và chuẩn bị đất, trồng gai dầu, chế biến gai dầu, quay sợi và dệt vải đã mất một năm, sau đó mới đến công đoạn nhuộm batik và in các hoa văn. Khi nhuộm vải xong, giai đoạn tiếp theo là khâu váy, thêu và đắp trang trí. Phụ nữ H’Mông hiện đại nghĩ rằng nếu họ trồng cây gai dầu và tự may quần áo, thì đó là công việc khó khăn và lãng phí thời gian của họ. Bây giờ họ có thể mua vải trên thị trường, thời gian dành vào nhiệm vụ khó khăn quay sợi và dệt đã được giảm đi rất nhiều, nhưng họ đang mất đi truyền thống dệt bằng cây gai dầu. Các kỹ năng liên quan đến việc tạo ra chất liệu gai dầu tiếp tục là một nghề thủ công truyền thống văn hóa, và một số cô gái vẫn học dệt, nhưng cây gai dầu không còn là trọng tâm trong đời đối với đa số phụ nữ H’Mông.

Tuy nhiên, một số người H’Mông vẫn trồng cây gai dầu, và vẫn dùng vỏ cây để quay sợi, bện dây, dệt vải, may quần áo và các đồ dùng trong nhà. Rất khó để ước tính tỷ lệ phần trăm các hộ gia đình vẫn tiếp tục dệt gai dầu. Trong một làng, có thể tất cả dân làng đã bỏ dệt gai từ 30 năm trước đây, nhưng ở làng khác gần đó tất cả các hộ gia đình vẫn dệt gai. Nói chung, số lượng các hộ gia đình không dệt gai nhiều hơn rất nhiều các hộ gia đình vẫn dệt gai. Có thể không quá 20-30% các hộ gia đình H’Mông trong phạm vi nghiên cứu dệt sợi gai dầu. Không có dân tộc nào khác trong phạm vi nghiên cứu được biết là dệt sợi gai dầu.

khao-sat-viec-su-dung-cay-gai-dau-cannabis-sativa-l-cua-nguoi-hmong-mieu-khu-vuc-bien-gioi-trung-quocviet-nam-01
Hình 2. Phụ nữ H’Mông Đen đang nối sợi vỏ cây gai dầu khi đang đi chợ ở địa phương tại Sa Pa, tỉnh Lào Cai, Việt Nam.

Thời vụ cây gai dầu

Cây gai dầu có chất lượng tuyệt hảo để dệt được trồng trên vùng đất tốt hơn gần ngôi làng nơi gia súc được nuôi dưỡng và để lại phân. Diện tích của cánh đồng cây gai dầu và số lượng hạt cây gai dầu được gieo được quyết định bởi khả năng dệt của người phụ nữ trong gia đình và nhu cầu quần áo mới. Nói chung, diện tích cánh đồng cây gai dầu của mỗi gia đình có độ lớn đủ để gieo khoảng 2,5 kg của hạt gai dầu. [1]

Khi thời gian gieo hạt đến, phụ nữ rải một lớp phân gia súc dày trên cánh đồng đã được canh tác, trước khi gieo những hạt giống gai dầu và vùi trong đất. Hạt gai được trồng sát nhau như lúa mì. Bằng cách này, các cây gai dầu sẽ mọc cao, mỏng và thẳng, và chất lượng của sợi sẽ được cải thiện. Ở Việt Nam, cây gai dầu thường được xen kẽ với cây ngô. Các hạt giống cây gai dầu được gieo sau khi cây ngô đã cao tới 10-20 cm.

Vòng đời cây gai dầu để lấy sợi thường kéo dài khoảng 3-4 tháng. Phụ nữ H’Mông biết chính xác khi nào là thời gian để thu hoạch. Nếu cây gai dầu được thu hoạch quá sớm, vỏ cây không đủ dai và khỏe. Nếu thu hoạch quá muộn, vỏ cây sẽ quá dày và rất khó để quay thành sợi. Hạt gai dầu được gieo trồng trên một cánh đồng chỉ tối đa trong hai năm trước khi đất bạc màu, và sau đó vụ gai dầu được chuyển tới cánh đồng khác.

Sau khi thu hoạch, phần trên có lá được loại bỏ, thân cây được buộc theo kích thước (cao, trung bình và ngắn) và sau đó được phơi khô dưới ánh nắng mặt trời trong 3 đến 5 ngày.

[1] Đây là số hạt gai dầu cần để gieo trên một nửa mẫu (mu) đất (330 m2) theo người Trung Quốc hiện đại và tỷ lệ gieo hạt là 75 kg/ha theo châu Âu.

khao-sat-viec-su-dung-cay-gai-dau-cannabis-sativa-l-cua-nguoi-hmong-mieu-khu-vuc-bien-gioi-trung-quocviet-nam-02
Hình 3. Người H’Mông Xanh đưa sợi lên khung quay, gần Cá Cựu phía nam tỉnh Vân Nam, Trung Quốc

Xử lý sợi cây gai dầu

Các bó thân cây gai dầu được lưu trữ quanh nhà trong khoảng 20 ngày, sau đó vỏ được bóc ra. Thân cây khô thường được giầm bằng cách ngâm hoặc rẩy nước  trong tối đa hai ngày để làm mềm vỏ trước khi lột. Lấy 2/3 thân cây tính từ rễ, và bóc dần vỏ cây từ ngọn xuống gốc đến khi phần lõi lộ ra. Phần rễ  các sợi vỏ cây vừa tước được buộc thành bó và giã trong cối đá hoặc đập trên một phiến đá cho đến khi sạch hết các phần lõi gỗ còn sót và các sợi vỏ cây trở nên mềm, cuộn tròn, co rút và dễ dàng xoắn lại với nhau. Sau đó, vỏ cây được chia thành các sợi mỏng đủ để quay sợi.

Sợi gai dầu được xoắn bằng cách nối các dải vỏ cây liên tiếp nhau và cuộn chúng vào tay người hoặc vào một chiếc đũa. Tước nhẹ một đầu mỗi sợi gai và xoắn nhẹ để nối chúng lại với nhau, ngọn nối với ngọn, gốc nối với gốc. Đôi khi phụ nữ nhấm nước bọt vào một đầu để giúp liên kết chắc hơn. Việc quay sợi thực tế là một quá trình riêng biệt sau khi nối và xoắn dải vỏ cây. Các sợi gai dầu có thể được nối lại với nhau chỉ khi một tay rảnh. Phụ nữ thường nối và xoắn sợi gai dầu trong khi họ gùi hàng trên lưng, đi chợ, chăn thả dê hoặc đi họp.

Khi tất cả các dải cây gai dầu được xoắn lại với nhau, chúng sẽ được đưa lên guồng kéo sợi. Guồng xe được bốn con suốt một lần. Các sợi gai dầu đã được xoắn lại được xe thành một sợi tròn đều. Một phụ nữ có thể xe sợi gai dầu dành cho một năm trong một hoặc hai ngày.

Các sợi gai được xe xong sẽ được căng lên khung quay để xử lý. Khung quay này làm bằng một cột thẳng đứng cao khoảng một mét làm trục trung tâm và hai cọc tre dài năm mét đặt nằm ngang đan chéo nhau, quay quanh cột dọc kia. Sau khi dựng xong khung quay, thợ dệt buộc một đầu sợi vào một đầu cọc chéo và xoay tròn, kéo căng sợi vào các đầu cọc chéo tạo thành hình vuông. Chu vi của sợi trải căng trên khung quay là gần 16 mét. Sau khi quấn thành một cuộn dây dài, lấy sợi ra khỏi khung quay và liên tục đun trong nước tro bếp hoặc vôi khoáng để tẩy trắng. Trong lần đun sôi cuối cùng, thêm một chút sáp ong để làm mượt sợi. Cuộn gai dầu đã được xử lý được đặt theo chiều như cũ trước khi khung được quay theo chiều ngược lại để kéo sợi xuống giỏ.

Bước tiếp theo là dệt, đặt chiều rộng thực của mảnh vải, thường là khoảng 20 đến 30 cm giữa hai biên vải. Người ta túm đầu 4 -12 sợi đi dọc các cọc gỗ được đóng xuống sân để ghim sợi vào. Phụ nữ H’Mông sử dụng một trong hai loại khung dệt, khung dệt thủ công đai lưng hoặc khung dệt gỗ tự động căng vải. Đối với khung dệt thủ công, người ta dùng đai quấn quanh lưng để kéo căng sợi, dùng một chân giật sợi dây để kéo từng dây go (một bó dây được nối với từng sợi dọc). Đối với khung dệt tự động hiện đại hơn, người ta dùng hai chân nhấn vào bàn đạp để kéo một cặp khung go, một số khung dệt hiện đại, sợi ngang được luồn ngang bằng con thoi giữa các hàng sợi dọc.

Sau khi dệt xong, thợ nhuộm batik H’Mông trải mảnh vải gai trên bàn, đun sáp trong nồi nhỏ và vẽ hoa văn trên mảnh vải bằng một con dao sáp. Sau đó vải được nhúng trong thuốc nhuộm chàm ba đến bốn lần, hoặc nhiều hơn, để tăng màu xanh lam. Khi sáp tan chảy hết bằng cách đun sôi trong nước, các hoa văn màu trắng hiện lên giữa các mảng màu xanh da trời vừa được nhuộm. Màu xanh lam là màu nhuộm phổ biến nhất của người H’Mông, và họ sử dụng cả thuốc nhuộm chàm tự nhiên và nhân tạo để tạo các sắc độ từ màu xanh lam đến gần đen. Các hoa văn thường được vẽ tay theo trí nhớ.

khao-sat-viec-su-dung-cay-gai-dau-cannabis-sativa-l-cua-nguoi-hmong-mieu-khu-vuc-bien-gioi-trung-quocviet-nam-03
Hình 4. Phụ nữ H’Mông Hoa dệt bằng khung tự căng vải gần Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, Việt Nam

Kiểu dáng trang phục

Kiểu dáng của những bộ trang phục truyền thống của phụ nữ H’Mông, và của một số đàn ông, là đặc trưng của một nhánh cụ thể của dân tộc Miêu. Không phải tất cả các nhánh của dân tộc H’Mông sử dụng cây gai dầu theo truyền thống. Việc sử dụng phổ biến nhất của dệt sợi gai dầu dường như là ở tỉnh Vân Nam của Trung Quốc và Lào Cai, Lai Châu và Yên Bái và các tỉnh phía bắc Việt Nam. Các nhánh dân tộc H’Mông sử dụng thuốc nhuộm chàm thường được gọi chung là người Miêu Xanh. Họ được coi là những thợ nhuộm batik đông nhất và nhiều nhánh sử dụng quần áo làm từ sợi gai dầu. Kiểu dáng trang phục mà Zhao và Shizhao (1985) mô tả như các đặc trưng của người Miêu Tứ Xuyên-Quý Châu-Vân Nam, cũng có thể được xếp là nét đặc trưng của người H’Mông Xanh.[2]

Chiếc váy gai xếp li thường được nhuộm batik là một đặc điểm phổ biến của tất cả kiểu dáng dệt từ cây gai dầu. Rõ ràng người H’Mông Xanh là một dân tộc duy nhất trong lục địa Đông Nam Á có kỹ năng nhuộm batik (Lewis và Lewis 1985:).

Phụ nữ H’Mông tôn trọng những chiếc váy gai dầu vì chiều dài và độ bền, suôn tự nhiên và được coi là phù hợp với cuộc sống ở vùng núi. Váy gai có nếp cố định là một biểu tượng của dân tộc Miêu, hiện được công nhận trên toàn thế giới. Theo thần thoại H’Mông, váy gai “trăm nếp” đại diện cho chiếc ô mà một trong những nữ thần của họ mang theo để tạo ra bầu trời. Những thiết kế váy batik của người H’Mông mô tả lịch sử, các cuộc chiến tranh, các tuyến di cư, lãnh thổ bản địa của họ, v.v (Khuyết danh, 1994). Các nhánh dân tộc H’Mông khác nhau được đại diện bởi các biến thể nhỏ trong hình vẽ trên váy phụ nữ. Từ những thứ trang trí trên váy phụ nữ, người H’Mông có thể biết nếu tổ tiên của mình đến từ các dãy núi hoặc sống dọc theo các thung lũng sông.

Trong nhiều trường hợp, những chiếc váy này là một phần của hồi môn của người phụ nữ, và một dấu hiệu không chỉ về khả năng nghệ thuật của cô gái, mà còn là sự sung túc của gia đình. Váy xếp li cô dâu và gia đình cô làm ra thường được trưng bày trước người thân và bạn bè khi cô dâu trẻ sẵn sàng rời khỏi nhà của mẹ đến gia đình nhà chồng (Reilly, 1987). Khi con gái kết hôn, mẹ cô cũng có thể cho cô gái một chiếc váy đặc biệt dành cho đám tang của cô.

Người H’Mông Trắng ở huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu miền bắc Việt Nam vẫn mặc váy xếp li màu trắng tinh truyền thống không nhuộm chàm hoặc trang trí thêm. Trong các khu vực khác, phụ nữ H’Mông đã không mặc váy xếp ly truyền thống trong cuộc sống hàng ngày, nhưng vẫn tiếp tục dệt và sử dụng gai dầu. Người H’Mông Trắng ở gần huyện Kim Bình của tỉnh Vân Nam hiện mặc quần ống rộng làm từ gai dầu khi làm đồng, mặc dù họ giữ một chiếc váy gai trắng để mặc khi chết. Người H’Mông Đen ở huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai ở miền bắc Việt Nam không mặc váy như người Hmông Đen của huyện Phong Thổ gần đó và huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam. Những người đàn ông và phụ nữ H’Mông Đen ở Sa Pa mặc áo khoác không tay màu chàm đậm làm từ những mảnh vải gai dầu được láng bóng, khổ rộng dưới 52 inch (khoảng 132 cm). Những người phụ nữ cũng có thắt lưng to bản làm từ gai dầu có mảnh thêu sau lưng.

Người Hmông Xanh ở miền nam tỉnh Vân Nam cũng may áo khoác ngắn cho nam giới và quần cho phụ nữ từ vải gai dầu nhuộm chàm được láng bóng. Người H’Mông Hoa của huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai theo truyền thống mặc váy gai nhuộm chàm sọc nổi tương tự như dân tộc láng giềng huyện Văn Sơn ở miền nam tỉnh Vân Nam.

[2] Trong suốt tác phẩm của mình (1985), Zhao và Shizhao không đề cập cụ thể đến cây gai dầu. Dù họ luôn gọi trực tiếp “lanh” trong phiên bản tiếng Anh, các tác giả dùng từ “ma” (tài mà) và không gọi là “cây gai dầu” trong nguyên bản tiếng Trung. Váy và trang phục trong cuốn sách này theo quan sát cá nhân được làm từ gai dầu nhưng có lúc có thể được làm từ sợi bông hoặc sợi gai.

Nghi thức tang lễ

Người H’Mông vận đồ gai dầu không chỉ trong cuộc sống, mà còn cả để sang thế giới bên kia. Khi một người phụ nữ H’Mông già qua đời, người ta phải mặc cho bà một chiếc áo khoác gai dầu, váy gai dầu và xà cạp gai dầu. Đàn ông H’Mông phải mặc một chiếc áo choàng gai dầu dài. Đàn ông và phụ nữ đều đi giày gai dầu. Người H’Mông tin rằng khi người chết đi giày gai dầu, họ có thể “lội qua sông sâu bướm và băng qua núi sâu xanh một cách an toàn để đoàn tụ với tổ tiên của họ”.

Những người phụ nữ H’Mông giữ váy gai dầu cho đám tang của họ, nhưng họ mặc quần áo bán trên thị trường trong cuộc sống hàng ngày. Khi một người phụ nữ ngừng dệt gai dầu, cô sẽ dệt đủ vải để làm cho cô một chiếc váy và cho chồng cô một chiếc áo choàng. Ít nhất 12 mét vải gai dầu màu tự nhiên và một cuộn vỏ cây gai dầu để may vải liệm, giày và dây được để dành cho mỗi người già trong gia đình theo dự đoán của họ khi nào qua đời. Cuộn vải và cuộn vỏ cây này được gọi là “bùa ngải” trong đám tang.  Nếu các gia đình không để dành gai dầu, thì vải và vỏ cây cần cho đám tang phải được mua từ các hộ gia đình lân cận bởi vì “người chết cần vải gai dầu”.

Mỗi người con trai và con gái phải cung cấp quần hoặc váy gai dầu cho bố hoặc mẹ đã mất để được mặc trong quan tài, và vải liệm khổ rộng 2.8m (khoảng 120 inch) được làm từ hai mảnh gai dầu khâu lại với nhau dọc theo bìa vải, phủ lên thi hài từ đầu đến chân. Tấm vải liệm được đặt dưới thi hài bên trong quan tài. Thi hài có thể được mặc nhiều quần áo, từ 9 đến 12 bộ. Nếu người chết có nhiều quần áo không mặc được nữa, thì chúng được đặt trên thi hài khi đang trong nhà và dưới thi hài khi trong quan tài. Nếu quan tài không chứa hết quần áo, chúng được cắt nhỏ ra và rải trên nóc của ngôi mộ.

Thi hài đàn ông H’Mông Trắng mặc một chiếc áo khoác dài màu trắng có miếng đắp cổ hình chữ nhật có thêu sau gáy và thi hài phụ nữ được mặc váy trắng truyền thống với dây lưng màu trắng có thêu. Đàn ông và phụ nữ đều mặc xà cạp gai dầu màu trắng. Đàn ông và phụ nữ đều được đi ba đôi giày. Đôi trong cùng được làm từ vải gai dầu trắng, đôi thứ hai là giày hình cái thuyền đế vải và đôi thứ ba là dép quai hậu làm từ vỏ cây gai dầu xoắn và bện để chỉ đường cho người chết sang thế giới bên kia. Vải gai dầu phải được sử dụng cho trang phục người chết nếu không tổ tiên sẽ không nhận ra linh hồn của người chết trong thế giới bên kia. Nếu một người được chôn cất mà không có miếng đắp cổ đó, thì “thần giữ cổng trời sẽ khước từ linh hồn người chết”. Thi hài được buộc lên cáng. Cáng được treo từ vì kèo bằng dây gai dầu. Dây treo dùng trong tang lễ phải được làm từ gai dầu.

Trong đám tang của người H’Mông Đen, thi hài cũng được mặc quần áo gai. Một số mảnh vải gai dầu màu tự nhiên được treo thẳng đứng trên quan tài từ phía trên cùng của bức tường đối diện với cửa. Chiếc quan tài là “con ngựa” và vải gai dầu là “dây dắt”, sẽ “dẫn con ngựa đến thế giới bên kia”. Đối với người H’Mông ngày nay, cây gai dầu là quan trọng trong cõi âm hơn trong cuộc sống.

Cây gai dầu sử dụng làm thực phẩm

Theo truyền thống, hạt cây gai dầu được sử dụng như đồ ăn vặt, hoặc rang và được giã ra để lấy dầu. Dầu được nấu với trà làm thức uống. Hạt gai dầu được ngâm trong nước và xát giữa hai viên đá lớn. Dung dịch sánh như dầu được sử dụng để nấu thức ăn. Ngày nay, người H’Mông hiếm khi ép hạt gai lấy dầu.

Hạt gai vẫn được nướng và ăn như đồ ăn vặt. Hạt cũng được dùng làm một món ăn dạng như đậu phụ. Hạt được nghiền trong cối xay đá và đặt vào trong một cái túi vải gai. Đổ nước sôi lên hạt và vắt để ép nước và bã hạt. Đun nước có màu sữa vừa thu được và để đông. Bã hạt và vỏ hạt được cho lợn ăn.

Cây gai dầu sử dụng trong y tế

Phương pháp chữa bệnh của người H’Mông phần lớn dựa vào nguyên nhân gây bệnh và cách chữa trị siêu nhiên. Người H’Mông sử dụng một số liệu pháp thảo dược. Hạt, lá và thân cây gai dầu được sử dụng với các chỉ dẫn khác nhau.

Hạt sống được nhai kỹ và đắp lên trán như một cách giảm đau đầu, đắp trên mí mắt để giảm đau mắt và căng mắt, và đắp trên vết bỏng bóng nước để giảm đau và mau lành. Hạt đã xay được đun sôi lấy nước bôi trên da để điều trị tại chỗ các rối loạn về da như ngứa. Món “đậu phụ” làm từ hạt gai dầu được cho là tốt cho các chứng đau dạ dày.

Lá, hoa và hạt được nghiền với nhau rồi được đun sôi để sử dụng như một thuốc đắp trên bụng để làm giảm đau dạ dày. Người H’mông đun sôi lá gai dầu với nước rồi uống như một phương thuốc thảo dược làm giảm táo bón và giúp bài tiết trơn tru. Đun sôi lá với nước rồi uống để chữa bệnh sởi ở trẻ em. Thảng hoặc có một số người đàn ông H’Mông lớn tuổi cũng hút gai dầu để “xua tan phiền muộn” nhưng họ không hút hàng ngày.

Khi ai đó chạm vào cây cỏ gây viêm tấy, vết phát ban lan rộng được điều trị bằng cách lấy tro thân cây gai dầu đun trong nước. Dung dịch này được cọ xát khắp cơ thể để làm giảm sưng và ngứa. Vỏ cây gai dầu được đốt lên, tro được trộn với nước và sau đó nuốt để chữa nôn mửa. Vỏ cây được đun sôi trong nước và sau đó vo lại rồi nuốt để làm giảm tiêu chảy. Vỏ cây được nhúng nước cũng được quấn quanh vết bỏng.

Các công dụng khác

Sợi gai dầu cũng được sử dụng để làm dây buộc động vật, buộc hàng hóa lên ngựa và để bó củi. Người H’mông làm dây bện từ cây gai dầu và lấy gai dầu để làm dây cung chắc nhất.

Bao tải được làm từ các sợi gai dầu mịn hơn được khâu vát hai bên. Người ta vận chuyển ngũ cốc bằng các bao tải dài, xoắn miệng bao lại và buộc lên yên ngựa.

Khi người H’Mông thu hoạch gai dầu, họ trải lá lại để làm giàu cho đất. Lá tươi cũng được cho lợn và dê ăn.

Bã thân cây đã bóc vỏ phơi khô được dùng làm củi mồi cho nhóm lửa nấu ăn. Trong quá khứ, không có điện, và những người phụ nữ H’Mông đốt bã gai lấy ánh sáng khi họ bóc vỏ cây từ thân cây thành sợi. Bã gai cũng tốt để nhồi gối, và thân cây được sử dụng cho dựng hàng rào cho động vật tạm thời hoặc làm giàn cho cây leo.

Kết luận

Canh tác và chế biến cây gai dầu là trách nhiệm của những người phụ nữ H’Mông. Tại các vùng vẫn thực hành dệt gai, hầu hết thời gian của phụ nữ trong suốt cả năm là may quần áo, sau khi hoàn thành các công việc cần thiết hàng ngày. Họ cống hiến cuộc đời mình cho nghề thủ công này. Dệt gai dầu vẫn là một thước đo qua đó phẩm hạnh của một người phụ nữ được cộng đồng đánh giá.

Các điều kiện thị trường đang thay đổi đã mang hàng dệt may từ sợi bông và sợi tổng hợp từ các nhà máy đến các vùng xa xôi nhất của vùng nông thôn H’Mông. Ngày càng nhiều phụ nữ mua hàng dệt may hiện đại và càng trồng ít gai hơn. Việc tiếp nối truyền thống dệt gai dệt tương quan tiêu cực với tiêu chuẩn cuộc sống tăng lên, cải thiện cơ sở hạ tầng và tiếp xúc với thị trường hàng hóa. Có lẽ những người H’Mông nghèo nhất sống ở làng mạc xa chợ vẫn tiếp tục dệt sợi gai dầu.

Hạt gai dầu đôi khi được sử dụng như nguồn thực phẩm. Thuốc được bào chế từ hạt, lá và thân cây gai dầu. Các loại thuốc được sử dụng chủ yếu như thuốc mỡ bôi cho các rối loạn về da, nhưng cũng có thể được hấp thụ vào trong cơ thể.

Mặc dù một số cộng đồng H’Mông ở nông thôn vẫn còn truyền thống liên quan đến cây gai dầu, nhưng việc trồng gai đang dần mai một như một thông lệ trong nhiều khu vực và chỉ được một số người già gìn giữ như một phần quan trọng của di sản văn hóa độc đáo của họ. Tuy nhiên, cây gai dầu duy trì một ý nghĩa mạnh mẽ trong truyền thống tang lễ người H’Mông.


Tài liệu tham khảo

  • Khuyết danh.1994. The Folk Arts of Yunnan Ethnics (Tạm dịch: Nghệ thuật dân gian của dân tộc Vân Nam). Nhà Xuất bản Nhân dân tỉnh Vân Nam, Côn Minh: trang 10, 33-35, 64-68, 73, 120, 123, 125.
  • Nusit Chindarsi. 1976. The Religion of the H’mong Njua (Tạm dịch: Tín ngưỡng của người H’Mông Xanh). Siam Society, Băng Cốc.
  • Đặng Nghiêm Vạn, Chu Thái Sơn và Lưu Hùng. 1993. Dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Nhà Xuất bản Thế Giới, Hà Nội: trang 142-148.
  • Barbara F. Grimes.1996. (Biên tập) Ethnologue, phiên bản thứ 13, Summer Institute of Linguistics, Inc. WWW@sil.org
  • Paul Lewis và Elaine Lewis 1984. Peoples of the Golden Triangle -Six tribes in Thailand (Các Dân tộc của Tam Giác Vàng – Sáu bộ lạc ở Thái Lan). Nhà Xuất bản Thames and Hudson, Luân đôn.  Lin Yaohua & Zhang Fumin. Chương Nghiên cứu và Phân tích trang phục Người Miêu Trung Quốc, Cuốn Richly Woven Traditions – Costumes of the H’Mông of Southwest China and Beyond (Tạm dịch: Truyền thống dệt phong phú – Trang phục của người H’Mông ở Tây Nam Trung Quốc và các nơi khác). Viện Trung Quốc ở Mỹ biên tập: trang 11-19
  • Theresa M. Reilly.1987. Chương The Miao of Southwest China and beyond (Người Miêu ở Tây Nam Trung Quốc và các nơi khác). Cuốn Richly Woven Traditions – Costumes of the H’mong of Southwest China and Beyond (Tạm dịch: Truyền thống dệt phong phú – Trang phục của người H’Mông ở Tây Nam Trung Quốc và các nơi khác). Viện Trung Quốc ở Mỹ biên tập: trang 19-29.
  • Ủy ban Nhà nước về Công tác Dân tộc. Dân tộc thiểu số của Trung Quốc. Nhà Xuất Bản Tranh Ảnh Trung Quốc, Bắc Kinh: trang 17
  • Nicholas Tapp. 1989. Sovereignty and rebellion – The White H’mong of northern Thailand (Tạm dịch: Chủ quyền và Nổi dậy Người H’Mông Trắng ở miền Bắc Thái Lan) Nhà Xuất bản Đại học Oxford, Singapore.
  • Zhao, Y. và K. Shizhao biên tập. 1985. Clothings and Ornaments of China’s H’mong People (Tạm dịch: Trang phục và phụ kiện của người H’Mông Trung Quốc). Nhà Xuất bản Nationality Press, Bắc Kinh: Lời nói đầu trong Richly Woven Traditions – Costumes of the H’mong of Southwest China and Beyond (Tạm dịch: Truyền thống dệt phong phú – Trang phục của người H’Mông ở Tây Nam Trung Quốc và các nơi khác): Lời nói đầu

Nguồn: druglibrary

Dịch giả: Minh Hạnh

 

    ĐĂNG KÝ NHẬN TIN TỨC


    *Tôi đồng ý nhận cập nhật tin tức mới nhất trong tương lai.

    Bài viết được xem nhiều nhất

    Bài viết liên quan

    AgriFutures Australia trien khai chuong trinh nghien cuu tri gia 25 trieu do la Uc de thuc day san xuat cay gai dau cong nghiep
    # Cây gai dầu

    AgriFutures Australia triển khai chương trình nghiên cứu trị giá 2,5 triệu đô la Úc để thúc đẩy sản xuất cây gai dầu công nghiệp

    Số tiền này sẽ được đầu tư trong 5 năm để thực hiện nghiên cứu vào bốn lĩnh vực chính – hạt và giống cây gai dầu, sản xuất sơ cấp, sản phẩm từ cây gai dầu và tính bền vững.

    Đọc thêm
    Mot so terpene pho bien duoc tim thay trong cay gai dau
    # Cây gai dầu

    Một số terpene phổ biến được tìm thấy trong cây gai dầu

    Các tecpen gai dầu được biết đến với nhiều mùi hương đa dạng và những lợi ích sức khỏe tiềm ẩn. Các hợp chất này được tìm thấy trong các tuyến nhựa của hoa và lá cây gai dầu chúng được sản xuất cùng với các cannabinoid như CBD (cannabidiol).

    Đọc thêm
    Các cơ quan Hoa Kỳ cảnh báo 7 công ty CBD tuyên truyền các thông tin sai lệch về sức khỏe cộng dồng liên quan dến dại dịch COVID 19
    # Cây gai dầu

    Tính linh hoạt và tính bền vững của cây gai dầu – cơ hội lớn cho các nước đang phát triển

    Gai dầu là một loại cây tuyệt vời. Mọi bộ phận của cây đều được ứng dụng. Cây gai dầu cũng được biết đến nhờ khả năng hấp thụ nhiều carbon dioxide trên mỗi ha so với hầu hết các loại cây trồng khác. Được trồng hàng nghìn năm, loại cây thân thiện với môi trường này có thể được sử dụng trong các sản phẩm thực phẩm, nhiên liệu sinh học, dệt may và thậm chí cả vật liệu xây dựng.

    Đọc thêm
    Chat Messenger