Cần sa là loài cây bản địa của Ấn Độ, nhưng tại đây nó lại là thứ bất hợp pháp, và đời sống nông dân miền núi trông cậy vào việc canh tác loại cây này.
Ngôi làng trồng cần sa trên đỉnh núi Himalaya
Trên dãy Himalaya của Ấn độ, những ngôi làng nhỏ có thể sống sung túc là nhờ vào việc canh tác cây cần sa.
Đây là một ngôi làng trong số đó, nằm vắt vẻo trên độ cao hơn 2700 mét. Để đến được ngôi làng, chúng tôi chỉ có thể đi bộ, và chuyến đi mất khoảng 3 giờ. Dân làng cho biết, đến giờ thì vụ canh tác này cũng khá ổn, bởi cảnh sát chỉ mới đến đây phá bỏ cây có 2 lần thôi, mà số lượng cây đó chỉ như muối bỏ biển. Cần sa sinh sôi rất mạnh mẽ trên đỉnh Himalayas thuộc Ấn Độ, và ngăn cấm canh tác bất hợp pháp tại đây hầu như là một điều bất khả thi.
Sau khi thu hoạch cần sa (giống indica), người nông dân bỏ hàng giờ dùng tay chà xát những búp hoa để chế biến thành charas, một loại hashish có chất lượng thuộc hàng bậc nhất thế giới. Ở Phương Tây, giá một gram charas có thể lên đến 20 đô la. Dù cần sa bất hợp pháp ở Ấn Độ nhưng do nghèo khổ nên nhiều dân làng vẫn sản xuất charas như một kế sinh nhai.
Charas mỗi năm lại tăng thêm giá trị, nhưng đời sống của người canh tác vẫn khá chật vật. Hầu hết những thửa ruộng trồng cần sa rất nhỏ bé, và phải cần tới 50 búp cần sa lớn để sản xuất được 10 gram charas.
Các sadhu (những tu sĩ Hindu giáo đến dãy Himalayas để hành thiền) là những người đầu tiên làm ra charas. Khi dân hippie theo chân các sadhu tràn đến ngọn núi này vào thập niên 70, những người bản địa – vốn hút một loại hỗn hợp thô pha trộn giữa nhựa và một số thành phần khác của cây cần sa – cũng bắt đầu sản xuất charas. Ngày nay, vẫn theo kỹ thuật ấy, ước tính dân làng sản xuất được hàng tấn charas mỗi năm. Không có một thống kê chính thức nào về sản lượng charas hay canh tác cần sa tại đất nước này. Bởi vì cần sa bất hợp pháp tại Ấn Độ, chính phủ Ấn chưa bao giờ tiến hành một cuộc khảo sát quy mô lớn để đánh giá về ngành sản xuất cần sa trong phạm vi nước họ.
Cần sa là giống cây bản địa nên cảnh sát rất khó truy nguyên ra người sản xuất – bởi họ không ngừng di chuyển những thửa ruộng cần sa lên cao hơn trên núi để tránh sự truy quét. Hàng ngàn gia đình trong vùng sống được nhờ sản xuất charas. Nông dân không chỉ bán nhựa cần sa cho khách nước ngoài mà còn cho cả người Ấn đến từ những thành phố lớn. Nhu cầu gia tăng; các nhà nghỉ hay các địa điểm phục vụ hút charas cũng không ngừng mọc lên sau mỗi mùa.
Mặc dù ngành buôn bán cần sa ngày càng nở rộ và phức tạp, nhưng thời gian như ngừng lại phía bên này dãy núi. Cuộc sống vẫn tiếp diễn theo nhịp độ của tự nhiên. Những ngôi làng rải rác trên những triền núi dốc Himalaya, những ngôi nhà đầy sắc màu có mái lợp đá phiến tối sẫm. Có một máy nước ở giữa làng, một ngôi đền cổ, và một vài cửa hàng bán xà phòng, thuốc lá, đậu, gạo, và bột mì.
Lịch sử của cây cần sa ở Ấn Độ đã có từ hàng ngàn năm trước. Điều này được đề cập trong kinh điển Vệ đà. Tương truyền rằng Thần Shiva đã tọa thiền trên những đỉnh núi tuyết của dãy Himalaya và ăn hoa cần sa. Vậy nhưng ngày nay, tất cả đều xoay quanh chuyện làm ăn, dân làng bán charas để sống qua ngày.
Cộng đồng Himalaya là những người giàu tự trọng và kín tiếng. Họ làm việc nhiệt tình, sống trong điều kiện khắc nghiệt và thường không có lựa chọn nghề nghiệp thay thế. Nhiều nông dân chưa từng trồng trọt bất cứ thứ gì hợp pháp trong đời. Sự canh tác, sản xuất, sử dụng, và khung cảnh nơi đây đều thấm nhuần tinh thần tôn giáo.
Cùng với nhiều nước khác, Ấn Độ đã tham gia cuộc chiến chống ma túy toàn cầu vào năm 1961 bằng cách ký kết Công ước riêng của LHQ về Ma túy. Nhưng không phải mọi người đã sẵn sàng từ bỏ cần sa – thứ từ lâu đã là một phần của nghi thức tôn giáo và lễ hội. Phải mất 24 năm để Ấn Độ đưa được sự cam kết của mình thành luật. Vào năm 1985, chính phủ Ấn đã chính thức cấm cần sa.
Romesh Bhattacharji, cựu ủy viên chống ma túy của Ấn Độ cho hay: “Gần 400 trong số 640 quận ở Ấn Độ có trồng cây cần sa. Đã đến lúc chính phủ Ấn Độ phải ngừng theo đuôi các chính sách do Liên hiệp quốc hậu thuẫn: từ năm 1985, việc sử dụng cần sa và trồng trọt đã chỉ tăng nhanh thêm. Sự cấm đã hoàn toàn thất bại.”
Tom Blickman, thuộc Viện nghiên cứu xuyên quốc gia của Hà Lan, cho hay: “Nghĩa vụ loại bỏ cần sa tại các nước sử dụng rộng rãi là một ví dụ rõ ràng về nền thực dân thuộc địa của Công ước [Liên hiệp quốc]. Trong bối cảnh ngày nay, điều đó sẽ không bao giờ thành công.”
Nguồn: nationalgeographic
Dịch giả: Vân Trang
Xem thêm: Câu chuyện cần sa y tế điều trị bệnh ung thư
Xem thêm: Góc nhìn mới về cannabis tại Việt Nam – HempToday Podcast
Đơn Vị Tài Trợ: